Sát hại bố nhân tình vẫn được vợ tha thứ

( PHUNUTODAY ) - “Em sẽ đợi anh trở về, nếu anh thấy có lỗi với em, thì hãy cố gắng cải tạo tốt để có ngày về chuộc lỗi với mẹ con em”. Lời nói của vợ luôn bên Dũng suốt 14 năm qua và đó là động lực để Dũng cải tạo.

Trần Tiến Dũng, SN 1974, trú tại phường Quang Trung, thị xã Sơn Tây, Hà Nội dù đã có vợ đẹp con ngoan và một cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy, nhưng vẫn xiêu lòng trước một người phụ nữ đẹp. Mới đầu chỉ là sự thương cảm, nhưng về sau họ bảo đó là tình yêu. Mặc cho vợ hết lời khuyên nhủ, Dũng chỉ ậm ừ cho qua rồi tiếp tục dấn sâu vào cuộc tình tội lỗi. Khi sự thật bị phơi bày, Dũng bị cha người tình cấm cửa. Uất ức, Dũng đã xuống tay sát hại cha nhân tình.

[links()]

Hạnh phúc mong manh

Dũng là con thứ bảy trong một gia đình có 8 anh chị em ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Tuy nhà đông con, nhưng bố mẹ Dũng vẫn cố gắng nuôi các con ăn học. Bố Dũng làm công nhân điện ở Hòa Bình nên vắng nhà triền miên.

Mẹ Dũng ở nhà vừa đi làm, vừa chăm lo cho 8 anh em Dũng từng miếng ăn, giấc ngủ. Với đồng lương công nhân còm cõi của hai vợ chồng, nhiều khi không đủ để nuôi gần chục cái miệng đang tuổi ăn, tuổi lớn. Thương các con, mẹ Dũng đành xin nghỉ làm ở xí nghiệp để ở nhà chạy chợ.

Chăm chỉ làm ăn bà cũng kiếm đủ gạo cho 8 đứa con no bụng. Nhìn hoàn cảnh gia đình lại thương mẹ vất vả, các anh chị Dũng lần lượt nghỉ học rồi theo mẹ ra chợ buôn bán. Còn Dũng cũng nửa ngày đi học, nửa ngày còn lại theo mẹ ra sạp hàng ngoài chợ.

Nhờ buôn bán, kinh tế gia đình Dũng dần khá giả. Các anh chị đều nghỉ học giữa chừng, nên cả nhà ai kì vọng Dũng sẽ theo đuổi sự nghiệp học hành. Dù vậy, chỉ học đến lớp 8, Dũng bỏ học giữa chừng.

Cũng từ đó, Dũng trưởng thành hơn, đã biết gánh vác công việc kinh doanh cùng mẹ và các anh chị. Đến năm 20 tuổi Dũng đã có chút vốn kha khá. Để mở rộng việc kinh doan, Dũng đã buôn bán xe máy, thu bộn tiền.

Thấy công việc kinh doanh của Dũng tiến triển tốt, gia đình ai cũng phấn khởi. Dù vẫn tin tưởng, nhưng lo Dũng sớm kiếm được tiền, sẽ sa đà vào những cuộc chơi, nên gia đình giục Dũng lấy vợ. Là đứa con trai biết nghe lời nên Dũng đã chọn cho mình một cô vợ là một người bạn cùng thị xã, tên Quỳnh.

Phạm nhân Trần Tiến Dũng
Phạm nhân Trần Tiến Dũng

Sau đám cưới, hai vợ chồng dọn ra ở riêng trong ngôi nhà mà ông nội Dũng cho. Từ ngày ra ở riêng, Dũng và vợ tiếp tục công việc buôn bán xe máy. Vì làm ăn thuận lợi nên cuộc sống của hai vợ chồng khá đầy đủ. Và hạnh phúc còn trọn vẹn hơn khi một năm sau ngày cưới, vợ Dũng sinh hạ một bé trai.

Từ ngày có con, gia đình Dũng luôn rộn rã tiếng cười. Những tưởng hạnh phúc với Dũng cứ mãi êm đềm trôi. “Ngày đó, tôi thấy hài lòng với cuộc sống của mình, bởi mọi điều tốt đẹp nhất đều đến khi tôi còn quá trẻ.

Nhìn vợ con quây quần hạnh phúc, tôi nghĩ cả cuộc đời này không gì có thể khiến tôi rời xa gia đình được, và đó cũng là động lực cho tôi cố gắng làm ăn để mang lại cho vợ con cuộc sống đủ đầy hơn”, Dũng trải lòng.

Nhưng rồi, chính cái ước muốn làm giàu cho gia đình đó đã đưa cuộc đời Dũng rẽ sang con đường khác.

Từ cảm thông đến “say nắng”

Công việc buôn bán của Dũng ngày càng phát triển, năm 1998, qua mối quan hệ làm ăn, Dũng quen một người làm sửa chữa ô tô ở thị xã Tuyên Quang. Do muốn mở rộng công việc kinh doanh của gia đình, Dũng đã đặt vấn đề hợp tác làm ăn.

Theo đó, Dũng sẽ đảm nhận việc tìm thợ lành nghề để đưa lên Tuyên Quang làm việc, còn phía đối tác trên đó sẽ chịu trách nhiệm về cơ sở vật chất kĩ thuật và địa bàn để kinh doanh. Sau khi triển khai, việc buôn bán của Dũng diễn ra hết sức thuận lợi, nhưng vì yêu cầu công việc, Dũng phải thường xuyên ở lại Tuyên Quang, có khi phải mấy tháng mới về thăm nhà một lần.

Việc buôn bán ở nhà, Dũng trao toàn quyền cho vợ điều khiển. Tưởng mọi chuyện sẽ diễn ra êm đẹp và luôn nằm trong tầm kiểm soát của Dũng, nhưng rồi sóng gió đã ập đến mái ấm của Dũng khi anh ta bị “say nắng”.

Những tháng ngày ở lại Tuyên Quang làm việc, Dũng quen một người phụ nữ bằng tuổi tên là Hằng. Hằng là cháu ruột của đối tác làm ăn với Dũng. Chính vì có mối quan hệ gần gũi nên Dũng được gặp và tiếp xúc thường xuyên với chị Hằng.

Qua những lần gặp gỡ chuyện trò, mối quan hệ của hai người càng  thân thiết. Dũng biết chị Hằng lắm nỗi truân chuyên. Đang có một cuộc sống tạm ổn với chồng con, nhưng vì ước mơ đổi đời của những người trong gia đình mà họ đã ép chị Hằng ly hôn để chồng cô kết hôn với một người phụ nữ khác.

Sau khi lấy vợ mới, chồng Hằng sang nước ngoài làm ăn. Dù trong lòng còn rất yêu chồng, nhưng trước sức ép của gia đình bên chồng, cô không thể cưỡng lại. Đau đớn, tủi khổ, Hằng ôm con trở về bên ngoại và bắt đầu cuộc sống của bà mẹ đơn thân.

Để có tiền nuôi con khôn lớn, Hằng mở một cửa hàng may ở chợ, thu nhập cũng đủ cho hai mẹ con trang trải cuộc sống hàng ngày.

Cảm thông cho hoàn cảnh của Hằng, cộng với những ngày xa vợ, xa con khiến Dũng mủi lòng trước người đàn bà lạ. Những lần thăm viếng của Dũng lui tới cửa hàng của chị Hằng ngày một nhiều hơn và rồi họ yêu nhau lúc nào không hay.

Tuy nhiên, Dũng đã giấu nhẹm chuyện đã có vợ con dưới quê. Vậy nên mối quan hệ của Dũng với chị Hằng được gia đình chị Hằng ủng hộ. Cứ tưởng mối tình vụng trộm ấy chỉ có Dũng biết, nào ngờ, khi tình yêu của Dũng với chị Hằng kéo dài được gần một năm thì bị gia đình, vợ con phát hiện.

Khi biết chồng ngoại tình, vợ Dũng đã nhẹ nhàng gọi chồng về khuyên nhủ, cố níu kéo mái ấm gia đình. Trước tấm lòng bao dung của vợ, Dũng đã có ý định dứt bỏ cuộc tình vụng trộm để quay về. Nhưng mỗi lần lên Tuyên Quang gặp chị Hằng, Dũng lại không thể nói được lời chia tay và mối tình ấy vẫn tiếp tục diễn ra.

Biết không thể khuyên chồng, vào tháng 4/1998, vợ và bố đẻ của Dũng đã lên nhà ông Bảo (là bố đẻ của chị Hằng) để tìm Dũng và nói chuyện. Sau buổi hôm đó, ông Bảo cấm Dũng qua lại với con gái ông. Nhưng ông Bảo càng cấm hai kẻ tình si càng quay cuồng trong mối quan hệ bất chính. Và chính điều này đã đưa Dũng tới bi kịch cuộc đời.

Theo lời Dũng thì bố vợ “hụt” của anh ta cũng là một nhân vật có “máu mặt” ở đất Tuyên Quang, và có mối quan hệ với nhiều “dân giang hồ”. Khi biết Dũng có mối quan hệ thân thiết với con gái mình, ông Bảo đã vay anh ta 9 triệu đồng.

Vài tháng sau, vì cần tiền để tiếp tục công việc kinh doanh, Dũng có ý lấy lại số tiền đó, nhưng ông Bảo không chịu trả. Dũng chưa biết xử trí thế nào, thì bố và vợ lại ở quê lên nhà ông Bảo để nói chuyện phải trái.

Lợi dụng việc đó, ông Bảo cấm Dũng không được qua lại, gặp gỡ con gái mình, đồng thời phải ngừng ngay công việc kinh doanh buôn bán tại Tuyên Quang để trở về quê, nếu không ông sẽ nhờ “đàn em” xử lý.

Trước những lời ngăn cấm và đe dọa của ông Bảo, nỗi uất ức dâng đầy trong lòng, Dũng đến gặp ông Bảo để nói chuyện “phải trái”. Vào khoảng 20h ngày 28/5/1998, Dũng mang theo một chiếc búa đinh và thuê xe ôm của một người tên Thông đi đến nhà ông Bảo.

Đến nơi, Dũng bảo Thông đứng ngoài đợi, một mình Dũng đi vào. Tại đây, Dũng nói chuyện với bố của nhân tình: “Lúc chú khó khăn, cháu đã phải lấy vốn kinh doanh để tạo điều kiện giúp chú, nay chú đã không trả cháu tiền, lại còn cấm cháu làm ăn, đến giờ chú lại cấm cháu không được gặp Hằng, chú thấy làm vậy có coi được không?”.

Nghe Dũng nói, ông Bảo lớn tiếng dọa: “Mày chưa được tắm máu bao giờ à?”. Nghe lời dọa nạt của ông, nỗi tức giận sôi sục trong lòng Dũng. Trong cơn tức giận đó, Dũng cầm búa đinh xông vào tấn công bố của nhân tình. Sau khi thấy nạn nhân gục xuống trong vũng máu, Dũng ra thẳng Km5 để chờ xe quay về Hà Nội.

Cái kết buồn cho mối tình ngang trái

Gây án xong, Dũng trở về quê như không có chuyện gì xảy ra. Hôm sau, khi đang ở nhà thì Dũng nhận được điện thoại của chị Hằng nói là bố chị đã bị ai đó giết chết. Dũng lại bắt xe quay ngược lên Tuyên Quang, dự đám tang ông Bảo như chưa hề biết chuyện.

Nhưng hành vi phạm tội của Dũng không thể qua mắt được CQĐT. Dũng bị bắt ngay sau khi đám tang vừa kết thúc,  trong sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người, đặc biệt là chị Hằng.

Trước hành vi phạm tội của mình, Dũng bị TAND tỉnh Tuyên Quang tuyên phạt mức án chung thân về tội “Giết người”. Nghe tòa tuyên án, gia đình Dũng rất sốc, riêng anh ta vẫn bình thản:

“Lúc nghe tòa tuyên án, tôi không thấy bất ngờ. Bởi ngay sau khi giết bố Hằng, trên đường trở về, tôi đã suy nghĩ rất nhiều và thấy mình bất nhân, không thể cứu vãn được nữa rồi. Cả đời tôi chưa làm một điều gì sai phạm, nhưng lần này tôi đã trượt ngã, lỗi lầm gây ra tôi tự chịu, dù phải trả giá như thế nào tôi vẫn phải chấp nhận…”, Dũng tâm sự.

Sau ngày Dũng bị bắt, dù biết chính người tình giết bố, nhưng chị Hằng không một lời trách Dũng. Những ngày Dũng ở trong trại tạm giam tỉnh Tuyên Quang, chị Hằng có đến thăm, tiếp tế cho anh ta. Nhưng sau tất cả mọi chuyện, người đau khổ và thiệt thòi nhiều nhất có lẽ vẫn là vợ con Dũng.

“Vợ tôi đã khổ tâm và khóc vì tôi rất nhiều, biết bao lần cô ấy nhẹ nhàng khuyên nhủ nhưng tôi vẫn bỏ ngoài tai. Bởi tôi cũng không ngờ mình lại đi quá xa và nhận lấy kết cục đắng thế này…”, Dũng chia sẻ thêm.

Cũng vì có lỗi với vợ con mà ngay sau khi lĩnh án, biết sẽ rất lâu mới có ngày trở về, Dũng đã bảo vợ viết đơn ly hôn để đi tìm hạnh phúc mới. Vậy nhưng vợ Dũng vẫn nhẹ nhàng nói với chồng:

“Em sẽ đợi anh trở về, nếu anh thấy có lỗi với em, thì hãy cố gắng cải tạo thật tốt để có ngày về chuộc lỗi với mẹ con em”. Lời nói của vợ luôn văng vẳng bên Dũng suốt 14 năm qua và đó cũng là động lực để anh ta cải tạo thật tốt để rút ngắn đường về với gia đình…

  • Bảo Nam
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn