Quá nửa đời vớt xác, cứu người trên sông Sài Gòn

05:36, Thứ sáu 06/05/2011

( PHUNUTODAY ) - Hơn nửa đời người, ông đã gắn bó với khúc sông này và ông cũng không nhớ hết đã vớt được bao nhiêu thi thể người, đã bao nhiều lần chiến đấu với thuỷ thần để cứu những người sa cơ gặp nạn hoặc những người buồn đời, buồi tình định tìm đến cái chết để giải thoát.



Ở bờ sông Sài Gòn, đoạn chảy qua cầu Bình Lợi, không ai không biết đến ông Nguyễn Văn Chúc (tên thường gọi là Ba Chúc, SN 1957) - một người chài lưới ven sông. Họ biết đến ông không phải vì cái nghề chài lưới mà ông vẫn lưu sinh hàng ngày mà chính vì công việc thầm lặng mà ông đã làm suốt hơn 30 năm qua trên dòng sông này. Ông đã cứu không biết bao nhiều người sa cơ gặp nạn, những người đi tìm cái chết. Ông cũng chính là người đã tìm được thi thể những người bạc mệnh trả về cho gia đình họ, cho dù bất kể ngày đêm hay lúc nắng mưa.

Tôi đến thăm ông vào một buổi sáng. Ông vắng nhà. Nói tiếng nhà cho oai chứ thật ra là một chiếc ghe mà nơi đó có một thời cả gia đình ông gồm vợ và 5 cô con gái trú ngụ. Những người hàng xóm với ông trên bờ có, trên ghe có đã quây quần bên tôi thuật lại những câu chuyện về ông bằng chính sự cảm phục và trìu mến. Câu chuyện họ kể kéo dài gần như bất tận. mỗi người góp một chuyện .

Lúc tâm sự với tôi, Ba Chúc có đưa tôi xem một quyển số đã úa vàng, mà ông gọi là nhật ký vớt xác, cứu người. Đã hàng chục năm nay ông cũng không nhớ hết những việc mình đã làm, ghi vào sổ có lúc ông nhớ thì ghi, còn lúc nhiều việc thì quên bẵng đi. Một cán bộ công an phường 13, quận Bình Thạnh cho biết hiện nay trong hồ sơ lưu trữ, những biên bản được lập mà trong đó, ông Chúc là người được ghi nhận là phát hiện ra xác chết trên sông khá nhiều. Được ngồi tâm sự với ông, tôi được nghe chuyện ông vớt xác, cứu người mà hiểu thêm nhiều chuyện cay đắng về thế thái nhân tình.
Người đàn ông hơn nửa đời người vớt xác, cứu người trên dòng sông Sài Gòn
Phút thư giãn của ông Nguyễn Văn Chúc

Đối với Ba Chúc và nhiều người dân đoạn xunh quanh cầu Bình Lợi, phường 13, quận Bình Thạnh, bao nhiêu năm nay họ nhớ nhất là chuyện cứu sông một cụ già tuổi gần đất xa trời. Đó là một buổi chiều, khi màn đêm vừa buông xuống có tiếng kêu cứu thất thanh từ trên cầu vọng lại. Như một phản xạ tự nhiên, vợ chồng ông Ba Chúc nổ máy chiếc ghe lao đến nơi có người vừa rơi xuống. May mắn, một cụ già tóc bạc phơ được cứu lên. Vừa mở mắt tỉnh lại, cụ già đã òa lên khóc ngất : “sao không để tôi chết ? Cứu tôi làm gì ? Khổ quá tôi hết muốn sống rồi”.

 Lặng đi một hồi, vợ chồng ông Chúc và những người chung quanh không ai không sững sờ khi biết cụ đã 70 tuổi, là một người thành đạt từng có địa vị trong xã hội. Cuối đời, kinh tế gia đình khá sung túc nên cụ nghĩ đến việc chia phần gia sản của mình cho các con để tìm sự thanh thản lúc tuổi già. Nào ngờ đâu, những tưởng sau khi đất cát, của cải chia đều cho các con cụ sẽ có cuộc sống êm ấm vui vầy bên đàn con cháu thì chính các con cụ lại đùn đẩy việc phụng dưỡng. Kết cuộc sau cùng, các con của cụ đã đem cụ vào viện dưỡng lão mà không thèm đoái hoài tới. Rồi buồn đời, buồn vì con cái bạc đãi nên cụ tìm đến đoạn cầu Bình Lợi – đượcc mệnh danh là cây cầu tử thần – để tìm đến cái chết. Thế nhưng cuộc đời của con người gần đất xa trời này vẫn còn may mắn khi gặp phải ông Ba Chúc.

Bà con còn kể thêm, đến nay không biết ông Chúc đã cứu bao nhiêu mạng người. Người ta chỉ biết, cứ mỗi đêm khi ông Chúc đã vùi say vào giấc ngủ sau một ngày vất vả trên sông. Vợ cùng ông, bà Nguyễn Thị Hinh nằm cạnh ông luôn để mắt quan sát trên cầu. Mọi hành động mọi cử chỉ khác thường của những người đứng trên cầu đều không qua được mắt bà. Đã hàng chục năm nay như thế, chưa lần nào bà tiên đoán sai và cũng nhờ thế mà nhiều người thoát được cái chết.

Cũng có những trường hợp, sau khi cứu được người, ông Chúc còn phải giúp đỡ quần áo và lộ phí để người chán sống trở về nhà. Đó là trường hợp của một cô gái còn khá trẻ được ông vớt lên sau khi trầm mình dưới dòng nước xiết. Đây là một trường hợp khá đặc biệt. Cô gái quê tận tỉnh Bình Dương cho biết không thể sống chung một mái nhà với người chồng sau của bà nội. Tháng nào người ông này cũng buột cô phải nộp toàn bộ số tiền lương công nhân còm cõi nếu không sẽ bị đánh đập, chửi mắng thậm tệ và không cho vào nhà. Thế là sau khi cứu được cô giái, vợ chồng Ba Chúc sắm quần áo và cho tá túc dưới chiếc ghe nhỏ của gia đình ông. Thế nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn, cô gái xin phép ra đi. Từ dạo đó đến nay, cô chưa một lần ghé lại thăm ông.

Nước da sạm đen bong nởi nắng mưa và bởi công việc trầm mình dưới nước mưu sinh hàng ngày, nhưng Ba Chúc lúc nào cũng nhoẻn miệng cười trơ hàm răng trắng toát. Nếu có dịp ngồi nghe ông kể những câu chuyện cứu người thì hông thể nào nghe nổi, bởi công việc đó đối với ông là hang ngày. Nhưng có lẽ ông nhớ nhất chính là dịp cứu được nhiều người. Đó là một ngày đầu năm 2004, một tốp công nhân của công ty Đường sắt 796 đang thi công sửa chữa cây cầu Bình Lợi nhưng bất ngờ bị sập dàn giáo cả 5 người rơi tõm xuống sông Sài Gòn.
d
Con thuyền, đoạn sông, cầu Bình Lợi đã gắn liền với cuộc đời ông Chúc

Đang giăng lứơi đánh cá, nghe tiếng động, bất ngờ Ba Chúc ném tất cả, nổ ghe ào ra giữa sông. 3 người đã bơi được vào bờ,  và bằng tài nghệ hơn 40 năm sống trên sông nước, ông Chúc đã lần lượt cứu sống 2 người còn lại, như tái sinh lại kiếp người của họ. Chính lần ấy, một công nhân tên Trần Đình Đức (ngụ tỉnh Nghệ An) đã xin vợ chồng ông nhận làm con nuôi. Dù 7 năm đã trôi qua, Nguyễn Đức đã có một gia đình nho nhỏ ở quận Bình Thạnh và thi thoảng lại dắt díu vợ con đến thăn hỏi ân nhân của đời mình. Đối với Ba Chúc, chỉ cần như thế là niềm vui của cuộc sống.

Thế nhưng công việc của Ba Chúc không chỉ dừng lại ở đó. Tuần nào, tháng nào cũng có người bất cẩn bị nạn rơi xuống sông, cũng có người nhảy cầu tự vẫn. Đã không biết bao nhiêu thi thể, được ông Chúc vớt lên, đưa vào bờ và chờ người than đến đưa về hoặc chuyển giao cơ quan chức năng. Có khi những lần ấy ông rơi nước mắt. Công việc thầm lặng đó được ông xem như là một thiên chức phải làm khi dòng sông sông này đã gắn liện với cuộc đời ông.

Mơ một mái nhà

Ba Chúc đón tôi lên ghe, cũng là căn nhà của ông để kể những câu chuyện đời, chuyện người và chuyện khúc sông đã gắn bó với đời ông. Bằng một giọng nói nhỏ nhẹ, ông kể, khúc sông này dường như là định mệnh đã gắn chặt cưộc đời ông với bao số phận nghiệt ngã. Là người miền Bắc nhưng bố mẹ ông vào Nam sinh sống bằng nghề đánh cá trên sông. Ông sinh ra trên con thuyền, lớn lên trên dòng nước, con sông Saì Gòn này với ông có rất nhiều kỷ niệm.

Nhớ lại những ngày của xa xưa, ông chỉ cười. Đó là năm 20 tuổi, ông lập gia đình với một phụ nữ vốn cũng là con một người chài lưới. Sau đám cưới ông được gia đình 2 bên cho một chiếc xuồng tam bản để ra riêng. Đôi vợ chồng trẻ hàng ngày lênh đênh theo con nước lớn nước ròng tìm kiếm mưu sinh. Rồi những đứa trẻ lần lượt ra đời cũng trên chiếc xuồng này. Có những đêm ông và bà nằm chắn hai đầu để cho con ngủ phòng ngừa chúng lăn xuống nước. Cũng có những đêm vừa ngủ vừa tát nước vì chiếc xuống theo thời gian ruỗng mục. Sau đó một thời gian, cha vợ của ông, mới đóng cho vợ chồng ông một chiếc thuyền khác rộng hơn đỡ vất vả hơn.  Rồi thời gian qua đi, ngày nay, 3 con lớn đã có chồng lên bờ thoát khỏi cuộc sống lênh đênh. Chỉ còn 2 con gắn bó với sông nước và vợ chồng ông, một đứa đi làm, còn một đứa đi học.

Ông kể cho tôi nghe về cuộc sống của ông. 8 tuổi ông đã theo cha sống nghề sông nước. Những năm này, tôm cá nhiều vô kể. Những mẻ lưới trĩu nặng đã nuôi ông khôn lớn. Và cũng từ con sông này những ngày tháng tiếp theo càng lúc càng khó khăn hơn. Nước sông đã ô nhiễm nặng tiêu diệt hết các nguồn lợi thủy sản. Tuy vậy, ông Chúc cũng vẫn buông chài trên sông đều đặn mỗi ngày. Những con cá hiện giờ ông thu hoạch được cũng chỉ là những giống cá nuôi bị thất thoát từ các ao hồ ven sông. Nhưng cũng chẳng là bao.

May thay, mấy năm gần đây, nghe tiếng ông trạm quản lý đường sông số 10 thuộc Đoạn quản lý đường sông đã hợp đồng với ông với nhiệm vụ làm vệ sinh các phao phân luồng trên sông đồng thời khôi phục các đèn tín hiệu hư hỏng với mức lương 2 triệu đồng/tháng. Ông nói cũng nhờ vậy mà gia đình cũng vượt qua được khó khăn.

Càng tâm sự với ông, tôi càng thấy ông nặng lòng với đoạn sông này. Theo ông, ông không thể bỏ nơi đây để tìm một nơi chốn khác làm ăn bởi một phần ông không thích hợp với những nghề trên bờ và phần chính có lẽ trời sinh ra ông gắn liền với thiên chức cứu người, vớt xác. Mỗi năm ông chỉ thật sự có những ngày nhàn rỗi, đó là dịp tết, để quay quần, vui vẻ bên con cháu. Và chỉ vài ngày sau, ông lại lên ghe, chèo dọc sông Sài Gòn kiếm sống.

Thân nhân những người được ông vớt lên cũng thường xuyên viếng thăm ông. Có lẽ nhờ vậy là nguồn động viên để ông tiếp tục làm cái công việc đầy tính thiện nguyện này. Trên chiếc thuyền tôi ngồi cùng ông, ông nói, một số người ẩn anh đã giúp đỡ ông 70 triệu đồng thông qua một vị linh mục để ông đóng mới chiếc thuyền làm nơi trú ngụ.

Hơn 30 năm lênh đênh sông nước, tuổi già đã cận kề, ông Chúc chỉ có một ước mơ duy nhất là tìm được một căn nhà nhỏ cũng ven con sông này. Ông tâm sự “ tôi không thể nào sống xa nơi đây bởi có quá nhiều kỷ niệm. Đoạn sông này là nơi tôi sinh ra, là nơi tôi lớn lên, đã nuôi sống bao thế hệ gia đình tôi. Phải gần  đoạn sông này, tôi mới có điều kiện làm cái công việc giúp người giúp đời. . .”Ước mơ tưởng chừng như đơn giản nhưng lại quá khó với ông. Và mỗi buổi chiều ông cứ lặng lẽ trước mũi thuyền đôi mắt nhìn lên bờ thèm muốn một cuộc sống ổn định nhưng thi thoảng vẫn dõi mắt ra cầu Bình Lợi, để xem chừng có ai cần đến sự trợ giúp của ông.

Nơi cây cầu tử thần ấy, ông đã và đang làm cái công việc cứu người, vớt xác, dù ất kể là ngày hay đêm, năng hay mưa, mà không nghĩ ngợi đến tính mạng, hay toan tính thiệt hơn. 
  • Trần Chánh Nghĩa
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc