Nữ hoàng kỳ lạ nhất trong lịch sử

07:22, Thứ bảy 09/07/2011

( PHUNUTODAY ) - Nữ hoàng Christina là một trong những người phụ nữ lạ kì nhất của lịch sử các bậc đế vương. Đầy tài năng song cũng nhiều thói hư tật xấu, bà đã sống cuộc đời mãnh liệt đam mê và chất chồng tai tiếng.


Nàng công chúa khác thường

Thụy điển ngày nay là một trong những đất nước thanh bình nhất trên thế giới. Nơi đây, người dân được hưởng cuộc sống ấm no, thịnh vượng và gần như tách biệt khỏi những tranh chấp hỗn loạn ở các quốc gia xung quanh.

 Thật khó có thể tin rằng thủa xa xưa, vào thời kì Trung cổ, miền Nam Thụy Điển là một trong những trung tâm thương mại sầm uất nhất trên thế giới. Hai thành phố Stockholm và Lund của nước này có thể nói là sánh ngang với London và Paris. Thương nhân từ khắp các vùng biển phía Nam tập trung về đây để làm ăn buôn bán. Bất cứ ai đã một lần đặt chân đến Thụy Điển đều phải choáng ngợp bởi sự đông đúc và phát triển đến chóng mặt mà khó có nơi nào sánh kịp.

Cuối thời kỳ Trung cổ, Thụy Điển là quốc gia sở hữu lực lượng quân sự hùng hậu nhất ở Nam Âu. Những binh sĩ Thụy Điển được gọi là “người khổng lồ tóc vàng” dưới sự chỉ huy của các vị tướng tài ba và dũng cảm, luôn áp đảo trên chiến trường và giành thắng lợi lừng lẫy. Đại sứ Thụy Điển dù đi đến bất cứ quốc gia nào cũng được chăm sóc đặc biệt với sự kính sợ và nể trọng. Vào thời đó, ngay đến cả triều đình Anh quốc lâu đời cũng phải e ngại quốc gia nhỏ bé này.

Năm 1626, cả đất nước Thụy Điển như đang cùng nín thở cầu nguyện cho hoàng hậu của mình sinh được một hoàng tử, người có thể nối ngôi cha, vua Gustavus Adolphus vĩ đại, tiếp tục xây dựng và bảo vệ đất nước hùng mạnh này. Hoàng hậu Maria Eleonora, công chúa nước Đức, đã sinh được hai cô con gái, đáng tiếc đều chết khi vừa lọt lòng. Áp lực nặng nề đặt lên vai hoàng hậu và ngay đến nhà vua cũng đang vô cùng hồi hộp, lo lắng.

Giây phút đứa trẻ chào đời, những người có mặt đều lặng đi vì bàng hoàng và lo sợ. Không ai đủ can đảm để đến thông báo với đức vua, người đang sốt ruột chờ đợi ở phòng bên. Cuối cùng, em gái ruột của nhà vua tức công chúa Caroline phải đích thân mang tin này đến cho ông.
1
Nữ hoàng Christina

Gustavus thực sự là một vị vua hào hiệp, một đấng minh quân bởi ngay khi hay tin, ông không hề biểu lộ sự thất vọng, hay thậm chí là chút ít ngạc nhiên. Ông lập tức đứng lên, ôm lấy em gái và nói: “Hãy tạ ơn Chúa. Ta hi vọng con bé sẽ tài giỏi hơn bất kì đứa con trai nào. Có thể đó là lý do mà đến tận bây giờ Người mới gửi con bé đến cho chúng ta.”

Thông thường, các hoàng tộc trên thế giới đều ít quan tâm đến sự ra đời của một công chúa hơn là một hoàng tử, nhưng Gustavus lại vô cùng trân trọng cô con gái bé bỏng mà ông đặt tên là Christina này. Ông cho mở tiệc ăn mừng khắp hang cùng ngõ hẻm trên đất nước với yến ẩm linh đình, pháo hoa và khiêu vũ đủ cả. Từ giây phút đầu tiên đón lấy đứa trẻ, nhà vua đã thốt lên: “Đây là người kế vị của ta” và kể từ đó, ông luôn đối xử với công chúa theo cách một người cha đối xử với cậu con trai cưng của mình.

Dân chúng Thụy Điển cũng yêu quí công chúa nhỏ không kém gì tình cảm họ dành cho quốc vương và hoàng hậu đáng kính. Có lần, đức vua và công chúa đi qua một pháo đài và quyết định dừng chân nghỉ ngơi qua đêm ở đây. Theo luật, sĩ quan chỉ huy phải cho bắn 50 phát đại bác để thể hiện niềm vinh dự khi được chào đón hoàng gia.

 Tuy nhiên, anh ta lại lo lắng là tiếng đại bác long trời lở đất có thể làm công chúa bé nhỏ khiếp sợ. Anh ta bèn cử người đến tận nơi hỏi ý kiến nhà vua về vấn đề này. Đức vua suy nghĩ chốc lát rồi đáp: “Con gái ta là con gái của một chiến binh. Rồi nó sẽ phải học cách sống của chiến binh. Hãy cứ nổ súng đi.”

Mệnh lệnh được truyền đi nhanh chóng và chỉ lát sau, 50 khẩu đại bác cùng nổ vang trời. Nhà vua nhìn xuống Christian. Gương mặt cô bé sáng lên trong niềm vui thích. Cô vỗ tay, cười vang và hét lên: “Bắn nữa đi! Nữa! Nữa! Nữa!”

Câu chuyện này chỉ là một trong hàng loạt bằng chứng cho sự đặc biệt của công chúa Christian. Người dân ngày một yêu quí cô hơn và không ai còn mảy may nghi ngờ về tiềm năng của người kế vị ngai vàng.

Khá lạ lùng rằng mẹ ruột của Christina, hoàng hậu Maria, chẳng mấy quan tâm đến cô con gái, thậm chí dần dần bà còn ghét bỏ cô, cũng nhiều như tình yêu của vua cha dành cho cô. Có thể bà quá thèm khát một cậu con trai đến mức đâm ra chán ghét cô con gái.
1
Nữ hoàng Christina

Hoặc cũng có thể bà cảm thấy ghen tị với Christina khi cô bé vô tình độc chiếm sự quan tâm của nhà vua. Sau này, khi miêu tả về mẹ mình, Christina đã bộc lộ khá thẳng thắn: “Bà không thể chịu đựng được việc nhìn thấy ta, bởi vì ta là con gái, và là một cô bé xấu xí. Kể ra thì cũng đúng, hồi đó ta đen đúa như một người Thổ Nhĩ Kỳ tí hon.”

Cách bà hoàng Thụy Điển miêu tả về bản thân quả là chân thực. Christina chưa bao giờ xinh đẹp. Cô thậm chí có giọng nói cực kỳ chói tai. Cô có xu hướng bạo lực ngay từ khi còn bé. Nhưng công bằng mà nói, cô là đứa trẻ ngộ nghĩnh nhất trên đời. Christina có gương mặt biểu cảm vô cùng với đôi mắt to, cái mũi khoằm và mái tóc vàng đặc trưng của người Thụy Điển.

Suốt thời thơ ấu của công chúa, có một thế lực nào đó luôn tìm cách hãm hại cô, và mọi việc đều được sắp đặt giống như những tai nạn đơn thuần mà thôi. Nhiều lần cô bị đẩy ngã trên sàn nhà. Thỉnh thoảng một vài món đồ dễ vỡ bay về phía cô.

Hơn một lần, xà nhà suýt rơi trúng đầu cô. Không một tai họa nào gây thương tổn trầm trọng cho Christina, cô may mắn tránh được phần lớn.

Tuy nhiên, khi công chúa trưởng thành, một bên vai của cô bị nhô cao hơn so với bên kia. Mặc dù một cuộc phẫu thuật có thể giải quyết được vấn đề này nhưng có vẻ như Christina chẳng buồn bận tâm đến, hoặc cô cố tình để nó thế như một cách nhắc nhở mình luôn phải thận trọng với thế giới xung quanh.

Nữ hoàng vĩ đại của Thụy Điển

Năm Christina 4 tuổi, Thụy Điển dính vào cuộc chiến tranh lớn đã kéo dài hàng chục năm giữa hai phe tin lành và công giáo ở Đức. Sức mạnh và tiền của của đất nước láng giềng này dần cạn kiệt. Vua Gustavus Adolphus quyết định đã đến lúc cầm kiếm tham gia vào cuộc chiến với ý định cải thiện tình hình và sâu xa hơn là tham vọng nhân cơ hội này chi phối toàn bộ khu vực bờ biển Baltic.

Vị hoàng đế chiến binh tập trung quân đội của mình và chuẩn bị tràn vào nước Đức. Trước lúc lên đường, ông bế cô con gái bé nhỏ trên tay và đưa cô đến trước mặt các quan đại thần trong triều. Nhà vua buộc quần thần quì xuống và thề danh dự rằng họ sẽ tôn kính, thờ phụng công chúa với tư cách là người thừa kế ngai vàng và nếu có bất kì chuyện gì không hay xảy ra cho đức vua, không ai khác ngoài cô sẽ lên làm hoàng đế.

Hoàng đế Gustavus đã chiến đấu kiên cường như bất kỳ chiến binh Thụy Điển nào. Ông giao chiến với những vị tướng tài năng bậc nhất của đối thủ, những kẻ mạnh mẽ, lạnh lùng và bí ẩn kì lạ. Nhiều tháng qua đi mà chiến tranh vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Trận chiến cuối cùng diễn ra ở Lutzen, khi mà thắng lợi đang nghiêng về phía quân Thụy Điển, Hoàng đế Gustavus Adolphus, vị tướng tài ba, đã trúng một nhát đâm chí mạng. Ông qua đời ngay khi quân Đức đang tháo chạy khỏi chiến trường.

Christina trở thành nữ hoàng Thụy Điển năm cô 6 tuổi. Dĩ nhiên, cô chưa thể bắt đầu trị vì đất nước ở vào độ tuổi ấy. Một hội đồng các trưởng lão đứng ra tiếp tục vận hành chính sự theo con đường mà vị vua quá cố đã vạch sẵn đồng thời lập tức dạy cho nữ hoàng nhỏ tuổi cách cai trị một quốc gia. Cô nhanh chóng chứng tỏ trí tuệ vượt xa những đứa trẻ cùng trang lứa.

Cô hiểu rõ mọi đổi thay, mọi kế hoạch và mọi sự sắp đặt đang diễn ra. Cô có tài ứng biến phi thường và cư xử cực kỳ thận trọng trước các vấn đề hội đồng đặt ra để thử thách cô. Một thời gian sau, cô được một vị đại pháp quan kì tài của Thụy Điển trực tiếp dạy dỗ, ngài Oxenstierna, người mà trí tuệ và kiến thức rộng lớn của ông đã tác động mạnh mẽ đến nữ hoàng mãi đến tận khi trưởng thành.

Trước khi 16 tuổi, cô đã chứng tỏ được khả năng vượt trội của mình đến mức rất nhiều người đề nghị cô lên trị vì chính thức. Trước những kiến nghị này, cô không để tâm mà chỉ đáp: “Ta vẫn chưa sẵn sàng.”

Thời kỳ này, Christina ép buộc bản thân luôn phải hành xử giống như một ông vua. Không một dấu hiệu nào của nữ tính được phép bộc lộ ra ngoài. Cô chẳng mấy quan tâm đến hình thức. Cô luôn mang áo giáp và đeo kiếm bên mình mỗi khi lên triều và mặc quần áo đàn ông khoảng thời gian còn lại.

Năm cô tròn 18 tuổi, đã đến lúc không thể thoái thác trách nhiệm được nữa. Cả đất nước Thụy Điển trông đợi sự cai trị sáng suốt của nữ hoàng và cũng hi vọng cô sớm kết hôn để sinh người nối dõi ngai vàng. Tuy nhiên, nữ hoàng Christina của họ lại phản đối mọi đề xuất liên quan đến hôn nhân.
Hàng đoàn người cầu hôn từ mọi quốc gia châu Âu kéo đến quì dưới chân bà hoàng Thụy Điển nhưng đều nhanh chóng bị từ chối thẳng thừng. Thời điểm đó Thụy Điển là đất nước mạnh về kinh tế lẫn quân sự, lại hoàn toàn độc lập khỏi các liên minh, cho nên nữ hoàng Christina đã trả lời dân chúng bằng giọng nói dứt khoát và chói tai của mình: “Ta sẽ không bao giờ kết hôn”.

Khi đã vững vàng trên ngai vua, nữ hoàng cai trị với chính sách hà khắc nhất mà người dân Thụy Điển từng biết đến. Bà toàn quyền điều hành đất nước và thực hiện các đường lối đối ngoại của riêng mình, bỏ ngoài tai mọi lời can ngăn của các đại thần. Cuộc chiến với các nước châu Âu đã dai dẳng nhiều năm liền khiến quân sĩ mệt mỏi nhưng phần thắng lợi đang nghiêng về phía Thụy Điển. Vì lý do này mà nhiều người ủng hộ tiếp tục kéo dài chiến tranh.

Nhưng Christina, trái lại, quyết định rằng trò chém giết này cần lập tức chấm dứt bởi vinh quang nơi chiến trường không thể sánh với những thành tựu về kinh tế. Thụy Điển có tiếng tăm lẫy lừng khắp thế giới, đã đến lúc duy trì hòa bình để dân chúng yên lòng tập trung vào lao động sản xuất. Năm 1648, cuộc chiến tranh suốt 30 năm ròng rã chính thức kết thúc nhờ vị nữ hoàng 22 tuổi.

Sự kiện này mở ra một thời kỳ phồn thịnh cực độ của đất nước Thụy Điển nhờ vào việc phát triển thương mại, các chính sách thúc đẩy kinh tế, thành tựu về nông nghiệp và sự mở mang dân trí. Nữ hoàng trẻ tuổi không cần mượn đến những mưu mẹo chính trị cũng chẳng cần vin vào dòng máu quí tộc thuần khiết của mình.

Bằng năng lực và sự quyết đoán của bản thân, bà đã chứng tỏ mình thực sự là một hoàng đế vĩ đại. Bà có vốn tri thức phong phú về nghệ thuật. Bà cũng rất say mê học tập, nói tiếng latin trôi chảy và đủ khả năng tranh luận với các học giả hàng đầu hàng giờ liền mà không hề thua kém về tầm hiểu biết.

Một cuộc đời đam mê và tai tiếng

Nữ hoàng đặc biệt say mê các loại hình nghệ thuật. Bà có một phòng trưng bày đủ loại tượng, từ đồng đỏ cho đến cẩm thạch, mề đay bằng vàng, bạc, ngà voi, gương, đồng hồ, phù điêu và cuối cùng là một số lượng khổng lồ các bức họa.

Nhưng trong khi bà nỗ lực hết sức để biến cung điện của mình thành ngôi nhà cho nghệ thuật và văn chương thì mọi thứ vẫn có vẻ gì đó vô hồn và không ăn nhập. Chính vì thế, Christina phải kêu gọi các nhà nghệ thuật học từ khắp nơi, đặc biệt là người Ý và người Pháp, mang tài năng của mình đến hoàng cung Thụy Điển.
q
Nữ hoàng Christina và hầu tước Monaldeschi

Trong số những người này, có một người đàn ông Pháp lạ lùng tên là Bourdelot, một kẻ cực kỳ thông minh và tham vọng. Chính sự xuất hiện của Bourdelot là nguyên nhân cho những đổi thay hoàn toàn trong con người Christina. Dưới ảnh hưởng của nhân vật này, Christina bắt đầu chán ghét cuộc sống lành mạnh đến mức buồn tẻ từ trước đến nay.

Bà bắt đầu lơ là việc quốc gia và cảm thấy chán ghét những con người Thụy Điển với đầu óc đơn giản và tính tình thật thà, chất phác. Bà thích thú với việc trang hoàng cung điện bằng những đồ vật xinh đẹp và xa xỉ đến từ nước ngoài.

Từng chút từng chút một, Bourdelot làm lung lay các nguyên tắc mà nữ hoàng tự đặt ra cho mình. Từ một người khá giản dị, bà dần ưa thích hưởng thụ lạc thú. Về bản chất, Christina không thuộc loại người bỏ công sức và thời gian vào những chuyện yêu đương tầm phào sướt mướt. Nhưng dưới vẻ ngoài cứng nhắc, con người bà đầy đam mê, thèm khát và luôn đòi hỏi được phục tùng cùng ham muốn sở hữu bất cứ thứ gì mình thích. Bourdelot có thể là người tình đầu tiên nhưng chắc chắn không phải là người cuối cùng.

Một khi đã đắm chìm vào các cuộc ăn chơi, nữ hoàng thậm chí chẳng thèm quan tâm đến việc giữ gìn hình ảnh của mình nữa. Bà phung phí ngân khố quốc gia cho những thú vui xa xỉ và vẫn như khi xưa, bà bất chấp những nỗ lực can ngăn của cận thần cùng lời đàm tiếu trong dân chúng. Bà tiệc tùng và vui vẻ với đám đàn ông thâu đêm suốt sáng. Quan lại trong triều ngày càng tỏ ra bất mãn và coi thường nữ hoàng của mình hơn.

Dĩ nhiên, ngai vàng Thụy điển nhất thiết phải có người kế vị. Vì thế nữ hoàng lựa chọn người em họ Charles cho vị trí này. Sau đó bà hầu như đẩy công việc trị vì sang cho người thừa kế để tập trung vào việc hưởng thụ cuộc sống. Cuối cùng, đến năm 28 tuổi, bà chính thức thoái vị và chuẩn bị rời khỏi đất nước. Trước lúc hoàn toàn rời bỏ ngai vàng, Christina không quên giữ cho mình một vài khu vực giàu có nhất của Thụy Điển. Những vùng đất này sẽ thuộc về bà cho đến cuối đời.

Người dân Thụy Điển luôn ghi nhớ Christina là con gái yêu của vị vua vĩ đại nhất và hơn nữa, suốt thời gian trị vì, ngoài những tai tiếng về lối sống sa đọa, bà đã cho người dân cuộc sống ấm no và yên ổn. Chính vì lẽ đó, họ để cho bà ra đi như ý nguyện và chấp nhận ông vua mới do nữ hoàng chỉ định.

Về phần mình, Christina vui sướng đã trút bỏ được gánh nặng quốc gia và háo hức chờ đón cuộc phiêu lưu phía trước. Mang theo đoàn tùy tùng hoành tráng, bà đến Đức, ở lại Brussels 1 năm rồi chuyển sang Ý. Tại đây bà được sự đón tiếp long trọng của giới quí tộc. Vua Alexander VII thậm chí còn dành riêng cho bà một cung điện lộng lẫy, rửa tội và đặt cho bà cái tên Alexandra.

Kết thúc bi thảm cho kẻ phản bội

Tại Rome, bà sống cuộc đời xa hoa, vây quanh bởi đám đàn ông quí tộc đầy học thức và bà chọn cho mình một tình nhân chính thức: hầu tước Monaldeschi. Hầu tước luôn ở bên Christina mọi lúc mọi nơi, như hình với bóng. Hắn thề trung thành tuyệt đối với nữ hoàng và phục tùng bà không chút đắn đo. Chính vì thế, một thời gian dài, Monaldeschi là người duy nhất có thể thỏa mãn những khao khát mãnh liệt cùng các thú vui có phần bệnh hoạn và tàn ác của bà hoàng.

Monaldeschi là người đàn ông trẻ tuổi, đẹp trai đúng kiểu Ý. Hắn ta thành thạo nghệ thuật quyến rũ phụ nữ nhưng lại không hiểu được rằng nữ hoàng Christina chẳng bao giờ sủng ái bất cứ một thứ gì quá lâu.

Khi Christina xích mích với Hồng y giáo chủ, bà quyết định rời Rome một thời gian. Hầu tước Monaldeschi theo bà sang Pháp, nơi bà được cả triều đình của vua Louis XIV chào đón. Bà trở thành tâm điểm chú ý bởi cách cư xử lạ lùng và có phần thô lỗ của mình. Nhưng nhà vua thì đặc biệt ưa thích bà và mời bà đến cung điện săn bắn của mình ở Fontainebleau.

Trong khi Christina mải mê với những trò vui mới lạ ở Pháp, Monaldeschi cũng nhận thấy nữ hoàng dần dần không còn chú ý đến mình nữa. Và rồi hầu tước bắt đầu nghi ngờ sự chung thủy của người tình tối cao. Cuối cùng, hắn đau đớn phát hiện ra vị trí của mình đã bị thay thế bởi một người đàn ông Ý khác: Sentanelli, đội trưởng đội cận vệ của nữ hoàng Christina.

Trong những trường hợp như thế này, giới quí tộc thường giải quyết bằng cách thách đấu gươm hoặc súng, dùng tính mạng để dành lại người tình. Nhưng Monaldeschi lại chọn cách trả thù khá đê hèn. Hắn bắt tay với Oliver Cromwell, một đại thần trong triều đình Anh để phản bội Christina.

Mặt khác, kẻ thất sủng cũng giả mạo chữ viết tay và con dấu của tình địch Sentanelli để viết hàng loạt thư đặt điều nói xấu và nhạo báng nữ hoàng Thụy Điển rồi gửi đi khắp nơi. Hắn tưởng rằng trò hề này có thể hủy hoại mối quan hệ giữa bà và Sentanelli. Tuy nhiên, khi những bức thư ô uế này đến tay Christina, bà lập tức nhận ra chủ nhân thực sự của chúng.
1
Nữ hoàng Christina và hầu tước Monaldeschi

Ý nghĩ bị phản bội bởi một kẻ đã từng rất gắn bó với mình khiến Christina đau buồn và tức giận. Hệ quả là một tấn thảm kịch đang chờ đợi hầu tước Monaldeschi.

Linh mục Le Bel là người chứng kiến sự việc này từ đầu đến cuối đã ghi chép lại khá chi tiết. Lúc đó vào khoảng tháng 11 năm 1657, Nữ hoàng Christina cùng hầu tước đang ở cung điện Fontainebleau. Giữa đêm khuya thanh vắng, cha sứ Le Bel bị đánh thức một cách thô bạo và được yêu cầu đến ngay phòng trưng bày tượng nằm ở một khu vực tách biệt trong lâu đài, theo lệnh của nữ hoàng.

Vị mục sư, lòng đầy nghi hoặc, vội vã xuất phát. Đến phòng trưng bày tối tăm, ông thấy hầu tước Monaldeschi đang trong trạng thái thực sự hoảng sợ và nữ hoàng đứng nơi cuối phòng, trông khá sầu não.

Bên cạnh bà là 3 thị vệ cao lớn, đứng hiên ngang như đang chờ mệnh lệnh. Nữ hoàng ra lệnh cho cha Le Bel tới gần và bảo ông đưa lại cái gói nhỏ mà bà đã giao cho ông cất giữ mấy ngày trước. Nữ hoàng lạnh lùng đón lấy và chậm rãi nhưng dứt khoát mở nó ra. Gương mặt đanh lại, bà đưa cho Monaldeschi xem tập thư từ và tài liệu bên trong. Hắn tỏ vẻ bối rối như không hiểu chuyện gì đang diễn ra.

Bằng lời lẽ ngắn gọn nhưng đanh thép, Nữ hoàng Christina đã vạch trần tội lỗi ô nhục của người tình. Monaldeschi gần như sụp xuống. Hắn lết đến bên chân nữ hoàng, khóc lóc thảm thương và cầu xin sự tha thứ nhưng chỉ nhận lại câu trả lời lạnh lùng: “Ngươi là kẻ nô bộc và một tên phản bội. Hầu tước, hãy chuẩn bị chết đi!” Cho hắn một ân huệ cuối cùng là xưng tội với cha Le Bel rồi bà hoàng quay bước, rời khỏi căn phòng tăm tối, chẳng chút mủi lòng trước tiếng kêu khóc của Monaldeschi.

Tên hầu tước đớn hèn bắt đầu chửi rủa, rồi lại gào thét và than khóc, cầu xin sự thương hại của cha sứ và 3 thị vệ. Cha Le Bel nhân từ thậm chí đã đích thân tìm đến nữ hoàng để hỏi xem liệu bà có đổi ý không nhưng vẫn chỉ nhận được câu trả lời ngắn gọn và dứt khoát: “Hầu tước phải chết”. Không thể trì hoãn thêm được nữa, 3 thị vệ tiến đến, cùng lúc rút kiếm ra kết liễu cuộc đời gã người tình một thủa của nữ hoàng Christina.

Câu chuyện này là một trường đoạn tai tiếng nhất trong cuộc sống riêng tư của bà hoàng Thụy Điển. Khi người em họ Charles, kẻ được nữ hoàng đưa lên ngôi vua qua đời mà không có người thừa kế, bà âm mưu quay lại ngai vàng. Tuy nhiên Christina đã không còn được sự ủng hộ của cả triều thần lẫn dân chúng nữa. Cuối cùng, bà trở về Rome, sống sung túc dưới sự bao bọc của Đức Giáo Hoàng.

Giai đoạn cuối đời, Christina sống rất thoải mái và vui vẻ. Bà được ngưỡng mộ vì những tư tưởng sáng suốt trong các vấn đề chính trị. Mọi ý kiến của bà đều được coi trọng ở các triều đình châu Âu. Bà tiếp tục nghiên cứu nghệ thuật và sở hữu một bộ sưu tập tuyệt vời. Nữ hoàng Christina qua đời năm 55 tuổi và được chôn cất ở nhà thờ St. Peter’s.

Hương Hương
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc