Ông Thanh rời Đà Nẵng, quản xe công dậm chân tại chỗ?

06:37, Thứ hai 22/04/2013

( PHUNUTODAY ) - Gần nửa năm sau ý tưởng lập đội xe công của nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, tới nay đó vẫn đang là chủ trương. Thế mới thấy việc quản lý xe công không hề đơn giản chút nào.

Gần nửa năm sau ý tưởng lập đội xe công của nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, tới nay đó vẫn đang là chủ trương. Thế mới thấy việc quản lý xe công không hề đơn giản chút nào.

Lập đội taxi công để tránh tốn gấp 3 lương Thứ trưởng?

Một lãnh đạo TP. Đà Nẵng cho biết ngày 18/4: “Tới nay việc lập đội xe công vẫn đang triển khai thực hiện chủ trương đó, vì nó liên quan tới xây dựng khu hành chính tập trung của Thành phố”. Trong khi, khu hành chính tập trung này theo dự kiến phải tới cuối năm nay mới xây dựng xong. Như vậy, có thể hiểu, để có đội xe công tập trung quản lý cũng phải cuối năm nay mới có. Nếu đúng như vậy, thì Đà Nẵng sẽ là địa phương đầu tiên có “taxi công”.

Trước đó, tại phiên bế mạc kỳ họp HĐND TP. Đà Nẵng ngày 6/12/2012, nguyên Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã đưa ra kế hoạch thành lập đội xe công vụ, tập trung toàn bộ xe công vụ mang biển số xanh về một đầu mối, theo ông: “Sở nào cần đi đâu, chỉ cần ới một tiếng, không quá 5 phút là có xe phục vụ cho các anh”. Theo ông Thanh, việc tập trung xe công chắc chắn sẽ tiết kiệm chi phí và quản lý được cán bộ đi công tác. “Các anh muốn đi Hội An cũng được, đi Huế, Hà Nội, Sài Gòn cũng xong, nhưng đi đâu thì có sổ ghi lại hết. Anh nào đi ít, đi nhiều, anh nào đi việc riêng là biết liền. Các anh các chị thông cảm cho, giai đoạn các sở có ôtô riêng qua rồi, giờ là tập trung vào một đầu mối”.

Xe công xuất hiện tại lễ Đền Trần (Nam Định) đầu năm 2013.
Xe công xuất hiện tại lễ Đền Trần (Nam Định) đầu năm 2013. Ảnh TPO.

Đấy là một hướng tốt để quản lý tình trạng sử dụng xe công bừa bãi như hiện nay, cần được nhân rộng để tránh lãng phí, khi nước ta còn nghèo, người dân còn khổ, nều nơi vẫn thiếu ăn, thậm chí phải ăn gạo mốc để rồi dính bệnh lạ như ở Quảng Ngãi. Và còn nhiều việc cần sử dụng tới tiền, thì việc “cán bộ gưỡng mấu thực hành tiết kiệm” là việc làm cần thiết, nhua khẩu hiệu người dân vẫn liên tục được nghe các lãnh đạo nói. Thậm chí chúng ta còn có hẳn một bộ luật gọi là Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có hiệu lực từ năm 2006.

Tính tới nay, luật đã đi vào cuộc sống 6 năm, nhưng tình hình lãng phí trong cơ quan công quyền vẫn nhiều, mỗi mùa lễ hội báo chí lại thi nhau đưa tin, đăng ảnh xe công (biển xanh) tràn ngập các bãi đỗ xe lễ hội, thậm chí “săn” ảnh xe công ở lễ hội đầu năm đã thành nhiệm vụ không cần sếp giao của các phóng viên. Và sau 6 năm, giờ luật lại được đặt lên bàn để sửa đổi.

“Luật hiện hành không có nhiều ý nghĩa vì mới chỉ mang tính kêu gọi chứ chưa có chế tài xử lý, không có biện pháp gì để buộc người ta phải tiết kiệm. Như cán bộ sử dụng xe nhà nước vào việc riêng rất nhiều. Thứ 7, chủ nhật, từ đám cưới đến đám ma, về quê… cán bộ đều dùng xe nhà nước hết. Ai chống được cái này? Giờ phải làm từng cái cụ thể đi, tiết kiệm từng cái một. Tôi nghĩ, luật phải quy định cụ thể điều này, không phải chung chung nữa”, Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch đánh giá về bộ luật trên.

Nói thì là vậy, nhưng thực hiện đâu phải dễ vì “do yêu cầu của công việc”. Như việc Bộ trưởng Bộ GTVT từng kêu gọi người dân đi xe buýt vừa để giảm ùn tắc, vừa để chống lãng phí. Thậm chí, để gương mẫu ông đã ký văn bản yêu cầu cán bộ, công nhân viên ngành giao thông ở Hà Nội và TP. HCM mỗi tuần đi xe buýt đi làm tối thiểu một ngày mỗi tuần. Gương mẫu hơn, chính ông cũng đi xe buýt để làm gương, nhưng vì yêu cầu công việc, ông cũng chỉ đi xe buýt được một vài lần, và rồi công việc ngày một nhiều, yêu cầu “thường xuyên phải đi lại”, nên việc đi xe buýt quá bất tiện, ông cũng không còn đi xe buýt đi làm nữa. Còn việc nhân viên của ông chấp hành sao thì tới nay chưa ai rõ.

Ngay như Hà Nội, cứ mỗi độ Tết đến xuân về là lại có văn bản cấm công chức, cơ quan, đơn vị sử dụng xe công đi lễ chùa đầu năm, nhưng tại chùa chiền, lễ hội vẫn có những chiếc xe biển xanh đủ loại lớn, bé với đầu số 29, 30 xuất hiện. Mà đâu chỉ Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ cũng có văn bản chỉ đạo không sử dụng xe công sai mục đích… nếu phát hiện xử phạt nghiêm. Còn kết quả, trả lời trên tờ VnMedia đầu tháng 3/2013, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, Chính phủ chưa nhận được trường hợp vi phạm cụ thể nào do các đơn vị báo cáo lên.

Tại Hà Nội, cuối tháng 2/2013, Phó trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phan Đăng Long cũng khẳng định: “Hà Nội năm nào cũng nhắc nhở, nhưng việc phát hiện các trường hợp sử dụng xe công đi lễ hội không dễ. Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận phản ánh và sẽ tiến hành xử lý những trường hợp vi phạm”. Nhưng rồi, lâu lâu báo chí lại đưa tin đoàn xe công xuất hiện tại một đám cưới, đám ma nào đó. Thậm chí, một tỉnh nọ có lãnh đạo Tỉnh ủy nhận bằng Tiến sĩ ở Hà Nội liền có hàng chục xe biển xanh của tỉnh xuất hiện tại buổi lễ…

Nói vậy để thấy việc quản lý, xử phạt việc sử dụng xe công vào việc riêng “không dễ” - đúng như khẳng định của Phó trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội. Ngay như Đà Nẵng, thành phố nổi tiếng với những lánh đạo dám nghĩ, dám làm, đã làm là quyết liệt, là phải làm được, ấy thế mà việc lập đội xe công sau nửa năm vẫn mới chỉ dừng lại ở mức chủ trương. Thế mới thấy, đâu phải cái gì muốn cũng được!

  • Phạm Thanh

[links()]

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc