"Tôi cũng mong Luật Thủ đô được thông qua để làm thế nào Hà Nội sạch sẽ, mình cũng ngượng với người nước ngoài, người ta sang nước mình nhìn đường phố nhà mình cũng chán lắm"...
[links()]
LTS: Dự thảo Luật Thủ đô vừa được trình bày trước Quốc hội xem xét, với lý do mỗi năm có 50.000 người nhập cư Hà Nội, gây quá tải cho giáo dục, y tế, giao thông, Chính phủ đề xuất công dân phải có nhà riêng hoặc nhà thuê tạm trú 3 năm liên tục... mới được nhập hộ khẩu.
Xung quanh vấn đề này, Phunutoday đã có cuộc trò chuyện với một số người dân gốc Hà Nội và nhận được những góc nhìn thẳng trái chiều:
Bác Nguyễn Thị Hồng Ngọc (82 tuổi, trú tại số 5 Đinh Lễ, Phường Tràng Tiền, Quận Hoàn Kiếm, HN): Hà Nội đang bị nông thôn hóa!
Tôi rất tán thành việc hạn chế nhập khẩu Hà Nội. Bây giờ chỉ mong Nhà nước làm sao hạn chế được việc quá tải đó bởi mọi thứ về tư tưởng, đạo đức xuống thấp lắm rồi.
Rác tràn ngập Hà Nội sau ngày Đại Lễ |
Nhìn Hà Nội bây giờ đường phố thì chật cứng, đi ra ngoài đường, trông thấy các cô ăn mặc hở hang nhiều quá, dù không thích nhưng mình cũng không có quyền gì để giải quyết cả, vì vậy theo tôi cần phải giữ lại Hà Nội thanh lịch như ngày xưa. Không được như Hà Nội ngày xưa thì ít nhất cũng phải được như hồi sau này Hà Nội mới giải phóng.
Con gái Hà Nội thời xưa họ rất thanh lịch, ăn nói rất nhẹ nhàng chứ có ai ăn nói, đánh nhau như bây giờ đâu. Bây giờ ra đường, chúng tôi cũng rất sợ đám thanh niên, họ đối xử với nhau không còn tình nghĩa gì cả, họ nói tục, chửi thề, chửi bậy nhiều. Thành ra đi ra đường bây giờ mình phải tránh, va chạm nhau ở ngoài đường hơi một tí là họ hăng lên là đánh nhau rất nhanh nên bản thân mình, mình giữ được đến đâu thì giữ.
Hà Nội trước rộng rãi, sạch sẽ, giờ số lượng người đông lên, tất nhiên nó sẽ có những cái không được sạch như trước. Bây giờ là nông thôn hóa Hà Nội rồi chứ không phải là Hà Nội của ngày xưa nữa. Cái hồi ấy khổ lắm, khổ ăn, khổ ở nhưng mà thoải mái. Cửa ngõ lúc đó có phải đóng đâu, bây giờ ở nhà cũng phải đóng cửa, cài then.
Những người dân từ nơi khác đến họ nói rằng cũng vì mưu sinh, vì cuộc sống khó khăn mới lên Hà Nội kiếm sống. Theo tôi không phải, vì người ta muốn giàu rồi lại muốn giàu hơn nữa. Thời xưa khó khăn nhưng tất cả đều rất nghiêm túc. Hòa Bình về, cũng là nghèo, thời gian bao cấp cũng nghèo lắm nhưng không lộn xộn như bây giờ. Quản lý kém mới xuống cấp như vậy.
Tôi cũng mong Luật Thủ đô được thông qua để làm thế nào Hà Nội sạch sẽ, mình cũng ngượng với người nước ngoài, người ta sang nước mình nhìn đường phố nhà mình cũng chán lắm.
Từ trước đến nay, chúng ta vẫn phát động nhiều phong trào để xây dựng Thủ đô Xanh, Sạch, Đẹp nhưng cho đến nay thì đường phố vẫn thế, đường vẫn chưa thông mà hè vẫn chưa thoáng, rác vẫn bừa bãi. Họp mãi, bàn mãi rồi người ta vẫn thế. Như ngay đầu phố người ta họp chợ lâu rồi nhưng chẳng ai giải quyết cả.
Nếu như ngày nào cũng có người đi nhắc, quyết tâm làm, phải hô hào, phải có kiểm tra, giám sát, hướng dẫn cho nhân dân làm thì làm được thôi. Nhưng không có người kiểm tra thì vẫn có họp chợ. Tự do như ở nông thôn thành ra nó thế. Hà Nội ngày xưa đâu có thế đâu.
Bác Nguyễn Thị Phương (60 tuổi, trú tại số nhà 104A4, khu tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam, 128C, Phường Đại La, Quận Hai Bà Trưng, HN): Người Hà Nội cũng đang làm bẩn Hà Nội...
Theo tôi, Luật Thủ đô không nhất thiết phải hạn chế làm gì, ai vào cũng được. Người ta quy định công dân phải có nhà riêng hoặc nhà thuê tạm trú 3 năm liên tục mới được nhập hộ khẩu vậy thì những người có nhà chẳng hạn, họ nhập tạm trú 3 năm người ta không làm việc có ích mà làm việc phạm pháp, có hại thì bây giờ làm thế nào?
Vì vậy, Nhà nước phải xét những người làm việc có ích cho Hà Nội, phải có đất cho những người này sống.
Hình ảnh Hà Nội ùn tắc vào giờ cao điểm |
Tôi nghĩ ai cũng có thể sống được, ai cũng có thể đến định cư được, không cần thiết người ta phải có điều kiện nào mà chỉ cần họ làm việc có ích cho Hà Nội là được.
Tất nhiên, những người nhập cư Hà Nội cũng là một trong những nguyên nhân gây quá tải cho giáo dục, y tế, giao thông, làm bẩn Hà Nội, họ mang theo cách sống của làng quê, không phù hợp với nếp sống Hà Nội, người có học cũng có mà người không có học cũng có.
Nhưng chính những người Hà Nội cũng đang làm bẩn Hà Nội rồi chứ không phải riêng gì người dân từ nơi khác đến Thủ đô. Những người Hà Nội có tri thức, có ăn có học họ lịch sự, đối nhân xử thế cũng hoàn hảo. Còn có những người mang tiếng là Hà Nội nhưng xuất thân từ tầng lớp không có học hành, không có giáo dục, cách đối xử của họ cũng vô văn hóa.
Có cả những người chửi cha, chửi mẹ, không giáo dục con cái, nói bậy chửi tục, sống thì không tuân theo pháp luật và sống một cách bừa bãi.
Người Hà Nội ngày xưa cũng vậy, cũng có nhiều dạng người, những người có học hành, có tri thức và những người ít được học hành, ít được giáo dục thì họ cư xử khác.
Nhưng làm sao mà Hà Nội trở nên như vậy, đó cũng là tại luật pháp. Luật pháp có nghiêm minh mới đưa con người ta vào được khuôn khổ.
Đơn giản như việc vứt rác bừa bãi, nếu anh vứt rác là tôi phạt thật nặng thì lần sau họ có dám vứt rác không? Hơn nữa, muốn làm được việc thì người tổ trưởng cũng phải làm tốt, phải gương mẫu, phải vận động được tốt thì có thể tự giác của người dân họ cũng nâng lên.
Vì thế, theo tôi, nếu như bây giờ siết chặt việc nhập cư như vậy là không đúng. Anh loại như vậy thì có thể anh sẽ loại những người làm việc tốt nhưng lại không có được đúng như những yêu cầu đấy.
Còn việc quá tải mà đi giảm cái nhập khẩu thì đó là việc mà Nhà nước nên nghĩ cách khác. Các vị phải nghĩ cách giải quyết việc quá tải chứ đừng nghĩ việc giải quyết những người nhập vào.
Đà Nẵng họ cũng thu hút được nhiều người từ khắp nơi đổ về nhưng họ xử lý rất tốt vấn đề nhập cư, xây dựng được TP trở thành nơi đáng sống mà Hà Nội lại không làm được thì theo tôi phải cử cán bộ vào đó mà học hỏi. Học luôn và không cần phải sáng tạo, chứ cứ "sáng tạo" theo cách này thì nó chẳng giải quyết được vấn đề gì cả.
Khó có được một Hà Nội Xanh, Sạch, Đẹp nếu pháp luật không nghiêm! Nhà Sử học Dương Trung Quốc |
Ai làm Hà Nội xấu bẩn? |
- Huyền Biển (Ghi)