Trong những năm tháng chiến đấu trên chiến trường ác liệt, ông Nguyễn Văn Đính (SN 1956, ở Hậu Thành I, Tây Thành, Yên Thành, Nghệ An) đã nhiễm phải chất độc Dioxin quái ác. Trở về quê nhà, kết hôn với người phụ nữ đã chờ đợi mình gần 10 năm trời là bà Hoàng Thị Điểm (SN 1962) những tưởng 2 người sẽ có được một cuộc sống hạnh phúc. Nào ngờ, liên tiếp trong 12 lần sinh nở của bà Điểm, lần lượt 6 đứa con vừa sinh đã sớm lìa đời vì thứ chất độc quái ác.
Di chứng quái ác của chiến tranh
Tìm đến xóm Hậu Thành I, Tây Thành, Yên Thành, Nghệ An, hỏi thăm gia đình ông Nguyễn Văn Đính (SN 1956) và bà Hoàng Thị Điểm (SN 1962) chẳng ai là không biết.
Những người dân ở đây đều xót xa cho hoàn cảnh của vợ chồng ông Đính và bà Điểm, vì đã tới 6 lần sinh nở là 6 lần hai vợ chồng ông phải ngậm ngùi đem con đi chôn vì đứa trẻ bị chết yểu.
Trò chuyện với PV trong căn nhà trống trải, ông Đính buồn rầu kể rằng, sinh ra khi đất nước vẫn chìm trong khói lửa chiến tranh, cũng như bao thanh niên trong làng, tháng 4/1974, ông Đính lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc.
Gia nhập Đại đội 7, Trung đoàn Bộ Thông tin 463, Quân đoàn 2 tại khu vực sông Ba Lòng, chiến trường miền Tây tỉnh Quảng Trị. Địa bàn hoạt động chủ yếu là khu vực Bình Trị Thiên và Đà Nẵng.
Đóng quân tại đây được một thời gian thì đơn vị hành quân chiến đấu vào Phan Rang, Phan Thiết để chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh.
Chính trong những ngày chiến đấu ác liệt ở miền Tây Quảng Trị, ông Đính không biết rằng mình đã nhiễm phải chất độc Dioxin quái ác mà bọn Mỹ rải xuống và đó cũng chính là nguyên nhân dẫn tới những di chứng khủng khiếp, khiến những đứa con của ông vừa ra đời đã sớm phải từ biệt cõi trần.
Ông Nguyễn Văn Đính kể về nỗi đau của gia đình mình. |
Nhớ lại quãng thời gian chiến đấu cùng đồng đội, ông Đính tâm sự: “Vào dịp gần Tết, khi ấy, cả binh đoàn đang cùng nhau gói bánh chưng thì thiếu lá, tôi cùng mấy đồng đội liền vào rừng để hái lá dong về gói cho kịp đón tết.
Chúng tôi phải băng qua một cánh rừng trọc lá, cây cối chết khô mới đến được khu rừng có lá dong. Lúc đó, chúng tôi đâu có biết rằng cánh rừng bị thiêu rụi trọc lá là do chất độc Dioxin của bọn giặc Mỹ gây ra”.
Lại có lần ông Đính cùng một đồng đội khác đi vào rừng để tìm gỗ đóng bàn ăn cơm. Giữa trưa, hai người khát nước nhưng không tìm ra suối nước, đi thêm một đoạn thì họ nhìn thấy một hố bom vẫn còn đọng lại nước, bên trong hố nổi đầy xác nòng nọc.
Trời nắng to, đang vừa khát nước lại vừa đói lả nên cả hai đã dùng nước đó để ngâm lương khô mang theo người cho nở ra để ăn. Nghĩ lại lần đó, ông Đính vẫn không khỏi rùng mình.
Sau khi miền Nam được giải phóng hoàn toàn, ông Đính được tiến cử làm Trung đội trưởng Vệ binh (Trung đoàn 463). Tháng 2/1979, đơn vị chuyển lên Lạng Giang - Hà Bắc để phục vụ cho cuộc chiến tranh biên giới Tây Bắc.
Năm 1980, nhiệm vụ kết thúc, ông Đính xuất ngũ trở về đoàn tụ với gia đình. Cũng trong năm đó ông kết hôn với cô gái xinh đẹp nhất làng từng chờ đợi ông gần chục năm trời là Hoàng Thị Điểm. Sau khi cưới nhau, vợ chồng ông Đính được bố mẹ cho ra ở riêng với 3 thúng gạo và 4 gian nhà tranh.
12 lần sinh nở, 6 lần mang con đi chôn
Ông Nguyễn Văn Đính bên mộ con |
Qua một lần đi khám bệnh, ông Đính mới biết mình đã nhiễm chất độc quái quỷ, vài người đồng đội một thời cùng ông chiến đấu cũng bị nhiễm chất độc da cam và cũng đã chết vì di chứng của chất độc này. Cũng từ đây, bi kịch bắt đầu ập xuống gia đình người lính dũng cảm.
Vợ ông Đính đã mang thai 12 lần, nhưng một nửa trong số những đứa trẻ đó vừa ra đời đã chết yểu và chính tay ông lại phải đào hố chôn con.
Cuối năm 1981, vợ ông Đính sinh đứa con trai đầu lòng trong niềm vui sướng của chồng, gia đình và bà con họ hàng. Tiếp sau đó, những đứa con khác lần lượt chào đời. Lúc sinh ra, đứa nào cũng khỏe mạnh, bình thường.
Thế nhưng niềm vui đó ngắn chẳng tày gang, tất cả 12 lần sinh nở, những đứa trẻ càng lớn càng có những biểu hiện khác thường về sức khỏe và thể trạng. Đau đớn hơn là 6 đứa trẻ trong số đó đã không vượt qua được bệnh tật để rồi xa lìa cuộc đời mãi mãi.
Sự ra đi của 6 người con đã làm cuộc sống hai vợ chồng ông như sụp đổ. Bà Điểm cũng vì đau đớn, khóc thương con mà giờ đây đã mờ cả hai mắt. Nuốt giọt nước mắt vào trong, ông Đính nhớ lại những nỗi đau không thể nói hết: “Thằng đầu sống sót nhưng sức khỏe cũng không được bình thường như bao người khác.’’
Còn những đứa sinh sau đó gồm Nguyễn Văn Tạo (SN 1983), Nguyễn Văn Thiệu (SN 1990), Nguyễn Văn Điệp (SN 1991), Nguyễn Văn Đạt (SN 1994) và Nguyễn Văn Điều (SN 1998), và một con được 7 tháng tuổi tảo sinh trong bụng mẹ đều đã chết vì các di chứng như:
Điếc, xuất huyết tiểu cầu, tràn dịch màng bụng, bầm tím da, lở loét toàn thân, phù toàn thân không đi lại được, vỡ u ở đầu, hoại thận nặng... “Vợ chồng tôi bất lực nhìn 6 đứa con xa rời khỏi vòng tay của mình mà không làm được gì. Thử hỏi có nỗi đau nào hơn thế”, ông Đính cay đắng.
Ông nhớ lại đứa con đầu tiên tên Tạo bị thần chết cướp đi do chất độc Dioxin gây ra. Tạo sinh ra vốn bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng chỉ được 1 năm đầu.
Lần đó Tạo bị sốt giảm tiểu cầu, viêm amidan biến chứng sang khớp, tim. Thương con, ông Đính từng nhiều lần cõng con đi bệnh viện nhưng tất cả đều bất lực trước căn bệnh quái ác.
Duy trì sự sống được 6 năm thì Tạo ra đi. “Tôi còn nhớ như in hôm nó chết, nó gào thét trong đau đớn tột cùng, vợ chồng tôi ngồi nhìn con chết dần chết mòn, mà không làm được gì hơn, đau xót lắm chú ạ!”, bà Điểm sụt sùi nhớ lại.
Những tưởng nỗi đau sẽ chấm dứt khi 2 đứa con gái tiếp theo sinh ra là Nguyễn Thị Na và Nguyễn Thị Thìn, tuy không được khỏe mạnh nhưng vẫn còn đi lại, sinh hoạt và đến trường được. Hai vợ chồng ông Đính nghĩ rằng cái chất độc quái ác đó đã buông tha cho mình nên gắng đẻ thêm đứa nữa.
Thế nhưng chính đây lại là thời điểm xảy ra tấn bi kịch đau khổ nhất đè lên gia đình nghèo này. Lần lượt 5 đứa con trai sinh ra tiếp đó đều không được nên người. “Năm 1990, vợ chồng tôi sinh ra đứa con trai tên Thiệu, tiếp đó năm 1991 là thằng Điệp, rồi thằng Đạt, thằng Điều nhưng tất cả đều không sống sót.
Chúng nó chết đau đớn lắm, tôi không thể nào quên được. Thằng Điệp, khi gần chết, nó đau quá nên cứ nghiến răng. Tôi sợ nó nghiến mạnh quá rụng răng nên phải giữ hàm răng con cho đỡ nghiến. Thằng Đạt cũng đau đớn không kém, nó là người con mà gia đình tôi đặt nhiều hy vọng nhất.
Nó mất khi đó đã 15 tuổi, đang học lớp 8. Đạt ngoan ngoãn, giỏi múa và giỏi môn vẽ. Vừa đi học, nó vừa vẽ tranh để bán và mua được 27 con gà để nuôi bán lấy tiền đi học”, ông Đính kể đến đây thì nghẹn lời không nói được nữa.
Bà Điểm tiếp lời: “Đạt mất đúng cái ngày gia đình tôi tổ chức đám cưới cho thằng Đào – đứa con trai đầu. Buổi trưa vừa rước dâu xong, buổi tối Đạt đã trút hơi thở cuối cùng trong cơn đau quằn quại. Tôi vẫn bị ám ảnh mãi câu nói của đứa con bé bỏng trước khi ra đi:
“Mẹ ơi! Trời bắt con chết, để con chết cho mẹ nuôi các em!”
Chưa nguôi nỗi đau vì những đứa con lần lượt ra đi, một lần nữa vợ chồng ông Đính lại phải tự tay đào hố chôn con khi một đứa chưa kịp ra đời đã chết trong bụng mẹ. Chỉ còn đứa con trai út Nguyễn Văn Đoàn là niềm hi vọng của ông, bà. Nhưng cũng như các anh chị, Đoàn ốm yếu, còi cọc so với bạn bè cùng trang lứa.
Hiện Đoàn năm nay học lớp 3 nhưng trong người đã mang trọng bệnh. “Bình thường Đoàn vui chơi thế thôi, nhưng nó bị suy kiệt nghiêm trọng về sức khoẻ, máu không đông, thân hình ngày càng tiều tụy, đầy những vết lở loét, bầm tím mà gia đình không đủ tiền điều trị”, bà Điểm nghẹn ngào cho hay.
Nỗi đau chất độc da cam vẫn đeo bám đại gia đình ông khi con trai đầu là anh Đoàn lấy vợ, sinh được đứa con gái đầu lòng cũng bị di chứng dioxin hành hạ với một khối u ở đầu. Ông Đính thở dài:
“Không biết nỗi đau gia đình tôi bao giờ mới chấm dứt được, tôi không mong gì hơn mà chỉ mong con cháu được khỏe mạnh, bình thường như bao người khác để nó sống không phải khổ như vợ chồng chúng tôi. Nhưng có lẽ điều ước đó có vẻ xa vời lắm”.
Ông vừa nói, vừa hướng ánh mắt vô định ra phía bầu trời xa xăm.
- Hòa Hiệp – Tùy Phong
[links()]