Vũ khí)- Tên lửa xuất hiện từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Ngay lập tức, nó đã thu hút sự chú ý của giới quân sự. Những người đầu tiên nghĩ tới việc trang bị tên lửa cho xe tăng là các kỹ sư Liên Xô. Tuy nhiên, các mẫu thiết kế thời kỳ đó tỏ ra thật “quái dị”.
[links()]
Manh nha ý tưởng
Kỹ thuật tên lửa bắt đầu được phát triển từ đầu thế kỷ XX. Những người đặt nền móng cho lĩnh vực này là nhà khoa học Nga Konstantin Siolkovsky (1857-1935), nhà khoa học người Romania German Obert (1894-1989) và nhà khoa học người Mỹ Robert Goddard (1882-1945).
Trong đó, Robert Goddard là người đầu tiên áp dụng lý thuyết vào thực tiễn thành công. Chính ông là người đã chế tạo ra ống phóng tên lửa đầu tiên trên thế giới vào năm 1925.
Đến tháng 3/1926, ông đã thực hiện thành công vụ phóng tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng gồm ô xy hóa lỏng và xăng tinh khiết. Và tất nhiên, thành tựu này đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của giới quân sự.
Hình ảnh thử tên lửa những năm đầu thế kỷ XX ở Liên Xô |
Trong những năm 1930, nhiều nước đã tiến hành thử nghiệm lắp đặt các loại vũ khí lên xe tăng và xe bọc thép như súng cối, súng máy, pháo. Thậm chí, người ta còn cố thử trang bị cho những cỗ xe này cả tên lửa.
Thời kỳ đó, Liên Xô cũng rất quan tâm tới việc phát triển vũ khí tên lửa. Năm 1932, Liên Xô lần đầu tiên tiến hành bắn thử tên lửa với khoảng cách 1.500 m. Cuộc thử nghiệm đã thành công và kết quả là giới lãnh đạo Liên Xô quyết định chế tạo tên lửa để trang bị cho xe tăng.
Một mẫu xe tăng trang bị tên lửa vào đầu thế kỷ XX của Liên Xô |
Trong quá trình chế tạo xe tăng, các kỹ sư Liên Xô luôn tìm cách tăng cường hỏa lực cho các mẫu vũ khí của Hồng Quân.
Khi đó, Liên Xô vẫn chưa có các loại vũ khí cho phép xe tăng có thể tác chiến hiệu quả chống các loại xe tăng hạng nặng và hạng trung của đối phương cũng như khắc chế các hỏa điểm kiên cố và được bảo vệ vững chắc. Vậy là người ta nghĩ tới loại vũ khí mới – tên lửa.
Dự án dở dang
Dự án đầu tiên nhằm hiện thực hóa ý tưởng này mang tên Dự án RBT-5. Công việc được khởi động từ năm 1933. Các kỹ sư Liên Xô đã tìm cách lắp đặt hai quả tên lửa, mỗi quả nặng 250 kg, lên chiếc xe tăng BT-5. Khi đó, loại tên lửa này được gọi là “ngư lôi tăng”.
Đến cuối năm 1933, nhà máy số 37 của Liên Xô đã hoàn thành các mẫu bệ phóng thử nghiệm đầu tiên và được lắp lên một chiếc xe tăng BT-5 được sản xuất hàng loạt. Vị trí đặt bệ phóng này là trên tháp pháo. Chiều dài tên lửa là 1.805 mm với đường kính 420 mm.
Một mẫu xe tăng BT-5 nguyên bản |
Khối thuốc nổ được bố trí ở phần đầu của quả tên lửa với khối lượng 130 kg. Phần đuôi là khối nhiên liệu nặng 13,7 kg. Chiếc BT-5 vẫn giữ lại các vũ khí cũ gồm một pháo 20K 45 mm và súng máy DT-29 7,62 mm.
Để bắn tên lửa, các kỹ sư sử dụng thiết bị khởi động đốt cháy nhiên liệu bằng điện. Thuốc nổ của tên lửa là loại vẫn được sử dụng cho bom hàng không thời bấy giờ. Loại thuốc nổ này không bị phát nổ ngoài ý muốn khi tên lửa bị trúng đạn hoặc trúng mảnh vỡ nhỏ.
Mẫu RBT-5 |
Tuy nhiên, loại tên lửa này có rất nhiều nhược điểm như tầm bay ngắn, khả năng bảo vệ khỏi đạn hoặc mảnh vỡ thấp. Đặc biệt sau khi bắn tạo ra quá nhiều khói và bụi. Các kỹ sư Liên Xô sau đó đã tập trung giải quyết những nhược điểm này.
Sau đó, Liên Xô tập trung thử nghiệm loại đạn phản ứng nổ 132 mm cho xe tăng BT-5. Thiết bị phóng được lắp bên trái tháp pháo và góc bắn được cố định từ 0 tới 20 độ.
Cuộc thử nghiệm đầu tiên được thực hiện vào ngày 28/4/1935. Ba lần bắn thử nghiệm loại đạn này đã thành công với tầm bắn trên 2.000 m. Tuy nhiên, một trục trặc khác lại xuất hiện là nguy cơ cháy nổ quá lớn đã khiến các cuộc thử nghiệm bị đình hoãn.
Một mẫu xe tăng BT-5 được trang bị tên lửa phản ứng nổ |
Trong cuộc thử nghiệm tiếp theo vào ngày 22/5/1935, các biện pháp an toàn cháy nổ đã được áp dụng. Vào ngày 26/5, các cuộc thử nghiệm đã thành công tốt đẹp sau khi các kỹ sư thực hiện một số điều chỉnh kỹ thuật.
Sau đó, giới lãnh đạo quân sự Liễn Xô đã quyết định lắp đặt tên lửa cho xe tăng. Đây được coi là hướng đi để tăng cường hỏa lực cho Hồng Quân.
Sau đó, Liên Xô còn hoàn thiện thêm 2 mẫu tên lửa phản ứng nổ khác và thiết kế một mẫu xe tăng trên cơ sở chiếc BT-7 với tháp pháo đặc biệt. Tuy nhiên, đến cuối năm 1936, các dự án đã bị đình hoãn.
Phải đến giữa những năm 1950, các dự án dạng này mới được nhắc đến. Tuy nhiên, sau đó phần lớn các dự án về trang bị tên lửa cho xe tăng chỉ dừng lại ở mức độ thử nghiệm.
- Đông Triều