Ông lão trả 30 đồng vàng mua 1 ngón tay của chàng trai trẻ, câu chuyện thấm thía về 2 chữ giàu nghèo

( PHUNUTODAY ) - Giàu hay nghèo, hạnh phúc hay đau khổ suy cho cùng cũng chỉ khác nhau ở 1 chữ này thôi.

Có một chàng trai thường xuyên than phiền về số phận của mình. Anh cảm thấy cuộc đời đối với anh cái gì cũng không tốt. Bạn bè đối xử với anh không như anh mong đợi, công việc của anh không hấp dẫn, không mang lại thu nhập cao, mọi tài sản anh đang sở hữu từ trang phục cho tới điện thoại, xe hơi đều không phải đồ cao cấp.

Một hôm, chàng trai ngồi trong công viên nhìn ngắm trung tâm thương mại sang trọng bên kia đường với dòng người mua sắm tấp nập và cảm thấy vô cùng buồn rầu, ủ rũ. Vừa lúc đó, một ông lão đi ngang qua và dừng lại hỏi han, trò chuyện với chàng trai.

“Chàng trai trẻ, việc gì khiến cháu buồn rầu đến vậy?”. 

“Ông ơi, cháu không hiểu sao mỗi ngày cháu đều làm việc chăm chỉ, vất vả nhưng vẫn rất nghèo”. 

“Nghèo ư? Cháu là một người rất giàu có đấy chứ”.

“Chưa có ai nói với cháu như vậy, cháu thực sự rất nghèo ông ạ”.

phat-1

“Nếu bây giờ ta muốn một ngón tay của cháu và ta sẽ trả cháu 30 đồng tiền vàng, cháu có đồng ý không?”.

“Không đâu ông ạ!”. 

“Nếu bây giờ ta muốn một bàn tay của cháu và ta sẽ trả cháu 300 đồng tiền vàng, cháu có đồng ý không?”. 

“Không bao giờ ông ạ, cháu không thể lấy bàn tay của cháu đổi lấy số tiền ấy được”. 

“Nếu bây giờ ta muốn đôi mắt của cháu và ta sẽ trả cháu 3000 đồng tiền vàng, cháu thấy thế nào?”. 

Chàng trai mỉm cười nhìn ông lão. Anh đưa tay lên lần theo từng đường nét trên đôi mắt của mình, kể cả những nếp nhăn hằn lên theo những năm tháng cuộc đời đầy vất vả, suy tư. Bất chợt, anh thấy hạnh phúc khi nhận ra đôi mắt luôn mang đến cho anh cơ hội được nhìn ngắm và chiêm ngưỡng tất cả mọi điều trên thế gian.

Có đôi khi là những hình ảnh xúc động về một tấm lòng tốt, có lúc là nụ cười rạng rỡ và thân thiện của những người xung quanh anh, cũng có lúc lại là những mảnh đời bất hạnh, thiệt thòi. Sau giây phút, anh quay sang nói với ông lão: “Không ông ạ”. 

Ông lão lại tiếp tục thuyết phục: “Cháu muốn trở nên giàu có, vậy ta sẽ đưa cho cháu 30.000 đồng tiền vàng để đổi lấy sinh mệnh của cháu. Cháu có đồng ý không?”. 

Đặt tay lên ngực, chàng trai cảm nhận từng nhịp đập của trái tim mình. Anh nhớ lại tất cả những ngày tháng đã qua, từ khi còn là một cậu bé được mẹ bế bồng nâng niu cho tới những năm tháng sinh viên luôn ấp ủ khát khao và mơ mộng. Cuộc sống của anh vẫn luôn đầy đủ những sắc màu rạng rỡ, tươi đẹp khi anh thực sự là chủ nhân của cuộc đời mình.

Đến lúc này anh cũng nhận ra sinh mệnh quý giá đến nhường nào, bởi nó là thứ duy nhất trên đời có thể mang đến cho anh tất cả, cũng là thứ không tiền bạc hay vật chất nào sánh được. Chàng trai nhìn ông lão, những giọt nước mắt xúc động của sự thức tỉnh vẫn còn đọng lại trên khóe mắt của anh. Anh nói: “Cháu sẽ không đánh đổi sinh mệnh của mình lấy bất kỳ điều gì”.

ong-lao-chau-a-chau-au-1

 

Phần lớn chúng ta đều xuất phát từ sự không hài lòng trên bề mặt dẫn đến tâm thái không an hòa, từ đó mà than phiền, chán nản và ngày càng lún sâu vào tuyệt vọng.

Tuy nhiên, người xưa đã từng giáo huấn rằng: coi trọng tiền bạc, con người sẽ sống rất khổ, lấy con cái làm trung tâm, con người sẽ sống rất mệt, lấy tình yêu làm gốc, con người sẽ dễ bị tổn thương.

Nếu trong dòng chảy bất tận của xã hội, ta không thể tìm cho mình mục tiêu và giá trị sống, không thể tìm ra điều gì là thực sự quan trọng và có ý nghĩa với sinh mệnh bản thân mình, ta sẽ mãi mãi lang thang trên con đường tìm kiếm sự hài lòng và hạnh phúc, ta sẽ đi mãi mà chẳng thể tới bến tới bờ.

Quả thực, được và mất trong cuộc sống của chúng ta chỉ là sự tương đối. Là được hay là mất, tất cả hoàn toàn phụ thuộc vào nhận thức và cách đối đãi của chính chúng ta. Nếu không hiểu giá trị của sự trân quý thì cho dù bạn có nắm giữ bao của cải vật chất cũng không thể có được niềm vui.

Nếu không hiểu được sự khoan dung độ lượng thì cho dù có nhiều bạn bè đến đâu thì cuối cùng họ cũng sẽ rời xa bạn. Nếu không hiểu được sự biết ơn thì dù bạn có ưu tú xuất sắc đến mấy cũng khó thành công.

Rốt cuộc, hạnh phúc đích thực với con người trên thế gian này là gì? Chính là luôn hài lòng với những gì mình có và không ngừng nuôi dưỡng một tâm hồn thuần khiết, thuần thiện. Đó là điều duy nhất có thể nói lên rằng cuộc đời bạn là giàu sang hay khốn khó mà thôi.

Phật gia giảng hết thảy mọi thứ trên cõi hồng trần này đều là huyễn mộng, đều là hư ảo. Giới tu luyện cũng cho rằng công danh, lợi lộc của đời người ta qua nhanh như sương khói, chẳng thể vững bền. Mệnh trời đã định, những đấu tranh quyết liệt, vô tận kia cuối cùng chẳng thể đổi thay kiếp số của mình, lại tự chuốc lấy tổn thương, oán hận.

Không phải ngẫu nhiên mà văn hoá truyền thống Á Đông luôn cho rằng con người phải sống thuận theo tự nhiên. Phật gia giảng muốn dứt bể khổ cần phải biết buông xả. Đạo gia giảng: “Phản bổn quy chân”, trở về với bản tính thuần thiện, nguyên sơ. Nho gia cũng giảng về việc “tuân theo thiên mệnh”, kính sợ mệnh trời.

Suốt bao nhiêu năm, từ cội nguồn lịch sử, con người vẫn luôn mang trong mình câu hỏi vạn thuở: “Ta là ai? Ta từ đâu đến, rồi sẽ đi về đâu?”. Các triết gia đã trả lời, các nhà văn cũng thế, nhưng rốt cuộc chẳng ai nói cho minh bạch được.

Nhân sinh đúng là một giấc mơ màng, trăm năm trôi qua tựa như mộng. Một đời người bất quá chỉ là vài chục năm ngắn ngủi, so với đất trời, vũ trụ thì chỉ ngắn tựa cái chớp mắt. Vậy mà biết bao người vẫn còn ở kia mải tranh đấu ngược xuôi, lao tâm khổ tứ vào danh, lợi, tình, ăn không ngon, ngủ không yên, toàn thân mang bệnh mà lòng tham sân hận vẫn chưa buông. Mới hay:

“Ta cứ ngỡ trần gian là cõi thật

Thế cho nên tất bật đến bây giờ”

(Bùi Giáng)

Theo:  khoevadep.com.vn copy link