Sống cô đơn để trọn tình với người đã mất

08:29, Chủ nhật 14/10/2012

( PHUNUTODAY ) - Khi hỏi bà: “Chồng mất sao bà không đi bước nữa”. Bà xua tay, giọng kiên quyết và mạnh mẽ hơn hẳn: “Tôi bao nhiêu người theo đuổi nhưng không bao giờ đi thêm bước nữa”.

Đầu ấp tay gối với chồng được 10 năm thì ông mất nhưng trong tâm trí của người vợ ấy, bóng hình về người chồng không bao giờ phai nhạt. Có nhiều người theo đuổi bà nhưng trái tim ấy đã đóng băng, chẳng thể tiếp nhận thêm bất kỳ ai khác.

[links()]

Đứa con nuôi độc nhất kiên quyết đón mẹ vào Nam vui sống tuổi già nhưng bà nào yên lòng khi để nấm mộ chồng không người hương khói, dọn dẹp. Bà muốn các con ra Bắc định cư. Từ đó, bà lẳng lặng và bình yên với cuộc sống nơi Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hòa Bình (Thị trấn Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn) ôm nỗi thương nhớ không bao giờ nguôi về người đã khuất.

Bén duyên nhau trong bom đạn chiến tranh

Đã 91 tuổi nhưng cụ bà Lại Thì Sừng (quê ở Gia Thanh, Gia Viễn, Ninh Bình) còn khá khỏe mạnh. Bà nói chuyện hoạt bát và trên môi luôn thường trực nụ cười. Thế nhưng khi nhắc về câu chuyện gia đình thì giọng bà trùng xuống.

Nỗi khắc khoải về người chồng đã mất và nỗi nhớ con cháu đang sống xa quê hiển hiện trong cái nheo mắt chằng chịt vết chân chim của tuổi già.

Theo lời kể thì bố mẹ bà sinh được 6 chị em. Bà là con út trong gia đình. Hiện nay 5 anh chị em của bà đều đã mất, chỉ còn bà trơ trọi một thân một mình. Ngày xuân sắc, cũng giống như bao cô gái khác trong làng, bà tham gia vào đội ngũ dân quân du kích.

Bà vẫn còn nhớ những ngày chiến đấu đó, nhiệm vụ của bà là khi có ca nô, tàu chiến của địch vào thì đánh kẻng hoặc thông báo qua loa cho người dân biết để chui vào hầm trốn. Bà kể:

“Có những đêm, nhiều khi đang đứng cùng các nữ dân quân khác, địch nó nổ cho một quả bom khiến tất cả đều nằm rạp xuống. Tôi hoảng hốt cho ngay loa vào miệng để cảnh báo. Còn ban ngày tôi gác trên núi đá cao, có biến là đánh kẻng”.

Bà Sừng tại TTBTXH tỉnh Hòa Bình
Bà Sừng tại TTBTXH tỉnh Hòa Bình

Những tháng ngày chiến đấu với bom đạn của địch, nằm gai nếm mật cùng nhau đã giúp bà tìm được tình yêu đích thực của đời mình. Ông là người Phủ Lý, cũng nằm trong hàng ngũ dân quân du kích, có tình cảm với bà sau nhiều lần cùng nhau tác chiến.

Ông là người hiền lành, biết cách quan tâm, nói chuyện có duyên nên nhanh chóng chiếm được tình cảm của bà. Vì thế, trong nhiều cái “đuôi”, bà chọn ông. Một tình yêu đẹp nảy mầm trong bom đạn của cuộc chiến khốc liệt, nơi sự sống và cái chết chỉ cách nhau một ranh giới mỏng manh.

Cả hai ông bà đi dân quân du kích trong vòng 5 năm thì về làm đám cưới, cuộc sống vợ chồng ấm cúng và hạnh phúc vô cùng. Cả hai sống trong căn nhà ngói 5 gian khá rộng rãi thoải mái. Ba gian nhà tranh vách đất thì được dùng để làm nhà bếp, chuồng bò, chuồng lợn.

Ông rất chiều bà. Hằng ngày bà đi chăn bò còn ông ở nhà chăm sóc vườn tược, chăn nuôi lợn, quét dọn nhà cửa. Ngày nào cũng vậy, bà cứ đi chăn bò về thì cơm canh ông đã dọn sẵn. Nhớ lại những lúc ấy, giọng bà tươi vui hẳn:

“Tôi về đến nhà, chưa kịp đưa bò vào chuồng thì ông ấy đã nói: “Thôi bà rửa ráy chân tay đi rồi vào ăn cơm”. Tôi lại bảo: “Ông cứ từ từ đợi tôi nghỉ ngơi một lát đã”. Sợ tôi đi làm về mệt nên ông lại dỗ dành bằng được: “Bà cứ ăn đi rồi vào nghỉ ngơi thì sẽ đỡ mệt hơn”.

Mỗi lần bà ốm, ông đều thức khuya dậy sớm để chăm sóc rồi nấu cháo cho vợ. Bà muốn ăn thứ gì thì ông sẽ kiếm cho bằng được. Sống bao nhiêu năm nhưng chưa bao giờ ông bà nói nặng với nhau một lời, đánh cãi chửi nhau thì càng không.

Cuộc sống yên bình và hạnh phúc ấy là niềm ước ao của biết bao nhiêu cặp vợ chồng. Thế nhưng có một nỗi buồn cứ len lỏi trong tâm trí bà, đó là đã 4 năm chung sống mà bà chưa sinh cho ông được một đứa con.

Ngôi nhà 5 gian rộng rãi chỉ có hai vợ chồng mà thiếu đi tiếng nói cười của trẻ nhỏ cũng kém vui. Thế nhưng sợ vợ buồn, tuyệt nhiên ông không bao giờ đề cập đến chuyện con cái trước mặt bà. Nhiều lúc càng nghĩ bà càng thương ông. Thế nhưng bà cũng không bàn đến chuyện chạy chữa bởi sợ khơi lên nỗi đau của cả hai vợ chồng.

Rồi bỗng một hôm, có người bế một thằng bé 2 tháng tuổi đến trao tận tay cho ông bà. Bà Sừng kể: “Người ta đi buôn bán xa, không rõ thế nào mà bầu bí rồi sinh ra thằng bé. Họ biết gia đình tôi không có con nên chủ động mang đến cho”.

Từ ngày có thêm thằng nhỏ, cuộc sống của vợ chồng ông bà bận bịu và vui tươi hơn hẳn. Ngôi nhà trống trải giờ có thêm tiếng khóc của con trẻ và tiếng dỗ dành của những người bất ngờ được làm bố, làm mẹ. Mỗi lần con khóc, bà thì bế còn ông vội vàng hòa sữa đút cho con. Ông cũng có tài nựng con nên thằng bé cũng không khóc dai được.

Hạnh phúc ngập tràn cuộc sống của ông bà nhưng chẳng được bền lâu bởi sau đó vài năm thì ông bị chứng đau nhức toàn thân. Nhà bà đã chẳng còn ai thân thích, nhà ông có bà chị gái thì lại ở quá xa nên mỗi khi ốm đau chỉ có hai vợ chồng nương tựa vào nhau.

Bà thương ông bệnh tật nên cứ vắng mặt ông là nước mắt bà lã chã rơi giọt ngắn giọt dài. Ông thì thương bà vì chăm ông vất vả nên mỗi khi 4 mắt chạm nhau là cả hai chỉ muốn cùng khóc nấc lên. Căn bệnh của ông ngày càng nặng, những cơn đau xuất hiện liên tục.

Bà thường xuyên phải thức đêm để chăm chồng. Có lần mệt quá, bà nằm gục bên cạnh giường ngủ lúc nào không hay biết, ai ngờ cuối cùng lại rúc vào nách chồng. Ông thức dậy thấy vậy thì trêu: “Ơ sao bà lại rúc vào nách tôi?!” khiến gương mặt bà đỏ chín vì ngượng.

Phải chăm lo hương hỏa cho chồng

Rồi chuyện gì đến cũng đến, cơn bạo bệnh mau chóng cướp đi người chồng thân yêu của bà. Bà đã khóc cạn nước mắt vì thương nhớ chồng. Ròng rã một tháng trời bà vật vờ như một cái xác không hồn chẳng thiết tha chuyện ăn uống.

Thỉnh thoảng ra mộ ông, bà lại khóc rưng rức ở ngoài đấy. Thế nhưng nghĩ đến tương lai của con trai, bà lại dặn lòng phải mạnh mẽ để sống tốt. Và bà đã hoàn thành ước nguyện khi nuôi nấng và xây dựng gia đình cho con nuôi của mình.

Khi tôi hỏi bà: “Chồng mất sao bà không đi bước nữa”. Bà xua tay, giọng kiên quyết và mạnh mẽ hơn hẳn: “Tôi bao nhiêu người theo đuổi nhưng không bao giờ đi thêm bước nữa”. Liền đó, bà kể rằng từng có một người đàn ông góa vợ rất thích bà.

Ông này có hai đứa con đều đã lập gia đình. Ông mở một quán nước nhỏ để tìm kiếm niềm vui tuổi già. Ông muốn bà về ở cùng để nương tựa nhau nhưng bà không đồng ý. Ông này còn xui hai con đến gặp bà trực tiếp để đặt vấn đề.

Bà Sừng nhớ lại: “Chúng bảo tôi rằng bà cứ lấy bố nó đi, ông bà đi bán quán, thiếu thứ gì chúng nó chạy đi mua hộ chứ cả hai không phải đi. Cuộc sống mà thiếu thốn thì chúng nó cũng bảo nhau chu cấp tất. Thế nhưng tôi cũng chẳng động lòng được bởi cho đến giờ vẫn không sao quên được người quá cố”.

Bên gia đình vợ của con trai có người làm ăn trong Nam rất phát đạt nên anh con trai bà Sừng muốn xin mẹ vào Nam lập nghiệp. Sau khi bốc mộ cho chồng xong, xây cất cho ông một nơi yên nghỉ tử tế, bà bán hết nhà cửa. Con bò có giá 2 triệu cộng với 3 triệu tiền nhà đất, bà đưa hết cho con trai giữ để lấy vốn lập nghiệp rồi vào trong Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hòa Bình sống.

Một thời gian sau khi đã ổn định chuyện làm ăn, con trai bà xin phép Trung tâm để đưa bà vào Nam sinh sống quây quần cùng con cháu. Biết rằng bà không nỡ rời xa ông, sợ mộ ông không có người thường xuyên hương hỏa nên anh nói dối mẹ rằng chỉ đưa mẹ vào chơi một tháng.

“Ai dè nó để tôi trong đó những 9 tháng ròng. Sống cùng con cháu thì đúng là vui thật nhưng cuộc sống trong đó không hợp với tôi, người ở đấy họ nói tiếng khó nghe lắm, có sang chơi tôi cũng không hiểu họ nói gì mà cứ líu lô hết cả. Tôi cũng phải ra ngoài này chăm lo mộ phần chồng nên dứt khoát đòi ra”, bà Sừng tâm sự.

Con trai sợ mẹ sống một mình ngoài Bắc cô đơn nên bằng mọi cách cương quyết giữ mẹ bằng được. Anh bảo rằng nếu mẹ cứ dứt khoát ra ngoài đó thì coi như mẹ không có con và con cũng không còn là con của mẹ nữa. Thế nhưng một khi chí đã quyết, bà bắt con dâu phải đưa bà ra Bắc bằng được. Bà nói với các con rằng:

“Bố mày chết, giờ để ngoài Bắc rồi. Nếu không có ông ấy thì thôi, nhưng ông ấy còn nằm ở đó thì mẹ vẫn phải ra hương hỏa, chăm sóc mộ phần. Những lúc mộ nó lụt lội, sóng gió, gạch ngói vỡ ra thì ai dọn dẹp, chăm sóc”.

Và thế là bà quay trở lại với Trung tâm bảo trợ. Con trai bà vẫn thỉnh thoảng ra Bắc để thăm nom, quà cáp cho mẹ.

Cuộc sống bình yên nơi những cảnh già, hoàn cảnh khó khăn nương tựa vào nhau dù chẳng đủ đầy như khi ở bên con cháu song cảm giác được gần với chồng, dù chỉ là trong tâm tưởng cũng khiến bà Sừng được an ủi phần nào.

Bà vui vẻ với cuộc sống như vậy, được tươi cười rạng rỡ khi thỉnh thoảng lại có những đoàn sinh viên tình nguyện tới thăm hỏi động viên. Bà còn được một ai đó đến thăm rồi tặng cho một chiếc bùa bình an mà đến giờ bà vẫn giữ như báu vật, không bao giờ để nó rời xa khỏi người.

Trước khi chia tay bà, bà ôm chầm lấy chúng tôi mà khuyên: “Các cháu cũng cố mà tìm được một người chồng tốt như ông nhà tôi. Tốt hay xấu là ở lời ăn lời nói, hãy nhìn vào đó để mà đưa ra quyết định. Lấy được người chồng tử tế là hạnh phúc lớn nhất đời của người phụ nữ”.

  • Thanh Thu
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc