Thời gian qua, dư luận cả nước liên tục được chiêm ngưỡng những nhà vệ sinh "dát vàng" ở Việt Nam với mức giá khủng, người ta trách người làm cái nhà vệ sinh bao nhiêu thì thương cho cái toilet bị mang ra mổ xẻ bấy nhiêu.
Là một xã miền núi nằm trong diện khó khăn của tỉnh, nhưng UBND xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) lại “mạnh tay” chi đến 300 triệu đồng để xây dựng một công trình nhà vệ sinh cho Trạm Y tế. Thông tin trên được báo Dân trí phản ánh.
Theo bài báo, một khu nhà sinh hai gian khang trang, và nằm đối diện là một khu nhà vệ sinh cũ của trạm. Khu nhà vệ sinh cũ này, hiện vẫn đang được trạm sử dụng hàng ngày.
Đại diện địa phương cho biết vì không muốn mất danh hiệu chuẩn nông thôn mới nên xã đã phải ráo thiết xây dựng nhà vệ sinh này. Ông Cao Văn Trúc, Chủ tịch UBND xã Tiến Hóa cho hay "Xã đang trong quá trình phấn đấu xây dựng các tiêu chuẩn nông thôn mới nên họ hỗ trợ được cài nào thì mừng cái đó. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, tất cả các tiêu chí đều phải phấn đấu mà các công trình của mình không đạt chuẩn thì các tiêu chí đó sẽ dừng lại. Xã còn phải làm chuẩn cho huyện nữa nên rất khó khăn nên địa phương còn phải tranh thủ chạy tất cả các nguồn vốn", ông Trúc thẳng thắn trao đổi.
Nhà vệ sinh có giá 300 triệu đồng ở Quảng Bình |
Đầu tháng 6, dư luận cả nước nóng bỏng với nhà vệ sinh rộng 29 m2 có giá 600 triệu đồng ở THCS Long Hiệp, huyện Minh Long, Quảng Ngãi. Nhà vệ sinh này kém may mắn khi bị phanh phui, mổ xẻ là nó lại nằm ở một vị trí không được hợp cho lắm. Trong khi người dân địa phương vẫn còn trong cảnh ăn bữa nay lo bữa mai, trường học xuống cấp thì cái nhà vệ sinh này vô duyên nằm chình ình trên địa bàn với mức đầu tư khủng lên đến 593 triệu đồng.
Người ta chất vấn nhau rằng liệu nhà vệ sinh này có thực sự dát vàng hay không khi những trang thiết bị thường là hàng trung cấp và đang biểu hiện sự xuống cấp. Ấy vậy mà, "gia chủ" vẫn ấm ầm khoe đó là dự án hoành tráng có phê duyệt và kiểm toán hẳn hoi.
Một điều lạ được phơi bày ra ở đây là với 1 thiết kế chung như nhau, diện tích như nhau trong Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của Bộ NN & PTNT ở Quảng Ngãi nhưng có nơi được dự toán số vốn đầu tư chỉ là 159 triệu đồng (trường ở Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh) và có nơi lên đến 721 triệu đồng (Trường TH Năng An, xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức).
Nhìn vào con số và hình ảnh chỉ đứa trẻ học lớp 3 cũng có thể dự toán được tổng chi phí cho việc xây nhà vệ sinh kiểu này. Nếu tính ra tiền mệnh giá 500 nghìn đồng mà rải hết diện tích nhà vệ sinh này xem ra cũng chẳng hết được. Lạ thay, cả ban lãnh đạo Sở Giáo dục Quảng Ngãi vẫn khăng khăng chúng tôi làm đúng trách nhiệm và công việc được giao. Người ta tự hỏi một nơi được coi là không thể thiếu, nơi giải quyết nỗi buồn cho con người nhưng rất tế nhị khi nhắc đến bởi là nơi phóng uế, nơi có vi trùng, vi rus lại được báo chí xum xoe đưa tin. Người nhìn vào thấy thương cho chiếc toilet chỉ biết câm lặng có tiếng mà chả có miếng. Người ta bảo đây là cơ hội để thay đổi bộ mặt nông thôn mới.
Nhiều người chiêm ngưỡng những chiếc toilet có giá khủng này biết rõ thế thời đành tặc lưỡi "vàng biến động thì toilet cũng biến động theo ấy mà". Nhất là trong thời buổi vật liệu xây dựng xuống giá, với số tiền hàng chục triệu đồng cho nhà vệ sinh quét vôi ve, ốp gạch men cũng khiến cho nhiều ông chủ bất động sản cao cấp phải ngước mắt lên nhìn và khen ngợi về tài năng làm tròn con số.
Trong khi đó, thế hệ con cháu của Việt Nam đang còng lưng cõng những khoản nợ công. Người đương thời nghĩ ODA không phải trả nên cứ mạnh tay chi dùng sao cho nhanh hết tiền. Theo Đồng hồ nợ công toàn cầu (Global debt clock) trên trang The Economist.com, tính đến 7h00 (giờ Việt Nam) hôm 5/7, nợ công của Việt Nam đang ở mức trên 74,294 tỷ USD; bình quân nợ công theo đầu người là 826,4 USD; nợ công chiếm 48,9% GDP, tăng 12,2% so với năm 2012.
- Khánh Ngọc