Nỗi đau sau phiên tòa lưu động học sinh giết người ở một miền quê

07:11, Thứ ba 21/06/2011

( PHUNUTODAY ) - Trước đó bốn tháng, Lê Tuấn vẫn còn là cậu học sinh lớp 11, nhưng bây giờ đã là bị cáo trong vụ án hình sự, bị truy tố về tội danh giết người.


Học sinh ham chơi đến giết người

Trong phiên xét xử lưu động hôm ấy, những người tiến hành tố tụng lặng lẽ bước vào vị trí dành cho hội đồng xét xử. Chủ tọa phiên tòa, ông Võ Nguyên Tùng – Thẩm phán TAND tỉnh Phú Yên, dù còn trẻ tuổi đời nhưng đã có không ít trải nghiệm trong những phiên xử hình sự lưu động.

Hai vị hội thẩm nhân dân, ông Huỳnh Trung Kiên - đương nhiệm giáo viên Trường phổ thông trung học Nguyễn Huệ, TP Tuy Hòa và bà Nguyễn Thị Xuân Thương - cán bộ hưu trí.

Ở một vị trí ngồi độc lập, luật sư Nguyễn Hương Quê đến từ đoàn luật sư tỉnh Phú Yên tham gia bào chữa cho bị cáo Lê Tuấn theo đề cử của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Phú Yên đang tranh thủ đọc lại những trang hồ sơ thu thập được, như để tìm thêm tình tiết giảm nhẹ cho thân chủ của mình

Khi bước vào khu vực xét xử, những người dự khán rất dễ dàng nhận ra đại diện hợp pháp cho bị hại là vợ chồng ông Lương Tấn Thư (SN 1968, ngụ thôn Xuân Thạnh 1, xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) vì họ không chỉ mặc trang phục đồ tang, mà bà mẹ còn ôm theo bức di ảnh của đứa con trai xấu số đến pháp đình.

Trên gương mặt của họ hiện hữu những nét khắc khổ xen lẫn nỗi đau. Đứng bên cạnh vợ chồng ông Thư là một người đàn bà góa phụ tuổi bốn mươi ba, có đôi mắt đậm nét buồn và vẻ mặt hốc hác.

 Người phụ nữ đó là Võ Thị Kim Nương – mẹ ruột của bị cáo Lê Tuấn. Cả ba người đều thuộc diện nghèo khó, đến từ một vùng quê thuần nông. Bấy lâu nay họ là người hàng xóm láng giềng, sinh sống bằng tình cảm rất mực chân chất hiền lành và chưa bao giờ gây phiền phức cho nhau. Thế mà bây giờ đặng lặng trước bao nhiêu cặp mắt, khẽ liếc qua nhau….

Bị cáo Lê Tuấn tại phiên tòa sơ thẩm lưu động.
Bị cáo Lê Tuấn tại phiên tòa sơ thẩm lưu động.

Sau phần thủ tục phiên tòa, kiểm sát viên  công bố bản cáo trạng vỏn vẹn hai trang, nhưng đầy ắp nỗi đau xót. Những dòng cáo trạng cứ theo mạch cảm xúc cứ vang lên giữa phiên tòa, còn bà Nương, mẹ Tuấn thì khóc ngất lịm.

Còn đứng trước vành móng ngựa, có lẽ Lê Tuấn chỉ biết đứng lặng, cúi đầu, có lẽ thời gian này trôi qua thật chậm chạp. Đó là câu chuyện tình bạn đau đớn cho cả hai mà có lẽ cả cuộc đời của Lê Tuấn không thể nào quên được. Rồi nó sẽ đao bám dặn vặt cầu học trò này suốt quãng đời còn lại.

Dù chênh hơn ba tuổi, nhưng Lương Tấn Trình (SN 991,ngụ thôn Xuân Thạnh 1, xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) vẫn thường chơi với người em hàng xóm là Lê Tuấn (SN 1994, là học sinh lớp 11 Trường phổ thông trung học Nguyễn Thị Minh Khai, ở thôn Phước Thịnh, xã Hòa Bình 2, huyện Tây Hòa.

Nhiều người dân địa phương đến dự phiên tòa không khỏi xót xa cho tình bạn này lại có một kết cục bi thảm như thế, một người nằm sâu dưới ba tấc đất, còn một người dính vào vòng lao lý, mang bản án giết người, cũng vì những chuyện không đâu.

Đó là thời điềm cách đây 5 tháng, khoảng 8 giò sáng ngày 25/12/2010, Trình d0i xe gắn máy rời nhà mình để xuống TP Tuy Hòa chơi. Nhưng chợt nhớ đến người em hàng xóm, Trình rủ Tuấn cùng đi cho vui. Xuống đến nội thành, Trình rẽ vào một cửa hiệu để bảo dưỡng xe máy theo dự định. Sau đó cả hai cùng ngược đường quốc lộ 25 lên huyện Phú Hòa nhậu một trận, đến chập choạng tối mới tiếp tục hành trình về huyện Tây Hòa.

 Dù đã chếnh choáng men rượu, nhưng Trình và Tuấn không về nhà, mà đến xóm Soi nằm ở phía hữu ngạn sông Ba thuộc địa phận thôn Phước Mỹ Tây, xã Hòa Bình 2. Tại đó, họ rủ 8 người bạn của Lê Tuấn mua hai lít rượu gạo bày ra bên lề hương lộ để tiếp tục lai rai.

 Gần nửa đêm, cuộc nhậu mới tàn. Kẻ chân thấp, người chân cao bước vào phía xóm, còn Trình điều khiển xe máy chở Tuấn theo đường hương lộ về nhà.

Cứ mỗi lần khai lại thời điểm đó là Lê Tuấn như rơi nước mắt, nhưng không thể không trả lời.

Tuấn đã khóc nhiều và từng nuồi tiếc “giá như lo học, đứng ham chơi thì đâu đến nỗi này”, nhưng tất cả đều đã muộn màng. Tuấn đã nhiều lần khai, khi ấy mới chạy xe được khoảng 300m thì Trình dừng xe lại nói với Tuấn “Tao mệt quá, bây giờ hai đứa mình nằm ngủ ở đây, sáng mai về”. Không đồng tình nên Tuấn lè nhè bảo Trình “Ông đưa chìa khóa xe máy đây, tui chở về”.

Tôi để ý thấy nhiều lần khi nhắc đến đoạn gây nên cái chết của người bạn, Lê Tuấn càng cúi đầu, mắt đỏ hoe. Lúc đó thấy Trình không trả lời mà lại ngã mình nằm ngủ bên lề đường, Tuấn bước tới lục túi quần để tìm chìa khóa xe máy.

Bị quấy rầy khi đang cơn mệt và buồn ngủ, thế là Trình bật dậy bỗng nhiên dùng chân đá tới tấp vào người Tuấn, rồi cầm mũ bảo hiểm đánh bồi. Tuấn cũng né được vài đòn của người bạn. Nhưng phần là bực tức vì bị bạn đánh vô cớ và bỏ lại giữa đường trong đêm tối, trong người đang có hơi men  kích động nên khi Trình tiếp tục nằm ngủ, Tuấn xông tới dùng chân đạp nhiều phát vào bụng và ngực của Trình.

Thấy Trình nằm im lặng, Tuấn không bước đến lay dậy, mà vẫ đang nóng máu nên hậm hực đi bộ hơn bốn cây số về nhà ngủ vùi cho tới giữa buổi sáng hôm sau mới thức dậy. Chính cái đêm đó, Tuấn cũng không hề nói cho người thân hay bất kỳ ai biết về chuyện đã xảy ra và về chuyện nằm lại bên hương lộ.

Rồi khi vào tầm trời vừa sáng tỏ, một lão nông ở thôn Phước Mỹ, xã Hòa Bình 2 khi đi làm đã kinh hoàng phát hiện nạn nhân Lương Tấn Trình đã…chết.

Rồi khi công an vào cuộc điều tra, khám nghiệm tử thi thì xác định nạn nhân Lương Tuấn Trình tử vong do tác động ngoại lực với nhiều dấu hiệu của một vụ án mạng, khi bị gãy đến 4 cung xương sườn bên phải, gan  bị vỡ, màng tim rách, tâm nhĩ phải bị vỡ và mất máu cấp.

Một cuộc điều tra truy nóng hành tung thủ phạm gây án đã được triển khai bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, đến chiều 26/12/2010, lệnh bắt khẩn cấp Lê Tuấn đã được thực thi.

Đắng lòng trước những nỗi đau

Đứng trước vành móng ngựa, thỉnh thoảng Lê Tuấn nhìn sang phía đại diện gia đình người bị hại bằng ánh mắt hoảng sợ vì chạm phải cái nhìn vô thức của người chết từ bức di ảnh, khiến cho bị cáo trở nên lúng túng khi trả lời những câu hỏi của vị thẩm phán, chủ tọa phiên tòa.

Hơn 30 năm đứng trên bục giảng dạy học, thầy giáo Huỳnh Trung Kiên đã nhiều lần mở rộng lòng vị tha và bao dung cho những cô cậu học trò lầm lỗi, nhưng bây giờ ngồi ở vị trí hội thẩm nhân dân tại phiên tòa này, ông thật sự đắng lòng trước hình ảnh một học sinh lớp 11 vào vòng lao lý vì đã gây ra trọng án.

Còn nữ hội thẩm nhân dân Nguyễn Thị Xuân Thương đã và đang làm mẹ, nên bà thấu hiểu nỗi đau của người mẹ mất con cùng tâm trạng day dứt của người phụ nữ có con phạm tội.

Cảm thương người bị hại từ giã cõi trần ở tuổi thanh xuân, trách giận bị cáo sớm nếm mùi tù tội. Đó là cảm giác đan xen trong lòng những người có mặt tại phiên tòa. Bị cáo đang ở tuổi vị thành niên, các tình tiết giảm nhẹ theo quy định pháp luật đã được hội đồng xét xử lưu tâm cẩn trọng, nhưng vẫn đảm bảo tính nghiêm minh.
dBị cáo Lê Tuấn tại phiên tòa sơ thẩm lưu động.
Đại diện gia đình bị hại và mẹ ruột bị cáo – người đau xót, kẻ lo âu

Được nói lời cuối cùng, Lê Tuấn bày tỏ “giữa bị cáo và bị hại không có mâu thuẫn thù oán gì, nhưng vì một phút sai lầm, bị cáo đã đánh anh Trình chết. Bị cáo thật sự hối hận nên đã khai báo thành khẩn hành vi phạm tội giết người, xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo…”. Còn người mẹ của Lê Tuấn khi ấy lại nghẹn ngào nước mắt ngỏ lời van xin gia đình bị hại tha thứ tội lỗi do con mình gây ra.

Sau hơn nửa giờ nghị án, gần trưa, bản án sơ thẩm đã được công bố. Ngoài hình phạt 10 năm tù về tội giết người dành cho Lê Tuấn, TAND tỉnh Phú Yên còn buộc gia đình bị cáo liên đới trách nhiệm bồi thường cho gia đình người bị hại các khoản chi phí mai táng, tổn thất tinh thần với số tiền 44 triệu đồng – một số tiền không nhỏ đối với người phụ nữ nông dân cố gắng một mình gồng gánh nuôi đứa con trai ăn học thành tài, nhưng không ngờ….

Phiên tòa khép lại, bị cáo Lê Tuấn đưa tay áo gạt nước mắt bước lên xe đặc chủng của cảnh sát để trở về trại giam. Phía sau là người mẹ trẻ vội vã bước theo gào khóc, níu với trong vô vọng. Phía trước là chặng thời gian dài mà cậu học sinh ngày nào phải cải tạo để từng bước tìm về nẻo thiện.

Dẫu sao thì Lê Tuấn vẫn còn cơ hội trở về với gia đình để tìm lại tình thương yêu của người thân và cộng đồng xã hội giữa cuộc sống thường nhật, trong khi gia đình người bị hại suốt đời đau đáu nỗi buồn vì hình bóng con em của họ chỉ còn lại trong ký ức xa dần.

Với tư cách là người tham dự phiên tòa, không riêng tôi, mà nhiều dân  đều bày tỏ một điều đáng tiếc. Để tổ chức phiên tòa lưu động cách trại tạm giam của công an tỉnh Phú Yên hơn 20 cây số, các cơ quan tòa án, công an đã phải tốn kém không ít thời gian, công sức và chi phí, thế nhưng số người tham dự không nhiều.

Giá như có thêm nhiều người dân, đặc biệt là các bậc thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh nơi Lê Tuấn đã từng học được nhà trường tạo điều kiện chứng kiến, theo dõi phiên xử thì có thể góp phần nkh6ong nhỏ trong việc giáo dục và đấu tranh phòng ngừa tội phạm ở lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh. Thế nhưng phiên tòa hôm ấy lặng lẽ, chỉ có những nỗi đau quặng thắt đến tê người của những bậc làm cha, làm mẹ của bị hại lẫn bị cáo.

Hữu Toàn
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc