Sự thật việc Trung Quốc xây Trung tâm cảnh báo sóng thần

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - "Nếu việc lắp đặt thiết bị nằm trong các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển thì phải có sự chấp thuận của quốc gia đó" - PGS.TS. Nguyễn Bá Diến, Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu khoa học Biển và Hải đảo, Giám đốc Trung tâm Luật biển và Hàng hải quốc tế, Chủ nhiệm Bộ môn Luật Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trung tâm cảnh báo sóng thần Biển Đông làm gì?

Tháng 05/2008, Trung tâm dự báo môi trường biển (Trung Quốc) đề xuất xây dựng Hệ thống cảnh báo và giảm nhẹ thiên tai sóng thần khu vực Biển Đông tại Hội nghị liên Chính phủ lần thứ 07 của Ban phía Tây Thái Bình Dương (Ủy ban Hải dương học liên Chính phủ -Intergovernment Oceanographic Commission - IOC, trực thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc - UNESCO).

Đề xuất này đã được đệ trình lên Nhóm hợp tác liên Chính phủ của hệ thống cảnh báo và ngăn chặn thiên tai sóng thần Thái Bình Dương (ICG/PTWS), một cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực nghiên cứu sóng thần của Ủy ban Hải dương học liên Chính phủ.

Các quốc gia khu vực Biển Đông đã có nhiều cuộc họp (chính thức và không chính thức) bàn về vấn đề này. Hai cuộc họp chính thức được tiến hành dưới sự chủ trì của đại diện Ủy ban Hải dương học liên Chính phủ  của  UNESCO và với sự tham gia của tất cả các quốc gia khu vực Biển Đông.

Cuộc họp chính thức lần thứ nhất diễn ra tại Trung Quốc vào tháng 12/2011, tuy nhiên, cuộc họp này các bên mới chỉ đặt vấn đề, xem xét Báo cáo Tổng quan về hệ thống cảnh báo và giảm nhẹ thiên tai sóng thần ở khu vực Biển Đông do Trung tâm dự báo môi trường biển quốc gia (Trung Quốc) đề xuất và chưa đưa ra bất cứ quyết định hay khuyến nghị nào.

Theo Báo cáo này, trung tâm cảnh báo và giảm nhẹ thiên tai sóng thần ở Biển Đông sẽ theo dõi khu vực tiếp giáp 9 nước Biển Đông, biển Sulu và biển Celebes.

Khu vực theo dõi của Trung tâm cảnh báo và giảm nhẹ thiên tai sóng thần (khu vực màu xanh)

 

Bản đồ lịch sử phân bổ các trận sóng thần tại khu vực Biển Đông từ năm 2000 trước Công nguyên

Cuộc họp chính thức lần thứ hai diễn ra tại Malaysia vào tháng 10/2012. Trong cuộc họp này, nhóm làm việc liên Chính phủ (SCS-WG) đã đưa ra một số kết luận chính như sau:

Thứ nhất, nhóm làm việc cũng đồng ý đổi tên Trung tâm cảnh báo sóng thần Biển Đông thành Trung tâm tư vấn sóng thần Biển Đông (SCSTAC) bởi vấn đề cảnh báo và giảm nhẹ hoàn toàn khác với việc chia sẻ nền thông tin, dữ liệu.

Thứ hai, thành lập Nhóm thực thi nhiệm vụ SCS-WG (SCS-WG Task Team) trong việc thiết lập SCSTAC với Điều lệ đã được các bên chấp thuận. Theo đó, Nhóm thực thi sẽ hỗ trợ thiết lập Trung tâm tư vấn sóng thần Biển Đông ( SCSTAC) cho đến khi trung tâm có khả năng tự mình cung cấp dịch vụ.

Nhóm bao gồm đại diện các quốc gia thành viên của ICG/PTWS-WG-SCS (Brunei, Trung Quốc, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam), các chuyên gia được mời tham gia, đại diện của PTWC (Mỹ) và NWPTAC (JMA, Nhật). Chủ tịch và Phó Chủ tịch sẽ được quyết định thông qua bầu cử;

Thứ ba, Chức năng của Trung tâm tư vấn sóng thần Biển Đông (CSTAC), là: 1) Cung cấp sản phẩm cảnh báo sóng thần; 2) Phổ biến sản phẩm cảnh báo sóng thần; 3) Đào tạo, giáo dục giảm nhẹ rủi ro sóng thần.

Việc xây dựng Trung tâm cảnh báo sóng thần đòi hỏi phải có các văn phòng, chuyên gia kỹ thuật, cơ sở vật chất cứng và mềm, quy trình tiến hành chuẩn, hệ thống thông tin liên lạc hiện đại và các hỗ trợ tài chính ổn định.

Về nguyên tắc, tất cả các quốc gia khu vực Biển Đông sẽ cân nhắc, thảo luận kỹ việc xây dựng và tiến hành trung tâm cảnh báo sóng thần, tuân theo quyết định và chấp thuận của IOC. Tuy nhiên, Trung tâm dự báo môi trường biển (Trung Quốc) được chấp thuận là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc điều phối SCSTAC, dưới sự hướng dẫn của Nhóm thực thi nhiệm vụ SCS-WG;

Thứ tư, Nhóm làm việc đã đồng ý sửa đổi khoản 2.2.1 và 2.2.2 của đề xuất bao gồm thêm nội dung: "có sự đồng ý, chấp thuận của chính phủ liên quan nếu việc đặt phao sóng thần trong các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển, đồng thời xóa bỏ thuật ngữ triển khai đảo (island deployments) tại quy định về mực nước biển.

Vị trí các phao sóng thần đang hoạt động (màu đỏ) và đề xuất (màu trắng)

Thứ năm, Trung tâm tư vấn về sóng thần sẽ được phát triển trong khung chương trình của ICG/PTWS. Các kế hoạch công việc trước tiên sẽ phải được ICG/PTWS thông qua.;

Thứ sáu, Các quốc gia trong Nhóm làm việc cũng như các quốc gia ven biển được khuyến khích chủ động, tích cực tham gia và đóng góp cho việc thiết lập Hệ thống cảnh báo và ngăn chặn thảm họa sóng thần liên quốc gia, trong khuôn khổ của ICG/PTWS. Có thể mời các quốc gia bên ngoài khu vực Biển Đông cùng tham gia xây dựng hệ thống.

Ngày 12/9/2013, phương án khung xây dựng hệ thống cảnh báo và giảm nhẹ thiên tai sóng thần ở Biển Đông do Trung Quốc đề xuất được thông qua tại Hội nghị lần thứ 25 của ICG/PTWS, diễn ra tại Vladivostok, Liên bang Nga.

Việt Nam, Philllipines... có quyền quyết định

Công ước Luật biển 1982 không có quy định trực tiếp về định nghĩa "nghiên cứu khoa học biển" (mặc dù vấn đề này đã được đưa ra thảo luận tại Hội nghị), tuy nhiên, đã dành riêng một phần - Phần XIII (từ Điều 238 đến Điều 265) - để quy định về việc nghiên cứu khoa học biển.

Qua việc tìm hiểu các quy định của Công ước về nghiên cứu khoa học biển và chức năng, nhiệm vụ, hoạt động của Ủy ban Hải dương học liên chính phủ, có thể thấy vấn đề thành lập trung tâm cảnh báo sóng thần là một nội dung của nghiên cứu khoa học biển, chịu sự điều chỉnh của pháp luật quốc tế về lĩnh vực này.

PGS.TS. Nguyễn Bá Diến, Chủ tich Hội đồng Viện Nghiên cứu khoa học Biển và Hải đảo; Giám đốc Trung tâm Luật biển và Hàng hải quốc tế; Chủ nhiệm Bộ môn Luật Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.
 

Về cơ bản, căn cứ quy định của luật biển quốc tế hiện đại và Bản đề xuất thành lập Trung tâm cảnh báo và giảm nhẹ thiên tai sóng thần khu vực Biển Đông (đã chỉnh sửa và thông qua trong cuộc họp tháng 10/2012), Bản đệ trình lên Hội nghị lần thứ 25 của ICG/PTWS, các văn kiện của Hội nghị lần thứ 25 của ICG/PTWS, có thể kết luận như sau:

Trung Quốc là quốc gia đề xuất xây dựng Trung tâm cảnh báo và ngăn chặn thiên tai sóng thần khu vực Biển Đông, có đóng góp nhiều về nhân lực và tài chính, được giao chịu trách nhiệm và điều phối chung trung tâm theo sự hướng dẫn của Nhóm thực thi nhiệm vụ (Nhóm này có đại diện của các quốc gia khu vực Biển Đông (trong đó có Việt Nam), các chuyên gia được mời tham gia, đại diện của Mỹ, Nhật);

SCSTAC được xây dựng với mục đích nghiên cứu khoa học (và chỉ được phép xây dựng với mục đích nghiên cứu khoa học biển), đặt dưới sự quản lý chung của IOC và tuân theo các quy định của pháp luật quốc tế; Quá trình xây dựng, lắp đặt các thiết bị và vận hành Trung tâm sẽ do các quốc gia trong khu vực thỏa thuận và quyết định;

Nếu việc lắp đặt thiết bị nằm trong các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển thì phải có sự chấp thuận của quốc gia đó;

Các thiết bị hay dụng cụ được sử dụng trong quá trình xây dựng và vận hành trung tâm không có quy chế của các đảo, không có lãnh hải riêng, và sự có mặt của chúng không làm ảnh hưởng đến vấn đề hoạch định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.

Bài tiếp: Việt Nam có quyền gì với Trung tâm cảnh báo sóng thần Trung Quốc đề xuất xây?

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn