(Phunutoday) - Bố mẹ nổi tiếng, con cái thật hãnh diện. Được sống trong những ngôi biệt thự sang trọng, mặc những bộ quần áo hàng hiệu và chơi thứ đồ chơi đắt giá... với nhiều đứa trẻ bình thường, đó là một cuộc sống thần tiên. Thế nhưng, điều này cũng gây không ít áp lực lên chúng. Con cái của đại gia, của người nổi tiếng phải gánh trên đôi vai bé nhỏ biết bao kỳ vọng.
Chiếc bóng của bố, tượng đài của mẹ
[links()]
Những cậu ấm cô chiêu này được hưởng những điều kiện quá thuận lợi khi sinh ra trong một gia đình có cha mẹ là người nổi tiếng. Ngay từ khi ra đời, cuộc sống của những đứa trẻ này đã được bọc trong những lớp nhung mềm mại. Chúng được hưởng sự chăm sóc, bảo vệ đặc biệt, đôi khi quá cẩn thận từ cha mẹ và một đội ngũ những bảo mẫu và vệ sĩ.
Nhưng điều khiến bọn trẻ phải chịu áp lực hơn cả là những cặp cha mẹ siêu sao thường kỳ vọng rất nhiều vào các con mình. Họ mong bất cứ điều gì con mình làm cũng phải tốt hơn những đứa trẻ đồng lứa khác. Với các bậc phụ huynh này, con cái họ hết sức đặc biệt và sẽ lớn lên để trở thành những người giỏi giang. Vô tình, họ đặt lên đôi vai bé nhỏ của con một gánh nặng trách nhiệm quá lớn.
"Giỏi giang gì đâu, nhờ bố chơi thân với thầy hiệu trưởng trường mình nên mới được thế", hay "Nhà giàu nên... thiếu gì cách để trở thành thủ khoa". (Ảnh minh họa) |
Bố Ly Ly là giáo sư của một trường đại học tại TP HCM, nay chuyển sang làm giám đốc kinh doanh của một tập đoàn đa quốc gia, mẹ là nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng. Nếu không ở trong hoàn cảnh của cô, có lẽ chẳng ai hiểu được áp lực cô đã trải qua khi làm con của những người quá giỏi.
Từ những năm học cấp 1 đến khi lên đại học, Ly Ly đều nằm trong "top 10" của trường. Mọi người nhìn nhận việc đó như một điều đương nhiên. "Con của bố Minh phải giỏi như vậy chứ!", rồi: "Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh mà".
Chẳng ai biết để giữ vững "phong độ", Ly Ly phải thức đêm thức hôm, nỗ lực lắm mới đạt kết quả như vậy. Cô chẳng có thời gian kết bạn hay tìm cho mình những thú giải trí riêng. Cô bé "con nhà nòi" luôn được thầy cô kỳ vọng là người có lời giải cho những bài toán khó, những câu hóc búa mà các bạn trong lớp đều chào thua.
Thế nhưng, dường như cô thông minh xuất chúng vẫn chưa đủ. Nhiều lần, Ly Ly đã cắn môi đến bật máu khi mọi người tỏ ý nghi ngờ: "Mẹ cháu giỏi thế, sao cháu lại không có chút tư chất nghệ thuật nào vậy?". Bản thân cô nhiều lúc cũng thấy nghi ngờ.
Mỗi lần nhìn mẹ múa những ngón tay trên phím dương cầm, Ly Ly tự hỏi mình có phải là con của mẹ? Sao cô không đẹp như mẹ, không có máu nghệ sĩ, không có khả năng cảm thụ âm nhạc tinh tế như bà?
Ngày còn nhỏ, vào dịp nghỉ hè, cô bé 10 tuổi Ly Ly thường xuyên tháp tùng mẹ mỗi khi bà đi lưu diễn. Thế nhưng, Ly Ly không hề hào hứng với những chuyến đi ấy. Dần dần, cô bé từ chối đi cùng mẹ. Điều này cũng có nghĩa cô phải lớn lên trong sự thiếu vắng vòng tay chăm sóc của bố mẹ.
Có khi cả tháng trời, Ly Ly mới được gặp bố hoặc mẹ. Hiếm khi nào, gia đình cô ăn một bữa cơm có đầy đủ ba thành viên. Bạn bè, người ngoài không khỏi ganh tỵ với cuộc sống đầy đủ, những món quà đắt tiền bố mẹ mua về cho cô sau những chuyến đi công tác dài ngày. Nhưng thỉnh thoảng, Ly Ly vẫn mơ ước bố mẹ mình là những người bình thường.
Như vậy, mọi nỗ lực của cô sẽ được công nhận một cách công tâm. Điều quan trọng nhất là Ly Ly sẽ được gặp bố mẹ bất cứ khi nào cô muốn chứ không phải chỉ nghe tiếng của họ qua những chiếc điện thoại di động đời mới nhất.
