Câu chuyện thứ nhất
Giám đốc một doanh nghiệp nọ mời khách ăn cơm, đồng thời cho gọi hai sinh viên mới tốt nghiệp, vừa được nhận vào công ty làm đi cùng.
Vị khách đó là người miền Nam Trung Quốc nên ăn uống thanh đạm hơn người miền Bắc. Biết vậy nên vị giám đốc đã cố ý gọi những món thật phù hợp với khẩu vị của khách.
Tuy nhiên, hai nhân viên mới của công ty là người Tứ Xuyên, thích ăn cay nên ngồi trước những món được gọi, họ không ngừng than thở rằng không có món ăn mà họ thích.
Vị giám đốc trong lòng không thoải mái chút nào nhưng không hề thể hiện ra ngoài. Ông gọi thêm hai món cay. Kết quả là, sau khi hai món gọi thêm được phục vụ, hai nhân viên mới liền đưa ngay về trước mặt mình, vừa ăn vừa nói, chẳng để ý đến ai.
Ăn xong, cả hai còn không ngớt lời khen “chỉ có hai món cay là ngon nhất”.
Trở về công ty, vị giám đốc không giải thích một câu, lập tức cho hai cậu sinh viên mới ra trường kia nghỉ việc.
Câu chuyện thứ hai
Tiểu Minh là một sinh viên ưu tú, xuất sắc. Nhờ có thành tích và biểu hiện tốt nên cậu được lọt vào vòng phỏng vấn – nơi các giám khảo đều là nhân viên cấp cao trong một công ty quy mô hơn 500 người.
Vòng phỏng vấn là một bữa ăn. Tiểu Minh ý thức được tầm quan trọng của vòng phỏng vấn này nên hành động hết sức nho nhã, lịch sự. Nhưng cuối cùng, cậu vẫn không trúng tuyển.
Tiểu Minh cảm thấy vô cùng bất mãn, không phục và cho rằng có điều gì mờ ám trong vòng phỏng vấn này.
Cuối cùng, nhân viên tuyển dụng đã giải thích với cậu rằng, thiếu sót duy nhất của cậu trong bữa ăn chính là cậu không bày tỏ sự cảm ơn đến bất cứ một nhân viên phục vụ nào.
Câu chuyện thứ ba
Một doanh nghiệp quy mô lớn tổ chức tuyển dụng người đứng đầu bộ phận hậu cần. Trải qua nhiều vòng thi, mười ứng viên đã lọt vào vòng phỏng vấn cuối cùng.
Công ty bố trí mời những người này công ty và người đứng đầu hội đồng tuyển dụng sẽ chủ động nói chuyện với từng người trước khi mời họ ăn cơm.
Sau khi ăn xong, vị giám khảo tuyên bố buổi phỏng vấn đã kết thúc và ông đã tìm được người cần tìm. Ai cũng bất ngờ vì không nghĩ rằng vòng phỏng vấn cuối cùng lại diễn ra ngay trong bữa ăn, và bữa ăn hôm đó là một bữa buffet.
Đợi đến khi mọi người hiểu ra vấn đề, ứng viên trúng tuyển cũng đã được xác định. Đó là một người ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu, đến một chút nước canh cuối cùng cũng được người đó đổ vào bát cháo uống cạn.
Câu chuyện thứ tư
Bữa cơm tối 30 Tết, bố mẹ Tiểu Mai đến Bắc Kinh ăn Tết cùng con gái. Bạn trai của cô vội vã đặt một nhà hàng quen và cố gắng thể hiện thật tốt. Thế nhưng đến khi về nhà, bố mẹ Tiểu Mai nói với con gái rằng: Bạn trai của con không đạt yêu cầu của bố mẹ.
Thứ nhất: Khi đặt nhà hàng, cậu ta đã không hỏi ý kiến của Tiểu Mai cũng như không hề hỏi khẩu vị của hai người lớn tuổi.
Thứ hai: Ngày lễ tết, khách hàng đông, món ăn phục vụ chậm, vậy mà cậu ta không ngừng thúc giục nhân viên, thái độ đã không thân thiện lại còn luôn miệng dọa kiện người ta.
Thứ ba: Trên bàn ăn, điện thoại của cậu ta không ngừng đổ chuông, cậu ta có thể nói với người bên kia rằng mình bận, một lát nữa sẽ gọi lại, nếu có việc gấp thì có thể xin phép ra ngoài nghe.
Thế nhưng cậu ta vừa ăn, vừa nghe đến hơn chục phút, hai bác già ngồi ăn mà ngượng ngùng, không thoải mái chút nào.
Nghe bố mẹ nói xong, Tiểu Mai cũng cảm thấy do dự.
Lời bình
Bàn ăn là nơi có thể giúp chúng ta nhìn thấu nhất nhân phẩm của một người. Bởi lẽ tại đây, những hành động nhỏ nhất, cho thấy bản chất thực sự của một người sẽ được bộc lộ một cách tự nhiên.
Vì thế, nếu muốn biết nhân phẩm của một người, chỉ cần mời anh ta ăn một bữa cơm là đã có thể nhìn ra phần nào.