Tại sao gọi là bánh bò dù không có thịt bò? Đặc sản nhiều người thích nhưng không hiểu cái tên

14:48, Thứ năm 01/05/2025

( PHUNUTODAY ) - Bánh bò là món ăn quen thuộc ở miền Nam và ngày này đặc sản này được bán ở rất nhiều tỉnh miền Bắc. Nhưng nhiều người thắc mắc vì sao bánh có tên như vậy dù không liên quan gì tới thịt bò.

Bánh bò là bánh gì?

Bánh bò là một loại bánh ngọt dân dã, thường được làm từ bột gạo, bột năng, nước cốt dừa, đường và men giúp nở bột. Bánh có kết cấu xốp, mềm, thơm béo và có những lỗ nhỏ li ti bên trong nhờ quá trình ủ bột lên men. Bánh có nhiều biến thể như: bánh bò hấp, bánh bò nướng, bánh bò dừa, bánh bò lá dứa… Mỗi loại lại mang một hương vị và cách chế biến riêng biệt.

Bánh thường có hình dáng tròn hoặc thon dài, trông bên ngoài phồng xốp. Món bánh này không hề liên quan gì tới thịt bò và hầu như cũng không dùng sữa bò như nhiều loại bánh khác. Thế nhưng chúng lại có tên bánh bò. Từ bò trong tiếng Việt thường gắn với động từ bò, tức di chuyển hoặc thịt bò, sản phẩm từ con bò.

Vậy tại sao chúng lại có tên như vậy?

Bánh bò một món ăn dân dã của người dân miền Nam
Bánh bò một món ăn dân dã của người dân miền Nam

Giả thuyết về tên bánh bò

Có một số giải thuyết xoay quanh cái tên bánh bò

Giả thuyết 1: Bánh “bò” nghĩa là bánh tự bò lên

Một trong những cách lý giải phổ biến và hợp lý nhất đươc nhiều người làm bánh tin là: khi bánh lên men và nướng hoặc hấp chín, bột sẽ “bò lên” tức là tự trồi nở, phồng xốp, tạo thành các lỗ nhỏ li ti giống như bánh đang “bò” lên. Đây là hiện tượng tự nhiên của bột khi được lên men đúng cách, tạo nên đặc trưng riêng của bánh bò. Dân gian xưa thấy hiện tượng này nên đặt tên một cách hình tượng, gần gũi là “bánh bò”.

Giả thuyết 2: Xuất phát từ tiếng Quảng Đông

Một số người lại cho rằng “bánh bò” có thể là cách người Việt phiên âm từ từ gốc tiếng Quảng Đông hoặc tiếng Trung thời xưa. Ở Quảng Đông có loại bánh gọi là “baak baau”, cũng làm từ bột lên men, mềm xốp, giống với bánh bò Việt Nam. Qua quá trình giao thoa văn hóa, cái tên được đọc chệch thành “bò”.

Còn theo cuốn sách Ðại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của thì tác giả có ghi có bánh vú bò và lý giải vì bán đổ vào chén trông giống như vú con bò nên gọi là bánh vú bò, sau trong quá trình phát triển ngôn ngữ thì gọi rút gọn thành bánh bò. 

Bánh bò nhiều biến thể khác nhau
Bánh bò nhiều biến thể khác nhau

Bánh bò làm như thế nào?

Bánh bò là món bánh thường có ở trong miền Nam và Nam Trung Bộ. Ngày nay bánh bò thốt nốt An Giang được xem là một đặc sản và được bán phổ biến rộng rãi trên các chợ online và tràn ra cả ngoài Bắc. Nhiều người đồng tình rằng bánh bò thốt nốt là thức quà đặc sản dân dã của người Châu Đốc (An Giang). Bánh bò có độ xốp, vị ngọt, béo cùng hương thơm nhẹ đặc trưng. 

Để làm bánh bò người ta thường dùng bột gạo, bột thốt nốt, đường thốt nốt, nước cốt dừa, men nở... tạo nên thành phẩm có độ xốp, vị ngọt, béo. Trong đó, đường thốt nốt có màu vàng nâu đẹp mắt, vị ngọt đậm nhưng không gắt là nguyên liệu góp phần làm nên hương vị khó quên cho món bánh bò nổi tiếng.

Chuẩn bị nguyên liệu gồm: Đường thốt nốt 200 gr, Bột gạo 200 gr, Bột năng 60 gr, Men nở 8 gr Nước dừa tươi 350 ml, Nước lọc 40 ml

Ủ men: Cho 40nl nước vào bát, cho đường trắng và men nở vào trộn đều ủ khoảng 10 phút.

Làm bột: Cho 200gr bột gạo và 60gr bột năng vào tô, thêm chút muố và đánh trộn đều rồi lọc qua rây cho mịn không vón cục. Cho thêm phần men đã ủ và thêm 250 ml nước dừa tươi vào hỗn hợp bột. Dùng phới trộn đều cho tan đều với nhau,và ủ bột khoảng 1 tiếng.

Nấu nước đường: Cho 100ml nước dừa tươi vào nồi, cho thêm 200gr đường thốt nốt vào. Đảo đều tay cho đường tan hết tạo thành dung dịch nước đường.

Bột sau khi ủ thì trộn đều và cho nước đường vào, thêm dầu ăn rồi trộn đều và ủ thêm 2 tiếng. 

Hấp bánh: Thoa dầu ăn vào thành khuôn cho khỏi dính có thể lót thêm giấy nến rồi cho bột bánh vào khuôn. Đun nồi nước sôi để cho khuôn vào hấp. Dùng một khăn vải đậy lại phía trên cho nước không nhỏ xuống phần bánh, bề mặt bánh sẽ đều và ngon hơn. Đậy nắp và hấp trong khoảng 20 phút.

Ngày này có cả phiên bản bánh bò cho vào lò nướng.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link
Tác giả: Như Bình