"Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng sẽ tham mưu cơ quan chức năng xem xét tạm thời chưa phạt người đi xe không chính chủ, tính toán lại thủ tục hành chính và xem xét lại mức phí", ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết.
[links()]
Theo ông Hiệp, Nghị định 71 có hiệu lực từ ngày 10/11/2012, nhưng theo ông các hành vi như đua xe, vượt tốc độ... phải phạt ngay, còn phương tiện không chính chủ chưa nên phạt mà cần có thời gian để người dân chuẩn bị. Trước mắt cần tuyên truyền và thời gian phạt sẽ phụ thuộc vào cơ quan quản lý thực hiện quy trình chứng nhận sở hữu xe cho dân.
Ông Hiệp cũng cho rằng: Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu và đưa ra quy trình để người dân có thể nhanh nhất làm thủ tục thay tên đổi chủ phương tiện. Thứ hai, mức phí trước bạ cần giảm tới một mức hợp lý bởi mức hiện nay quá cao.
Ví dụ, người ta mua một ôtô cũ giá 500 triệu và phải mất 60 triệu đồng (12%) chỉ để sang tên thì là bất hợp lý. Thực ra, người dân ai cũng muốn có phương tiện chính chủ, đặc biệt với tài sản lớn. Đối với nhà giàu thì ôtô là tài sản, nhà nghèo thì xe máy là tài sản, song do điều kiện kinh tế khác nhau người ta phải mua xe cũ, thì nhà nước nên có tính toán điều chỉnh mức phí.
Từ ngày 10/11/2012, cảnh sát giao thông sẽ áp dụng mức phạt 6-10 triệu đồng với ôtô và 1 triệu đồng với xe máy không sang tên đổi chủ theo Nghị định 71. Sau 1 ngày thực hiện quy định, đa phần người dân còn nhiều băn khoăn, số khác vẫn chưa thông với quy định mới này.
Ra quy định rồi xử phạt ngay
Theo Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an Hà Nội), ngay sau khi Nghị định 71 được ban hành, từ giữa tháng 10, Phòng CSGT đã tổ chức thông báo rộng rãi đến người dân, chủ phương tiện biết sự thay đổi của các mức xử phạt đối với từng lỗi vi phạm.
Cảnh sát giao thông sẽ áp dụng mức phạt 6-10 triệu đồng với ôtô và 1 triệu đồng với xe máy không sang tên đổi chủ theo Nghị định 71 |
Chủ phương tiện sau khi mua, bán phương tiện trong vòng 30 ngày phải đến cơ quan đăng ký, làm thủ tục sang tên, chuyển quyền sở hữu. Trường hợp phương tiện đã mua bán qua nhiều đời thì chủ phương tiện cuối cùng, đang sử dụng xe phải có trách nhiệm đến các cơ quan đăng ký làm thủ tục đăng ký lại, chuyển quyền sở hữu.
"Đối với chủ phương tiện lưu thông trên đường, nếu phát hiện không làm thủ tục sang tên đổi chủ sẽ xử phạt nhưng không giữ phương tiện. Còn với trường hợp đi xe của bạn bè, người thân, thì phải chứng minh được chủ phương tiên như sổ hộ khẩu, giấy chứng minh hoặc giấy khai sinh".
Ông Thắng cho rằng, việc sang tên đổi chủ là cần thiết nhằm quản lý phương tiện giao thông, tránh thất thu thuế... Trong những ngày đầu, lực lượng cảnh sát sẽ nhắc nhở với các lỗi vi phạm bổ sung, sau đó sẽ xử phạt theo đúng quy định.
Theo quy định mới, những phương tiện không tiến hành sang tên đổi chủ trong quá trình chuyển nhượng sẽ bị phạt tiền. Ô tô chịu mức phạt từ 6 - 10 triệu đồng/xe, riêng mô tô, xe máy xử phạt 1 triệu đồng/xe.
Trước quy định mới này, bạn Thanh Minh bày tỏ: dân còn rất nghèo không phải mỗi người đều có một chiếc xe đa phần người dân nghèo đều phải dùng chung xe. Nếu sang tên đổi chủ thủ tục đơn giản như làm lại chứng minh thư nhân dân thì không người dân nào mua xe lại không muốn đứng tên mình cả.
Nói không phải phạt để tăng nguồn thu thì không đúng nếu muốn vì dân thì hãy giảm thủ tục hành nhau là chính đi và giảm lệ phí sang tên đổi chủ đi. Xe mới mua đã đóng đủ các lệ phí rồi thì tại sao đổi sang chủ khác thu cao thế. Nếu muốn phạt thì cũng phải có lộ trình 6 tháng đến 1 năm và hướng dẫn các văn bản để cho dân còn xoay sở chứ hôm nay ra thông tư ngày mai thi hành thì gọi sao là vì dân được.
Thiếu có cơ sở pháp lý
Trước quyết định xử phạt nặng với những phương tiện không sang tên đổi chủ, theo một số người dân, thủ tục sang tên đổi chủ xe hiện quá rườm rà và chi phí cao, mất nhiều thời gian đi lại. Nhiều khi mua xe cũ qua nhiều đời chủ sở hữu, không biết chủ sở hữu trước đó để làm thủ tục.
Ông Hoàng Mạnh Thắng - Phó Phòng công chứng số 7 TP.HCM - cho rằng thực tế số người đi đường sử dụng xe máy, ôtô không phải do mình sở hữu rất nhiều: các công ty giao xe của mình cho nhân viên đi, hãng taxi giao xe cho tài xế lái, cha mẹ đưa xe máy cho con cái đi học... Nếu xử phạt người đi xe do người khác sở hữu thì chẳng lẽ anh chị em không được mượn xe của nhau để đi? Vợ đi xe do chồng đứng tên thì ra đường phải thủ sẵn cả giấy đăng ký kết hôn để lỡ CSGT có hỏi thì xuất trình...?
Thủ tục rườm rà, chi phí cao |
Cũng theo ông Hoàng Mạnh Thắng, hiện nay có tình trạng người mua, bán xe không muốn làm thủ tục sang tên xe bởi nhiều khi chiếc xe máy có giá trị không lớn nên cả người mua và người bán không muốn tốn thời gian cho thủ tục sang tên xe.
Luật cũng không quy định về trường hợp xử phạt người chậm chuyển quyền sở hữu. Nếu chủ sở hữu đã ký hợp đồng mua bán xe nhưng quá sáu tháng không đi làm thủ tục nộp thuế trước bạ để sang tên thì đã có quy định về xử phạt chậm nộp thuế rồi. Nghị định 71 quy định xử phạt chủ xe không chuyển quyền sở hữu là không có cơ sở về pháp lý.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam khẳng định: “Việc phạt lỗi không sang tên đổi chủ phương tiện là hoàn toàn không khả thi”.
Theo ông Hùng, việc xử phạt lỗi này theo Nghị định 71 phải hiểu một cách chính xác là xử phạt chủ phương tiện ô tô, xe máy mua bán trao đổi nhưng không tiến hành thủ tục sang tên đổi chủ chứ không phải xử phạt người điều khiển xe không chính chủ. Đây là 2 điều hoàn toàn khác nhau về bản chất.
Ông Hùng cũng cho rằng, việc mua bán trao đổi phương tiện kèm theo sang tên đổi chủ thì không phải cứ phạt mà thực hiện được. “Mắt xích” là việc các cơ quan chức năng phải tham mưu để giảm lệ phí trước bạ thì người dân sẽ tự nguyện thực hiện. Ví dụ như lệ phí trước bạ nhà đất có 1% thì thử hỏi có ai mua xong mà không muốn thực hiện sang tên đổi chủ ngay đâu?”.
Thủ tục rườm rà, chi phí quá cao
Đồng quan điểm, nhiều bạn đọc tỏ ra bức xúc: "Cái xe trị giá 5 triệu mà đi đăng ký lại mất 1 triệu - 5 triệu - 10 triệu thì chắc… vứt xe đi cho lành. Trong khi lương tháng của dân đến là "cao"....Nghe xong mà chán không muốn đi làm lại đăng ký nữa"” - độc giả Nguyễn Thị Trang chán nản.
Dạ thưa các bác! Trước đây đã có quy định mỗi người chỉ được đăng ký một xe, nhà em đông người nên đã phải cắn răng bỏ tiền ra mua xe + mua cả đăng kí tên người ở vùng khác. Chắc các bác biết đấy, hiện phải có đến 90% xe là không chính chủ. Vậy giờ em đi làm kiểu gì, ra đường chỉ cần nhìn thấy biển số là bị phạt ngay, các bác chức năng tinh lắm...” - Độc giả Hoi Gi thất vọng.
Độc giả Nam Văn Trần đặt câu hỏi: “Xin hỏi các ông CSGT có dám làm thủ tục sang tên đổi chủ với thủ tục nhanh gọn cho những xe không chính chủ đã lỡ mua đến 3,4 đời chủ với chi phí thấp không? Tại sao không học nước bạn Thái Lan:
Trước khi thi hành thì người ta khuyến khích người dân thay đổi miễn phí. Ra thông báo trên toàn bộ phương tiện thông tin đại chúng, phát hành bằng văn bản miễn phí đến tay người dân để người dân biết mà chuẩn bị thi hành. Chúng tôi vẫn mong nhận được những quyết định hợp lòng dân, thay cho các quyết định quá vô lý thế này”.
Cùng liên quan đến chi phí, thủ tục, độc giả N.T. Hải bày tỏ: “Tại sao Nhà nước không giảm thuế sang tên khoảng 2%, thì theo tôi bất cứ người nào mua xe cũng muốn sang tên đổi chủ cả. Vì hiện nay thuế sang tên quá cao, cứ 10 lần mua bán thì bằng giá trị của xe. Thử hỏi ở VN mấy % người mua được xe mới? Mà nghèo mới mua xe cũ, thuế lại cao nên mọi người mới chây ỳ không chịu sang tên đổi chủ đó thôi”.
Bên cạnh đó, độc giả Nguyễn Toàn cũng đặt câu hỏi: Em có một con xe, trước đứng tên bố em nhưng bố em mất rồi để lại cho em. Giờ có cái thủ tục này, chắc phải nhờ mấy thầy gọi hồn, dựng ông dậy làm cái hợp động sang tên đổi chủ nếu không thì coi như mất xe còn gì.
Nhiều độc giả khác cũng băn khoăn, xe mua từ mấy đời chủ, giờ cũng chẳng biêt chủ đó ở đâu mà làm thủ tục sang tên đổi chủ thì cứ ra đường là xử phạt hay sao?
Theo quyết định 30 về đề án cải cách thủ tục hành chính với mục tiêu đơn giản hóa tối thiêu 30% các quy định hiện hành về thủ tục hành chính.
Sau vài năm thực hiện, nhiều ý kiến cho rằng TTHC có giảm nhưng chưa nhiều, thậm chí còn nhiều vướng mắc, khó khăn hơn.
- Hà Linh (Tông hợp)