Nỗi sung sướng của người lấy chồng hơn nhiều tuổi
Mai Hoa có một “đúc kết” là đàn bà thường có tính tham, có chừng nào cứ nghiễm nhiên xài chừng đó và không biết thế nào là đủ. Cái tham của chị vô cùng đáng yêu, chị tham được chồng chiều, những gì mà người ta nhìn thấy, nghe thấy chị được chiều thế này hay thế kia chưa thấm vào đâu so với mong muốn được chiều của chị.
Mà tham như chị thì ai chẳng muốn tham, phụ nữ nào chẳng muốn được hãnh diện về cái sự tham ấy.
Sáng ngày ra, lẽ ra, người phải vào bếp nấu cơm cho cả nhà phải là người phụ nữ. Nhưng nhà chị thì ngược lại, cứ sáng sớm là Nhạc sĩ Trọng Đài lại dậy sớm nấu ăn, anh rang cơm, nấu mì, làm bánh mì ốp la, nấu đồ Tây… cho vợ con và sau đó đưa con đi học.
Buổi sáng, chị chỉ phải dậy làm một việc là mặc quần áo, buộc tóc cho con tươm tất để bố đưa các con tới trường. Chỉ cần thế thôi, một việc xảy ra rất bình thường trong nhà Mai Hoa, cũng đủ làm bao người phụ nữ khác ngưỡng mộ và đòi chồng phải học tập anh Trọng Đài. Trừ khi nào chồng bận việc thì Mai Hoa mới làm nhiệm vụ đưa con đi học. Ăn cơm tối xong, con gái rửa bát, hôm nào con gái nói có nhiều bài tập phải giải quyết thì… anh lại rửa bát thay con.
![]() |
Ai cũng bảo số Mai Hoa sướng, chị khôn nên biết lấy chồng hơn nhiều tuổi để được chiều. Nhạc sĩ Trọng Đài là con một, lẽ thường lấy chồng con một thì phải chiều chồng lắm, vì con một quen được chiều từ bé. Nhưng, anh Trọng Đài lại thuộc típ “con một” khác thì phải, chiều vợ hết lòng. Khi Mai Hoa sinh con gái lớn, nhà chưa có người giúp việc, anh vẫn giặt tã lót cho con đều đều, khi sinh con thứ 2, anh không cần ai chăm mẹ con chị ở viện mà tự tay anh chăm sóc rất tháo vát.
Tuy nhiên, Mai Hoa bảo, anh Trọng Đài có “nhược điểm” là không biết nịnh vợ, khen vợ mà phụ nữ thì ai cũng thích được “nịnh”. Anh cực kỳ “tiết kiệm” lời khen, khi nào muốn nói gì đó thì anh quay sang con và nói: “Mẹ rất hay nhé, mẹ mua một bộ quần áo mới mà chưa ai khen mà mẹ đã tự khen rồi”.
Quả là khi đó chị tự nói ôi, mình mặc bộ này đẹp ra phết đấy nhỉ. Hoặc đôi khi thấy tăng cân, phụ nữ thích chồng nịnh một câu rằng anh vẫn thấy em gầy đấy chứ, nhưng anh Trọng Đài không nói thế, anh chỉ nói thấy… bình thường. Mai Hoa hạnh phúc trong cái sự “kiệm lời” ấy của chồng, chị hiểu những câu nói đó giống như lời khen của anh.
Cả NSƯT Mai Hoa và Nhạc sĩ Trọng Đài đều chấp nhận rằng mình đã là người của công chúng thì mọi việc trong nhà cũng giống như việc chung của khán giả yêu thương họ. Nhiều khi đi ra đường gặp những khán giả hâm mộ, họ đọc một mạch thông tin về gia đình chị, họ biết rõ chị đóng vai gì, hát bài gì, lý lịch nhà chị ra sao… Mà chị nghĩ, cả anh và chị đều không làm gì khuất tất thì cũng chẳng có gì để giấu giếm cả. Kể cả việc anh Trọng Đài nghe lời chị chuyện… cắt râu thế nào.
Có bài báo từng viết rằng: anh Trọng Đài chỉ nghe lời chị mỗi việc cắt râu. Mai Hoa nói chắc người viết không hiểu ý chị, chứ nếu chồng mà nghe vợ mỗi việc đó thì gia đình coi như… xong rồi. Khi đọc bài báo đó, anh Trọng Đài cũng nói vui: “Đâu phải nghe mỗi việc đó, nói điêu”.
Người ta thường bảo cái Tôi của nghệ sĩ lớn lắm, nhưng ở nhà chị cái Tôi của mỗi người chỉ sử dụng ở 1 góc độ có thể, còn lại sẽ phải hòa quyện hết vào cái chung, với chồng, với gia đình nhà chồng.
Mai Hoa chẳng bao giờ bắt chồng phải thế này hay phải thế kia, rằng anh không được hút thuốc lá, không được uống rượu… Chị biết nếu ép kiểu đó thì trước mặt, có thể anh giảm đi một chút nhưng sau đó đi với bạn bè, chắc chắn người đàn ông làm những gì họ thấy thích cho khoái, thậm chí hút gấp 5 gấp 10 lần. Cho nên, mọi việc chị đều cố gắng để từ từ… ngấm, chị chỉ nêu ra những tác hại để anh hoặc các thành viên trong nhà thấy đâu là lợi và đâu là hại, còn sửa hay không sửa là ý nguyện của từng người. Chị hiểu một điều, sự gay gắt thường không có tác dụng bằng sự mềm mỏng.
Gia đình nào thì cũng cãi nhau, gia đình chị cũng thế, đâu tránh khỏi. Nhưng chị may mắn là nhạc sĩ Trọng Đài lớn hơn chị tới gần 20 tuổi nên anh biết cách sống sao cho êm đẹp hơn, biết kìm nén cái Tôi lại để gia đình nhẹ nhàng hơn. Mai Hoa luôn ghi nhớ một câu mà ông xã chị thường nói: “Vì mình còn ở với nhau, muốn nói gì thì nói nhưng nên kìm bớt những gì không nên nói, nếu cứ cố nói cho bằng hết những bực tức trong lòng thì có thể sướng miệng lúc đó thôi, nhưng sau đó sẽ làm tổn thương đến người bạn đời của mình’.
Mai Hoa rất thấm thía điều đó, hiểu rằng cái Tôi cần phải kìm lại như thế nào để giữ được ấm êm. Sau những trận cãi vã, có thể nói với nhau lời xin lỗi, rằng em/anh nóng quá, không nên nói như vậy. Nhưng, khi đó dù người bạn đời của mình có thiện tâm đến mấy thì cũng chỉ bỏ qua được 70%, còn 30% thì giữ trong đầu với ý nghĩ rằng à, hóa ra là cô ấy nghĩ về điều đó như vậy đấy.
![]() |
Anh Trọng Đài là người tế nhị và tinh tế, công việc của anh cũng nhiều bức xúc, khó khăn, nhưng anh không bao giờ về tới nhà là tìm cách trút lên vợ con. Anh cũng muốn chia sẻ với vợ cho nhẹ đầu đi, nhưng anh chọn thời điểm nói khi không khí thanh bình, vui vẻ. Khi đó, bản thân người nói cũng đã giảm đi những ức chế mà người vợ nghe chuyện cũng thấy nhẹ nhàng.
“Bạn đi làm về nên để đôi giày ngoài cửa, đó là nguyên tắc của hạnh phúc nhưng có lẽ không ai làm được điều đó bởi ai cũng cứ muốn mang cả đôi giày vào nhà. Hãy cố gắng chỉ mang một chiếc giày vào thôi là vừa đủ”, Mai Hoa tâm sự. Ai chẳng có những bức xúc của công sở, nhưng thử nghĩ xem ví dụ hôm đó chẳng may gặp bức xúc của bạn đời, hai cái bức xúc gặp nhau rất dễ bùng bổ, dần dần mái ấm của người ta không phải là mái ấm nữa mà là nơi trút giận.
Mái nhà là nơi thanh bình của mỗi người, khi ra đường đã chịu áp lực rồi về nhà cũng áp lực thì làm sao chịu được. Đàn bà thì buồn hay vui cũng phải về, nhưng đàn ông thì không phải lúc nào cũng về, họ vui thì về, không vui thì kiếm cớ ngồi ngoài đường với bạn bè, khi nào chán thì về. Nhiều lần như vậy thì sẽ dẫn đến những chuyện ngoài luồng. Mai Hoa tin rằng người đàn bà thông minh phải biết cách để chồng về nhà.
Mai Hoa tự hào là gia đình chị luôn có không khí vui vẻ. Chị thích vui, anh cũng hợp chị ở tính đó, kể cả các con cũng thế. Chẳng bao giờ chị để cho không khí gia đình ảm đạm, buồn bã, mà luôn bằng cách này hay cách khác xoay chuyển tình thế để vui vẻ. Nhà chị có một quy định bất thành văn là cuối tuần phải dành thời gian cho gia đình, các con đi học nhưng đúng đến chủ nhật là được xả hơi hoàn toàn.
Ngày đó, cả nhà đi chơi cùng nhau, đi ăn uống thoải mái. Mai Hoa trần tình rằng, chị có vẻ ngoài nhanh nhẹn thế thôi chứ tính chị lại thích sống chậm, làm gì cũng chậm hơn so với mọi người. Anh và chị đã có dự án cùng nhau ra một sản phẩm âm nhạc chung mà mãi chưa ra được vì sự chậm chạp đó. Nhưng trong cuộc sống này, chị thích sống chậm, thích một cuộc sống cứ từ từ, không muốn mình phải đầu tắt mặt tối bởi đủ mọi lo lắng. Sự thoải mái chính là một liều thuốc diệu kỳ của hạnh phúc mà nếu mỗi người không biết tự điều chỉnh sẽ rất khó khăn để giữ gìn.
Song Phúc