(Đời sống) – Quốc lộ 1A đoạn từ Thanh Hóa tới Khánh Hòa dài hơn 1.570km nhưng có tới 160km bị trồi sụt theo vết bánh xe, hay còn gọi là hiện tượng “sống trâu”.
Thông tin trên được đưa ra tại buổi Tọa đàm trực tuyến về giải pháp chống lún mặt đường và đường đầu cầu, do Báo Giao thông vận tải tổ chức chiều 15/7.
Tiền phong dẫn lời ông Triệu Khắc Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng Đường bộ (Tổng Cục Đường bộ VN, Bộ GTVT) cho biết, vệt lún vệt bánh xe hay còn gọi là hiện tượng “sống trâu” trên đường trải nhựa Alphan bắt đầu xuất hiện từ năm 2009. Tuy nhiên tình trạng này xuất hiện nhiều vào khoảng tháng 5, tháng 6 vừa qua.
Vết trồi sụt xuất hiện trên Đại lộ Đông - Tây (TP. HCM). |
Theo ông Dũng, qua rà soát trên QL 1A từ đầu năm nay cho thấy, trồi sụt theo vệt bánh xe đoạn Thanh Hoá - Huế bị 70/620 km, đoạn Đà Nẵng - Khánh Hoà bị 90/953 km . Đặc biệt, tại một số tuyến đường đèo các hằn trồi sụt cao từ 10 - 15cm.
Theo các đại biểu tại buổi toạ đàm, hiện tượng trên còn xảy ra ở nhiều tuyến quốc lộ khác trên cả nước và ngày càng nghiêm trọng, như Quốc lộ 5, 3, Đại lộ Đông - Tây…
TTXVN dẫn lời ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam lý giải, đường lún hằn vệt bánh xe là do nhiều nguyên nhân về chất lượng các lớp bê tông mặt đường (yếu tố vật liệu nhựa, cốt liệu, chất lượng thi công, giám sát...); lưu lượng, tải trọng xe và cường độ vận chuyển; nhiệt độ cao ứng với khu vực đặc trưng; công tác quản lý, khai thác và bảo trì…
Đề cập đến việc nền, móng, mặt đường bê tông nhựa có đảm bảo chất lượng, ông Vinh cho rằng, theo các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra, hầu hết đường lún do xảy ra do hỗn hợp bê tông nhựa kém chất lượng không đủ khả năng kháng vệt hằn bánh xe gây nên.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đánh giá, việc trồi, lún theo vệt bánh xe xảy ra ở cả tuyến đường vừa đưa vào khai thác lẫn những tuyến đã khai thác cả chục năm nay.
“Bộ GTVT đang chỉ đạo thực hiện các giải pháp để khắc phục cục bộ tại những điểm xảy ra hiện tượng này và giải pháp mang tính lâu dài, bền vững hơn”, Thứ trưởng Đông nói.
Theo kế hoạch của Bộ GTVT, từ nay tới năm 2016 sẽ hoàn thành xong dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn Hà Nội - Cần Thơ, trong đó có một số đoạn thục hiện theo hình thức BOT và thu hồi vốn qua các trạm thu phí, với khoảng 21 trạm thu phí BOT. Cũng theo kế hoạch, phí qua các trạm BOT sẽ tăng từ 2-3 lần so với hiện nay.
Tình trạng trên cũng xảy ra với mặt cầu Thanh Trì (Hà Nội) và phần đường dẫn vào năm 2010, các vết trồi sụt mặt đường và phần thảm nhựa mặt cầu kéo dài theo vết bánh xe, có điểm sâu tới 15cm, khiến phương tiện lưu thông gặp khó khăn và nguy hiểm vì dễ xảy ra tai nạn.
Từ đó tới cuối năm 2011 tình trạng trên vẫn tiếp diễn nhưng việc tìm nguyên nhân, biện pháp khắc phục vì nhiều lý do vẫn không được rõ ràng. Đặc biệt, dư luận nghi ngờ chất lượng thi công công trình này có vấn đề.
Cuối năm 2011, tân Bộ trưởng Đinh La Thăng ngồi vào nghề nóng Giao thông, ông đã cho thanh tra 5 công trình giao thông trọng điểm, trong đó có dự án đường dẫn và cầu Thanh Trì, trong đó có phát hiện một số sai phạm trong phương án thiết kế, vật liệu, thi công, giám sát…
Sau đó, Ban Quản lý dự án Thăng Long (PMU Thăng Long) chủ đầu tư đã đưa ra để khắc phục sự cố là yêu cầu nhà thầu và tư vấn sửa chữa, thảm lại hơn 3,5 km mặt đường và cầu bị lồi lõm. Còn giải pháp lâu dài cần thực hiện vẫn chỉ là kiểm toán, tính toán lại kết cấu mặt đường theo yêu cầu của đoàn kiểm tra.
Và tới nay, mặt cầu và đường dẫn cầu Thanh Trì vẫn còn sụt lún vì chưa có biện pháp khắc phục triệt để.
- P.V (tổng hợp)