Sự thật chuyện bình ổn thị trường, không bình ổn giá vàng

17:38, Thứ tư 26/06/2013

( PHUNUTODAY ) -

(Đời sống) Mục tiêu xuyên suốt của NHNN trong việc quản lý thị trường vàng là chỉ nhằm bình ổn thị trường chứ không bình ổn giá. Bình ổn thị trường sẽ giúp cho giá vàng không biến động lớn, không bị ảnh hưởng của giá vàng thế giới, không xảy ra đầu cư, tích trữ, mua bán ồ ạt, người dân không bị rủi ro.
[links()]
Tuy nhiên thực tế nhiều ngày gần đây, khi giá vàng thế giới lao dốc, thị trường vàng trong nước đã có nhiều xáo động. Người thì mất của, kẻ chen lấn xếp hàng mua...

Mục tiêu của NHNN là bình ổn thị trường, không bình ổn giá
 
Ngay từ khi bắt tay vào công cuộc quản lý thị trường vàng, đặc biệt là sau khi Nghị định 24 có hiệu lực, đã không ít lần, đại diện NHNN nhấn mạnh: mục tiêu là bình ổn thị trường vàng chứ không phải bình ổn giá.

Vào tháng 4/2013, trong một cuộc trả lời trước báo chí, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối- NH Nhà nước, ông Nguyễn Quang Huy đã khẳng định: "Mục tiêu của NHNN là tăng cung vàng miếng trên thị trường để can thiệp bình ổn thị trường vàng, không nhằm bình ổn giá vàng và đặc biệt là không bù lỗ cho bất cứ đối tượng nào trên thị trường".
Tiếp đó, sau khi kết thúc một phiên đấu thầu vàng, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định thêm một lần nữa: “Mục tiêu của chúng tôi là bình ổn thị trường chứ không chạy theo bình ổn giá, không dùng cách thức bù giá để ép giá xuống. Giá vàng là do thị trường tự điều chỉnh”.
 

Mục tiêu của NHNN là bình ổn thị trường, không bình ổn giá
Mục tiêu của NHNN là bình ổn thị trường, không bình ổn giá


Tại cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ chiều 26/4/2013, Phó thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, NHNN can thiệp thị trường vàng là nhằm mục tiêu ổn định thị trường, chứ không phải ổn định giá.
 
Vào đầu tháng 5/2013, trả lời trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời, Thống đốc Bình nhấn mạnh: "Ngay cả trong các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt trong Luật Ngân hàng Nhà nước cũng như là trong Nghị định 24 mới nhất về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, thì cũng đã nêu rõ mục tiêu của chúng ta là mục tiêu ổn định thị trường chứ không có mục tiêu ổn định hay là làm cho giá vàng trong nước hay giá vàng thế giới thu hẹp lại. Điều đó xuất phát từ chính lý luận về tiền tệ cũng như là thực tiễn trong suốt thời gian vừa qua"
 
Như vậy có thể nói, nội dung, tư tưởng, mục đích xuyên suốt của NHNN từ khi bắt đầu quản lý thị trường vàng đến nay là chỉ bình ổn thị trường, không nhằm bình ổn giá.
 
Bình ổn thị trường là không biến động, mua bán ồ ạt, người dân không rủi ro
 
Giải thích rõ hơn về mục tiêu bình ổn thị trường, không nhằm bình ổn giá, trong buổi giải trình trước Quốc hội vào cuối tháng 5/2013, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết: "Nhiệm vụ bình ổn thị trường không nhằm bình ổn giá đã khiến thị trường vàng hoạt động ổn định, hoạt động đầu cơ bị đẩy lùi, thị trường vàng không còn ảnh hưởng mạnh tới thị trường ngoại hối như trước đây, tỷ giá ổn định, lạm phát được kiềm chế.
 
Chính chênh lệch giá vàng cao ở những thời điểm nhất định và hoạt động can thiệp theo hình thức đấu giá của Ngân hàng Nhà nước đã giữ cho giá vàng trong nước và thị trường vàng trong nước ổn định trước những biến động bất thường của giá vàng thế giới, đã làm mất đi động lực đầu cơ, làm giá, tạo sóng kiếm lời của giới đầu cơ, và do vậy góp phần kiềm chế "vàng hóa" nền kinh tế"
 
Còn trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời diễn ra vào tháng 5/2013, Thống đốc Nguyễn Văn Bình tiếp tục diễn giải: "Nếu như trước đây, chúng ta điều chỉnh ngay giá vàng trong nước theo giá vàng thế giới thì sẽ tạo ra làn sóng đầu cơ về vàng rất lớn. Như vậy, nhất định sẽ tạo ra hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng, tỷ giá bị ảnh hưởng. Thế nhưng điều đó không xảy ra ở Việt Nam. Vì sao? Bởi vì giá trong nước vẫn có ổn định tương đối cho nên làm cho động cơ để đầu cơ vào vàng khi biến động không còn hấp dẫn như trước đây nữa. Đó là cái mà Nghị định 24 đã làm được".
 

Sự lao dốc của giá vàng đã khiến nhiều người không khỏi đứt ruột khi mất đi một số tiền lớn (Ảnh VNE)
Sự lao dốc của giá vàng đã khiến nhiều người không khỏi đứt ruột khi mất đi một số tiền lớn (Ảnh VNE)


Cũng theo Thống đốc Bình, giữa thị trường ngoại hối trong nước và thị trường ngoại hối nước ngoài là không liên thông. Vàng về bản chất là ngoại tệ, vì chúng ta không sản xuất vàng mà vàng là nhập khẩu. Do vậy nếu một bên mà thị trường ngoại tệ không liên thông mà chúng ta lại để cho thị trường vàng liên thông thì chính chúng ta làm cho tỷ giá bị chao đảo theo giá vàng thế giới.
 
Trước đó, vào hồi tháng 4/2013, Phó Thống đốc Lê Minh Hưng cũng từng lý giải mục tiêu của NHNN trong việc quản lý thị trường vàng: "Mục tiêu ưu tiên là ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và hoạt động bình thường của thị trường ngoại tệ. Từ khi triển khai Nghị định 24/2012/NĐ-CP, tuy có chênh lệch giá nhưng cơn sốt vàng, diễn biến tỷ giá và hoạt động thị trường ngoại tệ hết sức ổn định, đây là một trong những yếu tố then chốt để ổn định vĩ mô".
 
Vàng sụt giảm, người xếp hàng mua, người khóc ròng vì mất lớn
 
Những ngày vừa qua, người dân chứng kiến sự sụt giảm mạnh mẽ của giá vàng trong nước và thế giới. Từ mức trên 41 triệu đồng/ lượng, đến ngày 25/5, giá vàng trong nước đã ở ngưỡng trên 38 triệu đồng và có sự lên xuống rất bất thường.
 
Cũng chính sự lao dốc của giá vàng đã khiến thị trường phản ứng mạnh trong việc mua bán, nhiều người không khỏi đứt ruột khi mất đi một số tiền lớn.

Có ý định mua nhà và bắt đầu đi tìm từ giữa năm ngoái, anh Hoàng ở Cầu Giấy lúc đó rất tự tin với 110 lượng vàng tích trữ của mình. Tuy nhiên, quá trình tìm nhà dài hơn dự kiến. Cứ mỗi tháng trôi qua, số vàng của anh lại "ngót" đi một chút vì giá giảm dần từ giữa năm ngoái đến nay. Lúc anh dự định mua nhà, 110 lượng trị giá 5,06 tỷ đồng. Nay khi vàng xuống dưới 39 triệu đồng, khối tài sản trên chỉ còn trên 4,2 tỷ.
Hay chị Thư, nhân viên một cơ quan truyền thông ở Hà Nội cũng ngậm ngùi khi giá vàng giảm. Sáng 25/6, hai vợ chồng chị sẽ phải thanh toán tiền mua một chiếc ôtô giá 600 triệu đồng. Không có đủ tiền mặt, chỉ đành bán 5 lượng vàng SJC để dành lâu nay. Số vàng này chị mua lúc giá 42 triệu đồng, nay bán lỗ tổng thiệt hại 20 triệu đồng.
 
Cũng giống chị Thư, anh Hiếu ở Văn Miếu, Hà Nội cho biết vào tháng 4/2013 vừa rồi, anh chen chúc hai tiếng đồng hồ mới mua được 2 lượng vàng giá 41 triệu đồng.
 
Thế nhưng, sáng 25/6 khi giá vàng còn 38,6 triệu đồng một lượng, anh Hiếu chỉ biết gói gọn cảm xúc bằng một từ "đau".
 
Trong khi nhiều người dân đứt ruột vì mất trắng một khoản tiền lớn do giá vàng sụt giảm, thì tại các cửa hàng kinh doanh vàng lại chứng kiến cảnh người dân ồ ạt kéo đến, xếp hàng để tranh thủ mua vàng khi giá còn đang rẻ.
 
Tại Công ty SJC, người mua vàng đã xếp hàng vòng trong vòng ngoài chờ tới lượt. Đa số đều bày tỏ quan điểm: thấy giá rẻ nên tranh thủ mua chờ giá lên lướt sóng.
 
Hơn nữa, lãi suất huy động hiện nay quá thấp, gửi tiết kiệm cũng không lời lãi bao nhiêu, do vậy chuyển qua mua vàng để kiếm chênh lệch giá. Theo một nhân viên của SJC, số lượng khách hàng đến giao dịch tăng gấp 4 - 5 lần so với ngày thường.
 
Còn tại Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc kinh doanh cũng xác nhận, lượng khách đến mua vàng cũng tăng gấp 5-6 lần so với ngày thường.
 
Trong khi đó, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, giá vàng thế giới sẽ tiếp tục giảm về ngưỡng 1.200 USD/oz, kéo giá vàng trong nước cũng sẽ giảm theo. Mặt khác, thời điểm tất toán trạng thái vàng vào ngày 30/6 đã gần kề, và thêm một lý do nữa, nhiều khả năng giá vàng sẽ giảm. Thậm chí, một số chuyên gia còn khẳng định, giá vàng sẽ xuống mốc 30 triệu đồng/ lượng sau ngày 30/6.
 
Khi giá vàng sát mốc 38 triệu đồng/ lượng, người dân đã không ngại mưa nắng, xếp hàng đứng mua. Vậy giả sử, khi giá vàng về mốc 30 triệu đồng/lượng ngang với giá thế giới thì người dân sẽ ồ ạt mua vào hay ồ ạt bán ra? Và thị trường có được bình ổn khi giá như vậy?

 
Đại biểu Quốc hội lo ngại về quản lý, điều hành thị trường vàng
 
ĐB Trần Thị Diệu Thúy (đoàn TP HCM) bày tỏ băn khoăn: “NHNN đang như đi buôn vàng chứ không phải đang quản lý thị trường vàng”.
 
“Sự đạt được của NH so với thiệt hại nhân dân đang gánh chịu thì cái gì lớn hơn? Bất bình của người dân đối với cách quản lý vàng là nhiều hơn chứ chưa thấy cái được. Rào cản gì khiến giá vàng trong – ngoài nước không kéo lại với nhau. Sau gần 20 phiên đấu thầu, giá vàng lại kéo giãn ra? Tại sao NHNN lại ấn định giá vàng để đấu thầu mà không theo giá thị trường? Vàng thế giới là 36 triệu đồng/lượng mà NHNN lại đặt khởi điểm là 41 triệu đồng/lượng. Đấu thầu chênh lệch vậy thì ai hưởng lợi?” - đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (đoàn TP HCM) đặt câu hỏi.
 
Trong khi đó, đại biểu Trần Ngọc Vinh khẳng định: "Không nên để NH độc quyền mà nên mở rộng. Quốc hội đã có nghị quyết cố gắng giá vàng trong nước và thế giới tiếp cận gần nhau. Thế nhưng, Nghị quyết và trên thực tế vênh nhau rất xa".
  • (Theo ĐVO)

 

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc