Sâu hơn và cao hơn
Lâu nay, người ta thường nghĩ đạo hiếu là đạo của gia đình, của những người con - đối với cha mẹ - trong gia đình. Nó vừa là một thứ tình cảm (thể hiện thành hành động) vừa là một quy tắc ứng xử giữa hai đối tượng - cha mẹ và con cái trong gia đình. Thành kiến trước nay thì như vậy.
Phật tử chùa Minh Pháp ở TP. Yên Bái thực hiện nghi lễ cài bông hồng lên áo nhân dịp Vu lan 2013. |
Nhưng nếu suy cho sâu nghĩ cho kỹ, thì vai tuồng của đạo hiếu không chỉ có thế, hạn chế trong phạm vi gia đình, nó lớn hơn nhiều, sâu hơn nhiều, cao hơn nhiều, rộng hơn nhiều, ảnh hưởng ra khắp xã hội, khắp đất nước.
Vấn đề có lẽ lạ, nhưng sự thật là như thế đó, chúng ta thử tìm hiểu xem.
Trước hết, có phải chúng ta đồng ý với nhau rằng: Xã hội, hay đất nước chỉ là “con số tổng số” của cái gọi là gia đình hay không? Gia đình là đơn vị, nhiều gia đình gom lại thành ra xã hội, thành ra đất nước. Nhận thức này, thực tiễn này, vô hình trung là câu trả lời chính xác cho vấn đề đặt ra trên kia, gia đình là một đơn vị của xã hội, của đất nước, gia đình cũng chính là xã hội, là đất nước vậy!
Vậy thì, chữ hiếu, đạo hiếu, tuy bắt đầu là một yếu tố của gia đình, về sau đã nghiễm nhiên trở thành một yếu tố của xã hội, của đất nước. Cụ thể, nếu trong nhà có đạo hiếu tốt, thì ngoài xã hội, ngoài đất nước cũng sẽ có đạo hiếu tốt.
Mà đạo hiếu, cái đạo làm cho con cái biết thương yêu, nhớ ơn, thờ kính cha mẹ, luôn ôm ấp mối tình thiết tha báo đáp đối với đấng sinh thành, đương nhiên sẽ tạo nên những thành viên tốt của xã hội, công dân tốt của đất nước, lại phải nói thêm rằng: Tạo nên những “tín đồ” tốt của đạo Giáo nữa.
Thử nghĩ mà xem: Một người không có hiếu với cha mẹ thì làm sao có thể “có hiếu” (ở đây có nghĩa là trung) với đất nước được? Làm sao có thể “có hiếu” (ở đây có nghĩa là thành - tín thành) với đạo Giáo, với “đấng Tối Cao”, đấng Thế Tôn được?
Con người không có hiếu với đấng sinh thành thì đã thấp hơn thú vật, đã vô cảm rồi. Đã vô cảm, làm sao có thể có tình cảm trung thành, tín mộ được?
Xét như vậy thì chúng ta có thể kết luận rằng: Chữ hiếu, niềm hiếu, đạo hiếu chính là nền tảng, không chỉ của gia đình mà còn của đất nước, của cả tôn giáo nữa.
Thử liếc mắt nhìn một vòng vào lịch sử của một dân tộc cũng như của thế giới - chúng ta sẽ thấy những bằng chứng về điều đó, chúng ta sẽ thấy rằng không có một vị anh hùng nào, vĩ nhân nào, đế vương nào, thánh nhân nào mà căn bản không phải là “người con hiếu” cả.
Trước khi trở thành anh hùng, thánh đế, thánh nhân, anh phải là người con hiếu đã. Không có đứa con bất hiếu nào tạo nên vĩ nghiệp cứu thế độ nhân cả. May mắn chỉ tạo nên ác nghiệp thương luân bại lý mà thôi. Cứ từ đó mà suy ra: Một cá nhân không giữ tròn đạo hiếu, không có niềm hiếu trong lòng, cá nhân ấy hỏng.
Cũng thế, một quốc gia, một dân tộc không lấy đạo hiếu làm đầu - làm nền tảng - quốc gia ấy, dân tộc ấy sẽ sớm đi đến chỗ bại vong.
Đạo Giáo cũng thế thôi! Nếu có một đạo pháp phủ nhận ân đức sinh thành đạo Giáo ấy đã tự mình rời bỏ nhân tín, sẽ không phải là chính đạo, không phải là đạo của con người, sẽ chẳng cứu rỗi được ai.
Hiếu là chính đạo
May quá, từ những ngàn năm, Việt Nam - cùng với một số nước đồng văn khác, đã đồng hành với những mối đạo tuyệt vời, những mối đạo rất nên nhân bản, nhân văn. Những mối đạo ấy, nổi bật là Nho, Phật, Lão. Ba mối đạo tiêu biểu này, tuy ở phần “tán vạn thù” thì có rẽ ra nhiều hướng khác nhau, nhưng ở phần căn bản, phần “quy nhất thể” thì cũng là một: Đó là đạo hiếu.
Một mối đạo được gọi là chính đạo khi nào nội dung của nó bao hàm quán xuyến được cái gọi là thiên tín, chân tín thì không có gì hiện hữu mãnh liệt tròn đầy hơn hiếu cảm, hiếu tình.
Nó khiến cho mỗi cá thể nhân loại dù ở không gian nào, thời gian nào, căn bản cũng tự hữu trong tâm mình một niềm thương yêu trời bể đối với cha mẹ, một niềm thương yêu không hề thay đổi, không hề vơi bớt, cứ mãi mãi như thị, mãi mãi thường hằng. Chính vì nắm bắt được cái tâm nói trên - niềm hiếu nói trên - mà ba mối đạo Phật - Nho - Lão đã luôn hoằng bá, xiển dương được những gì là chính đạo cho nhân quần, đem lại phúc bình an và hơn thế nữa - độc lập tự do cho nhiều dân tộc, trong đó có dân tộc Việt Nam chúng ta.
Mà trong ba mối đạo đó, mối đạo coi trọng đạo hiếu hơn cả, coi đạo hiếu như là một với chính mình, phải nói đó là Phật giáo. Đạo hiếu bàn bạc trong từng lời kinh Phật, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, mọi lời giảng dạy của Đức Thế Tôn đều không rời hiếu đạo, hiếu cảm, hiếu tình.
Ông Huỳnh Uy Dũng và vợ. |
Người ta phải ăn ở cho phải đạo, hiếu cảm, hiếu tình. Người ta phải ăn ở cho phải đạo, phải duy tuệ thị nghiệp, phải vượt qua chính mình để thành quả giác ngộ…
Tất cả những nỗ lực ấy, động lực của chúng, chính là hiếu cảm, hiếu tình vậy.
Mục Kiền Liên thành La Hán, trước hết là để cứu mẹ lỗi lầm. Vì vậy mà có lễ Vu lan, để chúng ta có ngày của mẹ.
Đức Phật quyết tâm thành Phật, động cơ lớn nhất thúc giục ngài cũng là tấm lòng báo hiếu.
Và riêng dân tộc Việt, sở dĩ không mất bản sắc, không mất nước, cũng chính là do đạo hiếu dạt dào sâu thẳm trong con tim, trong mỗi cuộc đời. Cho nên chúng ta hãy hơn bao giờ hết, tôn vinh đạo hiếu, đã góp phần to lớn nhất trong sự nghiệp giữ nước những nghìn năm nay - cũng như mãi mãi những nghìn năm mai hậu.
- Huỳnh Uy Dũng - Chủ Khu du lịch Đại Nam
Ông Huỳnh Uy Dũng - Chủ Khu du lịch Đại Nam Sinh ra và lớn lên ở Bình Định, khởi nghiệp và thành danh tại Bình Dương, ông chủ khu du lịch được đánh giá là lớn nhất Đông Nam Á - Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến (Đại Nam). Ông Dũng được biết đến với biệt danh Dũng "lò vôi", nổi tiếng với những quyết định đầu tư không giống ai. Khởi nghiệp từ nghề sản xuất vôi quét tường khi vẫn còn là cán bộ công tác hậu cần tại Công an thị xã Thủ Dầu Một, ông chuyển về phụ trách xí nghiệp Sơn mài Thành Lễ, khi đó đang làm ăn thua lỗ. Vào những năm đầu thập niên 90, việc đầu tư vào Bình Dương gặp nhiều khó khăn do những quy định có phần trái ngược của tỉnh. Khi đó, ông Huỳnh Uy Dũng đã làm một điều mà giới đầu tư cho là "khùng" khi quyết định rót vốn xây dựng khu công nghiệp Bình Đường. Sau khi rời Thành Lễ, ông Dũng bắt tay xây dựng khu du lịch Đại Nam. "Bỏ tiền tỷ, thu bạc cắc" là cách nói nhiều người dùng để khuyên ông bỏ ý định, thậm chí cho rằng ông "hâm hâm", nhưng đại gia này vẫn kiên trì thực hiện ý tưởng xây một trong những công trình du lịch lớn nhất Việt Nam. Công trình được khởi công vào ngày 2/9/2007. Sau khi khánh thành Khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam văn hiến, vào tháng 9/2008, ông cho tổ chức “lời thề không nợ nần ai”. Trước 2.000 cán bộ công nhân viên, ông thề kể từ thời điểm này công ty không còn nợ nần ai và không bao giờ vay mượn của ai một đồng nào. Trên bia đá ngay trước Đền thờ Đại Nam, ông cho khắc bài viết “Thì ra vậy!” với nội dung: “Lại là một ước mơ ngu xuẩn nữa của ‘anh’ chứ gì? Khi những người khác nói với tôi rằng: Tôi không thể làm chuyện này, chuyện nọ…Rằng tôi chỉ là một kẻ mơ mộng, điên rồ, ngông cuồng, kiêu kỳ và rồi tôi sẽ thất bại. Tôi cảm thấy bị tổn thương và tức giận, tôi đã dùng nguồn năng lượng tiêu cực của họ cộng với tình cảm tiêu cực của tôi đối với họ, để tạo ra sự bùng nổ cảm xúc, đủ lớn, đủ mạnh để trợ giúp cho tôi thực hiện những giấc mơ gian khổ. Một lần nữa xin trả lời: Thành công là sự trả ơn ngọt ngào nhất! Thì ra vậy!!!”. Tuy giàu có, nhưng ông chủ Đại Nam vẫn đi xe máy loại thường quanh khu du lịch, mỗi ngày ăn chưa tới 50.000 đồng, một tuần ăn chay 4 ngày. Thậm chí, vị này còn ấp ủ ý tưởng xây dựng một khu nhà riêng tự cung tự cấp, trồng 4 sào lúa, nuôi hồ cá, có vườn quả và trồng đậu tương để ép dầu làm đèn cầy thắp sáng cho Đền Đại Nam. Gần đây, ông chủ khu du lịch Đại Nam đã có hành động thu hút sự chú ý của dư luận khi công khai khoản tiền tiết kiệm 100 tỷ và treo thưởng số tiền này cho ai chứng minh mình bị tâm thần và vợ vay tiền bên ngoài. |