Thực trạng của hiện tượng phá thai
Theo thống kê chính thức của tổ chức Y tế Thế giới WHO và viện Guttmacher (tổ chức nghiên cứu và chính sách cam kết thúc đẩy sức khỏe và quyền sinh sản và tình dục ở Hoa Kỳ và trên toàn cầu) năm 2017, số ca nạo phá thai trên toàn cầu là 55,7 triệu ca, trong đó số ca nạo phá thai không an toàn là 25,5 triệu ca. 97% số ca nạo phá thai không an toàn này là ở các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh. Nạo phá thai an toàn theo định nghĩa của WHO là phải được thực hiện bởi các cán bộ y tế có chuyên môn, có kinh nghiệm trong nạo phá thai và thực hiện trong môi trường vô trùng tuyệt đối.
Ở Việt Nam, số ca nạo phá thai hàng năm theo con số chính thức là 300.000 ca. Việt Nam được tổ chức Y tế Thế giới WHO xếp vào danh sách một trong 5 nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới và là nước có tỷ lệ phá thai cao nhất châu Á.
Dựa trên quan điểm về sức khỏe thể chất thai phụ, giới y học phân chia nạo phá thai thành nạo phá thai an toàn và nạo phá thai không an toàn. Nhưng đó là một định nghĩa hẹp. Nạo phá thai có thể gắn với chữ “an toàn” được không? Chúng ta hãy xem xét trên nhiều góc độ.
Phật gia nhìn nhận thế nào về nạo phá thai?
Một trong năm giới cấm (ngũ giới) của Phật gia đó là sát sinh. Sát sinh theo Phật gia cần hội đủ 5 điều kiện:
1. Đối tượng bị giết là một chúng sinh.
2. Người sát sinh phải biết hay phải nhận thức được rằng đối tượng bị giết là một chúng sinh.
3. Người sát sinh có tác ý giết chúng sinh đó.
4. Người sát sinh phải có một cố gắng/nỗ lực giết.
5. Chúng sinh bị giết phải là kết quả của những điều kiện trên.
Một trong những lý do khiến người ta coi nhẹ việc nạo phá thai, đó là vì họ quan niệm rằng thai nhi một vài tuần tuổi chưa phải là một con người, chỉ là một nhúm những tế bào chưa có ý thức. Nhưng Phật gia cho rằng, khi mới bắt đầu thụ thai là đã có sự sống hay sinh mạng. Nói cách khác, đó đã là một chúng sinh.
Về vấn đề này Đức Đạt Lai Lạt Ma đã khẳng định với các nhà khoa học phương Tây như sau: “Phật giáo quan niệm rằng ý thức xâm nhập vào sinh vật ngay từ phút giây đầu tiên của sự thụ thai, bởi lẽ đó mà phôi bào vẫn được coi như là một sinh vật. Cho nên chúng tôi xem hành động phá thai cũng giống như việc cướp đi sự sống của một con người” – (Beyond Dogma, HH the Dalai Lama. Rupa & Co., 1996. tr.11).
Người mẹ sau thời điểm thụ thai sẽ bắt đầu thấy cơ thể mình thay đổi và cảm nhận được sự có mặt của sinh linh nhỏ bé trong bụng. Do vậy, đáp ứng điều kiện số 2. Rõ ràng là vậy, khi chúng ta ăn một quả trứng vịt lộn, ta biết mình đang ăn một sinh mệnh. Vậy không có lý gì một thai nhi trong bụng người mẹ lại không thể được coi là một chúng sinh. Mà lại là một chúng sinh cao cấp nhất trên Trái Đất.
Khi cha mẹ thai nhi tìm các biện pháp nạo phá thai, ấy là họ đáp ứng điều kiện thứ ba và thứ tư. Vì vậy mà thai nhi chết bằng các thủ thuật ghê sợ của y học thì ấy là cha mẹ và bác sĩ đang sát sinh.
Phật gia nhận định rằng con người không chỉ sống một đời mà là trải qua nhiều kiếp sống khác nhau. Do vậy mà có luân hồi và đầu thai. Mỗi một sinh mệnh trong một kiếp sống vốn đã có một tuổi thọ nhất định. Lẽ ra nếu sinh mệnh ấy được sinh ra tự nhiên, thì còn có nhiều việc để làm, nhiều năm để sống. Nếu bị tước đoạt sự sống một cách trái tự nhiên, thì sinh mệnh ấy phải chờ đợi hết năm này đến năm khác cho đến khi hết tuổi thọ tự nhiên trong một tình trạng cực kỳ thống khổ. Họ sẽ ở một nơi không phải dương gian mà cũng không phải âm giới, chịu đói, khát, vất vưởng không chốn nương thân.
Đó gọi là cô hồn dã quỷ. Càng thống khổ bao nhiêu, họ lại càng oán thù những kẻ gây ra cái chết cho mình bấy nhiêu. Những thủ phạm, ở đây là những bậc cha mẹ vô tâm và cơ sở y tế, trong lúc không biết không cảm thấy đã tạo bao nhiêu nghiệp lên thân mình. Và như vậy, không chỉ những đồ tể ở lò mổ, những đao phủ ở pháp trường mới là những kẻ sát sinh, mà bất cứ ai cũng có rủi ro trở thành kẻ giết người với những quan niệm và quyết định sai lầm.
Chủ tâm nạo phá thai theo giáo lý nhà Phật không khác gì giết chết một mạng người vô tội. Tệ hơn nữa sinh linh này bị giết chết khi đang chuẩn bị chào đời. Theo giáo lý nhà Phật, một sinh linh bị giết chết do kết quả của hành động nạo phá thai có chủ ý sẽ vất vưởng trong đói khát, lạnh lẽo và cực kỳ thương tâm ở một không gian khác vì chưa được luân hồi ngay mà phải chờ rất rất lâu. Vì người chủ tâm nạo phá thai đã gây ra nỗi thống khổ này của sinh linh vô tội, người đó chắc chắn bị báo ứng.
Trên thực tế, báo ứng có thể thấy rõ ngay với những người cố tình nạo phá thai là vô sinh hoặc các chứng bệnh phát sinh sau đó.
Nạo phá thai có chủ ý hay xảy ra nhất ở nữ giới chưa lập gia đình trong độ tuổi từ 16 đến dưới 20. Những người này vì dục vọng nhất thời đã mang trong mình một sinh linh bé nhỏ chờ chào đời. Tuy nhiên vì hoàn cảnh không cho phép, họ đã chủ tâm nạo phá thai, gây nghiệp lớn cho bản thân.
Người nữ giới nạo phá thai hơn 3 lần sẽ đối mặt nguy cơ vô sinh vĩnh viễn. Vì vậy nên tham vấn bác sĩ nếu còn muốn sinh con sau khi nạo phá từng ấy lần. Khoa học đã ý thức được hậu quả nghiêm trọng của nạo phá thai. Còn về mặt tâm linh, nạo phá thai không khác gì sát nhân, chặn đứng đường sống của một sinh linh vô tội, gây nghiệp báo nặng nề. Theo giáo lý Phật gia, mỗi một sinh linh đầu thai đều là do Thiên ý an bài. Thần linh đều ý thức được sự tồn tại của sinh linh này. Việc nạo hút thai bằng sự can thiệp thô bạo của con người thật độc ác. Sinh linh vô tội khi ấy chắc chắn cố bám vào bụng mẹ, nhưng vẫn bị lực ép ra ngoài để kết liễu cuộc đời. Linh hồn đứa trẻ vô tội ấy có thể sẽ bám theo người mẹ tội lỗi và khiến họ gánh chịu nhiều nghiệp báo nặng nề về sau.