Siêu dự án ì ạch: Tiền “đắp chiếu” chờ... mặt bằng!

14:02, Thứ tư 28/08/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday)-Trong khi nhiều dự án mỏi mòn không có tiền để làm, thì nghịch lý đang diễn ra trong các dự án trọng điểm về GTVT ở Hà Nội với hàng nghìn tỷ đồng “đắp chiếu” chờ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB)...

Hơn 155 tỷ đồng mất không ở cầu Nhật Tân đang cần một câu trả lời về trách nhiệm

Vẫn đang thúc và vẫn đang giục...

Trong bản báo cáo mới đây mà Bộ GTVT gửi Thủ tướng Chính phủ, hơn 10 dự án có tổng mức đầu tư nhiều chục nghìn tỷ đồng của bộ này trong lĩnh vực GTVT ở TP. Hà Nội đều có vướng mắc. Đáng nói, tiến độ của nhiều dự án còn chậm, một số dự án có nguy cơ không hoàn thành đúng tiến độ do chậm trễ bàn giao mặt bằng,....

Sở dĩ Bộ GTVT phải cấp tốc báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện các dự án trọng điểm GTVT trên địa bàn TP. Hà Nội, bởi công tác GPMB tại các quận, huyện luôn gặp khó khăn trong khi tiến độ thực hiện không thể chờ đợi mãi. Ngay cả với công trình đường Láng - Hòa Lạc, đưa vào khai thác từ dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long (năm 2010), đến nay vẫn còn 2,37 ha đất ở chưa bàn giao.

Điển hình là Dự án cầu Nhật Tân, hơn 13 nghìn tỷ đồng của dự án này đang “tắc” với “nút thắt” vướng mắc nhất và kéo dài dự án chỉ vì việc tồn tại 158 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng (tại nút giao Phú Thượng, trên địa bàn quận Tây Hồ và huyện Đông Anh). Mặc dù trước đó, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản gửi bộ GTVT khẳng định sẽ hoàn thành trong tháng 4/2013. Thế nhưng, kế hoạch đã không được như mong đợi với quá nhiều tồn tại.

Nhận thấy sự chậm trễ trong công tác GPMB, mới đây nhất, UBND TP. Hà Nội phải tiếp tục thúc giục, chỉ đạo các quận, các Chủ đầu tư tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chế độ chính sách... Rà soát lại các quy trình, thủ tục và các chính sách GPMB để có biện pháp hành chính cương quyết thu hồi đất.

Bản danh sách kéo dài

Trong các địa phương có dự án trọng điểm GTVT đi qua trên địa bàn Hà Nội, huyện Sóc Sơn được đề cập nhiều nhất trong các văn bản của Bộ GTVT và UBND TP. Hà Nội, khi cấp huyện này “gánh” trên mình đến 3 dự án “khủng” (Dự án: Đường nối Nhật Tân - Nội Bài; Xây dụng QL3 mới đoạn Hà Nội - Thái Nguyên và Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai). Đáng nói là tiến độ GPMB của cả 3 dự án khá chậm chạp.

Sự chậm trễ này, khiến không ít lần chủ đầu tư phải thúc giục, nhưng vẫn không hiệu quả vì quá nhiều cái khó trong quá trình thực hiện GPMB. Đại diện Tổng công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc VN (VEC), chủ đầu tư dự án cao tốc Hà Nội - Lào Cai cho biết, dự án này vẫn vướng GPMB ở một số đoạn qua huyện Sóc Sơn như giao giữa cao tốc và tỉnh lộ 131, dân cản trở thi công do liên quan đến đền bù GPMB quốc lộ 18 từ trước đó. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, như giá đền bù, thiếu nơi tái định cư nên chưa thể giải quyết dứt điểm.

Không riêng huyện Sóc Sơn, bản danh sách chậm GPMB còn ở hàng loạt các quận, huyện như: Tây Hồ, Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên, Thạch Thất...

Đầu tháng 8/2013, đại diện Bộ GTVT và UBND TP. Hà Nội phải ngồi lại với nhau để tháo gỡ từng điểm vướng mắc những dự án trọng điểm GTVT đi qua thành phố. Phản ánh từ các quận, huyện, nơi trực tiếp tiến hành công tác GPMB cho thấy, một trong những lý do dẫn đến chậm trễ là do cơ chế, chính sách trong công tác đền bù, hỗ trợ và tái định cư có nhiều thay đổi, nên các địa phương gặp khó khăn. Dự án càng để lâu càng phát sinh nhiều phương án đền bù, hỗ trợ, càng khó hơn khi thuyết phục người dân.

Điểm yếu cố hữu

Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc quản lý dự án sử dụng vốn ODA, trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Nguyễn Sỹ Bảo, Giám đốc BQL các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội cho hay: “Công tác GPMB vẫn là một điểm yếu cố hữu không loại trừ bất cứ dự án nào. Thực tế cho thấy, khi thực hiện dự án với các nhà thầu nước ngoài, họ luôn lấy hợp đồng đã ký là tiền đề để giải quyết chứ không như dạng khoán sản phẩm như chúng ta. Vì vậy, khi tiến độ chậm ngày nào thì chi phí kỹ sư, lao động, máy móc... của họ vẫn được tính nguyên dù không phải lao động. “Đó chính là lời giải vì sao phải chi thêm khoảng 155 tỷ đồng trong việc thi công chậm trễ ở Dự án cầu Nhật Tân”, ông Bảo nói.

Ông Bảo cũng phân tích: Theo quy định hiện hành, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm GPMB, thu hồi đất, thực hiện hỗ trợ tái định cư và bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư ở các tỉnh thì BQL dự án làm hết các thủ tục GPMB, nhưng Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư làm thêm nhiều thủ tục khác liên quan đến GPMB, mà xin giấy phép các sở ngành thì phải mất thêm thời gian. Nhà thầu nước ngoài theo hợp đồng quốc tế có điều khoản tiếp cận công trường, nếu GPMB vướng sẽ vịn vào điều luật này để “đòi hỏi”, nhưng khi nhà thầu chậm tiến độ Chủ đầu tư lại không thể xử phạt.

“Thực tế, công tác GPMB có trách nhiệm lớn của các địa phương, cụ thể là các quận, huyện nơi có dự án thực hiện, song khi có chuyện xảy ra, như ở Dự án cầu Nhật Tân là ví dụ, trách nhiệm cuối cùng vẫn là Chủ đầu tư chứ có ai lôi những đơn vị gây lỗi chính ra xử lý. Chuyện đâu đó có địa phương thiếu nhiệt tình trong khâu GPMB là điều khó tránh khỏi, nhưng cái đáng nói là phải có sự quyết liệt chỉ đạo chung”, ông Bảo khẳng định.

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, công tác GPMB tại Hà Nội thường giao cho các quận, huyện trực tiếp triển khai. Thế nhưng, ở một số nơi bộ máy GPMB hầu hết kiêm nhiệm, thiếu kinh nghiệm và chưa quyết liệt. Thêm vào đó, mỗi mét đất Hà Nội đều liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, nên cũng nảy sinh nhiều vấn đề về đền bù, tái định cư...

Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông Nguyễn Minh Tuyến khẳng định: Cơ chế chính sách liên quan đến GPMB, hướng dẫn công tác bồi thường, tái định cư quy định cụ thể trong Nghị định 69/2009/NĐ-CP và Quyết định 883/BGTVT. Bất kỳ địa phương nào cũng phải thực hiện theo các quy định. Tuy nhiên, các dự án qua Hà Nội đến nay đều chậm là do việc tổ chức thực hiện chưa hiệu quả.

Trong một diễn biến mới nhất, sở KH&ĐT Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các quận, huyện nhanh chóng có báo cáo về tình hình triển khai GPMB đối với các dự án ODA. Trong đó, các quận huyện như: Tây Hồ, Đông Anh, Sóc Sơn,... cũng phải cấp tốc báo cáo về những dự án trọng điểm GTVT có sử dụng nguồn vốn này.    

Thẳng thắn nhìn nhận, xử lý vấn đề

 Tại buổi làm việc với Bộ GTVT, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng thừa nhận, thời gian qua việc chỉ đạo, điều hành GPMB ở tất cả các cấp của Hà Nội chưa quyết liệt, sự phối hợp giữa các cơ quan chưa thường xuyên, chặt chẽ, khiến các vướng mắc nảy sinh không được giải quyết kịp thời, gây ảnh hưởng đến tiến độ các dự án. Do đó, các dự án cần đẩy mạnh tiến độ GPMB hơn nữa, các quận, huyện cần khẩn trương lập phương án đền bù GPMB, công khai với dân để đẩy mạnh GPMB, bàn giao dứt điểm cho nhà thầu thi công. Nguyên tắc của thành phố là các phương án GPMB đã phê duyệt sẽ không thay đổi để bảo đảm công bằng xã hội.

Tại sao vẫn tồn tại dai dẳng?

“Việc chậm GPMB các dự án GTVT kéo theo chậm tiến độ đã khiến đồng tiền đầu tư vào các dự án này dàn trải trong thời gian dài, vì vậy hiệu quả đầu tư càng thấp. Tình hình này đã ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế vĩ mô, bởi nước ta đang phải bỏ ra nhiều tiền đầu tư để mang lại tăng trưởng thu nhập quốc dân nhưng hiệu quả không như mong muốn. Điểm yếu chí tử của lĩnh vực xây dựng ở nước ta hiện nay trước hết là tiến độ quá chậm, sau nữa là tăng tổng mức đầu tư, những vấn đề này đã tồn tại từ lâu nhưng chưa được phân tích kỹ lưỡng và giải quyết triệt để”.

TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam

(Còn nữa)

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc