Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh vừa ký quyết định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy các đơn vị thuộc Ban với nhiều quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng.
[links()]
Tờ Tiền phong trích quyết định trên cho hay, Ban Nội chính Trung ương sẽ có Vụ Theo dõi xử lý các vụ án (Vụ 1). Vụ 1 có chức năng tham mưu giúp lãnh đạo Ban Nội chính theo dõi, đôn đốc và phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn xử lý một số vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp; các vụ việc, vụ án có liên quan đến cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; các vụ việc, vụ án khác mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh. Ảnh: VNN. |
Nhiệm vụ cụ thể của Vụ 1 là chủ trì tham mưu để lãnh đạo Ban Nội chính giúp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (gọi tắt là Ban Chỉ đạo), Thường trực Ban Chỉ đạo, yêu cầu Ban Cán sự Đảng các cơ quan: Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước; Đảng ủy Công an Trung ương, Quân ủy Trung ương và các cơ quan, đơn vị có liên quan; cấp ủy, tổ chức đảng và người có thẩm quyền báo cáo việc xử lý những vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp hoặc dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Yêu cầu các đảng đoàn, ban cán sự đảng, tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền điều tra làm rõ các vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng; chỉ đạo việc phục hồi điều tra, điều tra bổ sung, điều tra lại khi cần thiết...
Một trong những nhiệm vụ quan trọng nữa của Vụ 1 là chủ trì tham mưu để lãnh đạo Ban Nội chính giúp Ban Chỉ đạo Trung ương, Thường trực Ban Chỉ đạo kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định hoặc trực tiếp chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền tạm đình chỉ công tác, sinh hoạt đảng, sinh hoạt cấp ủy theo phân cấp quản lý khi cán bộ, đảng viên có dấu hiệu tham nhũng hoặc có hành vi cản trở, gây khó khăn đối với hoạt động phòng, chống tham nhũng.
Nghiên cứu, đề xuất giúp lãnh đạo Ban theo dõi, kiểm tra, đôn đốc hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn xử lý một số vụ việc, vụ án được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo giao và những vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, có vướng mắc ở địa phương. Nghiên cứu, đề xuất giúp lãnh đạo Ban xử lý khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án...
Ngoài ra, Ban Nội chính Trung ương còn có các đơn vị như: Vụ Pháp luật (Vụ 2), Vụ Nghiên cứu tổng hợp (Vụ 3), Vụ Cơ quan nội chính (Vụ 4), Vụ Theo dõi công tác phòng, chống tham nhũng (Vụ 5)...
Ban Nội chính T.Ư được thành lập theo quyết định ngày 28/12/2012 của Bộ Chính trị, gồm 108 cán bộ, trong đó gồm 1 Trưởng ban và 3 Phó ban.
Trưởng Ban Nội chính T.Ư là ông Nguyễn Bá Thanh (60 tuổi, quê ở xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng), nguyên Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng.
3 Phó ban gồm, Phó ban Phan Đình Trạc (55 tuổi, quê xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu, Nghệ An), nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An; Phó ban Phạm Anh Tuấn, nguyên Phó chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng; Phó ban Nguyễn Doãn Khánh, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Thọ.
Đến nay, tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc Ban Nội chính T.Ư đã hoàn thành cơ bản để đi vào hoạt động. Ban này đang tích cực hoàn thiện xây dựng văn bản quy chế làm việc và chương trình công tác của ban trong thời gian tới, phối hợp với Ban Tổ chức trung ương để trình Ban Bí thư ra quyết định thành lập Ban nội chính ở các tỉnh ủy, thành ủy. Ban cũng đang khẩn trương xây dựng Dự thảo quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo trung ương về PCTN để trình Ban Chỉ đạo thông qua tại phiên họp gần nhất.
Trụ sở của Ban Nội chính Trung ương đặt tại số 6 Bà Huyện Thanh Quan, quận Ba Đình, Hà Nội.
- P.V (tổng hợp)