Tôi và chị vừa dừng xe ở cổng, mấy chú cún vẫy đuôi mừng rỡ khiến chị rất vui. Nhưng ngay tắp lự, mẹ chị không kịp trả lời câu chào của tôi đã vội nói: “Này, con nhà ông Thúy vừa mua thêm ô tô đấy, còn con Hoa nhà đấy sắp cưới, thấy bảo chồng trẻ mà chức to nhé, họ làm thế nào ấy nhỉ”…
Thế là bao hào hứng mà chị có trên đường về bỗng tan biến. Chị xách ba lô rồi kéo tôi đi về phòng và quay sang bảo: “Đấy là một phần lý do chị ít về đấy. Thấy họ có ô tô mới bà lại đau đáu hỏi ô tô đó bao tiền, thấy họ sơn cái cửa cũng lại ra nhìn cửa nhà mình kêu cũ rồi… Tóm lại lúc nào nhà họ cũng tràn một màu hồng tươi sáng, còn nhà mình thì không”.
Lúc kéo tôi đi tắm, thấy mẹ chị vẫn ngó sang ngắm chiếc xe nhà hàng xóm, chị bảo: “Mẹ quan tâm đến họ làm gì cho khổ tâm”. Mẹ chị chép miệng “Ối giời ơi, phải thấy thế để mà thi đua chứ”. Đúng lúc đó anh trai và chị dâu chị vừa từ ngoại về. Chị dâu chị cũng vội khoe: “Cô Lan về rồi à. Thằng Mạnh học cùng mình đã mua nhà Hà Nội rồi đấy, vừa đổi xe mới cho vợ nữa. Chúng nó sướng thật, mình không được bằng cái móng của nó…”
Chị nghe thấy nhưng không trả lời mà nói với tôi: “Chị dâu chị được cái giống mẹ, suốt ngày so sánh chồng với thằng này thằng kia… Có lần anh chị chán, uống rượu tận sáng mới về. Ngày xưa là bạn góp ý với nhau còn dễ, từ khi thành chị dâu thì góp ý gì lại suy diễn mình là em chồng, khó tính… haiza”.
Tôi thật sự bối rối vì lần đầu về làm khách nhà chị lại xảy ra chuyện như vậy. Đến bữa cơm tối, nghĩ là vì có khách thì chuyện khác đi. Nào ngờ đang ăn, mẹ chị lại giật mình nhớ ra: “À, thằng Phú mới lên chức trưởng công an xã rồi đấy, chắc sẽ có cơ làm chủ tịch. Ngày xưa nó học cùng mày, dốt thế, thế mà giờ… Mày thì học chầy trật ra rồi lại khổ”. Chị dâu chị như được gãi đúng chỗ ngứa, cũng tiếp lời: “Hôm qua con sang làm giấy tờ, nó vênh váo thế. Con bảo nhà con là bỏ xừ công việc ở phố, về quê đi, anh trai thằng Phú ấy, mở cái trang trại nuôi bò sữa, giàu ú ra. Nhìn con vợ nó ấy, ngày xưa quần áo nhàu nhĩ, giờ mặc hàng hiệu ra chợ. Ngày xưa cũng xuýt nữa mình thành dâu nhà ấy…”. Anh trai chị bỗng tím mặt, buông bát.
Như giọt nước tràn ly, chị bỏ đũa xuống và nói “Xin lỗi em, chị thật xấu hổ vì mời em về hôm nay”. Rồi chị bỏ vào phòng thả lại đôi lời bang quơ: “Sao phải lấy người khác làm tiêu chuẩn cho mình? Mình chỉ cần cố gắng so với chính mình của ngày hôm qua thôi. Mai con đi, mẹ đừng gọi con về nữa nhé, để khỏi phải xấu hổ…”.
Thế là cả buổi tối đó, tôi ngồi với chị trong phòng riêng nghe chị ủ rũ kể lại những gì mà mẹ và chị dâu chị hay quan tâm. Mỗi lần như thế, chị chẳng kịp nói gì về những điều mình vừa làm được, những niềm vui chị định chia sẻ bỗng trở nên bé nhỏ vô nghĩa. Anh trai và chị dâu chị có lẽ đang giận nhau trên phòng riêng vì tôi nghe tiếng đồ đạc va đập. Còn mẹ chị đang một mình ngoài hiên nhà.
Cho tới khi gần khuya, mẹ chị đứng ở cửa phòng nói vào: “Bác xin lỗi cháu nhé. Mẹ xin lỗi Lan, mẹ sai rồi, mẹ sẽ không nghĩ như thế nữa, hai đứa mở cửa ra đây đi”. Còn trên tầng, tiếng đồ đạc đã im nhưng tiếng anh thì to hơn: Anh thấy mệt mỏi lắm khi em không hài lòng về cuộc sống nhà mình, cứ như anh thất bại, anh có lỗi. Anh thấy thế nên rất cố gắng nhưng chưa khi nào em ghi nhận cả. Em cứ bảo chồng họ thế này thế kia, vậy đã khi nào em so sánh mình với vợ họ chưa, hay bây giờ anh so sánh em với vợ họ, em nghĩ sao?”. Không thấy tiếng chị trả lời, chỉ thấy lúc nào sau, chị bảo: “Mình đưa Lan và bạn cô ấy đi chơi đi, lần đầu cô ấy về mà lại cứ ở trong phòng thì tiếc quá”. Trên đường đi, ngang qua nhà Phú, chị nói “Cái thằng Phú…” rồi lại kịp ngừng “À, quên, không nói về nhà họ nữa… kẻo mất chồng thì chết”.