Sao mai Phạm Phương Thảo: Đi học để thành… người điên!

23:31, Thứ ba 28/06/2011

( PHUNUTODAY ) - Cá tính, mạnh mẽ là ấn tượng mà Sao mai Phạm Phương Thảo để lại trong trí nhớ của bạn bè, thầy cô của mình. Hồi đi học, Phương Thảo cũng từng gây nhiều scandal vì những trận ẩu đả với bạn bè do bản tính khá nóng nẩy, hơi nam tính.


Ngoài ấn tượng hơi “đầu gấu” thì ca sĩ được yêu thích nhất năm 2003 Phạm Phương Thảo luôn để lại những ký ức tốt đẹp với các thầy cô giáo từng dạy dỗ mình, bởi Thảo khá đặc biệt ...
   
Run bần bật khi đến giờ toán
   
Phương Thảo dốt nhất là mấy môn toán, lý, hóa, ngay từ khi còn nhỏ đã tỏ ra không có khả năng học giỏi mấy môn học này rồi. Thảo học thuộc bài hát thì rất nhanh nhưng học toán lý hóa thì trầy trật mãi không đâu vào đâu.

Học dốt nên thường xuyên bị điểm kém, mỗi lần bị điểm kém là về đến nhà Thảo quăng cặp vào nhà rồi leo tót lên ngọn cây ngoài vườn ngồi chờ bố mắng. Cứ thấy Thảo có hành động trốn tránh như thế là bố biết ngay hôm nay bị điểm kém, liền cầm cái roi đứng dưới gốc cây gọi Thảo xuống trị tội học hành chểnh mảng.

Thảo thì yên vị rằng mình đang ngồi tít trên cao bố đứng ở gốc cây không làm gì được nên bắt đầu thương lượng: “Bố không đánh con thì con mới xuống…”, cứ như thế hai bố con nói qua nói lại ầm ĩ cả xóm giềng. Leo cây chán thì Thảo đổi chiến thuật là chui xuống gậm giường trốn.

 Bố biết, lại cầm cái roi ngoắng loạn lên tìm Thảo dưới gậm giường, còn Thảo nhỏ bé thì nằm mãi một xó yên lặng chờ bố hết giận mới dám ra. Gậm giường nhà quê, vừa cao, vừa thoáng lại vừa mát, có những hôm trốn ở gậm giường mát quá, Thảo ngủ ngon lành chán chê mới mò ra. Lúc đấy thì bố cũng chẳng còn giận Thảo được nữa.

Thảo sợ nhất là đến giờ học mấy môn tự nhiên. Cứ hôm nào đến giờ học là Thảo lại lo lắng và sợ hãi vô cùng. Thảo luôn cầu cho các tiết học tự nhiên vào các tiết đầu tiên. Lý do là vì Thảo nằm trong đội “Sao đỏ”, chuyên đi kiểm tra các lớp về trực nhật, đi học muộn… đầu giờ, nên nếu môn học tự nhiên vào đầu buổi sáng, Thảo sẽ kiếm cớ đi kiểm tra các lớp khác mà lượn lờ đến hết giờ kiểm tra đầu bài mới lon ton vào lớp. Lúc đấy thì đã yên trí rằng sẽ không bị kiểm tra bài cũ rồi.

Học kém môn tự nhiên nhưng Thảo lại giỏi các môn xã hội, học giỏi nhất là môn văn. Tuy nhiên, văn của Thảo cũng hơi khác… người.

 Khi làm các bài văn chứng minh, phân tích, như người ta thì luôn lấy dẫn chứng phân tích trong bài là áng văn này, bài thơ kia, riêng Thảo thì khác, Thảo toàn lấy dẫn chứng là các bài hát, nhạc sĩ viết như thế là có ý đồ gì, tình cảm ra sao… Có lẽ, chẳng ai phân tích văn mà lại lấy nhạc ra làm minh chứng như Thảo cả.
 

Mê hát và hát hay nên từ hồi học phổ thông, Thảo đã nổi tiếng trong trường nhờ khả năng ca hát. Thảo có tài thuộc bài hát rất nhanh, thuộc rất nhiều từ bài trẻ con đến bài người lớn, trong đầu lúc nào cũng đầy ắp các lời bài hát. Hễ có cuộc thi ca nhạc nào cho học sinh từ cấp trường tới cấp tỉnh đều có Thảo tham gia và lần nào cũng giành giải cao. Thảo là niềm tự hào cho trường.

Cũng nhờ những giải thưởng đó nên đoàn ca múa nhạc Nghệ An đã chú ý đặc biệt đến tài năng của Thảo và đến nhà xin bố mẹ Thảo cho cô đi học trường nghệ thuật để làm ca sĩ. Thảo thích hát, yêu hát nhưng đâu có bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành ca sĩ đâu. Lúc ấy Thảo mới đang học lớp 10.

“Hình như mình đi học để thành người… điên”
   
Khi đoàn ca múa nhạc Nghệ An đến nhà xin cho Thảo được đi học trường nghệ thuật, gia đình phản đối vì mẹ bảo rằng mẹ không thích con gái làm ca sĩ, làm nghề này chỉ suốt ngày son phấn rồi chuyện chồng con sẽ không suôn sẻ. Mẹ thì muốn con gái bình an.

Phương Thảo thấy mọi người can ngăn quá thì cũng chẳng thích vì Thảo cũng chẳng hình dung nổi làm ca sĩ sẽ như thế nào. Nhưng, khi Thảo nói điều này với các bạn ở trên lớp thì bạn bè Thảo mắt chữ A, miệng chữ O nói rằng Thảo tài quá, sướng quá, không ai bằng Thảo, Thảo làm ca sĩ thì cả làng xã, cả trường hãnh diện…

 Được tán tụng lên tận mây như thế, Thảo thấy mình oai quá đi, chắc nếu làm ca sĩ được hát trên ti vi nữa thì sẽ còn oai hơn nhiều. Thế là chỉ vì cái oai đó mà Thảo về nhà nhất quyết đòi đi học, bố mẹ cũng không cản được, đành để cô con gái đang tuổi mới lớn, chẳng mấy khi xa nhà đến một ngày tay nải túi xách ra Hà Nội học trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật Quân đội.

Ngày ấy, còn nhỏ quá, Thảo không biết gì cả, cuộc sống chốn đô thị phồn hoa làm Thảo thấy xa lạ, bơ vơ. Ngày nào cũng như ngày nào, Thảo cắp sách lên lớp học rồi lại cắp sách về phòng ru rú ở trong phòng. Bước vào trường nghệ thuật Quân đội, Thảo hoàn toàn tan vỡ những mơ mộng về việc đi học làm ca sĩ của mình.

 Ở nhà, Thảo cứ nghĩ rằng đi học làm ca sĩ thì cứ đến đó học mỗi bài hát thôi là xong. Ai ngờ, Thảo phải học thanh nhạc, hát đủ những từ A, từ Ê, gân cổ hát như sắp bị… điên. Thảo không hiểu học cái đó để làm gì, cảm thấy mình không học nổi.

Nhiều lần đứng trước cổng trường, rõ ràng là Thảo nhìn thấy bảng chữ “Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Quân đội” đấy mà Thảo vẫn không tin mình đang học làm nghệ thuật, Thảo nghĩ mình bị lừa, mình bị đưa ra đây để biến thành người điên với những giờ học thanh nhạc cứ hết gân cổ lên như thế. Cảm giác bị lừa khiến Thảo thất vọng, buồn nản và có ý định nghỉ học. Cô giáo dạy Thảo khi đó nói với Thảo rằng chắc vì em không hợp với cô nên cô sẽ xin cho em học thầy giáo khác cho phù hợp.

Nghe thấy như thế là Thảo đã run rồi, hôm sau Thảo nghe mình sẽ vào lớp học thầy Quý Dương, Thảo lại càng run. Khi ấy, Thảo cũng chẳng biết thầy Quý Dương là ai, cô học trò từ quê ra còn ngu ngơ lắm. Thảo run không phải vì cái danh của thầy lớn mà run vì một lý do rất… lãng xẹt. Khi ở trong phòng ký túc, các cô gái mới lớn ở cùng Thảo thường hay nói chuyện với nhau là thầy giáo này đa tình, thầy giáo kia đào hoa, thích em này em nọ. Thậm chí, các cô gái gọi hẳn là “dê”.

Thảo nghe học thầy Quý Dương thì sợ lắm, dù chưa biết mặt thầy, cứ nghe thầy là nam giới là nghĩ đến lời các chị bạn ở cùng phòng hay bàn tán rồi. Thảo sợ bị thầy… “dê”.

Thế là cô trò nhỏ nghĩ đến chuyện nghỉ học. Thảo bỏ học hẳn một tuần ở nhà, không dám đi học nữa. Thảo định bỏ nhà đi lang thang đâu đó, đi đâu cũng được, vì nếu về quê, bố mẹ biết Thảo bỏ học, bố sẽ đánh Thảo chết thì thôi, sẽ đau buồn, giận Thảo. Chi bằng cứ đi đâu đó thì hơn.

 Trước khi lên kế hoạch đi, Thảo lại nghĩ, giờ mình bỏ học cũng không xong, hay thôi, cứ thử đi hỏi một lần cho chắc. Thảo quyết định đến gặp chú bảo vệ ở trường để hỏi về thầy Quý Dương, nếu chú trả lời “không” thì Thảo sẽ đi học, nếu chú nói “có” thì Thảo sẽ bỏ học hẳn. Cô bé rụt rè tìm đến phòng bảo vệ. Đúng khi ấy là lúc chú bảo vệ nhận được tin Thảo bỏ học một tuần liền, thầy cô giáo yêu cầu đi tìm Thảo về.

 Thấy Thảo đến với một câu hỏi ngớ ngẩn rằng: “Chú cho cháu hỏi thầy Quý Dương có… “dê” không chú?”, chú bảo vệ đang sẵn bực mình vì chuyện Thảo bỏ học lại nghe câu hỏi đó lại càng bực bội thêm, mắng Thảo một trận xối xả vì Thảo dám hỏi hỗn như thế làm Thảo sợ mất mặt.

Hôm sau, Thảo lò dò đến lớp thầy Quý Dương, đang lúc thầy thắc mắc sao thấy có trò Thảo bảo tới học mà không thấy đâu thì Thảo ló mặt ra. Thảo vào lớp, thầy nói: “Cháu vào lớp đi”, thấy thầy gọi là cháu Thảo cũng thấy yên tâm phần nào rồi. Vào lớp, thầy bảo: “Cháu hát cho bác nghe một bài”, Thảo liền hát một bài, mà đang hát bỗng dưng òa khóc nức nở vì cứ bị ám ảnh ý nghĩ là sợ thầy “dê”.

Thầy Quý Dương tưởng Thảo khóc vì nhớ nhà, an ủi Thảo, thầy bảo rằng Thảo còn non lắm, phải cố gắng lên, phải học hành mới thành tài được. Giọng thầy trầm ấm, hiền dịu khiến Thảo cũng yên tâm hơn.

Thảo nói: “Cháu sẽ học nhưng cháu có một điều kiện”, thầy Quý Dương bảo ái chà, lại còn dám ra điều kiện với thầy nữa đấy. Thảo ra “điều kiện”: “Cháu sẽ học nhưng bác không được mắng cháu”.

Thầy cười, ôn tồn bảo: “Thế thì bác cũng có một điều kiện, bác sẽ không mắng cháu, nhưng cháu phải cố gắng học, học dốt cũng phải học, những giờ cháu không luyện thanh thì lên lớp xem các chị luyện thanh”.
 

Thảo bỗng thấy bình yên đến kỳ lạ sau khi nghe thấy nói, chẳng còn nỗi sợ trẻ con vớ vẩn kia nữa. Khi học thầy, Thảo luôn vượt lên ở top dẫn đầu. Sau này, nhớ lại câu chuyện trẻ con này, Phương Thảo nói rằng trẻ con thường rất bồng bột, hay suy nghĩ linh tinh, nhưng nếu người lớn biết cách nói, biết cách tạo cho trẻ một sự bình yên thì sẽ giúp trẻ vượt qua những sự ngớ ngẩn đó.

Trong con đường học tập của Thảo, Thảo có hai người thầy có ảnh hưởng lớn tới sự nghiệp của mình đó là thầy Quý Dương và thầy An Thuyên. Thầy An Thuyên là người đã phát hiện ra giọng ca dân gian ngọt ngào của Phương Thảo ở một buổi ca nhạc trong trường và từ đó có sự dìu dắt, giúp đỡ Thảo, hướng Thảo tới dòng nhạc dân gian, vinh quang tại giải Sao mai 2003.

Phạm Phương Thảo hiện đang là ca sĩ thuộc top đầu trong dòng nhạc dân gian. Cả hai người thầy lớn này của Thảo đều khiến Thảo ngưỡng mộ bởi sự nhẹ nhàng, hồn hậu, luôn tạo cho học trò cảm giác bình yên và luôn biết dành những gì tốt nhất cho học sinh của mình.    
                               
Muran
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc