Kawashima Yoshiko còn có tên là Kim Bích Huy, là nữ gián điệp nổi tiếng của Nhật Bản hoạt động tại Trung Quốc trong thế chiến thứ nhất. Sau khi Nhật thua trận, Yoshiko bị người Trung Quốc bắt và xử tử hình.
[links()]
Tuy nhiên, sau khi Yoshiko bị xử tử không lâu, người ta bắt đầu đưa ra rất nhiều nghi vấn liên quan tới cái chết của cô, thâm chí có người còn khẳng định Yoshiko chưa bao giờ chết. Cho tới tận ngày nay, cái chết của nữ gián điệp lừng danh Nhật Bản này vẫn còn là đề tài tranh luận của không ít các sử gia…
6 giờ sáng ngày 25/3/1948, Yoshiko đang ngủ trong nhà lao thì bị gọi dậy. Sau đó, cảnh vệ đưa Yoshiko rời khỏi nhà lao. Chỉ đúng một tiếng trước đó, đơn kháng cáo của Yoshiko đã bị bác bỏ.
Ở góc Tây Nam, hai viên cảnh sát của tòa án giữ chặt vai của Yoshiko, ép cô ta quỳ xuống và quay mặt vào tường. Chỉ một lúc sau, một tiếng súng trầm đục vang lên, ngay sau, Yoshiko ngã gục xuống mặt đất, kết thúc cuộc đời của một nữ gián điệp lừng danh.
Cũng một tiếng trước đó, hơn 30 phóng viên của các tờ báo ở Bắc Bình, nơi diễn ra phiên tòa xét xử Yoshiko không quản gió rét tập trung tại cử số 1 nhà lao Bắc Bình. Họ nhận được lời mời của Chính phủ Dân quốc tới đưa tin về vụ tử hình nữ gián điệp Yoshiko.
Kawashima Yoshiko còn có tên là Kim Bích Huy, là nữ gián điệp nổi tiếng của Nhật Bản hoạt động tại Trung Quốc trong thế chiến thứ nhất. |
Tuy nhiên, dẫu họ có cố gắng thuyết phục ra sao, những viên cảnh sát của nhà lao Bắc Bình vẫn nhất định không cho cánh phóng viên vào. Cách đối xử này hoàn toàn khác với những gì đã xảy ra tại phiên tòa xử Yoshiko trước đây. Lẽ nào việc thi hành án một cách lặng lẽ như vậy là có uẩn khúc gì đó?
Trước khi Yoshiko bị hành quyết khoảng nửa năm, vào tháng 10/1947, Chính phủ Quốc dân công bố cáo trạng đối với Yoshiko. Lúc bấy giờ, chính phủ còn mời tất cả những tờ báo lớn ở Bắc Bình tới đưa tin toàn bộ quá trình thẩm vấn tại phiên tòa.
Thậm chí, họ còn liên hệ với công ty điện ảnh mời họ tới quay hẳn một bộ phim tài liệu. Ngày xét xử, rất nhiều người dân Bắc Bình đã chen lấn vào tòa án nhân dân tối cao Hà Bắc để được tận mắt nhìn thấy nữ gián điệp nổi tiếng của Nhật Bản.
Do ngày hôm đó quá đông người, tình hình lộn xộn, quan tòa buộc phải cho lui ngày xét xử lại. Ngày phiên tòa mở lại, tòa án được đặt ngay ngoài trời, những người dân tới tham gia đông như hội.
Vì sao khi xét xử có thể công khai nhưng đến khi hành hình lại nhất quyết không cho phép các phóng tiếp cận dù đã có lời mời? Cánh phóng viên đợi lâu quá, vừa rét vừa bực mình, dùng chân đá thình thình vào cánh cửa nhà ngục.
Những người dân tò mò tìm tới xem hành hình cũng giúp cánh phóng viên đập cửa. Trong khi đó, bên trong nhà lao, Yoshiko đã bị giải tới pháp trường. Sau khi cánh phóng viên nhiều lần thuyết phục, nài nỉ, thỏa hiệp với nhà tù, phía nhà tù vẫn không đồng ý để hơn 30 phóng viên vào bên trong mà chỉ đồng ý cho 2 phóng viên người Mỹ vào.
Khoảng hơn một giờ sau, thi thể của Yoshiko được đưa ra ngoài. Mọi người lập tức chạy lại vây quanh. Ngay lúc đó đã có người cảm thấy nghi ngờ. Thi thể người phụ nữ được đưa ra ngoài máu me bùn đất đầy mặt, không thể nhìn ra đó chính là Yoshiko.
Nghe nói lúc bấy giờ đội hành hình ở Bắc Bình dùng đạn nổ, bắn từ phía sau lưng tới khi ra trước mặt thì nổ khiến mặt mũi không còn nguyên dạng. Sau đó, một tăng nhân Nhật Bản được cha nuôi của Yoshiko nhờ vả đã tới nhà ngục xin được đưa thi thể của Yoshiko đi hỏa táng.
Một ngày sau khi Yoshiko bị tử hình, các tờ báo lớn ở Bắc Bình bên cạnh việc đưa tin Yoshiko bị hành hình còn đăng cả thư kháng nghị của phóng viên lên chính phủ. Trong thư kháng nghị, cánh phóng viên chỉ trích nhà tù Bắc Bình đã ưu ái phóng viên ngoại mà khinh thường phóng viên nội.
Đồng thời, họ cũng đặt ra những nghi vấn đối với việc vụ tử hình Yoshiko được phía nhà ngục thực hiện một cách lén lén lút lút, không quang minh chính đại: “Vì sao lại làm cho mặt tội phạm be bét như vậy, lại còn trát đầy bùn lên, lẽ nào để khiến người ta không thể nhận ra?”
Có những phóng viên còn để ý chi tiết hơn: “Yoshiko lâu nay luôn đóng giả là nam giới nên thường cắt tóc ngắn. Tai phiên tòa xét xử, hình ảnh của cô ta vẫn y như vậy. Tuy nhiên, thi thể được phía nhà giam đưa ra ngoài tóc lại rất dài, có thể quấn một vòng quanh cổ?”
Hàng loạt những câu hỏi, những thắc mắc liên quan tới vụ tử hình nữ gián điệp Yoshiko đã trở thành đề tài bàn tán của tất cả người dân Bắc Bình.
Thi thể của Kawashima Yoshiko sau khi bị xử bắn |
Tuy nhiên, hơn một ngày sau, không chỉ phía Chính phủ Dân quốc không hề có bất cứ động tĩnh nào mà tất cả các tờ báo hôm qua còn chỉ trích một cách kịch liệt, moi móc đủ mọi chỉ tiết thì nay im re. Tuyệt nhiên, người ta không thấy có bất cứ một dòng chữ nào xuất hiện trên báo liên quan tới vụ xử tử Yoshiko nữa.
Những mọi chuyện không phải vì thế mà chấm dứt. Bắt đầu từ đây, ở những nơi đầu ngõ cuối hẻm, người ta bắt đầu truyền tai nhau rằng, Yoshiko thực ra chưa chết.
Ngày 1/4/1948, tức là ngày thứ 6 kể từ ngày diễn ra vụ tử hình Yoshiko. Tờ “Kinh thế Nhật báo” của Bắc Bình đột ngột công bố một thông tin vô cùng giật gân. Bài báo đã tường thuật lại một cách chi tiết cuộc gặp giữa phóng viên tờ báo này với Yoshiko.
Bên trong nội dung còn có nhiều đoạn phỏng vấn mà phóng viên đã thực hiện với Yoshiko. Khi bài báo này xuất hiện, vụ tử hình Yoshiko vốn đã mơ mơ hồ hồ càng trở nên bí hiểm.
Ngày 15/10/1947, tại phiên tòa Yoshiko diễn ra ngoài trời, Yoshiko mặc Tây phục, tóc cắt ngắn, rất bình thản trả lời các câu hỏi của tòa án.
Quan tòa cho rằng, Yoshiko không chỉ lấy nhiều thông tin tình báo của Trung Quốc mà còn can dự vào nhiều sự kiện như thành lập Mãn Châu Quốc,… vì vậy đã tuyên mức án tử hình đối với Yoshiko. Tuy nhiên, trước mức án cao nhất ấy, Yoshiko chỉ lạnh lùng nhấn mạnh lại rằng, mình là người Nhật Bản chứ không phải là “Hán gian”.
Thân thế của Yoshiko là một câu chuyện phức tạp. Yoshiko vốn tên thật là Ái Tân Giác La Hiển Dư, con gái thứ 14 của Túc thân vương Thiện Kỳ nhà Thanh. Yoshiko từ nhỏ đã tỏ ra là một cô bé thông minh lanh lợi, là côn con gái mà Thiện Kỳ yêu thương nhất. Vì thế, năm Yoshiko lên 6 tuổi, Thiện Kỳ quyết định gửi Hiển Dư sang Nhật Bản làm con nuôi của Kawashima Naniwa.
Kawashima Naniwa là người Shinshu, Nhật Bản. Năm 1880, Naniwa thi vào khoa ngoại ngữ của trường Đại học Kyoto. Tới năm 1886, Naniwa sang Thượng Hải, Trung Quốc với nhiệm vụ tìm kiếm thông tin tình báo về biên phòng ở khu vực Hoa Đông Trung Quốc.
Là người tinh thông binh pháp, lại rất giỏi vẽ bản đồ vì thế, những thông tin tình báo mà Naniwa mang về rất được quân Nhật coi trọng. Tới năm 1900, khi 45 tuổi, Naniwa với tư cách là phiên dịch theo liên quân 8 nước tiến vào Bắc Kinh.
Khi liên quân chuẩn bị nã pháo xông vào tử cấm thành thì Naniwa dùng vốn tiếng Trung rất thành thạo của mình dụ hàng quân lính triều Thanh, nhờ vậy, Tử Cấm Thành thoát được trận tàn phá. Thiện Kỳ nghe biết chuyện này, rất thích Naniwa.
Sau khi gặp mặt lần đầu tiên, Thiện Kỳ cảm thấy Naniwa và mình rất tâm đầu ý hợp. Từ đó về sau, Naniwa trở thành một vị khách quý của Túc Vương phủ, có thể tự do ra vào không cần hỏi han.
Tháng 2/1912, Hoàng đế Phổ Nghi bị bức thoái vị, triều Thanh sụp đổ. Trong số 8 vị thân vương phò chính, người trẻ nhất là Túc Vương Thiện Kỳ không thể chấp nhận được chuyện này vì thế từ chối ký vào chiếu thư thoái vị của hoàng đế.
Luôn giương lá cờ “Mãn Mông độc lập”, Naniwa là người cực lực ủng hộ Thiện Kỳ còn Thiện Kỳ vì muốn thực hiện mộng tưởng khôi phục nhà Thanh của mình bèn giao đứa con gái mà mình rất yêu quý cho Naniwa nuôi nấng dạy dỗ, hy vọng có ngày nó sẽ giúp ích cho sự nghiệp “phục quốc” của mình.
Sau đó ít lâu, mới 6 tuổi, Hiển Dư vượt biển sang xứ sở Phù Tang, đồng thời đổi tên theo họ của cha nuôi, trở thành Kawashima Yoshiko.
Ngay từ khi còn rất nhỏ, Naniwa đã đem tư tưởng “Mãn Mông độc lập” nhồi vào đầu Yoshiko. Lúc bấy giờ, ra đình Naniwa là nơi quân phát xít thường xuyên tụ tập, do vậy, ở lâu, tư tưởng chủ nghĩa quân quốc Nhật Bản cũng bắt đầu ngấm vào đầu của Yoshiko.
Năm 1922, Thiện Kỳ qua đời, mới 16 tuổi, Yoshiko lại vượt biển về Trung Quốc. Trong di chúc của mình, Thiện Kỳ dặn dò con gái phải dốc toàn bộ sức lực cho công cuộc phục hồi vương triều Mãn Thanh, trung thành với lý tưởng “Mãn Mông độc lập”.
Sau khi lo tang lễ xong, trở về Nhật Bản, Yoshiko bỗng trở nên trầm ngâm ít nói. Tuy nhiên, điều khủng khiếp nhất với Yoshiko chính là, một năm sau đó, người cha nuôi hơn cô ta 42 tuổi đã cưỡng bức cô. Cùng lúc bị hai cú sốc, Yoshiko từ đó thay đổi hẳn. Cô bắt đầu cắt tóc ngắn, mặc Tây phục giống hệt như đàn ông.
Ngoài ra, Yoshiko còn cố gắng học cưỡi ngựa, bắn súng, lái xe thậm chí là lái máy bay, sau đó còn học tiếng Anh, tiếng Nga và cả tiếng địa phương các vùng của Trung Quốc. Được Naniwa bồi dưỡng, Yoshiko nhanh chóng thành thạo tất cả các kỹ năng để trở thành một gián điệp.
Tại phiên tòa, Yoshiko bám chặt lấy việc Naniwa đã nhận nuôi mình, nhất định nhận mình là người Nhật Bản chứ không phải là người Trung Quốc vì thế, Chính phủ Dân quốc không có quyền xử tội cô ta.
Tuy nhiên, Chính quyền Dân quốc thì lấy lý do rằng, Naniwa chưa bao giờ làm thủ tục chính thức nhận nuôi Yoshiko, vì thế không có bất cứ bằng chứng nào chứng minh Yoshiko là người Nhật Bản. Cuối cùng, tòa án quyết định xử tội Yoshiko như một người Trung Quốc chứ không phải là người Nhật Bản.
Ngày 15/10/1947, tòa án tuyên án Yoshiko phạm tội “Hán gian” và “gián điệp” với mức án cao nhất là tử hình. Tuy nhiên, tại thời điểm tòa tuyên án, Yoshiko hoàn toàn không biểu lộ chút tình cảm kinh sợ nào.
Khi cảnh vệ dẫn Yoshiko rời khỏi tòa án, cách gián điệp này còn để lộ một nụ cười mỉm rất bí hiểm. Nụ cười bí hiểm của Yoshiko sau khi bị tuyên án tử hình là rất không bình thường và được rất nhiều người để ý. Khi đó, người ta đã từng bàn tán xôn xao về thái độ của Yoshiko.
Sau khi Yoshiko bị xử tử vài ngày, có một người tên là Lưu Phượng Trinh tới báo án. Lưu Phượng Trinh nói rằng, mẹ ruột của mình mất tích, còn nói, chị gái của mình là Lưu Phượng Linh là thế thân của Yoshiko.
Theo lời kể của Lưu Phượng Trinh thì chị gái của cô ta khi ở trong ngục đã bị bệnh dạ dày rất nặng không còn khả năng trị khỏi. Vì thế, mẹ của cô ta đã mang chị gái cô ta bán lấy 10 nén vàng, biến chị gái của mình trở thành vật thế thân cho một tội phạm bị tuyên án tử hình.
Người ta nói rằng, Lưu Phượng Linh khá giống với Yoshiko, lại biết nói tiếng Nhật và là người con rất hiếu thuận, nói rằng, dẫu sao cũng chẳng còn sống được bao lâu nữa, chi bằng dùng tính mạng của mình đổi lấy 10 nén bạc cho mẹ an dưỡng tuổi già.
Cai ngục hứa hẹn 10 nén vàng nhưng sau khi sự việc xong xuôi lại chỉ đưa có 4 nén. Mẹ của Lưu Phượng Linh mới đi tìm cai ngục để đòi thì mất tích, tới nay vẫn chưa thấy trở về.
Vụ tử hình Yoshiko càng ngày càng trở nên lớn chuyện, báo chí lẫn người tranh cãi không ngừng, mũi dùi dư luận liên tục chĩa vào Chính phủ Dân quốc. Nếu như những gì đồn đại là có thực thì có thể nói đây là vụ scandal lớn của tư pháp Chính phủ Dân quốc.
Do bị áp lực của dư luận, Chính phủ Quốc dân vội vàng lên báo thanh minh, kiên quyết phủ nhận không có chuyện có người đi cửa sau để phóng thích Yoshiko.
Vị phóng viên của tờ “Kinh thế Nhật báo” cũng vội vàng lên thanh minh, nói rằng, do hôm đó mình bất mãn với cách cư xử của nhà tù nên vào ngày cá tháng tư mới cho đăng bài đó để “đùa một chút”.
Cũng cùng lúc đó, cô gái có tên Lưu Phượng Trinh, sau khi ném “quả bom” thông tin về Yoshiko cũng đã biệt tăm biệt tích trong khi dư luận còn đang tranh cãi không ngớt về thông tin cô ta đưa ra.
Tuy nhiên, những nghi vấn và tranh luận về cái chết của Yoshiko chỉ giống như một cơn bão mạnh thổi qua nhưng sau đó cũng bắt đầu chìm xuống. Khi dân chúng bắt đầu chuyển mối quan tâm của mình vào những vấn đề khác thì vẫn có một bộ phận người dân tin rằng, Yoshiko chưa bao giờ chết.
Đáng nói là những lời đồn về Yoshiko sau đó đều có căn cứ rất chắc chắn. Thầy giáo gia đình của Yoshiko ở Nhật Bản đã đưa ra một suy đoán rằng: “Khi tôi nghe nói rằng, tóc ở tai của người chết rất dày thì tôi lập tức tôi đã đoán rằng đó nhất định không phải Yoshiko mà là thế thân”.
Anh trai của Yoshiko là Kim Hiến Lập trong cuốn hồi ký của mình cũng từng nói: Túc thân vương có lãnh địa ở vùng Đông Bắc gần Mông Cổ. Sau khi Yoshiko bị tử hình không lâu, người trông giữ lãnh địa này từng gọi điện cho ông ta.
Trong cuộc nói chuyện lần đó, người trông giữ lãnh địa này đã ngầm thông báo với ông ta rằng, Yoshiko đã tới nơi an toàn, chuẩn bị xuất cảnh.
Ngày 15/8/1945, Nhật Bản tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Yoshiko ở trong nơi ẩn nấp của mình ở Bắc Bình không dám ra ngoài, hàng ngày chỉ bật radio lên để nghe ngóng tình hình. Ngày 22/8, Phổ Nghi chuẩn bị lên máy bay chạy tới Nhật Bản thì bị Hồng quân Liên Xô bắt sống.
Yoshiko nghe tin này qua radio đã kinh hoàng khóc lên khóc xuống. Sau đó không lâu, hai tờ bố cáo của Quốc dân Đảng đem lại cho Yoshiko một chút hy vọng. Bố cáo tuyên bố, để cho quân Nhật đã giải giáp và quân đội Mãn Châu Quốc duy trì trị an tại địa phương.
Quả nhiên, ngay ngày hôm sau, người ta thấy quân Nhật và quân đội Mãn Châu Quốc xuất hiện đầy đường phố Bắc Bình. Ngay sau đó, thông tin Chu Phật Hải, phó chủ tịch của chính phủ Uông Tinh Vệ đã được Tưởng Giới Thạch phong làm Tư lệnh Cảnh bị.
Thông tin này khiến những người trước kia theo quân Nhật nhảy cẫng lên vì sung sương, nghĩ rằng, biết đâu mình sẽ trở thành một “nhân viên hoạt động ngầm”, không những tránh được tai họa mà còn được đổi đời.
Yoshiko cho rằng, mình ở Trung Quốc đã lâu, quan hệ cũng không ít, vì vậy cũng hy vọng rằng mình sẽ được đứng vào hàng ngũ những nhân viên “hoạt động ngầm”.
Tới ngày 11/10/1945, Bắc Bình bị khống chế hoàn toàn, tướng quân Tôn Liên Trọng chỉ huy chiến khu 11 mở tiệc to cho mời toàn bộ những “nhân viên hoạt động ngầm” tại Bắc Bình tới dự. Yoshiko cũng là một trong số những người được mời.
Trong bữa tiệc đó, Yoshiko đã uống cho tới tận khi say mèm mới quay về nhà. Tuy nhiên, ngay đêm hôm đó, Tôn Liên Trọng đã ra lệnh bắt Yoshiko. Việc điều tra cũng bắt đầu từ hôm đó. Sau hai tháng thẩm vấn, tòa án đã tuyên án Yoshiko mức án tử hình.
Tuy nhiên, lúc bấy giờ, Yoshiko không hề từ bỏ ham muốn được sống. Yoshiko đã viết thư cho Naniwa, mong ông ta nhanh chóng gửi chứng minh hộ tịch từ Nhật Bản sang. Naniwa nhanh chóng trả lời thư tuy nhiên lại không nói rõ Yoshiko có quốc tịch Nhật Bản.
Tòa án cuối cùng đã phán quyết Yoshiko là người Trung Quốc. Một người từng hết lòng hết sức phụng sự nước Nhật, nay lại bị những người “đồng chí” của mình bỏ rơi.
Như vậy, nếu như Yoshiko đúng là có người cứu thoát thì người đó chắc chắn không phải là Naniwa, cũng không phải là người Nhật. Vậy, ai mới là người có thể cứu Yoshiko? Trả lời câu hỏi này, phải bắt đầu từ hoạt động gián điệp của Yoshiko.
Cuối năm 1931, quân Quan Đông Nhật Bản phái người bí mật đưa Phổ Nghi từ Thiên Tân tới Đông Bắc. Do di chuyển quá vội, người ta đã không kịp đem theo Hoàng hậu Uyển Dung. Quân Nhật Bản quyết định phái Yoshiko, người vốn từng có thân phận cách cách tới cứu Hoàng hậu Uyển Dung.
Sau đó không lâu, một cô gái còn rất trẻ xuất huyện trước cửa Tịnh Viên khóc lóc nói rằng, mẹ của cô ta làm công trong Tịnh Viên bệnh nặng sắp chết, cô ta muốn vào gặp mẹ lần cuối.
Sau đó, Yoshiko đã đem Hoàng hậu Uyển Dung giấu vào trong cỗ quan tài mà cô ta đem vào, rồi viện cớ phát tang cho mẹ, mang quan tài ra khỏi Tịnh Viên.
Nhờ có sự giúp sức của Yoshiko, Hoàng hậu Uyển Dung cuối cùng đã về tới Trường Xuân thuận lợi. Có thể nói, trong lần giải cứu Hoàng hậu Uyển Dung này, Yoshiko đã có công lớn đối với Hoàng đế Phổ Nghi cũng như hoàng tộc.
Nay Yoshiko gặp nạn, hoàng tộc Ái Tân Giác La rất có thể sẽ nghĩ cách để cứu cô ta. Anh trai của Yoshiko, Kim Hiến Lập cũng từng nói trong hồi ký rằng: “Lúc bấy giờ, vợ của Tôn Liên Trọng, chỉ huy chiến khu 11 đóng tại Bắc Bình có mối quan hệ huyết thống với hoàng tộc nhà Thanh.
Tôi quyết định thông qua mối quan hệ này để cứu Yoshiko. Tôn phu nhân nói: ‘Khi hành quyết, có thể dùng vật thế thân để cứu mạng Yoshiko. Tuy nhiên, cần phải có khoảng 100 nén vàng mới có thể giải quyết được việc này’”.
Như vậy, Hoàng tộc Ái Tân Giác La là những người đầu tiên có khả năng sẽ tìm cách cứu Yoshiko. Và, ngoài dòng họ Ái Tân Giác La, còn ai có thể ra tay cứu cô Cách Cách gián điệp Yoshiko?
(Còn nữa)
- Hà Phương