Ông vận chiếc áo phông màu nâu, chiếc quần bò ống vẩy, kiểu những chàng cao bồi miền Tây nước Mỹ, đi xe Vespa màu trắng sành điệu. Trong quán rượu, người đàn ông ấy lại rủ rỉ kể cho tôi nghe về đời mình bằng cái giọng ấm áp mà trầm buồn!
[links()]
Người đàn ông ấy chính là nhạc sĩ Ngô Quốc Tính, được biết tới với những ca khúc sôi nổi trẻ trung như: “Mai em 17”, “Trên công trường rộn tiếng ca”, “Hương hồi xứ Lạng”…
Từng này tuổi chiều xế bóng, Nhạc sĩ Ngô Quốc Tính đã trải qua nhiều vất vả trong sự nghiệp và trong cả tình duyên. Bây giờ người nhạc sĩ già ấy đang sống một mình cùng người mẹ già cũng đã ở cái tuổi “cổ lai hi”…
Không thành Gorki thì thành Nhiếp Nhĩ
Nhạc sĩ Ngô Quốc Tính sinh năm 1943 tại Bình Lục, Hà Nam. Khi ông lên 5 tuổi, gia đình tản cư vào ở huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá. Nhà nghèo, nên cha của Ngô Quốc Tính (vốn là người chữ nghĩa) đã tự dạy cho con trai học ở nhà.
Cho tới lớp 3, Ngô Quốc Tính nhập học, chỉ một tháng sau, cậu bé ấy đã đứng thứ 3 của lớp. Khi học trung học, Ngô Quốc Tính đã đam mê âm nhạc và tự học nhạc lí cơ bản. Năm 1961, sau khi học hết cấp 3, Ngô Quốc Tính quyết định tự lên Hà Nội lập nghiệp bằng ước mơ theo đuổi con đường nghệ thuật.
Nhạc sĩ Ngô Quốc Tính. |
Trước ngày ông đi, bố của ông lấy cho con trai chiếc áo đẹp nhất của mình, làm cho chiếc mũ lá, đôi dép cao su. Ông cụ mua lại chiếc đàn Violon cũ kĩ của ông hàng xóm tặng cho con trai như một sự hướng nghiệp. Ngô Quốc Tính đeo chiếc đàn ngang lưng rồi lên đường với niềm hăm hở, nhiệt thành.
Thuở thanh niên, Ngô Quốc Tính vốn đam mê Văn học Nghệ thuật, ảnh hưởng rất nhiều từ M.Gorki, cụ Hồ, Nhiếp Nhĩ (nhạc sĩ viết bài quốc ca Trung Quốc). Chàng trai trẻ Ngô Quốc Tính ra đi với suy nghĩ quyết liệt của tuổi trẻ:
“Không thành Gorki thì thành Nhiếp Nhĩ”. Ra Hà Nội, ông xin ở nhờ nhà của một người họ hàng ở cạnh Văn Miếu, ở dưới cái tầng trệt 10m2, mà đúng hơn là một cái gầm cầu thang.
Ban ngày chàng trai ấy đi kéo xe bò than bàng vuông, rồi đi đạp xích lô, đêm về ngủ. Trời mùa đông lạnh, Ngô Quốc Tính bắt chước cụ Hồ khi ở Pháp ủ viên gạch ở dưới cái chăn bộ đội để giữ ấm.
Một ngày, khi ông đang đạp xích lô ở gần ga Văn Điển thì thấy một hoạ sĩ đang ngồi vẽ tranh phong cảnh thì ông mê quá. Từ trưa cho tới chiều, anh chàng chẳng màng tới cái xích lô, mà cứ say sưa ngắm những nét vẽ đầy màu sắc trên tay người hoạ sĩ.
Trước sự say mê của cậu thanh niên, người hoạ sĩ gạn hỏi thì Ngô Quốc Tính bày tỏ muốn được học vẽ. Người hoạ sĩ già giật mình khi thấy một anh chàng lam lũ, quần áo nhàu nhĩ, đạp xích lô mà thích học vẽ chắc không phải tầm thường. Ông gật đầu:
“Được rồi, hãy theo bác”. Hoá ra, ông già hoạ sĩ ấy là Phạm Như Hoành giảng viên mỹ thuật của trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc hoạ TW (bây giờ là Đại học Nghệ Thuật TW).
Ngô Quốc Tính được giới thiệu làm người mẫu vẽ bán nude (khoả thân) cho các sinh viên vẽ. Sau đó, ông lại được nhận chân rửa bát, nấu cơm trong nhà ăn kí túc xá của trường. Tiền lương, ông để dành học vẽ ở trường Mỹ thuật Dân lập Hà Nội.
Tối đến, ông lại đi bộ tới số 9, hàng Trống đi học vẽ để tiết kiệm 5 xu xe điện. Nhờ năng khiếu nghệ thuật, lại chăm chỉ nên Ngô Quốc Tính được chính thầy hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc hoạ TW khen ngợi và hứa sẽ nhận ông vào học khoá sau. Nhưng vì nhiều lí do ông lại vào học trường Mỹ thuật Dân lập Hà Nội.
Trong thời gian học này, Ngô Quốc Tính còn học thêm hàm thụ Tổng hợp văn, rồi tự học nhạc, đã sáng tác một số ca khúc. Thành công nhất phải kể tới ca khúc “Niềm vui cô thợ dệt” (năm 1962) đã được thu và phát trên Đài phát thanh Việt Nam sau đó.
Khi Ngô Quốc Tính học tới năm thứ hai, gia đình ở quê nghèo quá, đành gửi cậu em thứ tới ở với ông. Số tiền ông kiếm được làm người mẫu vẽ và làm cấp dưỡng đủ để mua hơn cân gạo mỗi tháng, quá nửa trong đó là ngô.
Sức vóc thanh niên như vậy còn chẳng đủ ăn, bây giờ có thêm cậu em cũng đang tuổi lớn, lão đành nhường phần cho em. Có nhiều hôm Ngô Quốc Tính chỉ ăn bữa tối bằng lưng bát cơm độn ngô rồi đi học.
Học hết 3 năm tại trường Mỹ thuật Dân lập Hà Nội, năm 1965, Ngô Quốc Tính được phân ngay về làm ở nhà Văn hoá Quận Ba Đình, rồi trờ thành một trong những hội viên đầu tiên của Hội Văn học - Nghệ thuật Hà Nội.
Tới năm 1968, trong một chuyến đi thực tế nghiên cứu chèo ở Ninh Bình, Ngô Quốc Tính đã được mời làm Nhạc trưởng đoàn chèo Ninh Bình. Một năm sau đó, ông trở thành Đoàn trưởng đoàn ca kịch Ninh Bình.
Công tác ở Ninh Bình được một vài năm, ông quyết dứt bỏ cái chức nhiệm bao nhiêu người mơ ước để lên Hà Nội, đi học ở Học viện Âm nhạc. Học từ năm 1973 thì tới năm 1979 nhạc sĩ Ngô Quốc Tính ra trường và về làm ở nhà Xuất bản Âm nhạc. Làm ở đó 10 năm, ông lại được điều sang làm Chánh văn phòng Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho tới khi về hưu.
Và con tim đã vui trở lại của người nghệ sĩ cô độc
Thời trẻ, Ngô Quốc Tính đẹp trai, phong độ lại có tài nên có nhiều cô gái đem lòng say mê. Tuy nhiên vì sự vô tâm, sự ngại ngùng và cả cái tự ti về cảnh nghèo của mình, ông không tiến tới với bất cứ ai mà chỉ mải mê gây dựng sự nghiệp.
Năm 1970, ông đang làm Đoàn trưởng Đoàn Ca kịch Ninh Bình, có nhiều cô gái trong đoàn yêu mến. Trong đó, phải kể tới hai cô diễn viên, một cô tên Lụa và cô tên Mùi. Trong khi cô Lụa có nước da bánh mật, khoẻ khoắn, tính tình cởi mở thì cô Mùi lại xinh xắn, trắng trẻo và sắc sảo.
Đứng giữa sự băn khoăn này, ông nhờ mẹ “chọn” hộ. Vì là người nông thôn nên mẹ chồng tương lai đã chọn cô Lụa vì lão đã “đào hoa mà lấy vợ đẹp cũng dễ khổ. Lấy vợ có phần kém sắc nhưng lại khoẻ khoắn, đảm đang để trông nom gia đình là tốt nhất”.
Thế là cô Lụa trở thành vợ của ông. Đám cưới cũng tổ chức nhanh chóng và đơn giản đúng trong ngày mùng 6 tết.
Thế nhưng “sông có khúc, người có lúc”, sau chục năm hạnh phúc của đôi vợ chồng nghệ sĩ ấy bỗng xảy ra nhiều biến động khiến cho tình cảm gia đình bị rạn nứt. Vì hai đứa con nhỏ, người đàn ông ấy cố gắng vượt qua những nỗi buồn, 3 lần ông lặng lẽ cất đi lá đơn li dị.
Tới khi người nhạc sĩ đã ở cái tuổi ngoài lục tuần, nỗi đau khổ kéo dài 20 năm của ông mới được cởi bỏ nhờ chính những đứa con của mình. Nhạc sĩ Ngô Quốc Tính tâm sự rằng:
Đời người, ai cũng có những lỗi lầm. Những đều ấy ông đã rũ bỏ nó, gìn giữ trong lòng những niệm đẹp đẽ về gia đình đã từng rất hạnh phúc của mình…
Năm 1999, Ngô Quốc Tính xin về hưu và chuyển nhà về ở gần chân núi Phật Tích. Ông đón người mẹ đã hơn 90 tuổi và một người em bị bệnh ngay từ khi mới lọt lòng ra ở cùng đã 10 năm nay. Ngô Quốc Tính có 10 đứa em, nhưng vì nhiều lí do, trong đó phần nhiều bị bệnh, 6 người em của ông đã mất.
Giờ ông già ấy chỉ còn 3 người em và mẹ già. Riêng người em bị bệnh của ông cũng đã mất từ năm ngoái. Mẹ của ông theo đạo nên sống hiền từ nhân hậu, đến từng này tuổi nhưng cụ vẫn còn minh mẫn và khoẻ mạnh - ấy cũng là một cái phúc lớn.
Bao nhiêu tình yêu thương, người nhạc sĩ dồn hết cho mẹ. Bây giờ kẻ tóc bạc ít chăm sóc kẻ tóc bạc nhiều - ông vẫn cặm cụi nấu cơm, giặt giũ, tắm táp cho mẹ một cách chu đáo. Bởi bao nhiêu năm qua, một tay ông vừa làm bố vừa làm mẹ, chăm lo cho hai đứa con nên người.
Bây giờ con cái của ông đều sống trên Hà Nội, thi thoảng cuối tuần đưa cháu về thăm bố. Một mình ông già ấy vốn quen tự chăm sóc mình, chăm sóc mẹ nhưng cũng chẳng vì thế làm ông buồn tủi.
Nhạc sĩ Ngô Quốc Tính cho rằng: đời mình khổ nhiều, nếu cứ nhìn quá khứ mà sống thì “cực” lắm, nên lão phải sống vui vẻ trước hết cho mẹ lão khỏi buồn phiền. Mẹ ông cũng thương con trai lắm. Đến từng này tuổi, hai mẹ con sống dựa vào nhau và cố gắng làm cho nhau vui.
Mỗi bữa cơm dù mệt bà cụ vẫn uống hai chén rượu nhỏ, ăn hai lần cơm xới. Khi cậu em út mất, thương mẹ buồn, ông đưa mẹ về quê thăm họ hàng nhưng về hôm trước hôm sau mẹ đã đòi ra. Hỏi lí do, bà cụ chỉ móm mém nói: “cha bố mày, mẹ thương mày ở một mình buồn”.
Thế cho nên nhiều khi ông lên Hà Nội có việc là phải sắp xếp công việc ở nhà sao cho chu đáo, ai nấu cơm, ai trông nom mẹ thì ông mới yên tâm mà đi, có thể thoải mái “chén tạc chén thù” nhâm nhi với mấy bạn già trí cốt trong Hội (nhạc sĩ) được.
Mỗi bận đi chơi ông có “lỡ” về muộn, thế nào bà cụ cũng ngồi chờ cơm hay mang ghế ra cổng ngồi chờ con trai. Hoá ra, kẻ đầu bạc ấy trong mắt người mẹ vẫn chỉ là thằng nhóc ngày nào.
Sống ở Phật Tích, nhạc sĩ già ấy đã bỏ ra hai năm trời nghiên cứu Phật học, và nơi mình đang ở để làm nên một bản giao hưởng 4 chương mang tên “Phật tích”, trong đó hai bản đã được dàn dựng thành công trong năm 2007.
Ngôi nhà vườn rộng 3000 m2 của ông nằm ở gần dưới chân chùa Phật Tích mang dáng vẻ thanh tịnh hài hoà của phong thuỷ với tiếng chim hót, tiếng nước chảy róc rách, hương hoa Hoàng lan, Phong lan.
Ngô Quốc Tính vốn có nhiều bạn, khi về già, lại được trời “ưu ái” cho cái tính thơ văn và sức khoẻ tốt và tửu lượng cao nên ngôi nhà của ông vẫn là nơi tụ họp để đối ẩm, làm thơ. Sáng nào, ông cũng đi bộ lên chùa Phật Tích lạy Phật.
Gần 70 tuổi, người nhạc sĩ ấy đã nếm qua nhiều thăng trầm, nay lại ở cạnh cửa Phật nên cuộc sống có phần trầm tĩnh hơn nhưng kẻ nghệ sĩ vốn sôi nổi như ông thì chẳng bao giờ mất đi sự sự trẻ trung trong tâm hồn của mình…
- Sao Chi