Ông vua gián điệp Đức quốc xã ba lần ám sát Hitler

( PHUNUTODAY ) - Thông qua Goring, Wilhelm Canaris quen biết Hitler và món quà ra mắt của Wilhelm Canaris đối với ông trùm phát xít tương lai chính là tập tài liệu liên quan đến tình hình kinh tế, khuynh hướng chính trị cũng như thông tin cá nhân của toàn bộ các sĩ quan trong quân đội Đức.


Nhiều thông tin khẳng định, tư lệnh Cục quân báo Đức quốc xã chính là người tổ chức 3 cuộc ám sát Hitler trong các năm 1938, 1939 và 1944. Đây chính là lý do vì sao Hitler đã phải ngậm ngùi tiễn kẻ tay chân thân tín một thời của mình lên đoạn đầu đài.

Vì sao Wilhelm Canaris bỗng dưng “trở mặt” với Hitler thì cho đến nay vẫn chưa ai giải thích được. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng, Wilhelm Canaris là nhân vật không thể không nhắc tới của Đức quốc xã trong Chiến tranh thế giới thứ 2…

1. Wilhelm Canaris sinh năm 1877 ở Aplerbeck, nay thuộc ngoại ô thành phố Dortmund miền bắc nước Đức trong một gia đình tư sản giàu có và quyền lực. Năm 1905, sau khi tốt nghiệp trung học, Wilhelm Canaris vào học tại Học viện Hải quân Kiel. Sau đó, Wilhelm Canaris được phân về tuần dương hạm mang tên Dresden làm việc.
d
Wilhelm Canaris

Trong thời gian này, ngoài thành tích học tập xuất sắc, Wilhelm Canaris còn được rất nhiều người biết tới về khả năng ngôn ngữ thiên phú của mình. Ngoài tiếng Anh lưu loát, ông trùm quân báo Đức quốc xã tương lai còn thành thạo cả tiếng Pháp, tiếng Ý, và một chú tiếng Nga. Trong thời gian ngắn sống ở Nam Mỹ, Wilhelm Canaris còn tranh thủ học cả tiếng Tây Ban Nha. Chính những kỹ năng này đã giúp ích rất lớn cho Wilhelm Canaris trong hoạt động tình báo sau này.

Khi chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, Wilhelm Canaris giữ chức sĩ quan tình báo trên tàu Dresden. Vào 8/12/1914, trong trận chiến diễn ra tại đảo Falkland, hải quân Anh đã đánh chìm gần như toàn bộ các tàu chiến của Đức có mặt tại đây ngoại trừ con tàu mang tên Dresden.

Tuy nhiên, trên đường chạy trốn, con tàu này cũng không thoát khỏi số phận của những người anh em của mình. Tất cả các thuyền viên trên tàu bị bắt và giam tại một hòn đảo thuộc Chile. Cũng chính trong khoảng thời gian này, Wilhelm Canaris đã thể hiện khả năng gián điệp trời phú của mình.

 Canaris tìm cahcs trốn khỏi đất Chile sau đó cưỡi ngựa chạy hàng trăm cây số, vượt qua dãy Antis để đến Argentina, một quốc gia thân Đức lúc bấy giờ. Đến được Buenos Aires, thủ đô Argentina, Wilhelm Canaris giả làm một người Chile gốc Anh rồi làm giả hộ chiếu, sau đó tìm cách lên một con tàu của Hà Lan, một quốc gia trung lập để quay về nước Đức. Khi Wilhelm Canaris đặt chân xuống Berlin là vừa tròn 2 tháng kể từ khi trốn khỏi Chile.

Cuộc đào thoát hàng ngàn cây số của Wilhelm Canaris từ nhà tù Nam Mỹ đã khiến cơ quan tình báo của Hải quân Đức chú ý đến chàng sĩ quan trẻ này. Cũng từ đó, con đường hoạn lộ của Wilhelm Canaris lên như diều gặp gió. Tháng 12/1915, Wilhelm Canaris được cơ quan tình báo Đức phái tới thủ đô Madrid của Tây Ban Nha hoạt động.

Đây là lần đầu tiên Wilhelm Canaris hoạt động với tư cách một gián điệp và chính trong thời gian này đã diễn ra câu chuyện thú vị giữa Wilhelm Canaris và viên thượng úy người Anh, Stewart Menzles, người sau này trở thành Cục trưởng Cục tình báo Anh, một đối thủ đáng gờm của Wilhelm Canaris trong tương lai.

Khi vừa mới tới Madrid nhận nhiệm vụ, có lẽ do thủy thổ không hợp, Wilhelm Canaris đã ốm rất nặng. Trạm tình báo của Đức ở Madrid đã gửi một bức mật điện về Đức xin phái một tàu ngầm tới đưa Wilhelm Canaris về nước chữa trị.

Không may, bức điện này đã bị cơ quan giải mã của hải quân Anh chặn được. Theo thông tin thu được, hải quân Anh đã ra lệnh chuẩn bị sẵn hai chiếc tàu ngầm hoạt động ở vùng biển nước Đức chuẩn bị tấn công chiếc tàu ngầm được phái tới đón Wilhelm Canaris đồng thời lệnh cho thượng úy Menzles, người đứng đầu tổ tình báo trú tại Madrid giám sát chặt chẽ mọi hoạt động của Wilhelm Canaris tìm hiểu thời gian và địa điểm Wilhelm lên tàu để ngăn chặn.

Không ngờ, sau khi hóa trang, Wilhelm Canaris đã ngồi một chiếc thuyền cá rời đi, sau đó ra tới biển thì đổi một chiếc thuyền khác tới đón chiếc tàu ngầm Đức. Việc trốn thoát thành công ở Tây Ban Nha không chỉ giúp Wilhelm Canaris nhận được một chiếc huân chương hạng nhất mà còn thắng một bàn trước đối thủ đáng gờm của mình sau này, cục trưởng cục tình báo Anh: Menzles.

2. Sau khi chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, Wilhelm Canaris tích cực tham gia các cuộc vận động của phe cánh hữu. Hoạt động quan trọng nhất trong thời gian này của Wilhelm Canaris chính là quen biết Hermann Goring trong cuộc bạo động tại nhà hàng Bia. Bắt đầu từ đây, Wilhelm Canaris trở thành người kề vai sát cánh với những thủ lãnh của Đế chế thứ ba, gắn liền tương lai của mình với đảng Phát xít.

Thông qua Goring, Wilhelm Canaris quen biết Hitler và món quà ra mắt của Wilhelm Canaris đối với ông trùm phát xít tương lai chính là tập tài liệu liên quan đến tình hình kinh tế, khuynh hướng chính trị cũng như thông tin cá nhân của toàn bộ các sĩ quan trong quân đội Đức.

Đây là tài liệu cực kỳ quan trọng đã giúp Hitler khống chế tầng lớp sĩ quan trong quân đội Đức, từ đó khống chế toàn bộ quân đội nước này.

Thời gian sau đó, mặc dù Wilhelm Canaris không đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến tình báo mà chủ yếu tham gia lực lượng hải quân, song trên thực tế, Wilhelm Canaris vẫn ngấm ngầm chạy vạy khắp nơi để vun vén cho sự nghiệp của Hitler.

Điều đáng nói là, mặc dù vậy, Wilhelm Canaris vẫn tỏ ra cực kỳ xuất sắc với các nhiệm vụ được giao trong lực lượng hải quân. Một báo cáo trong lực lượng hải quân lúc bấy giờ đã đánh giá về Wilhelm Canaris rằng: “Có đầy đủ phẩm chất để trở thành một sĩ quan cao cấp”.

Cấp trên của Canaris cũng không tiếc lời khen ngợi vị sỹ quan dưới quyền của mình: “Chính trị và ngoại giao là hai lĩnh vực sở trường của anh ta. Anh ta rất giỏi kết bạn với người nước ngoài, dù là những người cấp thấp hay những người thuộc cấp cao và thường có được sự tin tưởng ở họ. Nếu như phân cho anh ta một công việc khác thì chắc chắn anh ta sẽ không cảm thấy có gì trở ngại.

Không có khu vực nào với anh ta là khu vực cấm. Anh ta có thể ra vào nơi có nhiệm vụ, gặp gỡ người cần gặp sau đó triển khai công việc với một tốc độ kinh ngạc mà khó ai tưởng tượng nổi...”. Có thể nói chính những kinh nghiệm giàu màu sắc truyền kỳ cộng thêm một thiên tài gián điệp bẩm sinh đã giúp Wilhelm Canaris trở thành ông vua gián điệp của Đế chế thứ ba sau này.

Sau khi Hitler lên nắm quyền vào năm 1933, Wilhelm Canaris cũng rất nhanh chóng xây dựng một vương quốc tình báo cho riêng mình đồng thời giao toàn bộ quyền hành vào tay những người tâm phúc của mình. Nhờ lòng trung thành và biểu hiện xuất sắc trước đó, đến năm 1935, Wilhelm Canaris trở thành tư lệnh quân báo trung ương của Đức quốc xã.

Vào ngày Wilhelm Canaris nhậm chức, Hitler đã tự thân đến gặp và tràn trề hy vọng nói với vị tân tư lệnh: “Tôi muốn thành lập một cơ quan tình báo giống như ở nước Anh, một tập thể đoàn kết và làm việc nhiệt tình”. Không chỉ có vậy, Hitler còn cấp cho Wilhelm Canaris vô số quyền lực và tiền bạc để Wilhelm có thể xây dựng một vương quốc tình báo không lồ trong một thời gian ngắn.

Wilhelm Canaris cũng không làm cho Hitler phải thất vọng. Chỉ trong thời gian hai năm, từ 150 nhân viên của người tiền nhiệm, số nhân viên dưới quyền của Wilhelm Canaris đã tăng lên tới 1.000 người, trong thời chiến tranh, con số này còn lên tới 15.000 người. Cũng chính vì quy mô ngày càng lớn của cơ quan thuộc quyền chỉ huy của mình mà đến năm 1940, Wilhelm Canaris được phong làm thượng tướng hải quân.

Trong 12 năm tồn tại ngắn ngủi của Đức quốc xã, chỉ có 2 người được phong làm nguyên soái hải quân, 11 người được phong đại tướng và 39 người được phong thượng tướng. Wilhelm Canaris ngay từ những ngày đầu của chiến tranh thế giới thứ 2 đã được phong làm thượng tướng, đủ biết, Hitler coi trọng ông trùm tình báo đến mức nào.

Về phạm vi, từ một cơ quan tình báo hoạt động chủ yếu ở châu Âu, Wilhelm Canaris đã thiết lập một mạng lưới gián điệp và phản gián hoặt động ở khắp nơi trên thế giới, từ châu Âu, châu Mỹ cho tới Trung Đông.

 Ngoài ra, nếu như trước đó, việc chiêu mộ nhân viên tình báo ở nước ngoài của Đức chủ yếu thông qua hình thức đăng quảng cáo cho vay tiền rồi lựa chọn từ những người đang cần tiền này phát triển trở thành gián điệp. Tuy nhiên, cách chiêu mộ của Wilhelm Canaris không đơn giản có vậy.

s
 

Ông trùm tình báo Đức quốc xã tìm mọi cách mua chuộc những nhân tài thuộc tầng lớp cao trong xã hội, chẳng hạn như các vị luật sư, giáo sư và các sĩ quan, sau đó, Wilhelm Canaris để họ tự quản lý lấy những người dưới quyền của mình, từ đó hình thành một hệ thống tình báo độc lập và rất hiệu quả.

Sau khi hoàn thiện vương quốc tình báo quân sự của mình, Wilhelm Canaris đã lập không ít công lao cho Đế chế thứ ba trong thế chiến thứ 2, trong đó thành quả của các hoạt động tình báo đóng góp một phần không nhỏ.

Chiến tích đầu tiên phải kể đến là việc phá vỡ và bắt hàng loạt các gián điệp do Anh cài cắm ở Hà Lan và Đức. Ở Hà Lan, Wilhelm Canaris đã đưa một nhân viên tài năng dưới quyền cài vào hoạt động ở cơ quan tình báo của Anh có tên MI-6 hoạt động ở châu Âu, sau đó lôi kéo một người Hà Lan đang làm việc trong cơ quan này.

Thông qua đó, Wilhelm Canaris đã nhanh chóng tìm ra những gián điệp khác phục vụ cho nước Anh.

Ở Đức, vào năm 1935, Wilhelm Canaris bắt được một đặc vụ cao cấp hoạt động trong nhà máy đóng thuyền Kiel. Đặc vụ này đã giấu mình trong một thời gian rất dài trước đó. Kể từ sau thế chiến thứ nhất, y liên tục cung cấp những thông tin mới nhất của hải quân Đức cho nước Anh. Hai vụ bắt bớ này cũng chấm dứt mạng lưới gián điệp của Anh ở Hà Lan và Đức.

Hoạt động tình báo của Đức ở Anh triển khai khá muộn bởi vì Hitler có một suy nghĩ khá kỳ quái là muốn giữ quan hệ hữu hảo với quốc gia này. Tình hình này chỉ thay đổi vào năm 1937 khi chiến tranh thế giới thứ 2 sắp bùng nổ. Vào thời điểm đó, Wilhelm Canaris đã cài cắp không dưới 253 nhân viên ở khắp nơi trên nước Anh, trong đó có không ít người là người hầu của các sĩ quan cao cấp nhất của Anh.

Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ, Wilhelm Canaris ra thông báo yêu cầu toàn bộ hơn 3.000 gián điệp đang hoạt động ở khắp nơi trên thế giới tìm mọi cách thu thập các thông tin tình báo về các cơ quan đặc công của Anh. Mạng lưới tình báo được thành lập một cách nhanh chóng đã giúp cho cơ quan tình báo Đức có được những thông tin cơ bản về năng lực chiến tranh của nước Anh.

Wilhelm Canaris thậm chí từng tuyên bố vào năm 1938 rằng: “Không chỉ có cơ sở quân sự ở ven biển nước anh mà hầu hết các sân bay kho đạn từ Lodon tới Bắc Hải tôi đều có thể vẽ những bản đồ chi tiết”. Thậm chí, Wilhelm Canaris còn lấy được cả kế hoạch tác chiến của lục không quân Anh, khiến Hitler phải xuýt xoa không thôi.

Ngoài những thành tích kể trên, Wilhelm Canaris còn lãnh đạo môt trung đoàn lính nổi tiếng có tên Brandenburg do cơ quan quân báo do ông ta thống lĩnh thành lập. Thành viên của đội quân này đều là những nhân tài trong việc học ngoại ngữ, mỗi người ít nhất phải thành thạo một ngoại ngữ.

Từ tiếng Tiệp Khắc, Ba Lan cho tới tiêng Anh, tiếng Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha,… đều được các thành viên của trung đoàn này nắm bắt rất kỹ càng. Việc biết ngoại ngữ giúp chiếc vòi gián điệp của họ có thể lan đi khắp nơi trên thế giới, thậm chí cả Tây Tạng.

Cùng với việc thành thạo ngôn ngữ địa phương, họ đồng thời cũng nắm bắt được các phong tục tập quán của những người dân ở địa phương đó, lại thêm hành động bí mật và những kỹ năng được huấn luyện đặc biệt, đội quân này đã đóng góp cho Đức quốc xã không ít công lao, đặc biệt là trong chiến dịch Ba Lan năm 1939 và Tây Âu năm 1940. Tuy nhiên, cũng như người tướng lĩnh của nó, khi Wilhelm Canaris ra đi đội quân này cũng biến mất không để lại dấu vết.

3. Người ta nói rằng, Wilhelm Canaris đã tham gia vào nhóm chống đối Hitler và đã hai lần tham gia các cuộc âm mưu ám sát tên trùm phát xít vào các năm 1938 và 1939. Vẫn chưa có những bằng chứng cụ thể cho hai vụ ám sát này, tuy nhiên, có một điều chắc chắn là khi cuộc thế chiến thứ 2 bùng nổ và đặc biệt là sau chiến dịch Ba Lan và Tây Âu, sự bất đồng giữa Wilhelm Canaris và Hitler ngày một lớn.

Sau tháng 9/1939, Wilhelm Canaris đã có dịp chứng kiến tội ác chiến tranh của binh lính đột kích thuộc lực lượng SS tại một ngôi làng Do Thái ở miền nam Ba Lan. Những báo cáo của các thành viên Cục quân báo cũng cho thấy, các vụ giết người hàng loạt của quân đội Đức trên khắp Ba Lan.

Ngày 12/9/1939, Wilhelm Canaris đã đến tận trụ sở chỉ huy của Hitler để bày tỏ sự phản đối của mình trước những hành vi tàn bạo của quân đội Đức ở Ba Lan. Tuy nhiên, trước khi gặp được Hitler, tướng Wilhelm Keitel đã nói với Canaris rằng, ông không nên nhọc công vô ích, vì tất cả mọi hành động của quân đội Đức ở Ba Lan đều do Hitler trực tiếp chỉ huy.

Bị sốc bởi những sự cố, Canaris bắt đầu tích cực tham gia các hoạt đông để lật đổ chế độ của Hitler. Người ta nói rằng, trong thời gian này, Wilhelm Canaris bắt đầu có những liên lạc với Cục tình báo Anh, dù hai nước đang trong thời gian chiến tranh. Và đương nhiên, chuyện này không thể lọt khỏi con mắt nghi ngờ của Cơ quan mật vụ Đức - Gestapo trực thuộc đảng SS do Himmler đứng đầu.
Hitle
Hitler

Từ lâu Himmler đã có ý kèn cựa với Cục quân báo của quân đội và muốn thâu tóm hoạt động này của cục vào lực lượng SS do y đứng đầu vì vậy, Himmler không ngừng theo đuổi mục đích này. Vào mùa thu 1942, một doanh nhân ở München bị bắt vì đã mang lậu ngoại tệ vượt biên giới qua Thụy Sĩ.

Ông này thật ra là một nhân viên của Cục quân báo do Wilhelm Canaris quả lý, nhưng khoản tiền ông mang là cho một nhóm người Do Thái tỵ nạn ở Thụy Sĩ. Đây là một trọng tội ở Đế chế thứ ba cho dù can phạm là nhân viên Cục quân báo. Khi đô đốc Wilhelm Canaris (Wilhelm Canaris được Hitler phong đô đốc vào năm 1940) không thể che chở cho ông, ông khai với cơ quan mật vụ những gì mình biết trong nội tình quân báo.

Ông tố giác Hans von Dohnanyi, người cùng với đại tá Hans Oster (phụ tá chính cho đô đốc Canaris) tham gia nhóm âm mưu chống lại Hitler. Ông cho vài chi tiết về những âm mưu của Oster nhằm loại trừ Hitler.

Sau những tháng điều tra dưới sự chỉ huy của Himmler, cơ quan mật vụ Đức đã ra tay. Dohnanyi bị bắt ngày 5/4/1943. Oster đã cố tiêu hủy những tài liệu có liên quan trước khi bị buộc phải từ chức và bị quản thúc tại gia ở Leipzig.

Bonhoeffer, Dohnanyi và Oster bị đảng SS hành quyết ngày 9/4/1945, không đầy một tháng trước khi Đức đầu hàng.

Việc bắt giữ những nhân vật quan trọng là đòn nặng cho nhóm âm mưu chống Hitler. Oster đã là một trong những nhân vật chủ chốt từ năm 1938, còn Dohnanyi là người trợ lý đắc lực.

Nhưng nghiêm trọng nhất là với những người trong Cục quân báo bị lộ, nhóm âm mưu đã mất “lớp vỏ bọc” cùng phương tiện thông tin với nhau, với những tướng lĩnh lưỡng lự, với những bạn hữu ở phương Tây. Trong vài tháng kế, nhân viên của Himmler còn phát hiện thêm nhiều tình tiết khiến cho cả Cục quân báo và đô đốc Wilhelm Canaris rơi vào tình trạng bị tước hết quyền lực và bị nghi kỵ.

Ngày 18/2/1944, Hitler ra lệnh giải tán Cục Quân báo và giao cho Cơ quan An ninh Trung ương Đế chế (viết tắt là RSHA) đảm nhiệm công tác tình báo. Wilhelm Canaris từ ông trùm quyền lực của tình báo quân đội Đức bị Hitler điều về làm cục trưởng cục tác chiến thương nghiệp và kinh tế thuộc bộ tổng tham mưu tối cao của Đức quốc xã. Tiếng là được thăng chức, song thực tế, Hitler đã nghi ngờ Wilhelm Canaris và muốn tước bỏ quyền lực mà ông đang nắm giữ.

Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản những hành động chống đối quyết liệt của nhóm chống lại Hitler khi tình hình chiến sự đã có những thay đổi lớn so với những ngày đầu diễn ra chiến tranh. Năm tháng sau khi Cục Quân báo bị giải tán, ngày 20/7/1944, Wilhelm Canaris đã tổ chức một cuộc ám sát Hitler, vụ ám sát được đánh giá là có thể thay đổi cục diện Thế chiến II nếu như thành công.

Ngày 20/07/1944 đại tá Claus von Stauffenberg (1907-1944) đã đem bom vào đặt trong phòng họp của Hitler ở nơi nay là Ketrzyn, miền tây Balan khi được mời đến dự buổi họp. Là một người hùng của quân đội Đức với những chiến công trong chiến dịch đánh Balan và Pháp, Stauffenberg bị thương vào mắt và mất một tay ở Tunesia trong năm 1943.

Từ Bắc Phi trở về, ông được trao chức tư lệnh lực lượng trừ bị tại Berlin. Phe đối lập hy vọng rằng sau khi giết được Hitler, họ sẽ huy động quân trừ bị và các đơn vị chống Hitler đưa lính đến chiếm các cơ quan đầu não của chính quyền, quân SS và bắt những nhân vật cao cấp nhất trong đảng Phát xít.

Khi ngồi vào bàn họp, Stauffenberg để chiếc cặp chứa bom dưới nền bên cạnh một chân bàn là bệ bê tông. Chiếc cặp đựng bom được để về phía Hitler đang xem tướng Adolf Heusinger báo cáo tình hình chiến sự trên một tấm bản đồ trải rộng trên bàn. Sau chừng một phút đại tá von Stauffenberg lấy cớ phải gọi điện nên đi ra khỏi phòng họp. Một phụ tá của Heusinger ngồi vào chỗ đó và thấy chiếc cặp vướng dưới chân nên đã đặt nó sang phía bên kia của bệ bê tông.

Vì thế, khi phát nổ vào lúc 12 giờ 50 phút, sức công phá của trái bom đã không hướng vào Hitler mà hắt mạnh lên phía trên, hất tung mặt bàn và mái nhà. Tòa nhà nơi tổ chức họp cũng không phải là một nơi kiên cố và các cửa sổ lại mở rộng nên sức nổ bị thoát ra ngoài nhiều. Hitler chỉ bị thủng một màng nhĩ và bị thương nhẹ. Sau khi chứng kiến cả toà nhà bị phá tung mái, đại tá Stauffenberg bay về Berlin với ý nghĩ Hitler đã bị giết.

Phe đảo chính ở Berlin không hành động ngay mà muốn chờ xem phản ứng của các bên khác ra sao. Họ đã đánh mất những giờ phút quý giá nhất. Bốn tiếng sau họ mới quyết định gửi điện tín cho các đơn vị quân đội tuyên bố đã chiếm quyền. Nhưng bức điện không có tác động gì vì được ký bởi nguyên soái Erwin von Witzleben (1881 - 1944), người đã nghỉ vì bệnh được hơn hai năm.

 Sau đó, phe đảo chính sửa lại lỗi đó bằng cách gửi thêm một bức điện nữa với chữ ký của tướng Erich Hoepner (1886 - 1944). Đây cũng là một nhân vật có tiếng trong chiến trận nhưng không có uy tín gì lớn trong quân đội.

Các tư lệnh quân đoàn nhận được điện đã không hiểu chuyện gì xảy ra và quyết định gọi về Berlin để kiểm chứng. Trong thời gian đó, bộ máy quân sự và an ninh của Hitler nhanh chóng ra tay và đến 18 giờ 30 đã làm chủ tình hình. Toàn bộ nhóm đảo chính bị bắt và đa số bị xử bắn ngay trong năm 1944.

Wilhelm Canaris cũng nằm trong số bị bắt vì tình nghi tổ chức và chỉ huy trực tiếp nhóm chống đối trong vụ ám sát hụt Hitler, tuy nhiên, không giống như những người khác, Hitler đã không xử bắn Canaris ngay sau khi vụ ám sát xảy ra.

Himmler, ông trùm đảng SS muốn giữ Canaris lại để sử dụng mối liên hệ giữa ông với người Anh cho một cuộc thỏa thuận kết thúc chiến tranh mà y sẽ là người lãnh đạo tương lai của nước Đức. Trong khi đó Hitler cũng muốn giữ lại Wilhelm Canaris để tìm những kẻ đồng mưu còn trốn thoát.

Khi kế hoạch của Himmler thất bại, y đã nhận được lệnh của Hitler đưa Wilhelm Canaris ra tòa án quân sự của đảng SS. Wilhelm Canaris bị tuyên án tử hình. Vị tư lệnh Cục quân báo Đức đã bị treo cổ vào ngày 9/4/1945, vài tuần trước khi cuộc chiến tranh kết thúc.

Hà Phương
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn