"Nếu phát hiện có sự thỏa thuận cung cấp thông tin để cùng chia lợi nhuận thì cần phải xử lý các nhà mạng về hành vi đồng phạm về tội lừa đảo", LS Trần Đình Triển trả lời trước nạn tin nhắn rác đang quấy rầy khách hàng.
[links()]
Ngày 31/10, công ty An ninh mạng Bkav đã công bố kết quả thống kê tình hình tin nhắn rác của người dùng di động tại Việt Nam. Theo thống kê, trung bình mỗi ngày có tới 9,8 triệu tin nhắn rác được gửi tới điện thoại di động, nếu trung bình cứ 300 VNĐ/một tin nhắn, mỗi ngày nhà mạng thu về khoảng 3 tỷ đồng, tức 100 tỷ mỗi tháng.
Khảo sát này được thực hiện với 50.000 người dùng di động tại Việt Nam trong tháng 10, thống kê cho thấy mỗi ngày có tới 16.290 tin nhắn rác được gửi tới các thuê bao di động. Như vậy, bình quân cứ 3 ngày, mỗi người dùng lại nhận 1 tin nhắn rác.
Cùng với việc bị làm phiền, quấy rối bởi tin nhắn rác, người dùng còn đứng trước nguy cơ bị lừa đảo. Kẻ xấu có thể nhắn tin nhờ nạp thẻ điện thoại, thông báo trúng thưởng nhằm lừa tiền của người dùng... |
Việt Nam có ít nhất 30 triệu thuê bao thực đang hoạt động. Như vậy, số tin nhắn rác được gửi tới các thuê bao di động trong nước lên đến 9,8 triệu tin/ngày.
Từng trả lời về vấn nạn tin nhắn rác, ông Hoàng Sơn, Giám đốc Viettel Telecom, khẳng định không thể có giải pháp nào triệt để cho việc ngăn chặn tin nhắn rác vì đây là dạng tin nhắn chủ động.
Trả lời vấn đề này, luật sư Trần Đình Triển - Văn phòng luật sư Vì Dân bức xúc: Bản thân tôi không những bị nhận mà từng phải nhận rất nhiều tin nhắn rác gây mất thời gian, mất tiền, ảnh hưởng đến công việc.
LS Triển đặt câu hỏi: Bị lừa từ một tin nhắn rác các nhà mạng thu phí từ 5000- 25.000 đồng/tin, ở Việt Nam hiện tại có khoảng 30 triệu thuê bao đang sử dụng các dịch vụ di động. Nếu thử làm phép tính nhẩm, con số nhà mạng thu về sẽ là bao nhiêu?
Theo ông, đó chính là hành vi gian dối, thu nhập bất hợp pháp từ chính việc đưa thông tin không có thật nhưng thu phí thật để lừa đảo, chiếm đoạt tiền phí tin nhắn của khách hàng. Điều đáng nói là có địa chỉ cụ thể, ai nhắn tin đó, ai sử dụng dịch vụ đó.
Theo quy định của pháp luật, chỉ cần lừa đảo, chiếm đoạt số tiền từ 2 triệu đồng là đã đủ yếu tố để khởi tố hình sự. Trong trường hợp này hoàn toàn có thể khởi tố theo điều 139 của bộ luật hình sự về sử dụng công nghệ cao để lừa đảo.
Việc các nhà mạng giải thích là không thể quản lý được tình trạng tin nhắn rác thực tế là cách từ chối vô trách nhiệm.
Một bằng chứng mà nhà mạng không thể giải thích là không biết: ví dụ 1 tin nhắn bình thường chỉ mất khoảng 200 đồng - 1000 đồng nhưng việc các thuê bao di động phải nhận những tin nhắn khấu trừ trực tiếp vào tài khoản trả trước hay trả sau từ 5000 - 25.000 đồng là vượt quá quy định cước thuê bao thì bắt buộc nhà mạng phải biết đó là phí dịch vụ gì?
Tại sao nhà mạng lại cấu kết và cho phép làm như vậy. Nhà mạng lấy căn cứ nào để trừ tiền trong tài khoản của khách hàng? Cái đó nhà mạng có thể giải thích là không biết được không?
Theo ông Triển, cơ quan chức năng cần phải xử lý công khai, trên truyền thông đại chúng đồng thời cũng phải xử lý cả nhà mạng. Nếu phát hiện có sự thỏa thuận cung cấp thông tin để cùng chia lợi nhuận thì cần phải xử lý các nhà mạng về hành vi đồng phạm về tội lừa đảo.
Nếu không cũng phải xử lý dưới góc độ quản lý nhà nước. Tịch thu những khoản thu bất hợp pháp, gian dối để xung công quỹ nhà nước.
LS Nguyễn Bá Ngọc, văn phòng luật sư Bắc Giang nhận định: Hành vi gửi tin nhắn lừa trúng thưởng nhưng lại không có phần thưởng để chiếm đoạt tiền tin nhắn của khách hàng sử dụng dịch vụ di động thực chất là hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Trong trường hợp này, khi chứng minh được các nhà mạng có hành vi cố ý móc nối để chiếm đoạt, lừa đảo thì phải xử lý hình sự. Nếu lừa đảo, chiếm đoạt lớn thì phải áp dụng điều 139 luật hình sự về "Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Việc các nhà mạng giải thích là khó quản lý, không kiểm soát được chỉ là một lời giải thích biện minh cho hành vi sai trái của mình. Không thể nói là không biết.
Quy định mới: Xử lý hình sự Theo Thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự về một số tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông do liên Bộ gồm: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao ban hành. Tại khoản 1, điều 226b Bộ luật Hình sự: Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý mức phạt với hành từ 10 - 100 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm. Cụ thể, hành vi gửi tin nhắn lừa trúng thưởng nhưng thực tế không có giải thưởng để chiếm đoạt phí dịch vụ tin nhắn sẽ bị xử lý theo khoản 1 điều 226b Bộ luật Hình sự. |
- Hà Linh