Nhiều người nghĩ rằng chỉ cần là cha mẹ hy sinh tất thảy cho con thì hẳn là con sẽ hiếu thảo. Nhiều người nghĩ cha mẹ chu toàn lo xa, tỉ mỉ toan tính từng bước cho con sao con lại không bằng đứa con nhà nghèo. Nhiều người nhìn vào thấy cha mẹ cứ "tửng tưng tưng", tưởng như hời hợt mà sao con lại rất tự lập thành tài. Ngược lại nhiều người "đo ni đóng giày" chọn trường cho con, tỉ mỉ sát sao từng bước con đi mà sao cuối cùng nhận về là chuỗi ngày cay đắng, thường xuyên phải đi xử lý hậu quả bởi những sai lầm liên tiếp của con. Vậy bất công ở đâu, nghịch lý do đâu?
1. Cha mẹ chu toàn làm hết mọi thứ nên con chẳng còn gì để thực hành
Cuộc sống chúng ta, mỗi người mạnh mẽ, có kinh nghiệm bản lĩnh đều phải là tự mình trải qua thực tế cuộc sống. Cuộc sống không thể thành công khi chỉ có lý thuyết suông. Giống như con chim đại bàng muốn bay thì phải tự lao mình vào không trung, chứ không phải đứng im rồi nói lý thuyết. Hơn nữa mẹ đại bàng nếu lúc nào cũng sợ con tập bay sẽ rơi xuống vách không dám cho bay thì cả đời đại bàng có khi không bao giờ biết bay nữa.

Cha mẹ nuôi con cũng vậy. Muốn con tự lập, vững vàng thì phải cho con làm việc của con, cho con quyết định việc của con, cho con đứng lên từ sai lầm. Còn nếu cha mẹ chu toàn làm hết thay con, lo cho con từng tí, con chưa kịp nói cha mẹ đã vạch ra cho nói thì con sẽ là một cái máy thực hiện câu lệnh theo ý cha mẹ. Như thế con rời cha mẹ ra sẽ không là gì, không là ai cả, không làm được gì thậm chí không nuôi nổi chính mình.
Bởi thế cha mẹ chu toàn quá không phải đã tốt cho con mà đó chính là tước đi của con quyền được trưởng thành.
2. Cha mẹ bày tiệc sẵn cho con, con thiếu động lực
Con người luôn cảm thấy sung sướng khi tự làm ra tiền, tự tiêu tiền của mình. Một em bé luôn đòi hỏi tự cầm ăn hơn là được cha mẹ đút cho. Thế nhưng nhiều cha mẹ lại luôn bày tiệc sẵn cho con từ nhỏ tới lớn, nghĩ đó là yêu thương, đôi khi là để cha mẹ làm cho nhanh, cho hoàn thiện.
Nhưng nào ngờ đó lại là tước đi cảm giác thích thú của con, làm con mất động lực. Dần dần con sẽ mất đi tinh thần chiến đấu, trở nên chây lì và có thói quen được "bưng tận miệng", cha mẹ lo hết mọi chuyện.

3. Cha mẹ bảo bọc quá con khó thích nghi
Trong nhà và xã hội rất khác nhau. Cha mẹ dạy có thể khác xã hội dạy. Thế nên nếu lúc nào cha mẹ cũng bảo bọc con thì khi ra ngoài đời con khó thích nghi.
Nếu con chưa từng được rèn luyện khả năng ứng phó với khó khăn, con sẽ dễ hoảng loạn, mất phương hướng khi đối mặt với thực tế. Không ít bạn trẻ ngày nay học giỏi, bằng cấp cao nhưng lại thất bại khi bước vào đời, vì không có kỹ năng giải quyết vấn đề, giao tiếp hay thậm chí là xử lý cảm xúc cá nhân. Do đó cha mẹ đừng quá bảo bọc con, hãy cho con được tách khỏi cha mẹ, để con được rèn luyện.
4. Cha mẹ quá giỏi nên con thành kém cỏi
Cha mẹ quá chu toàn, quá giỏi cáng đáng không để cho con "nhúng chân" vào việc gì thì con làm gì còn cơ hội để trải nghiệm rèn luyện, để thể hiện bản thân. Đôi khi cha mẹ làm mọi việc quá hoàn hảo nên thấy con làm thì "ngứa mắt", sẵn sàng làm thay con mọi thứ. Thế nên dần dần khiến con bị thui chột. Vì thế cha mẹ nên nhớ khi mới bắt đầu, con có thể vụng về nhưng làm rồi mới quen, người xưa đã nói trăm hay không bằng tay quen. Bởi vậy cha mẹ muốn con giỏi thì phải chấp nhận để con sai và được sửa sai.
5. Cha mẹ không biết buông tay, con làm sao biết nắm giữ
Nếu cha mẹ cứ nắm chặt mọi thứ thì tay con còn biết nắm thứ gì. Bởi thế yêu thương con không có nghĩa là làm mọi việc thay con, chỉ vì để không sai sót mà là hãy hướng dẫn, đồng hành tin tưởng và trao quyền cho con theo từng độ tuổi.
Cha mẹ cần buông xuống dần những trách nhiệm của mình để con dần tự nắm lấy tự chịu trách nhiệm cho bản thân.
Khi con tự chịu được trách nhiệm cho chính mình, con mới hiểu được ý nghĩa những việc cha mẹ làm, con mới thực sự biết trân trọng cuộc đời, mới không đòi hỏi cha mẹ phục vụ mình.
Tóm lại yêu thương con và nuôi dạy con đúng cách là điều mà cha mẹ nào cũng cần phải học. Tình cảm cha mẹ dành cho con tự nhiên như máu huyết chảy trong mình. Nhưng để dạy con đúng, yêu con đúng thì cha mẹ cũng cần phải học.