Tìm hiểu về cây Thiết Mộc Lan
Thiết mộc lan có tên gọi khác là cây phát tài hoặc cây dụ thơm, có nguồn gốc từ Tây Phi. Đây là loại cây được trồng rất phổ biến tại Việt Nam và được nhiều gia đình yêu thích trồng trước nhà làm cảnh.
Lá của thiết mộc lan có màu xanh, bóng mượt và dài. Phần giữa của lá có sọc rộng màu vàng rất đặc trưng. Chiều dài của lá có thể lên đến 100cm, chiều rộng khoảng 10cm.
Hoa của thiết mộc lan nở rộ nhất lúc chuyển mùa từ đông sang xuân, hoa mọc thành chùm, màu trắng và toả hương thơm dịu nhẹ. Mặc dù vậy, nếu sống trong môi trường không đủ điều kiện thì cây cũng không ra hoa.
![Cây Thiết Mộc Lan](https://media.phunutoday.vn/files/content/2025/02/12/thiet-moc-lan-2248.jpg)
Cây Thiết Mộc Lan
Đặc điểm nổi bật của thiết mộc lan là khi bị cắt ngang, chồi non sẽ mọc nhiều xung quanh vị trí cắt. Cây có thể phát triển tốt trong môi trường ít sáng.
Theo quan niệm phong thủy dân gian, thiết mộc lan giúp thu hút may mắn và thịnh vượng cho gia chủ. Cây nở hoa cũng là chỉ dấu cho thấy tiền tài đang đến. Bên cạnh đó, thiết mộc lan đại diện cho hành Mộc trong Ngũ hành, nên nếu đặt cây ở hướng Đông hoặc Đông Nam của ngôi nhà sẽ mang lại sự may mắn cho gia chủ.
Thiết mộc lan thuộc mệnh Mộc, theo quy luật tương sinh trong Ngũ hành, loại cây này có quan hệ tương sinh với mệnh Hoả. Do vậy, gia chủ thuộc mệnh Mộc và mệnh Hoả đều có thể trồng cây này.
Với những người hợp với Thiết Mộc Lan, việc trồng cây trước nhà sẽ giúp ích rất nhiều cho gia chủ về mặt phong thủy. Không chỉ đẹp mà nó còn mang lại vận may, thu hút tài lộc cực kỳ tốt.
![Thiết mộc lan thuộc mệnh Mộc, theo quy luật tương sinh trong Ngũ hành, loại cây này có quan hệ tương sinh với mệnh Hoả](https://media.phunutoday.vn/files/content/2025/02/12/thiet-moc-lan1-2249.jpg)
Thiết mộc lan thuộc mệnh Mộc, theo quy luật tương sinh trong Ngũ hành, loại cây này có quan hệ tương sinh với mệnh Hoả
Cách trồng và chăm sóc cây thiết mộc lan
Thiết mộc lan có thể trồng bằng gốc và trồng bằng thân.
Trồng bằng gốc rất dễ thực hiện. Sau khi cắt tỉa lá và thân, gia chủ có thể lấy gốc cây để trồng. Với cách trồng này, cây sẽ phát triển tốt và thời gian sống lâu hơn.
Hoặc đơn giản hơn có thể cắt một đoạn thân cây sau đó trồng vào đất. Chỉ cần chăm sóc cẩn thận thì cây sẽ phát triển rất nhanh chóng và mạnh mẽ.
Thiết mộc lan cũng có thể được trồng thủy canh. Cách trồng này thích hợp khi trang trí cây trên bàn làm việc vì nhỏ gọn. Tuy nhiên, trồng bằng nước thì cây chỉ sống trong thời gian ngắn là cây sẽ vàng úa.
Để cây thiết mộc lan phát triển xanh tốt và khoẻ mạnh, gia chủ cần nắm vững cách chăm sóc từ tưới nước, bón phân đến loại trừ sâu bệnh cho cây.
Cũng giống như các loài cây khác, thiết mộc lan cần lượng nước vừa đủ đề sinh trưởng và phát triển. Nên tưới nước cho cây vào sáng sớm hoặc chiều muộn khi trời không còn nắng. Tuy vậy, không cần phải tưới nước hằng ngày, lưu ý lượng nước vừa đủ và đất phải tơi xốp.
Ngoài nước, người trồng cần bổ sung bón phân cho thiết mộc lan. Nên bón lượng nhỏ phân NPK, sau khi bón lót thì trong khoảng 2 – 3 tháng sau đó cũng cần bón tiếp.
Tuy rất ít hoặc gần như không có sâu bệnh nhưng thỉnh thoảng cây thiết mộc lan có thể bị sâu cuốn chiếu tấn công gây khô vằn lá. Cách loại bỏ sâu bệnh đơn giản nhất là cắt bỏ những lá bị sâu bệnh.