Vai trò của yếu tố nước trong phong thủy
Phong thủy bao gồm rất nhiều yếu tố nhưng được bao hàm trong 5 yếu tố tự nhiên xung quanh đời sống con người là: gỗ (mộc), lửa (hỏa), nước (thủy), đất (thổ) và kim loại (kim). Để duy trì tính lưu động của phong thủy trong nhà thì tất cả 5 yếu tố này cần phải được sử dụng ở cùng một không gian, tạo thành một vòng tròn hoàn hảo và sẽ nhẹ nhàng hơn khi đưa chúng vào giống như một hình thức trang trí. Theo đó, mộc tạo sức mạnh trong sáng tạo và sự phát triển, đại diện cho sự sinh sôi, lớn lên, linh hoạt và nhạy cảm. Hỏa mang tính nhiệt, làm tăng sự kích thích, hưng phấn, giúp vạn vật phát triển. Thủy tạo ra sự mềm mại, mang tới cảm giác hứng thú, sự sâu sắc trong suy nghĩ và hành động. Thổ có tính chất nuôi dưỡng, sinh sản, ảnh hưởng tới sức khỏe, tạo cảm giác yên ổn và cân bằng. Kim thì đại diện cho thể rắn và khả năng chứa đựng, tượng trưng cho sự ngăn nắp, trật tự, có tổ chức, giúp tăng cường cho những việc liên quan đến tiền bạc, tài chính.
Theo mô hình không gian Ngũ hành, hành Thủy được quy định về phương Bắc, màu chủ đạo là đen và xanh dương, thời tiết thuộc về mùa đông. Hình dáng đặc trưng hành Thủy là những đường uốn khúc, lượn sóng và đa diện cong. Ngôi nhà ở mà thiếu hành Thủy thì xem như khiếm khuyết yếu tố nuôi dưỡng cho hành Mộc và hạn chế tính Hỏa vượng. Hành Thủy được hành Kim sinh ra, gặp hành Thổ thì bị khắc chế bớt. Tuy nhiên so với các hành khác, hành Thủy được đánh giá cao hơn. Chẳng thế mà người xưa có câu “nhất Thủy nhì Hỏa”. Người Việt cũng có câu “tiền vào như nước”, trùng với quan niệm trong phong thủy là “thủy quản tài lộc”. Nước được coi là yếu tố tích cực, quan trọng để đón tài lộc. Đưa nước vào trong nhà theo quan niệm phong thủy là cách để tạo sinh khí cát tường. Ngày nay, các gia đình thường đặt bể cá, hồ thủy sinh, thác nước ở không gian sống, làm việc - chính là hình thức đưa một phần sinh khí bao la của đất trời vào nơi sinh hoạt và tồn tại của con người. Đây là sợi dây kết nối vô hình để tạo ra sinh khí và thời vận. Trong phong thủy, nơi nào có sinh khí, nơi đó thời vận sẽ hanh thông.
Vận dụng Thủy khí trong bài trí nhà ở
Để tạo Thủy khí tốt, nhà ở thường sử dụng các dạng vật chất cụ thể hoặc ẩn dụ đặc trưng của hành Thủy.
Ví dụ cuộc đất xây dựng thường hay có hình vuông hoặc hình ống, khi tạo lối đi từ ngoài vào nhà nên tuân theo quy luật Thủy Đáo Cục – thế nước chảy đến uốn khúc mềm mại – tức là cách tiếp cận không trực tiếp mà thông qua đường uốn lượn.
Tại điểm nút giao thông như sân, tiền sảnh và cửa chính, có thể bố trí các tiểu đảo trồng cây, non bộ hoặc hồ bán nguyệt (dạng Kim Thủy liên hoàn) để vừa giảm Trực Xung Đối Môn, vừa tạo một khoảng đệm cần thiết trước khi khách bước chân vào nhà.
Đối với nội thất, Thủy khí biểu hiện qua cách dùng vật liệu thủy tinh (gương, kính) nhằm giúp ngăn cách, tạo sự kết nối không gian các phòng. Có thể sử dụng vách ngăn bẳng kính trong hoặc mờ, kính kết hợp thác nước nhân tạo, hoặc dùng gương phản chiếu để nới rộng không gian và tăng tầm quan sát tại các vị trí khuất như đầu cầu thang, cuối hành lang hoặc góc phòng.
Thủy khí còn khá phù hợp khi đưa vào không gian phòng ngủ, phòng trẻ em hoặc nơi thư giãn (những không gian tĩnh, thuộc Mộc) để Thủy dưỡng Mộc, bằng cách tạo các vật dụng dạng uốn lượn mềm mại như bàn ghế dạng Thủy trang trí hoa văn trên tường, đóng trần uốn khúc, lát gạch họa tiết mềm mại hoặc bông sắt dạng gợn sóng.