Trong cơn say, Kiên lớn tiếng chửi vợ rồi rủa vợ. Bị vợ cự lại: “Có chết cùng chết”, tức mình, Kiên cầm can xăng đổ 2/3 lên người vợ và đổ số còn lại lên người mình rồi châm lửa đốt…
Biến vợ thành ngọn đuốc sống
Mở lòng về mức án chung thân của mình, Lê Thiện Kiên (SN 1977, trú tại xã Tân Dân, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) nói, việc anh cầm dao đâm người từng kề vai áp má với mình trong cơn say khiến anh vẫn bị ám ảnh dù đã gần 10 năm rồi.
Sau khi chia tay người vợ đầu tiên, năm 2000, Kiên xin làm công nhân ở một công ty gạch tư nhân gần nhà. Thời gian này, Kiên đã bị đôi má lúm đồng tiền của cô công nhân tên Nguyễn Thị Huyền hơn anh 2 tuổi hút hồn.
Sau những lần hẹn hò, đôi trai gái bén duyên. Dù biết Huyền đã có một đời chồng và đang nuôi con nhỏ nhưng Kiên vẫn quyết định kết hôn với cô.
Còn về phần Huyền, biết Kiên nghiện rượu và từng có tiền án, cô cũng không vì thế mà từ chối lời cầu hôn của anh bởi cô luôn hy vọng rằng vì tình yêu, anh sẽ thay đổi.
Cuối năm 2001, hai người kết duyên thành vợ chồng và Kiên vui vẻ để cậu con trai riêng của vợ về ở cùng. Thế nhưng, 2 tháng sau ngày cưới, Kiên lại tối ngày chìm vào men cay của rượu. Rượu vào, anh lại quên sạch mọi lời hứa với vợ.
Khi say, anh lôi vợ ra hành hạ, chửi cậu con trai của vợ là đồ ăn bám. Lúc tỉnh rượu, Kiên lại ăn nỉ chị Huyền và con tha thứ.
Không có tiền, Kiên uống rượu chịu, bắt vợ đến trả. Nếu chị Huyền không trả thì lập tức Kiên lôi cậu con riêng ra đánh. Có những lần không biết kiếm đâu ra tiền để trả nợ cho chồng, người vợ phải gạt nước mắt về nhà ngoại để vay các chị.
Thương em bị chồng đánh, những người chị nhiều lần cho tiền và khuyên viết đơn li dị nhưng chị Huyền không dám quyết định vì sợ: “Dù gì cũng đã qua một lần đò, giờ chia tay nữa, người làng cười cho”.
Nắm được điểm yếu của vợ, kẻ nát rượu ngày càng quá đáng. Sống trong cảnh chồng suốt ngày nghiện ngập, hành hạ khiến chị không chịu nổi đã cự lại. Đỉnh điểm, tối 13/7/2002, do mất điện, Kiên ngồi ở vỉa hè uống rượu. Vừa uống Kiên vừa chửi vợ, chửi con.
“Nghỉ giải lao” một lúc, Kiên quay sang chửi bố mẹ vợ, chửi anh chị vợ… Ấm ức, chị Huyền vừa thút thít khóc vừa nói: “Anh chửi tôi, chửi con là được rồi. Người nhà tôi có làm gì anh đâu mà anh chửi…?”.
Đang “đà chửi”, bị “chặn họng”, Kiên gầm lên: “Cút! Cút về nhà mẹ mày mà ở”. Thấy vợ đứng yên, không nhúc nhích, Kiên ném cái cốc xuống đất: “Mày có thích chết không mà ông đuổi mày không đi?”.
Lúc đó, chị Huyền nói: “Tôi không thích chết một mình, có chết thì tôi và anh cùng chết”. Tức thì, Kiên chạy vào trong nhà, cầm can xăng ra, đổ 2/3 can xăng lên người vợ, số xăng còn lại, Kiên đổ lên người rồi dùng bật lửa đốt. Sau đó, hai vợ chồng Kiên được đưa đi cấp cứu tại Viện Bỏng quốc gia. Do vết thương nặng nên 5 ngày sau, chị Huyền tử vong.
Trong quá trình điều trị tại Viện Bỏng, Kiên bỏ trốn vào Bình Phước ở nhờ nhà một người thân. Người này không nghi ngờ gì khi Kiên bảo ở ngoài Bắc khó khăn nên muốn vào đây lập nghiệp.
“Trong thời gian chạy trốn, ngày ngày tôi đi cưa cây thuê kiếm tiền, tối lại về nhà ông chú ngủ nhờ” - phạm nhân 35 tuổi nhớ lại những ngày trốn nã. Sau gần 2 năm chạy trốn, ngày 28/3/2004, kẻ dùng xăng đốt vợ đã phải tra tay vào còng số 8.
Tan mái ấm vì rượu
Sau tất cả bi kịch mà mình đã gây ra, giờ Lê Thiện Kiên (SN 1977, trú tại xã Tân Dân, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) tâm sự rằng, anh chỉ biết quyết tâm cải tạo thành người lương thiện để sớm được về báo hiếu mẹ. Kiên không dám chắc ngày về, mình còn có được cơ hội để báo hiếu mẹ hay không.
Kiên nói: “Tôi rất thương mẹ tôi. Mẹ tôi nay đã gần 80 tuổi rồi và với mức án chung thân, dù tôi có cải tạo tốt, có được giảm án nhờ sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước thì mẹ tôi cũng khó lòng có thể đợi tôi trở về để gặp mặt lần cuối. Mẹ tôi đã chịu nhiều vất vả rồi, vậy mà đến lúc cuối đời, bà vẫn khổ vì tôi…” - phạm nhân Kiên rưng rưng nước mắt.
Là con cả trong một gia đình nghèo có 3 anh em, cậu em út bị khuyết tật, tuổi thơ của Kiên thật nhọc nhằn, vất vả. Nhà nghèo, không có tiền đi học nên ước mơ con chữ đối với Kiên là quá xa vời. Chưa học hết lớp 3, Kiên gác chuyện học sang một bên để phụ mẹ kiếm tiền.
Ngày mùa, cậu theo mẹ đi cấy, đi gặt thuê cho người trong làng. Những lúc nông nhàn, cậu lại giắt cái giỏ ngang hông, tay cầm cái nơm nhỏ đi kiếm con cá, con tôm bán lấy vài đồng ít ỏi. Thấy cậu chịu khó, một số người làng tốt bụng đã cho cậu cùng đi làm thuê ở Hà Nội.
Tuổi nhỏ nên cậu được các cô ưu tiên cho làm việc nhỏ như phụ bán hàng tôm khô, quét sạp hàng, bê đồ nhẹ… ở chợ Đồng Xuân. Tối tối, cậu lại theo chân họ đến khu vực ngoài bãi sông Hồng tìm nhà trọ với hình thức ngủ ngày nào trả tiền ngày đó.
“Tôi còn nhớ có một cô chủ nhà trọ rất tốt. Thấy tôi bé tí đã phải đi làm thuê, cô đã không lấy tiền trọ của tôi, thậm chí, nhiều hôm cô còn để chỗ cho tôi về ngủ” - Kiên nhớ lại những ngày đầu lên Hà Nội làm thuê.
Khi những người làng của Kiên đã có chút lưng vốn, họ trở về quê làm kinh tế khiến “giấc mơ” kiếm tiền làm thuê ở Hà Nội của cậu cũng tan thành mây khói sau 2 năm. Về nhà, cậu lại đi làm thuê cuốc mướn để kiếm tiền…
Năm 20 tuổi, Kiên kết hôn với cô thôn nữ làng bên. Cuộc sống của hai vợ chồng trẻ với bộn bề khó khăn nhưng vợ chồng Kiên luôn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.
Một năm sau, mái tranh nghèo của vợ chồng anh thêm hạnh phúc khi đứa con trai đầu lòng cất tiếng chào đời. Có con, Kiên loay hoay đủ đường mà vẫn luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau. Nghe bạn, Kiên khăn gói lên Hà Nội kiếm việc làm.
Công việc tuy nặng nhọc, vất vả nhưng đồng tiền kiếm được cũng kha khá. Thấy làm ăn được, Kiên bàn với vợ gửi con bên ngoại rồi cùng mình lên thành phố làm công nhân.
Hai vợ chồng chăm chỉ làm ăn, dành dụm tiền về xây lại căn nhà tranh. Thương con còn quá nhỏ, chị góp ý với chồng nên đợi thằng bé cứng cáp rồi sẽ cùng chồng cố gắng kiếm tiền nuôi con, xây nhà.
Xa vợ, xa con, Kiên theo chân cánh công nhân làm cùng la cà quán xá. Thấy Kiên chỉ uống trà đá với nước ngọt, đám công nhân đã lên tiếng khích bác. Bị kích nhiều, cơn “sĩ” lên, Kiên quên mất lời tự hứa năm nào, cậu dốc cả cốc rượu tu ừng ực… Men rượu đã biến Kiên từ một con người hiền lành, chịu thương chịu khó thành một kẻ khác.
Cái nghèo ăn sâu vào Kiên và ý chí vươn lên ngày nào cũng mất. Mỗi khi về quê, sẵn tiền trong túi, Kiên thường tụ tập bạn bè nhậu nhẹt, chơi bời, đã thế máu ghen cũng đi vào người Kiên theo con ma men.
Cứ mỗi khi say thì Kiên lại kiếm chuyện với vợ. Người vợ chân chất nhẫn nhịn chịu đựng, nhẹ nhàng khuyên bảo chồng nhưng cũng chẳng ăn thua. Rồi rượu cũng khiến Kiên sa chân vào vòng lao lý.
Một buổi chiều mùa hè năm 1998, trong bữa rượu, những thanh niên trong làng thách đố nhau vào trường tiểu học gần đó trộm bàn ghế rồi thả xuống sông trôi theo dòng nước và sẽ có hai người đứng ở cách đó 1km vớt bàn ghế lên, ai thả được nhiều sẽ thắng.
Sau lời thách đố, nhóm Kiên vào trường. Vì đang kỳ nghỉ hè nên trường vắng tanh, bảo vệ không có.
Sau khi bẻ khóa, nhóm Kiên thi nhau bê bàn ghế ra sông thả. Để chắc thắng, Kiên còn lấy viên gạch đánh dấu vào số bàn ghế trước khi thả xuống sông. Sau đó, Kiên về nhà ngủ mà quên mất không qua đầu bên kia xem ai thắng.
Mấy hôm sau, Kiên cũng không nhớ gì đến vụ “thả bàn ghế qua sông” thì đột nhiên công an xã đến bắt. Hóa ra, hai người bạn của Kiên sau khi vớt số bàn ghế lên đã không đem trả lại trường học mà mang đi bán.
Kiên và nhóm bạn bị bắt về tội trộm cắp tài sản và bị xử phạt 6 tháng tù. “Lần đó, vợ em giận lắm. Đến ngày xử ở huyện, cô ấy mới xuống…” - Kiên kể.
Sau khi ra tù, Kiên không chí thú làm ăn mà lại lao vào uống rượu. Vợ khuyên mãi không được, cực chẳng đã, chị đành đệ đơn ra tòa xin li dị với nguyện vọng được nuôi con khôn lớn. Chia tay vợ, Kiên càng có thời gian rảnh rỗi tham gia vào các cuộc nhậu. Năm 2000, sau khi chén tạc chén thù cùng lũ bạn, Kiên dắt xe ra về.
Trên đường về, Kiên gặp một người cùng làng tên là Hưng xin đi nhờ xe. Đang đi, thấy một chiếc xe đạp để ở vệ đường, Hưng rỉ tai: “Nhảy xe đi”.
Vì đã có hơi men, Kiên cũng muốn làm một cái gì đó thật “bốc” nên hưởng ứng ngay. Nhưng vừa nhảy lên xe, Kiên bị chủ xe hô hoán, người làng bắt được, đưa anh lên công an xã. Bị khởi tố vì tội trộm cắp tài sản, Kiên chịu mức án 15 tháng tù giam.
Ra tù, những tưởng một lần nữa hạnh phúc đến với Kiên khi Huyền bỏ hết lời thị phi, đồng ý về làm vợ anh. Và một lần nữa, rượu khiến gia đình anh tan nát, biến anh thành kẻ sát nhân…
Về trại giam Xuân Nguyên cải tạo, Kiên vô cùng đau khổ khi nhận ra rằng gia đình mãi là nơi trú ngụ bình yên nhất. Hai năm đầu, mỗi khi người mẹ gầy yếu tới thăm, nhận miếng bánh, lát cá kho, mắt anh lại rưng rưng.
Những năm sau, mẹ anh yếu, không lên thăm được, mỗi tháng bà lại gửi năm ba trăm ngàn vào cho anh. Cầm tiền mẹ gửi, bàn tay anh run rẩy, nước mắt trào ra vì hối hận.
“Để gửi tiền vào cho tôi, tôi biết mẹ tôi cũng phải vất vả lắm nên tôi phải nói dối rằng tôi ở cùng phòng với một phạm nhà giàu, nhà người ta gửi nhiều đồ, chả dùng hết nên toàn cho anh em trong buồng dùng chung.
Mẹ tôi cả đời nghèo khó, đến lúc về già vẫn không được an hưởng tuổi già, cũng chỉ vì tội lỗi tôi đã gây ra…” - nam phạm nhân từng một thời nghiện rượu chia sẻ.
Trần Lê
Nỗi ám ảnh của người đàn ông tưới xăng thiêu chết vợ
06:16, Thứ ba 28/02/2012
( PHUNUTODAY ) - Bị vợ cự lại: “Có chết cùng chết”, tức mình, Kiên cầm can xăng đổ 2/3 lên người vợ và đổ số còn lại lên người mình rồi châm lửa đốthellip;
Theo: giaitri.thoibaovhnt.vn
copy link
Link bài gốc
Từ khóa: