Ơn trời, làng nhạc đã bình an!

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday)-Mr Đàm chủ động khép tranh cãi tưởng không có hồi kết bằng một màn tặng hoa và ôm nhau khóc lóc, chắc nhiều fan đã phào nhẽ nhõm.

Làng nhạc cuối cùng đã bình an

Cuối cùng thì câu chuyện được ví như một cơn bão truyền thông xung quanh vụ nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và ca sĩ “ông hoàng” họ Đàm đã dừng lại bằng một dàn hòa đậm đặc yếu tố dàn xếp. Dẫu sao, vụ việc ầm ĩ này cũng là một ví dụ thật hay về văn hóa ứng xử của người Việt, đặc biệt là người -Việt- nổi- tiếng.

Nhà tôi ở gần một ngôi trường cấp 3, cạnh trường cấp 3 có một quán nước nhỏ, hàng ngày bọn trẻ con vào lúc nghỉ giữa giờ thường ra tụ tập chè chén, rất nhiều trong số chúng phì phèo thuốc lá, chắc cấm bị hút trong trường. Nghe chúng nói chuyện cũng có nhiều thông tin hay, đặc biệt là về vụ lùm xùm nhạc sĩ già mở lời phê bình hàng loạt các ngôi sao ca nhạc thời thượng bây giờ.

Một cậu choai bảo: “Lão già ấy biết cái (...) gì mà nói, giọng Mr Đàm đến giờ vẫn là đỉnh của đỉnh nhá” (trong dấu ngoặc kép là một từ rất tục tĩu). Một cậu khác tán thành: “Mày đọc mấy bức tâm thư trên facebook của anh Đàm chưa, mẹ kiếp, viết thế mới là viết chứ, lão kia chắc uất lắm”. Rồi chúng cười phá lên thích thú và vui vẻ. 

Nghe những lời bàn tán của tụi trẻ con cấp 3, tôi chợt cảm thấy vô cùng bối rối. Tất nhiên những cậu bé đó đang cảm thấy bất bình khi thần tượng của họ bị hạ bệ, tuổi trẻ hiếu thắng, đó có thể là những phản ứng có thể dự đoán được. Nhưng có nên cảm thấy lo lắng không, khi những phản ứng ấy cũng là đại diện phần nào cho cái tính xấu của người Việt, đó là không nghe được lời chê, không chấp nhận được những ai không cùng quan điểm với mình.

Có người nói hoàn toàn chính xác, rằng trong vụ lùm xùm làm nóng báo chí suốt một tuần qua này, Đàm Vĩnh Hưng đã thể hiện đúng những gì anh có. Đó là một lối ứng xử thường tình ở một phông văn hóa tương ứng, đang là một ca sĩ cát xê cao nhất làng nhạc, quyền lực nhất làng nhạc, bay show khắp thế giới, tất nhiên Đàm Vĩnh Hưng không thể chịu nổi những lời chê thẳng thừng của người khác.

Anh đã mang giải thưởng, mang những lời cầu cạnh có mặt mình trong các show diễn ra để minh chứng cho tài năng, anh mắng xéo người chê là “ngụy quân tử”, anh mắng mỏ những người góp ý cho mình, rằng “chó cứ sủa, đoàn người cứ đi”... Rồi cuối cùng, là một cú hạ nock-out bất ngờ khi anh “phím” cho phóng viên đến chứng kiến và tường thuật buổi làm lành của “ông hoàng” dành cho vị nhạc sĩ đã dám mở lời chê mình. Thật là một kế hoạch hoàn hảo.

Phải chi đừng có tất cả những lời xúc phạm qua qua lại lại, đừng có những tâm thư móc máy thì làm gì có chuyện “ông hoàng” phải xách hoa đi ôm vai người mà anh gọi là “ông bố ngụy quân tử” để khóc lóc thảm thương như vậy?

Thật ra, ngay từ đầu, đã thấy câu chuyện này thật là một vụ “tai bay vạ gió” cho vị nhạc sĩ đã ở tầm tuổi gần đất xa trời bao nhiêu năm nay chưa bao giờ gây sóng gió. Nói một cách thật tâm, ông hoàn toàn trung thực với bản thân mình, là một nhạc sĩ có tuổi, ông có “chuẩn” của riêng ông, đó là những giọng ca vang bóng một thời như Thái Thanh, Khánh Ly... những người cùng thế hệ. Bởi thế nên các ca sĩ về sau này, dù là ông hoàng, bà chúa thì ông nghe cũng chẳng lọt tai, ông chẳng có tội tình gì khi nói ra điều ấy.

Chỉ đơn giản thế thôi, như một người nói lên mong muốn cá nhân mình, rằng tôi chỉ thích ăn rau muống chấm tương, tôi không thể nào chịu được gà rán KFC hay cầy tơ 7 món. Thế thì tại sao fan của những món ăn kia lại nhảy xổ lên mắng mỏ vị nhạc sĩ già, người ta phải có quyền được yêu thích những gì gần gũi thân thương với họ chứ?

Thế mới thấy văn hóa ứng xử của người Việt mình thật lạ kỳ, hễ thấy ai không giống mình, không ghét không yêu giống mình thì ngay lập tức ba máu sáu cơn nổi lên, và người có bản tính hãnh tiến như ca sĩ có danh xưng “ông hoàng” khi bị chê thì đã xù ra bao nhiêu cái lông nhím gớm giếc.

Thế giới chúng ta tồn tại được bởi chúng ta là những cá thể riêng biệt, không một màu, không đồng nhất. Nói về cái gu ăn uống, thưởng thức nghệ thuật, yêu và ghét, đi lại, sinh hoạt... của mỗi cá nhân là muôn ngàn vẻ khác nhau. Để tồn tại được cạnh nhau mà không 3 ngày cãi một trận nhỏ, 7 ngày nện nhau một trận lớn thì tốt hơn hết là chúng ta phải học cách chấp nhận sự khác biệt của người khác. Đó cũng là một biểu hiện của sự văn minh.

Mr Đàm- “ông hoàng nhạc Việt” hãy cứ là ông hoàng trong thế giới của anh, anh vẫn là ông hoàng của những fan hâm mộ bỏ tiền tấn ra nghe anh hát trong những show toàn màu trắng màu đen gì đó. Có sao đâu.

Nguyễn Ánh 9, ông vẫn cứ là một tay đàn piano cự phách của những phòng trà, là tác giả của những bản tình ca sướt mướt và lưu luyến với thế giới những tiếng hát đỉnh cao một thời của ông. Chỉ có điều, ông phải được quyền nói ra những điều mình cảm nhận một cách trung thực nhất chứ?

Mr Đàm chủ động khép lại màn tranh cãi tưởng không thể có hồi kết bằng một màn tặng hoa và ôm nhau khóc lóc thế này, chắc nhiều fan đã thở phào nhẽ nhõm và thốt lên “Ơn trời, làng nhạc đã bình an, mọi sóng gió đã qua”.

Nhưng cái gốc của vấn đề vẫn còn đó nếu như một ca sĩ nổi tiếng như Đàm Vĩnh Hưng và đông đảo những người hâm mộ của anh vẫn chưa hiểu được, từ trong sâu thẳm tâm thức, chúng ta phải biết mở lòng ra để lắng nghe mọi góp ý, cho dù là tôn mình lên cao hay hạ mình xuống thấp.

Ứng xử với lời khen sao cho có văn hóa đã khó, ứng xử với lời chê còn khó hơn gấp vạn lần. Con người hơn nhau ở thái độ biết chấp nhận khen chê và xem nó đều là ý tốt, chừng nào còn chưa làm được điều đó, e rằng chúng ta sẽ phải chung sống với chuyện thị phi mãi mãi mà thôi. 

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn