Một căn nhà cỏ mà được Đỗ Phủ kỳ công xây dựng từng ly từng tí như vậy, thì có lẽ hai chữ “nhà cỏ” chỉ là một từ ngữ khiêm tốn của thi thánh Đỗ Phủ mà thôi. Thử hỏi, một căn nhà mà “Trúc một khoảnh” (100 mẫu, tương đương 6,6 héc-ta), “cây cao chọc trời” thì là một căn lều cỏ hay là loại biệt thư cao cấp mà ngay này người ta phải bỏ ra cả núi tiền mới có được?
[links()]
Đỗ Phủ không nghèo?
Đỗ Phủ sinh năm 712, là một nhà thơ nổi tiếng thời thịnh Đường. Trong cuộc đời mình, Đỗ Phủ viết tới hàng ngàn bài thơ, tuy nhiên, một trong những câu thơ nổi tiếng nhất của ông là: “An đắc quảng hạ thiên vạn gian, Đại tí thiên hạ hàn sĩ câu hoan nhan” (Mong sao có được ngàn vạn gian nhà lớn, Để giúp cho các hàn sĩ trong thiên hạ đều được vui vẻ mặt mày).
Câu thơ này đã trở thành biểu trưng cho tấm lòng lo cho dân cho nước của Đỗ Phủ, giúp Đỗ Phủ có được danh hiệu “Thi thánh” cao quý trong lịch sử thơ văn Trung Quốc.
Cũng giống như ngày nay ở khắp nơi trên thế giới, người dân ở khắp nơi đều đổ về các thủ đô để tìm kiếm cơ hội cho cuộc đời mình, Đỗ Phủ cũng lặn lội tìm về Tây An nhưng mong dùng văn tài của mình để được làm quan, phát tài và cũng là phát huy tài năng an bang trị quốc, cống hiến cho dân, cho nước.
Tuy nhiên, nhà thơ họ Đỗ không được may mắn, chỉ được triều đình ban cho một chức quan nhỏ. Theo ghi chép của sách “Cựu Đường thư” thì nhờ có tài, lại dám nói, Đỗ Phủ từng làm việc tại cơ quan trung ương của triều Đường, giữ chức Tả Thập Di.
Người đời sau đều gọi ông là Đỗ Thập Di cũng là vì vậy. Vậy chức Thập Di này nhiệm vụ là gì? Thực tế, đây là chức quan vô cùng nhàn rỗi, chỉ việc nêu ra ý kiến cho triều đình, hoàng đế, chỉ ra các sai lầm của họ.
Đỗ Phủ sinh năm 712, là một nhà thơ nổi tiếng thời thịnh Đường. |
Thực tế, trong hầu hết các trường hợp, đây chỉ là chức quan nhằm để trang trí cho hoàng đế được tiếng biết lắng nghe lời can gián, đích thực là một bậc minh quân. Tuy nhiên, dù tất cả mọi người đều biết rất rõ điều này, chỉ một mình Đỗ Thập Di vẫn nghĩ rằng, mình đang giữ một trọng trách quan trọng, thẳng thắn khuyên can hoàng đế.
Kết quả, trong một lần can gián, Đỗ Thập Di đã chọc giận hoàng đế Đường Túc Tông, bị biếm tới Hoa Châu, nay là huyện Hoa, Thiểm Tây.
Tới cuối năm Càn Nguyên thứ 2 đời Đường Túc Tông, tức năm 759, Đỗ Phủ tới Thành Đô, làm tham mưu của tiết độ sứ. Trong thời gian này, Đỗ Phủ sống tại Cán Hoa Khê Tự. Tuy nhiên, sống nhờ trong nhà chùa chưa được bao lâu, Đỗ Phủ quyết định xây nhà riêng.
Lúc bấy giờ, việc buôn bán bất động sản vẫn chưa phát triển như hiện nay, đất đai cũng chưa đắt đỏ vì thế, mùa xuân năm sau đó, Đỗ Phủ bắt đầu tìm một miếng đất còn bỏ hoang ở bên cạnh suối Cán Hoa và dựng nhà.
Ban đầu, Đỗ Phủ dọn dẹp một mảnh đất rộng chừng một mẫu rồi dựng một túp lều tranh ở dưới một gốc cây cổ thụ. Đây chính là nơi sau này trở thành tòa Thảo đường của Đỗ Phủ ở Thành Đô.
Có thể tự tìm một mảnh đất để xây nhà, dù là trong xã hội cổ đại, nếu như không có nguồn kinh tế và các mối quan hệ xã hội, ai dám nghĩ tới. Quả nhiên, thông tin Đỗ Phủ dựng nhà nhanh chóng được truyền tới triều đình.
Những người bạn của Đỗ Phủ trong triều như Cao Thích, Nghiêm Vũ,… đều xuất tiền giúp đỡ Đỗ Phủ. Người em họ của Đỗ Phủ khi sang thăm, thấy Đỗ Phủ ở trong một căn lều dựng tạm bằng lá, cũng tặng cho Đỗ Phủ một món tiền để dựng nhà.
Chưa hết, cùng với việc dựng nhà, Đỗ Phủ còn viết thư xin hoặc mượn bạn bè các loại vật tư, cây giống để xây dựng hoặc trang trí cho căn nhà mới của mình. Điều này đều được ghi lại rất rõ trong các bài thơ mà Đỗ Phủ làm gửi bạn.
Một căn nhà cỏ mà được Đỗ Phủ chăm chút xây dựng như vậy, thì có lẽ hai chữ “nhà cỏ” chỉ là một từ ngữ khiêm tốn của thi thánh Đỗ Phủ mà thôi.
Thử hỏi, một căn nhà mà “Trúc một khoảnh” (100 mẫu, tương đương 6,6 héc-ta), “cây cao chọc trời” thì là một căn lều cỏ hay là loại biệt thư cao cấp mà ngay này người ta phải bỏ ra cả núi tiền mới có được? Hãy thử tưởng tượng, muốn dựng một túp lều cỏ giống như ngày nay người ta vẫn dựng lên tại nơi ở cũ của Đỗ Phủ để mọi người ngày ngày tới tham quan thì cần bao nhiêu người?
Liệu có phải gửi thư tới tận bạn bè ở kinh thành để vay mượn hết thứ này tới thứ khác như Đỗ Phủ đã làm hay không? Hoa cỏ cây cối ở vùng ngoại ô đâu có thiếu thốn gì, chỉ cần hái đưa về trồng là xong, việc gì phải viết thư phiền phức như vậy?
Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, Đỗ Phủ sau đó liên tục mở rộng “khu biệt thự” của mình. Sau khi thu thập đủ các giống cây từ khắp nơi, căn “lều cỏ” của Đỗ Phủ từ một mẫu đã tăng lên. Sau khi xây dựng xong vườn đào, Đỗ Phủ tiếp tục xây dựng vườn trúc, vườn khởi.
Trong một bài thơ, Đỗ Phủ có nói rõ số những con số cụ thể, rằng vườn khởi của mình rộng tới 10 mẫu. Nhưng đó mới chỉ là khởi, còn trúc thì sao? Vườn trúc của Đỗ Phủ rộng tới một khoảnh, tức 100 mẫu, tương đương 6,6 héc-ta.
Trong bài thơ “Đỗ quyên”, Đỗ Phủ nói rất khiêm tốn rằng: Nhà mình “trúc cơ hơn một khoảnh, cây cao chọc trời”. Một căn nhà như vậy có thể nào là dành cho một người nghèo được không?
Về chất lượng công trình, nhà sử học nổi tiếng thời cận đại của Trung Quốc là Quách Mạt Nhược cũng từng khảo qua. Trong cuốn sách “Lý Bạch và Đỗ Phủ” của mình, họ Quách đã nhận định rằng, cỏ tranh của căn lều cỏ của Đỗ Phủ có ít nhất ba lớp.
Điều này chứng tỏ, nóc của căn lều cỏ được tu sửa ít nhất 2 lần: “Thông thường một lớp dày khoảng 4-5 tấc, ba lớp dày hơn một thước. Nhờ thế, căn lều cỏ này mùa đông thì ấm mùa hè thì mát, so với lợp ngói còn kỳ công hơn rất nhiều”.
Từ đó, có thể thấy rằng, cuộc sống của Đỗ Phủ thời bấy giờ không hề khó khăn như người ta vẫn nghĩ. Cái “nghèo khổ” của Đỗ Phủ mà lâu nay người ta vẫn gán cho ông có lẽ là một sự hiểu lầm.
Câu thơ: Sàng đầu ốc lậu vô can xứ, Vũ cước như ma vị đoạn tuyệt. (Đầu giường bị dột không nơi nào khô, nước mưa rơi liên tục không ngừng) trong bài “Bài ca nhà tranh bị gió thu phá” có thể vẫn là câu thơ tả thực, nhưng nó không hề có nghĩa là cuộc sống của Đỗ Phủ ở Thành Đô lúc bấy giờ vô cùng “nghèo khổ” như người ta vẫn nghĩ.
Đỗ Phủ chết vì nguyên nhân gì?
Lâu nay, người ta vẫn nói rằng, Đỗ Phủ là một người có tài năng nhưng không may mắn. Mặc dù có tài năng văn chương, lại có chí kinh bang tế thế, tuy nhiên, bước vào tuổi trung niên, Đỗ Phủ vẫn không ổn định, phải lang bạt khắp nơi, sống nhờ người khác.
Lại thêm, tính cách của Đỗ Phủ cũng có không ít khuyết điểm. Người đương thời nhận định Đỗ Phủ là “không có khí độ, lại kiêu ngạo ngông nghênh”. Không may mắn hơn nữa là Đỗ Phủ sống vào đúng thời kỳ loạn lạc, thế sự nhiễu nhương.
Chính vì những nguyên nhân này cả cuộc đời Đỗ Phủ phải sống trong cảnh bất ổn, nay đây mai đó, thường phải chịu đói chịu khát. Thậm chí, ngay cả nguyên nhân cái chết của Đỗ Phủ cũng liên quan tới chuyện ăn uống.
Giả thuyết lưu truyền rộng rãi nhất nói rằng, Đỗ Phủ chết vì ăn quá no. Cuốn sách “Minh Đường tạp lục” của một người đời Đường có miêu tả: “Khi Đỗ Phủ lang bạt tới Lỗi Dương, Hồ Nam thì gặp phải lũ lớn, suốt 10 ngày liền không được ăn uống miếng nào. May sao, sau đó được quan huyện lệnh vùng đó phái thuyền tới cứu đồng thời tặng cho Đỗ Phủ một ít thịt bò và rượu trắng.
Sau hơn 10 ngày phải nhịn đói, thông thường phải ăn từ từ thì dạ dày mới có thể thích ứng kip và mới có thể tiêu hóa được. Tuy nhiên, do quá đói, Đỗ Phu đã ăn ngấu nghiến hết chỗ thịt bò được tặng. Thịt bò vốn không phải là thứ đồ ăn dễ tiêu hóa. Kết quả dạ dày của Đỗ Phủ không chịu đựng được, dẫn tới cái chết của Đỗ Phủ. Năm đó ông 59 tuổi”.
Bậc thi thánh trong lịch sử mà phải có một cái chết thể thảm như vậy, quả thực khiến người đời sau không khỏi cảm thấy tiếc nuối. Đời sau này, từng có người mượn danh nghĩa của Hàn Dũ, một nhà thơ nổi tiếng khác thời bấy giờ viết một bài cảm khái về cái chết của Đỗ Phủ rằng có tên:
“Đề Đỗ Tử Mỹ mộ”. Bài thơ có câu: “Đương thời xứ xứ đa bạch tửu, ngưu nhục như kim gia gia hữu. Ẩm tửu thực nhục kim như thử, hà cố thường nhân vô bão tử” (tạm dịch là: Người thời nay nhà nào cũng có rượu có thịt. Nếu như việc uống rượu ăn thịt được như ngày nay thì làm gì có người phải chết vì ăn no quá).
Tuy nhiên, những năm gần đây, các nhà khoa học kết hợp với tri thức y học hiện đại đã đưa ra một kết luận mới về cái chết của Đỗ Phủ. Người ta nói rằng, cái chết của Đỗ Phủ quả thực có liên quan tới chuyện ăn uống, tuy nhiên, Đỗ Phủ không chết vì tiêu hóa không tốt mà vì bị trúng độc có trong thực phẩm.
Các nhà khoa học phân tích cho rằng, lúc bấy giờ đang là thời điểm giữa mùa hè, khí hậu vô cùng nóng nực, lại thêm, thời bấy giờ người ta vẫn chưa có kỹ thuật giữ đông lạnh, do vậy, thịt bò rất dễ bị hỏng, từ đó sinh ra các chất độc.
Thêm vào đó, rượu trắng khi được đưa vào cơ thể càng đẩy nhanh quá trình lưu thông của các chất độc. Nhiều năm phải chịu cảnh lang thang, đói rét, cơ thể Đỗ Phủ vốn đã rất yếu, việc ăn thịt bò đã hỏng rất dễ dẫn tới việc Đỗ Phủ bị trúng độc mà chết.
Nguyên nhân về cái chết của Đỗ Phủ rốt cuộc ra sao cho tới nay vẫn gây ra không ít tranh luận. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng, Đỗ Phủ lang bạt khắp nơi, chịu cảnh đói rét, loạn lạc khiến cơ thể suy nhược, cơ thể bị lão hóa sớm.
Theo mô tả, mới hơn 40 tuổi nhưng tóc Đỗ Phủ đã bạc trắng giống như một ông lão. Vào những năm cuối đời, Đỗ Phủ mắc rất nhiều bệnh, từ phổi, sốt rét cho tới tiểu đường,… Một cơ thể như vậy, bị ngộ độc thực phẩm mà chết cũng không phải là chuyện hiếm gặp.
- Đại Nam