Khác với Ly Ly, đỗ thủ khoa lớp Toán của trường chuyên bằng chính lực học của mình, nhưng Hoàng (Khối chuyên Toán - Đại học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội) lại luôn nhận được những lời bàn tán, những thông tin từ "thông tấn xã con vịt" chỉ vì bố làm sếp “ bự” như: "Giỏi giang gì đâu, nhờ bố chơi thân với thầy hiệu trưởng trường mình nên mới được thế", hay "Nhà giàu nên... thiếu gì cách để trở thành thủ khoa".
Bởi thế, Hoàng tự nhủ lúc nào cũng phải cố gắng, cố gắng hơn nữa để phủ nhận đi những lời xầm xì. Không cho phép mình có điểm kém hơn bất kì ai trong các bài kiểm tra, miệt mài phấn đấu với các kì thi học sinh giỏi, “chạy đua” với rất nhiều danh hiệu và thành tích khác nhau khiến Hoàng lúc nào cũng mệt mỏi. Nhiều lúc, Hoàng chỉ ước, giá nhà mình… đừng giàu, bố đừng làm to.
Những bạn trẻ là con nhà giàu hầu hết đều có bố hoặc mẹ là những người thành đạt và giỏi giang, vì thế áp lực đặt lên vai họ làm sao để vượt qua được cái bóng quá lớn của cha mẹ là một điều không hề dễ dàng.
Nhiều khi chính năng lực thực sự của họ lại không được công nhận mà luôn bị che phủ bởi những suy nghĩ và lời nói. Dường như tất cả những gì con nhà giàu đạt được đều bị quy chụp là “nhờ” có bố mẹ nên mới có được.
Nỗi khổ cũng khác người…
Ngay từ những ngày mới bắt đầu nhận lớp, bạn bè đã "rỉ tai" nhau về mức độ giàu có của gia đình Hoàng Linh (lớp 12 trường THPT Kim Liên). Theo những thông tin được truyền đi khắp nơi thì bố Linh làm giám đốc một công ty xây dựng lớn, mẹ lại sở hữu mấy cửa hàng thời trang, gia đình có biệt thự "hàng khủng", xe hơi hạng sang...
Tuy nhiên, đi kèm với những điều đó là: "Nhà giàu thế chắc con nhỏ đó chảnh lắm", rồi: "Lại một nàng tiểu thư con nhà sếp, đỏng đảnh khó chiều, khó chơi ấy mà"... Do mang "tiếng xấu" ngay từ đầu nên Linh bị các bạn đối xử rất e dè, thậm chí mỗi khi cô nàng làm gì cũng bị soi mói, nói này, nói nọ.
Diện một "bộ cánh" hơi điệu một chút, y như rằng bị xì xào: "Xài hàng hiệu, chơi nổi đó". Muốn mời bạn bè đi ăn vặt một bữa, y như rằng bị nói xa nói gần: "Thể hiện rằng mình là con nhà giàu, lắm tiền chăng?". Linh cho biết thêm: “Bố luôn mua cho tớ những gì tốt nhất và đảm bảo chất lượng nhất, thế nên có những vật dụng của tớ hơi đắt một chút, nhưng cũng không đến nỗi được xem là “hàng khủng” đâu.
Vậy mà mỗi lần đi học, kiểu gì tớ cũng bị các bạn nói là: Đúng là con nhà “đại gia” coi tiền không ra gì, suốt ngày chỉ biết ăn diện và mua sắm. Lại thích thể hiện đây.” Dần dần như vậy, Linh cảm thấy mình lạc lõng giữa bạn bè, cảm giác hệt như bị "tẩy chay" khỏi tập thể.
Linh chia sẻ: "Mình đã rất cố gắng, nhưng dường như không thể hòa nhập được. Có những việc rất bình thường, nhưng cũng bị mọi người suy diễn này kia, thực sự mình rất buồn và chẳng biết phải làm thế nào cả".
Nếu không bị gắn mác "ki bo" thì các bạn khi trót là “con nhà giàu” lại vướng vào một tình huống trớ trêu khác, đó là phải "rút hầu bao" trong các buổi liên hoan, đi chơi... Cũng là một "công tử" con nhà giàu trong mắt bạn bè, nên bất cứ buổi đi ăn nào, Mạnh Cường (Đại học Hà Nội) cũng phải ngồi lại và "chịu trận" với cái hóa đơn thanh toán. Sở dĩ như vậy là bởi, theo quan niệm của bạn bè Cường thì, con nhà giàu tất nhiên có nhiều tiền, mà nhiều tiền thì chuyện khao bạn bè là điều hiển nhiên.
Tuy nhiên, lần một, lần hai thì Cường còn chịu nổi “nhiệt", chứ cứ hết lần này đến lần khác, bạn bè đều "đổ dồn" sang mình khiến Cường... choáng váng. Bởi như Cường giải thích: "Bố mẹ mình giàu chứ mình đâu có giàu đâu.
Hơn nữa, bố mẹ mình cũng rất khó tính, mỗi tháng chỉ cho một khoản tiền nhỏ để tiêu vặt, mình cũng phải tiết kiệm mới đủ được đấy chứ".
Đau đầu hơn nữa là, nhiều lần Cường cũng chia sẻ thẳng thắn như vậy với bạn bè mình, nhưng kết quả nhận được không phải là sự thông cảm, mà ngược lại, còn mang tiếng... keo kiệt, hoặc bị nói: "Không muốn trả tiền nên kiếm cớ", rồi từ đó, hễ có buổi đi chơi, tụ tập nào là đám bạn lại... gạt anh chàng ra luôn.
Điều con trẻ cần thực sự là gì?
Hoài Anh (lớp 10 trường Việt Đức) chia sẻ: “Em là cô bé ngoan, học giỏi và sống trong một gia đình giàu có. Nhưng cuộc sống của em vô vị, nhạt nhẽo, quá nhiều áp lực khiến em nhiều khi không muốn sống nữa”. Cái vỏ bọc bên ngoài của cô bé khiến người ta lầm tưởng rằng, em là cô công chúa được chăm bẵm và nuôi nấng cẩn thận. Nhưng thế giới nội tâm của cô bé lại là một sự gò bó và bí bách đến tận cùng.
Bố Hoài Anh là một quan chức cao cấp, mẹ làm giám đốc phân phối cho một hãng dược phẩm nước ngoài. Nhìn bên ngoài, em được nhiều người ngưỡng mộ. Và em đã phải cố gắng sống sao cho tương xứng với hình ảnh của bố mẹ.
Từ lớp 1 đến lớp 9, em luôn đứng đầu lớp. Nhưng mọi người lại không biết được rằng, để giữ vững phong độ, em đã phải thức đêm thức hôm học tập như thế nào. Họ nói rằng, thành quả đó là điều đương nhiên, vì “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”.
Ngoài việc học và học, em chẳng có thời gian để kết bạn hay tìm những thú vui riêng. Nhưng việc học hành giỏi giang của em vẫn chưa đủ. Nhiều lần em đã khóc, bởi khi không đạt được điều gì đấy, mọi người lại đưa em ra so sánh với bố mẹ: “Cháu có một môi trường tốt thế mà lại không biết cách phát huy”.
Hè năm nào, em cũng được đi nghỉ mát cùng cơ quan của bố mẹ. Nhưng năm nay em đã xin được ở nhà, vì không thấy hứng thú với những chuyến đi như thế nữa. Bởi khi tụ họp đông người, ai đó lại nói rằng em phải thế này thế kia mới đáp ứng được sự kỳ vọng của bố mẹ.
Sự nổi tiếng, thành đạt của bố mẹ cũng đồng nghĩa với việc em phải thường xuyên không được sự chăm sóc. Bố mẹ đi nước ngoài liên miên, nhà chỉ có em và bà nội là bầu bạn. Hai bà cháu như hai cá thể lẻ loi và cô đơn trong ngôi nhà rộng thênh thang đầy đủ tiện nghi.
Nhiều lúc, em chỉ ước bố mẹ là những người bình thường. Một gia đình có bố mẹ bình thường thì những nỗ lực trong học tập của em sẽ được ghi nhận một cách công bằng. Và điều quan trọng hơn, em sẽ thường xuyên được gặp bố mẹ, chứ không phải chỉ nghe những lời căn dặn chỉ bảo từ xa qua máy điện thoại hay email…”.
Theo chuyên gia tâm lý Quách Thu Nguyệt, Trung tâm tư vấn Khánh Hà, Hà Nội, có được những ông bố, bà mẹ nổi tiếng, thành đạt là điều may mắn của bất kỳ đứa trẻ nào. Tuy nhiên, điều đó nhiều khi lại mang đến cho trẻ những áp lực không mong muốn, vì chúng phải lớn lên trong một môi trường mang nhiều sự kỳ vọng hơn những đứa trẻ khác.
Mặt khác, sự nổi tiếng, thành đạt của bố mẹ cũng đồng nghĩa với việc bố mẹ thường xuyên vắng nhà, không có nhiều thời gian bên con để giáo dục, chăm sóc. Thành công trong sự nghiệp là điều quan trọng, nhưng với con cái, thành công trong việc trở thành một ông bố, bà mẹ tốt cũng là điều mà chúng trông đợi.
Do đó, hãy cố gắng sắp xếp thời gian để ở bên con cái nhiều hơn, quan tâm đến những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống của trẻ nhiều khi lại giá trị hơn những món quà xa xỉ, đắt tiền.
- Tân Xuân