Câu chuyện được kể bởi một độc giả trải lòng về những chiêm nghiệm chính bản thân đã từng trải qua:
Tôi năm nay ngoài 50 tuổi, sinh ra và lớn lên ở nông thôn, cả đời lao động chân tay để kiếm sống. Bố mẹ sinh được 4 người con, tôi là con trai út trong gia đình. Khi tôi 10 tuổi, bố đã qua đời vì bạo bệnh, chỉ còn 1 mình mẹ nuôi lớn và dạy dỗ chúng tôi nên người. Mẹ tôi là người phụ nữ mạnh mẽ và bản lĩnh, trong cơn túng thiếu vẫn cố gắng "chạy ăn" từng bữa lo cho con, bất chấp việc mẹ phải nhịn đói để nhường cho chúng tôi.
Sau khi lập gia đình, tôi lo toan, chăm sóc từng li từng tí cho vợ con. Lúc này tôi mới ngoài 20 tuổi. Mẹ tôi quyết định sống cùng gia đình tôi tới khi già, dù sướng hay khổ cũng cùng các con gánh vác. Từ độ tuổi trung niên, mẹ mắc bệnh nhồi máu cơ tim nên không thể làm việc nặng. Vì thương mẹ, tôi và vợ không để mẹ làm việc tay chân, chỉ để bà phụ giúp chuyện cơm nước, chơi cùng cháu.
Cũng từ lúc này, tôi không chỉ lo cho vợ con mà còn chăm sóc mẹ, chi tiền mỗi lúc mẹ ngã bệnh. Khi về già, mẹ tôi có nhiều thời gian rảnh nên muốn tham gia câu lạc bộ người cao tuổi, thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ, liên hoan, tôi đồng ý ngay, để mẹ có những phút giây vui vẻ. Tôi tin rằng mẹ hiểu tình cảm của tôi dành cho mẹ nhiều đến thế nào. Dù không phải là người giàu có, tôi vẫn cố gắng để mẹ bằng bạn bằng bè, không phải chịu cảm giác tủi thân vì thiếu thốn lúc về già.
Tới khi 80 tuổi, mẹ tôi lên cơn đau tim và đột ngột qua đời. Đại gia đình tôi ai cũng xót thương, hối hận vì không kịp nhìn mẹ lần cuối. Trong lúc cả gia đình ai cũng đau đớn, xót xa, tôi rơi vào trạng thái bàng hoàng khi chứng kiến sự thay đổi của anh trai cả.
Khi cả nhà họp tính toán chi phí tang lễ cho mẹ và tổng kết số tiền phúng điếu, anh cả bỗng nhiên nói với tôi: "Chú đứng ra lo tang lễ cho mẹ nay đã xong xuôi, anh thay mặt cả gia đình cảm ơn chú. Giờ mẹ đã mất, anh muốn rước mẹ về để tiện thờ cúng sau này nhưng anh nghĩ số tiền phúng điếu anh sẽ cầm để lo toan công việc. Số tiền tiết kiệm của mẹ anh cũng là người giữ, anh em mình không đi đâu mà thiệt nên mai chú tính toán rồi gửi cho anh".
Nghe xong, tôi bỗng nhiên chết lặng. Số tiền ít ỏi của mẹ là tiền trợ cấp hàng tháng nhưng anh cả vẫn muốn nhận về mình. Anh không lo cho mẹ đồng nào trong nhiều năm qua nhưng giờ mẹ mất anh lại muốn tính toán thiệt hơn, khoản tiền nào cũng đòi sở hữu.
Thậm chí, mẹ có 1 bộ trang sức tôi mua tặng khi bà tròn 70 tuổi, anh trai cũng muốn "nẫng tay trên" với lý do "lo giỗ chạp cho mẹ hàng năm". Nghe tới đây, tôi không tin vào tai mình, không giấu được sự buồn rầu và thất vọng. Khi bố mẹ qua đời, anh cả bắt đầu toan tính thiệt hơn, chỉ muốn mang lợi về mình và không quan tâm tới anh em trong gia đình nữa.
Sau khi nhìn rõ "bộ mặt thật" của anh trai, tôi quyết định đưa hết tiền tiết kiệm của mẹ và tiền phúng điếu cho anh. Tôi cũng khẳng định rõ quan điểm của mình, thể hiện sự thất vọng về anh và bỏ về nhà. Từ đó trở đi, tôi quyết định không gặp lại anh mình, để anh có thời gian suy ngẫm về những việc mình đã làm.
Thấm thoắt cũng đã 3 năm kể từ khi tôi từ mặt anh ruột mình. Tôi không gặp anh nhưng vẫn nghe tin tức về anh thông qua những người thân trong gia đình. Vào 1 ngày nọ, anh bỗng nhiên xuất hiện trước nhà tôi, xin lỗi tôi vì những hành động trong quá khứ. Tôi không biết mình có nên dễ dàng tha thứ cho anh mình không sau rất nhiều sự việc xảy ra.
Đây cũng là 1 bài học đắt giá dành cho tôi. Dù là anh em trong 1 gia đình, chúng ta cũng nên rạch ròi chuyện tiền bạc, không để xảy ra những mâu thuẫn đáng tiếc. Đồng tiền có vai trò quan trọng trong cuộc sống của mỗi người nhưng chúng ta không nên để đồng tiền chi phối, vì vật chất mà đánh mất tình thân.