(Phunutoday) - Có lẽ, bà là người phụ nữ chung thủy nhất mà chúng tôi đã từng gặp trong cuộc đời trần ai này. Hơn 20 năm đằng đẵng, bà một tay chăm chồng bại liệt, một tay chăm con. Sự hy sinh cao cả ấy là từ tình yêu, từ một lời thề xén tóc trước ngày ông lên đường ra trận. Ngày trở về từ chiến trường, mang trên mình di chứng của chiến tranh, ông vẫn nhận được từ vợ một tình yêu trọn vẹn. Dưới dãy núi Chân Mây, người phụ nữ chung tình ấy đã xây lâu đài hạnh phúc.
Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Kim Đồng ở xóm 1, xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An trong một ngày chớm lạnh. Trong tiết trời chuyển khắc gợi cho người ta cảm giác cô quạnh ấy bỗng như được sưởi ấm lại bởi hình ảnh hai mái đầu bạc đang chụm lại bên nhau. Hai mươi năm có lẻ, mái đầu xanh của cô gái Lê Thị Mai ngày nào giờ đã nhuốm màu sương.
Tình yêu thời hoa lửa và lời thề xén tóc
Nhìn người chồng đang nằm bất động sau cơn đau quằn quại, nước mắt bà Lê Thị Mai ngấn dài trên từng nếp nhăn. |
Tình yêu thời hoa lửa và lời thề xén tóc
Nhìn người chồng đang nằm bất động sau cơn đau quằn quại, nước mắt bà Lê Thị Mai ngấn dài trên từng nếp nhăn. Người vợ của anh lính năm xưa ngậm ngùi kể, thiếu thời, họ là đôi bạn cùng quê, cùng sở thích hát ví dặm từ bé nên sớm trở thành cặp đôi hát ví ăn ý với nhau nhất. Hai người cũng thường xuyên được làng cử đi hát đối với các làng bên và đó cũng chính là nguyên nhân khởi nguồn cho một tình yêu đến trong lẽ thường tình tự nhiên nhất. Chuyện tình yêu của đôi trẻ ngày ấy cứ như nụ tầm xuân bắt đầu đơm hoa nảy nở.
Lớn lên chút nữa, Lê Thị Mai và Nguyễn Kim Đồng cũng như bao lớp thanh niên hăng hái góp công, góp sức mình chống giặc Pháp xâm lược, cả hai cùng tham gia vào đoàn thanh niên du kích xã. Ngày ngày, tham gia mở đường, làm nhiệm vụ tiền tiêu, cảnh giới cho các đoàn xe qua. Tối về, hai người lại hòa cùng đám nam thanh nữ tú trong làng luyến láy với nhau những câu hò, câu ví dưới gốc đa, sân đình.
Mãi đến cuối năm 1957, trước khi quyết định ra tiền tuyến góp sức cho độc lập dân tộc, chàng trai Nguyễn Kim Đồng mới ngỏ lời cầu hôn cô thôn nữ Lê Thị Mai cùng với tâm nguyện, ra đi chưa hẹn ngày về nên muốn được cưới gấp để có người nối dõi bởi anh là độc đinh của dòng họ. Lời thỉnh cầu ấy được chấp thuận bằng một đám cưới nho nhỏ nhưng đầy ấp tình cảm của hàng xóm, láng giềng.
Cưới nhau chưa tròn tháng thì anh Nguyễn Kim Đồng lên đường nhập ngũ. Anh được điều động vào lính công an võ trang ở thị xã Cẩm Phả (Quảng Ninh). Khi ấy, người vợ trẻ Lê Thị Mai vẫn năng nổ với hoạt động của phụ nữ “Ba đảm đang, ba sẵn sàng” ở quê hương Quỳnh Lưu lửa đạn. 11 năm lăn lộn tại các chiến trường Đông Bắc Bộ, năm 1966 anh Đồng mới có dịp về lại nhà để thăm gia đình và người vợ thân yêu trước khi tiếp tục hành trình vào chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Đó là quãng thời gian ngắn ngủi họ được sống cuộc sống vợ chồng đúng nghĩa.
Trong tiết trời chuyển khắc gợi cho người ta cảm giác cô quạnh ấy bỗng như được sưởi ấm lại bởi hình ảnh hai mái đầu bạc đang chụm lại bên nhau. |
Nhớ lại khoảnh khắc của ngày chia ly, bà Lê Thị Mai, tuy nay đã bước qua tuổi 70 nhưng khuôn mặt vẫn ánh lên nét rạng ngời. Đêm ấy, lúc vừa kịp quen hơi ấm của chồng thì cũng là lúc phải chia ly. Người vợ trẻ vô cùng đau xót nhưng vì đất nước, chị gạt nước mắt động viên anh lên đường với tâm niệm nước mất thì nhà tan nên phải biết hy sinh hạnh phúc nhỏ để góp phần hi sinh cho tổ quốc, cho non sông, đất nước.
Để người chồng trẻ yên tâm vững vàng tay súng, chị Mai đã xén một lọn tóc của mình để vào đáy ba lô thay cho lời thề hẹn son sắt: Chừng nào anh còn sống, em sẽ chờ đợi ngày Châu về hợp phố. Và như thế anh đi. Biền biệt, mang theo lời thề hóa đá của người vợ trẻ chốn quê.
Nằm một chỗ trên chiếc giường nan, lắng nghe vợ kể chuyện tình của chính mình, ông Nguyễn Kim Đồng cũng gắng cựa mình góp vui, rằng ngày đó, ông ra chiến trường với tinh thần tự nguyện, viết đơn xin gia nhập quân đội và ngày chia tay vợ vào miền Nam, ông cũng không hề hay biết mình đã để lại quê nhà một mầm sống. Mãi sau này, ông Đồng mới biết tin mình được làm bố chứ lúc bấy giờ do yêu cầu của cuộc chiến ông chẳng dám tin mình sẽ có được cái niềm hạnh phúc lớn lao ấy.
Rồi, bằng sức mạnh kỳ diệu có lẽ là chỉ khi nhắc lại kỷ niệm đẹp của quá khứ mới có được, người bệnh binh già đang nằm liệt bất động lâu nay đã gượng dậy. Ông vẫn nhớ như in một lời thề xén tóc của bao nhiêu năm về trước. Ông ân cần bảo bà Mai lục tìm trong đáy chiếc ba lô năm xưa và đưa cho chúng tôi xem lọn tóc mà bà Mai đã trao ông. Một lọn tóc đen tuyền thơm mùi bồ kết.
Chỉ một lọn tóc ấy thôi nhưng là sợi dây vô hình đã kết nối mối tình của người hậu phương với người tiền tuyến. “Những lúc hành quân cùng đơn vị hay là lúc cùng đơn vị đi trinh sát, lọn tóc của người vợ trẻ đã khiến tôi dũng cảm và thêm ý chí quật cường khi chạm súng với địch. Đến lúc bị thương nặng, lọn tóc ấy đã cho tôi sức mạnh khi phải đối mặt thần chết”, ông Đồng đưa mắt nhìn người bạn đời của mình kể lại.
Vợ chồng ông Đồng bà Mai bên hai con |
Về phần ông Nguyễn Kim Đồng, dù chiến đấu ở một nơi xa nhưng trong tâm trí không bao giờ nguôi hình ảnh nơi quê nhà, hình ảnh người vợ cùng đứa con thơ đang tần tảo tay cày, tay cấy trên đồng ruộng những lúc mùa về.
20 năm chăm chồng bại liệt
20 năm chăm chồng bại liệt
Đầu xuân năm 1970, trong lúc đang hành quân, đơn vị của ông bị địch phục kích. “Lúc đó, tôi đang cùng với mấy anh đi tiền trạm thì bất ngờ một loạt bom thả xuống, tôi chỉ biết đất đá bắn lên tung toé, cây cối ngả nghiêng rồi ngất đi, khi tỉnh dậy đã thấy mình đang nằm trong trạm xá dã chiến của quân Giải phóng”. Lúc này, ông mới biết một số đồng đội của mình đã hy sinh còn ông thì bị một mảnh đạn găm sâu vào phần dưới của lưng. Sau lần đó, sức khoẻ ông giảm sút một cách nhanh chóng.
Đến cuối năm 1970, Nguyễn Kim Đồng được đơn vị cho xuất ngũ về điều trị ở bệnh viện Quân khu 4. Sau một thời gian nằm điều trị, thấy sức khoẻ dần bình phục nên ông xin bệnh viện cho về quê những mong phụ giúp vợ con việc đồng áng, cày cấy.
Trở về, những tưởng sau bao biến cố cuộc đời, giờ đây là lúc họ được sống cuộc sống hạnh phúc dưới một mái nhà. Nhưng nào ngờ, lại một lần nữa, số phận nghiệt ngã tiếp tục thử thách tình yêu mà bà Mai dành cho chồng. Ngày định mệnh đen tối nhất đã ập đến giữa lúc không tiếng súng, không bom đạn. Hôm ấy, đúng vào dịp kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27/07/1992, sau lần gặp lại đồng đội cũ, ông bị tai biến liệt đôi chân do di chứng của trận bom năm xưa..
Từ ngày ấy, ông Đồng đã phải nằm liệt hoàn toàn. Một mình bà Mai lại phải gồng mình để gánh vác công việc gia đình vừa chăm chồng, vừa nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học (người con gái đầu đã đi lấy chồng ở xa thỉnh thoảng mới về thăm bố mẹ). Từ ngày ông mắc trọng bệnh, bà Mai hầu như đêm nào cũng thức trắng để chăm ông rồi những khi rảnh rỗi, bà lại dìu ông gượng dậy tập đi như đứa trẻ lên hai, lên ba.
“Tôi thường tranh thủ lúc các con đã đi ngủ để động viên chồng mình gắng tập đi lại, những mong phép màu sẽ khiến người mình yêu thương khỏi bệnh”. Bà Mai vừa thay lại quần áo cho chồng vừa tâm sự: “Ngày đó, tôi đã bán hết gia sản của vợ chồng bấy lâu nay để chạy chữa cho anh ấy. Thương chồng, con nhỏ nheo nhóc nhưng tôi luôn tự hứa với mình là phải luôn vui vẻ để động viên anh ấy vượt qua số phận của mình mà sống vì con”.
Ngày thường còn đỡ, chứ những lúc trái gió trở trời, vết thương trên người ông Đồng lại tái phát, hành hạ. Những lúc gặp phải hoàn cảnh như vậy, bà Mai lại khóc ngất, chỉ muốn được là người đau nỗi đau ấy một phần xoa dịu đi nỗi đau của chồng.
Cả ông Nguyễn Kim Đồng và bà Lê Thị Mai đã bước qua tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng họ vẫn yêu thương nhau như thuở ban đầu. Ông bà có với nhau 4 đứa con nhưng các con của ông, bà cũng đã khôn lớn. Đứa Nam, kẻ Bắc đi làm ăn, những mong kiếm được nhiều tiền để gửi về cho bố dưỡng bệnh. Duy nhất chỉ còn một cô con gái út ở nhà nay đã tuổi gần 30 nhưng không chịu lấy chồng, một mực ở với mẹ để chăm sóc bố.
Cũng như từ lúc mới bước chân vào ngôi nhà cấp 4 này, hình ảnh một người phụ nữ đang dìu chồng tập tễnh những bước đi nhọc nhằn và cả ngôi nhà tuềnh toàng khiến chúng tôi thêm một lần nữa nghiêng mình khâm phục. Chính sức mạnh của thần Tình yêu đã đưa họ đến với nhau, tình yêu ấy trải dài theo cuộc đời và đó cũng chính là tài sản vô giá, là sức mạnh vĩnh cửu làm nên câu chuyện cổ tích tình yêu dưới chân núi Khe Mây huyền thoại.
- Thiên Thảo – Ngọc Thái