15 tuổi Mến bị người chú họ lừa bán sang Trung Quốc làm gái. Để thoát khỏi động quỷ ấy Mến buộc phải tìm người thay thế mình. Từ một nạn nhân, Mến trở thành bị cáo với tội danh tổ chức đưa người đi nước ngoài trái phép. Một buổi chiều trong trại giam, nghe Mến kể về bi kịch cuộc đời, về nguyên nhân dẫn đến chuyện Mến phạm tội, thấy vừa thương Mến, vừa giận Mến bởi khi phạm tội, Mến chưa đến 20 tuổi….
[links()]
Tôi là Hà Thị Mến, quê ở Yên Bái. Nhà tôi nghèo lắm, có khi nghèo nhất trong cái huyện Văn Chấn heo hút ấy. Cũng bởi cái tội nghèo mà chuyện học hành của tôi cũng đành lỡ dở vì bố mẹ tôi không thể nào xoay xỏa được tiền để đóng học cho con.
Tôi chỉ được học đến lúc vừa biết đánh vần thì cũng là lúc tôi phải nghỉ học để ở nhà trông hai em cho cha mẹ đi làm nương. Cha tôi là một người nghiện rượu. Ông coi rượu là bạn “tri kỷ” nên ngày ngày chỉ quấn quýt với nó, quên hết sự đời.
Gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng lên đôi vai gầy guộc của mẹ. Không biết bao lần trong cuộc đời mình, tôi đã từng chứng kiến những lần cha tôi uống đến say mèm rồi lăn ra ngủ ở một góc nương nào đó, những lúc ấy, tôi và mẹ lại phải hốt hoảng đi tìm.
Ký ức buồn nhất trong suốt tuổi thơ tôi là những lần vô tình nhìn mẹ khóc thầm nơi xó bếp. Có lẽ mẹ tôi đã thấy quá mệt mỏi trong cuộc đời đầy âu lo này. Nhưng sau đó mẹ tôi vẫn cắn răng chịu đựng.
Càng lớn lên, tôi càng không thấy mẹ khóc nữa. Hình như sống trong cái khổ lâu quá, mẹ đã quên mất khổ là gì. Tôi thương mẹ, thương hình ảnh mẹ tôi khóc thầm trong xó bếp và luôn ước sao mình mau lớn để có thể kiếm tiền, san bớt những nhọc nhằn đang oằn nặng đôi vai mẹ. Ước ao đó càng lớn dần lên khi tôi lớn và thấu hiểu hơn nỗi đau khổ của cuộc sống nghèo khó.
Phạm nhân Hà Thị Mến |
Tôi còn nhớ một lần khi em trai tôi tròn 6 tuổi, mẹ tôi muốn mua một gói kẹo và một bộ quần áo mới để chúc mừng sinh nhật em mà không thể. Tiệc sinh nhật cuối cùng chỉ có một nồi khoai lang hầm, tôi và mẹ ngồi quây quần bên nhau chúc em tôi bước sang một tuổi mới. Mọi người cười còn mẹ tôi lại khóc.
Khi đó em trai tôi đã hồn nhiên hỏi mẹ: “Sinh nhật con sao mẹ lại khóc?”. Mẹ gạt nước mắt trả lời em tôi rằng: “Vì mẹ vui quá đấy mà!”. Dù còn bé nhưng tôi dư sức hiểu rằng mẹ khóc vì thấy mình có lỗi với các con, khóc vì thấy mình lực bất tòng tâm,
Thương mẹ nên tôi lúc nào cũng ấp ủ giấc mộng kiếm tiền để đỡ đần mẹ. Thế nên khi người chú họ gần nhà sang đề xuất với mẹ tôi để xin tôi lên Lào Cai làm giúp việc cho nhà người quen thì tôi đồng ý ngay.
Khi ấy mẹ tôi ra sức can ngăn, mẹ bảo tôi còn quá nhỏ, chưa thể lường trước được cuộc đời với vô vàn cạm bẫy thế nào đâu. Nhưng tôi đã khóc và tha thiết xin mẹ cho tôi được đi làm. Vì thương tôi mà mẹ chiều tôi.
Nhưng cả tôi và mẹ đều không thể ngờ rằng quyết định ấy chính là hố sâu chôn vùi cuộc đời tôi. Ông chú họ đưa tôi lên Lào Cai, giao tôi cho một người phụ nữ trung tuổi rồi quay gót trở về coi như xong nhiệm vụ.
Tôi cứ đinh ninh người phụ nữ đó là người chủ mà tôi sẽ giúp việc trong thời gian sắp tới, lại là người mà chú tôi quen biết, họ hàng, nên hoàn toàn tin tưởng.
Khi gặp tôi, người phụ nữ lạ mặt nói với tôi rằng cần phải đi thêm một đoạn đường rất xa nữa mới đến được nơi tôi sẽ làm việc. Thế là tôi lặng lẽ đi theo bà ấy lên một cái xe. Xe đỗ tại một cửa hàng ăn, thấy những người xung quanh mình tất cả đều nói một thứ ngôn ngữ lạ lùng, tôi đã thắc mắc:
“Sao Lào Cai lại toàn những người nói tiếng nước ngoài” nhưng chỉ được trả lời họ là những người nước ngoài đến Lào Cai sinh sống. Sau bữa ăn tôi lại tiếp tục lên đường. Thêm mấy tiếng đồng hồ rồi cũng đến cái nơi mà người ta định đưa tôi đến.
Vợ chồng ông chủ là người Việt Nam đã niềm nở đón chào sự có mặt của tôi. Tuy nói mướn tôi về giúp việc, dọn dẹp nhà cửa, nhưng thấy tôi trẻ trung, xinh đẹp, vợ chồng họ mừng ra mặt.
Người phụ nữ dẫn tôi đến lặng lẽ bỏ đi. Đến lúc không thấy bà ấy đâu nữa, tôi mới nhận ra mình đang ở trên đất lạ, hoàn toàn bơ vơ, không ai quen biết,
Tôi chỉ làm công việc trông trẻ ấy chưa đầy một tháng, đến tháng thứ hai, tôi mới biết công việc thực sự mà tôi phải làm là “tiếp khách”. Đến lúc đó tôi mới biết người phụ nữ kia đã cầm tiền bán tôi và về nước rồi nên giờ tôi phải tiếp khách để trả nợ. Tôi đã bị chú họ của mình bán đi mà hoàn toàn chẳng hay biết.
Những ngày sống ở đó là những ngày rất kinh khủng với tôi. Tôi không chịu tiếp khách, vợ chồng chủ chứa nhốt tôi vào một gian phòng, phía ngoài cửa là hai gã đàn ông cao to lực lưỡng sẵn sàng lao vào đánh tôi không thương tiếc nếu như tôi có bất cứ hành động nào chống đối.
3 ngày liên tiếp, họ nhốt tôi trong căn buồng tối đó, không cho ăn, chỉ cho uống nước lã cầm hơi. Đến ngày thứ tư thì tôi gục ngã. Gục ngã vì đói và gục ngã vì tôi biết dù có cố gắng đến đâu thì chút sức mọn của tôi cũng không thể nào chống lại được bộ máy làm tiền chuyên nghiệp ấy.
Thế là tôi lặng lẽ cúi đầu chấp nhận làm một mắt xích trong cái guồng quay nghiệt ngã và ghê tởm đó.
Tôi bước chân vào cuộc đời bán phấn buôn hương với bao nỗi ê chề, nhục nhã kể từ đó. Thời gian đầu bị ép tiếp khách, tôi khóc ròng. Giữa lúc tiếp khách, nước mắt tôi vẫn chan đầy.
Thấy tôi trẻ, lại có chút nhan sắc, khách nào đến cũng chọn tôi. Trong những ngày tháng sa lầy nơi động quỷ, tôi không thể nhớ nổi tôi đã phải tiếp bao nhiêu lượt khách.
Những ngày tháng ở đó, nhất là khi màn đêm buông xuống cũng là lúc tôi nhớ mẹ, nhớ gia đình hơn bao giờ hết. Tôi muốn được sà vào lòng mẹ, được sự che chở của mẹ như ngày xưa.
Nhiều lúc tôi cứ nghĩ, những gì đang xảy đến với mình lúc đó giống như một cơn ác mộng kinh hoàng. Những tưởng rời xa gia đình, tôi sẽ có cơ hội kiếm tiền về đỡ đần cha mẹ, vậy mà ngờ đâu bước chân ra khỏi tổ ấm, tôi đã sa ngay vào chốn địa ngục.
Ở nhà thổ ấy không chỉ có tôi là người Việt Nam mà còn mấy chị khác nữa cũng bị lừa bán y hệt như tôi. Trong hoạn nạn nên chị em yêu thương và bao bọc cho nhau nhiều lắm. Nếu không có những người đồng cảnh ngộ ấy, có lẽ tôi đã không đủ sức gắng gượng mà sống mong một ngày về gặp lại những người thân yêu.
Một lần, cạnh nhà chứa nơi tôi ở diễn ra hội chợ. Tôi và một chị nữa năn nỉ ông bà chủ cho 2 người được đi xem và được họ đồng ý với điều kiện phải có bảo kê đi cùng. 2 chị em tôi đi xem hội chợ nhưng kỳ thực là đi để tìm cơ hội trốn về Việt Nam.
Nhân lúc gã bảo kê đang mải mê đi xem các mặt hàng bày bán trong hội chợ, 2 chị em tôi bỏ trốn. Chúng tôi may mắn gặp được một người Việt Nam tốt bụng đang sinh sống tại Trung Quốc đã tận tình giúp tôi trốn thoát.
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tầy gang, tôi trở về Việt Nam được sống cùng cha mẹ và các em chưa được bao lâu thì vợ chồng chủ chứa đã dò la ra nơi ở của tôi và cho người bắn tin tới tôi rằng, nếu muốn được sống yên ổn thì phải tìm người thay thế. Bằng không, họ sẽ lại có cách đưa tôi trở lại nơi đó.
Nỗi ám ảnh về những tháng ngày sống trong địa ngục ấy khiến tôi có thể bất chấp làm bất kể việc gì miễn là không phải thêm một lần nào nữa bước chân vào trốn ấy. Tôi lặng lẽ đi dò hỏi các bạn cùng xóm xem ai có nhu cầu đi “làm ăn” thì tôi sẽ dẫn đi.
Cũng giống như tôi trước đó, bạn bè tôi cũng khát khao kiếm tiền để thay đổi đời mình. Kết quả đã có 4 người bạn đồng ý đi theo tôi để kiếm tiền. Nhưng dự định gán các bạn làm vật thế thân cho mình bất thành vì ngay trên đường đi, tôi đã bị bộ đội biên phòng bắt giữ.
6 năm tù giam là cái giá tôi phải trả cho hành động nông nổi của mình. Tôi ước giá mình đừng nghèo quá, giá mình được đi học, hiểu biết pháp luật, thì chỉ cần báo công an là xong, chứ không phải trở thành kẻ đồng lõa với bọn tội phạm.
Ai sinh ra cũng mang sẵn một số phận cho riêng mình. Tôi không trách số phận của mình nhiều chông gai, trắc trở mà chỉ mong sao những tháng ngày trong trại giam, mình sẽ cải tạo thật tốt để sớm được trở về với xã hội và mọi thứ sẽ lại được bắt đầu.
- Thục Ân (ghi theo lời kể phạm nhân Hà Thị Mến, trại giam Quyết Tiến)