Quy định mới cấp đổi CCCD sang Căn cước có bị thu hồi bản cũ không hay được phép dùng cả hai?

11:02, Chủ nhật 06/04/2025

( PHUNUTODAY ) - Hiện nay Luật Căn cước có hiệu lực nhưng nhiều trường hợp CCCD vẫn còn hạn dùng, nên nhiều người băn khoăn nếu cấp đổi thì có được dùng cả hai hay sẽ bị thu hồi CCCD

Luật Căn cước 2023 chính thức có hiệu lực từ 1/7/2024 nhưng trong giai đoạn chuyển tiếp thì rất nhiều trường hợp CCCD còn hạn dùng nên vẫn được dùng không bắt buộc cấp đổi. Tuy nhiên cũng nhiều người muốn cấp đổi sang Căn cước để thuận tiện trong khi dùng. Nhiều trường hợp người dân muốn cấp đổi chỉ vì muốn trải nghiệm loại giấy tờ mới. Cũng có trường hợp người dân nghĩ rằng đi làm cấp căn cước thì sẽ được sở hữu sử dụng cùng lúc CCCD và Căn cước để thuận tiện hơn cho một số mục đích cá nhân. Thực sự việc cấp sang Căn cước rồi còn được dùng bản CCCD kia không?

CCCD còn hiệu lực mà đi cấp đổi sang Căn cước thì có bị thu hồi bản CCCD cũ không?

Theo quy định Luật Căn cước 2023 thì có quy định về giai đoạn chuyển tiếp như sau: Từ 1/1/2025 Chứng minh nhân dân không còn hiệu lực. Còn ai có CCCD còn hiệu lực thì vẫn được dùng cho tới khi hết hạn, nếu có nhu cầu cấp đổi thì được cấp đổi sang căn cước.

Khi đi cấp đổi CCCD sang Căn cước thì khoản 3 Điều 21 Nghị định 70/2024/NĐ-CP ban hành ngày 25/6/2024 ghi rõ về việc thu hồi khi cấp đổi: "Trường hợp cấp đổi thẻ CCCD sang thẻ căn cước hoặc cấp đổi thẻ căn cước thì người tiếp nhận có trách nhiệm thu lại CMND, thẻ CCCD, thẻ căn cước đang sử dụng".

CCCD còn hiệu lực nhưng chủ động làm thủ tục cấp đổi sang Căn cước thì ngay khi có Căn cước, đồng nghĩa bản CCCD kia cũng thành hết hiệu lực
CCCD còn hiệu lực nhưng chủ động làm thủ tục cấp đổi sang Căn cước thì ngay khi có Căn cước, đồng nghĩa bản CCCD kia cũng thành hết hiệu lực

Theo quy định này thì rõ ràng kể cả CCCD còn hạn dùng nhưng khi đã đăng ký cấp đổi sang Căn cước thì bản CCCD cũ về nguyên tắc sẽ bị thu hồi và không còn hiệu lực nữa. Trên thực tế thì có thể có những trường hợp cán bộ thực hiện bỏ qua việc thu hồi, hoặc sơ suất bỏ qua, hoặc người đi cấp đổi cố tình báo bị mất bản cũ. Tuy nhiên nếu bạn còn giữ CCCD bản cũ song song cùng với bản Căn cước mới thì có nên dùng cả 2 không? 

Trên thực tế bản CCCD cũ khi công dân đã được cấp sang Căn cước thì bản cũ sẽ không còn hiệu lực nên nếu dùng sẽ có thể gây bất lợi về pháp lý cho các vấn đề sau này. Người dân chỉ nên dùng loại Căn cước được cấp mới nhất bởi trường hợp sử dụng Căn cước công dân cũ để tham gia các hợp đồng, giao dịch hoặc thực hiện thủ tục hành chính, người dùng rất có thể sẽ gặp phải rủi ro pháp lý về sau.

Dùng giấy tờ hết hiệu lực sẽ không được bảo vệ về tính pháp lý hơn nữa trong một số trường hợp khi bạn sử dụng sẽ không được chấp nhận.  

Người dân cố tính không nộp lại căn cước công dân cũ có bị xử phạt?

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định 144/2021 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự phòng cháy chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình thì sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 300.000 - 500.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD. Như vậy việc người dân khi thực hiện thủ tục câp đổi sang căn cước mà cố tình khai gian dối không nộp lại căn cước công dân cũ hoặc cố tình sử dụng thì có thể bị xử phạt theo quy định.

Cố tình giữ lại bản CCCD cũ không nộp theo lệnh thu hồi của cán bộ công an có thể bị xử phạt
Cố tình giữ lại bản CCCD cũ không nộp theo lệnh thu hồi của cán bộ công an có thể bị xử phạt

Hiện nay trên ứng dụng VNeID sẽ có tiến trình lịch sử cấp Căn cước/CCCD. Do đó khi công dân có CCCD còn hiệu lực nhưng chủ động đi cấp đổi sang Căn cước thì sau khi cán bộ tiếp nhận thông tin, xử lý và hẹn lịch tới nhận Căn cước thì đồng nghĩa là bản CCCD kia sẽ bị hết hiệu lực. Nội dung này cũng sẽ được hiển thị trên tài khoản VNeID của người dân. Thế nên nếu xuất trình bản CCCD cũ sẽ coi như giấy tờ tùy thân không còn hợp lệ.

Người dân nên chú ý đã cấp đổi sang Căn cước thì nên dùng Căn cước không nên dùng lại bản CCCD cũ.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link
Tác giả: Như Bình