rong khi quy tội người dân không chịu “thông thái” trong tiêu dùng, chịu đội mũ bảo hiểm rởm thì chưa thấy đơn vị chức năng nào lên tiếng “tự nguyện” chịu phạt vì tội đề lọt hàng kém chất lượng ra thị trường
Từ khi có quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe máy từ ngày 15/12/2008, đã có nhiều đợt ra quân dẹp loạn mũ bảo hiểm "thời trang" nhưng không thành công, sau một thời gian dài thả nổi, nay cơ quan quản lý quyết tâm khai tử mũ bảo hiểm rởm bằng cách phạt người sử dụng. Bắt đầu từ này 15/4, các lực lượng chức năng sẽ xử phạt nghiêm hành vi sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm giả. |
Tại buổi tổng kết, ông Nguyễn Hoàng Hiệp – Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho biết: Qua điều tra xã hội học cho kết quả, sau 5 năm vận động toàn dân đội mũ bảo hiểm, tỷ lệ đội mũ đạt 90%, nhưng chỉ có 30% là đội mũ đạt chất lượng, còn lại 70% là mũ giả, kém chất lượng. Những con số thống kê đã phản ánh đúng tình trạng mũ bảo hiểm không đạt chuẩn đang tràn lan trên thị trường. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cho rằng, nhiều người tiêu dùng đang tiếp tay cho các hoạt động kinh doanh, buôn bán mũ bảo hiểm giả khiến các loại mũ bảo hiểm kém chất lượng vẫn bày bán trên thị trường. |
Lạ lùng thay, mũ rởm phải qua hằng hà sa số khâu vận chuyển, kiểm duyệt rồi mới có thể bày bán trên đường, công khai chứ chẳng phải thậm thụt đứng góc khuất để đến tay người dân. Vậy mà, trong khi quy tội người dân không chịu “thông thái” trong tiêu dùng, chịu đội mũ bảo hiểm rởm thì chưa thấy đơn vị chức năng nào lên tiếng “tự nguyện” chịu phạt vì tội đề lọt hàng kém chất lượng ra thị trường? Thật chẳng khác gì đi phạt bệnh nhân cái tội… bị bệnh. |
Quy định này đã khiến cho không ít người dân lo lắng, than phiền, giờ là đội mũ bảo hiểm rởm bị phạt, sắp tới, ra chợ mua phải trái cây rởm, xăng rởm, hàng rởm liệu có bị phạt tiếp hay không? Câu trả lời chắc người dân biết rõ nếu cứ trong tình trạng quản lý thế này. |
Và có nhiều người phán đoán rằng, sắp tới mũ bảo hiểm có khi cũng bị quản lý như vàng, chỉ cho phép một công ty kinh doanh để "bảo vệ" người tiêu dùng. Vì thực tế, dân mình chả biết cái nào là của dỏm cái nào là của thật? |
Cũng như chuyện gà chính chủ, để ngăn chặn vấn nạn gà nhập lậu, không đảm bảo an toàn gây bức xúc dư luận thời gian qua, Hà Nội và Bắc Giang đã ký thỏa thuận để Bắc Giang cung ứng gà sạch cho Thủ đô. Nhưng người dân thủ đô chưa kịp vui mừng sắp được ăn gà sạch chính chủ thì ở các huyện Lạng Giang, Yên Thế, Tân Yên của tỉnh Bắc Giang hiện nay đang “loạn” giống gà Trung Quốc. Đây là giống gà “bóc vỏ” từ Trung Quốc rồi nhập lậu về Việt Nam... |
Trong khi đó, các nhà quản lý vẫn loay hoay chưa biết làm thế nào để dân phân biệt được đâu là gà thải loại, đâu là gà Bắc Giang chính gốc khi chiếc tem gắn mác vẫn còn được bàn cãi nên gắn vào chân gà, lồng gà, hay gắn vào xe chở gà? Hoặc cũng có thể chỉ quét sơn vào lồng gà mà thôi? |
Nó cũng khó như chính cơ quan tuyên bố: Bắt gà lậu khó như bắt Heroin vậy, cho nên nếu như người dân không thông thái khi đi chợ, mua phải gà thải loại, gà rởm thì cũng phải ráng mà chịu. Nếu ai muốn nhăm nhe cái ý định nuôi lợn, nuôi gà để tự bảo vệ mình, thì cũng nên dẹp ngay đi bởi sẽ vi phạm vào quy định cấm chăn nuôi gia súc, gia cầm trong thành phố mà phải tự bỏ 1 - 2 triệu đồng tiền phạt. |
Trong dịp Tết nguyên đán, người dân trên địa bàn Hải Dương, Hải Phòng vô tình mua phải loại đèn lồng Trung Quốc có in chữ Tam Sa về trang trí nhà cửa. Ngay sau đó, chính họ phải chủ động phân biệt đèn lồng Trung Quốc vì chính quyền chưa truy nguồn gốc và thu hồi được các sản phẩm buôn lậu trái phép này. Theo ông Võ Viết Linh, đội trưởng đội quản lý thị trường số 1 thuộc Chi cục quản lý thị trường Hà Tĩnh nói "Tuy biết đồ chơi, lồng đèn Trung Quốc được đài báo đưa có độc hai, nguy hiểm nhưng không có quyết định thu hồi thì chúng tôi đành bất lực", ông Linh nói. |
Để tránh bị ảnh hưởng, đã không ít tổ dân phố mất công mất sức treo đèn hoa rợp trời rồi một lần nữa bắc thang kiểm tra từng đèn lồng xem có dính những chữ cấm không? Vậy là, trách nhiệm kiểm soát đèn lồng phạm pháp được cơ quan Nhà nước trao vào tay các khu dân cư, cụ thể đến từng người dân. Nhưng còn trách nhiệm của các cơ quan chức năng sẽ thể hiện ở đâu, khi mà không thể truy ra nguồn gốc, thanh tra thu hồi và xử lý trước pháp luật những đối tượng buôn bán đèn lồng Trung Quốc buôn lậu trái phép? |