Thịt vịt và món ăn từ vịt là món ăn quen thuộc và gần gũi, gắn bó với đời sống người dân vùng đồng bằng sông nước. Tuy nhiên, so với thịt gà – loại thực phẩm phổ biến trong các dịp cúng lễ – thì thịt vịt lại ít được dùng trong các nghi lễ truyền thống. Dù vậy, vào dịp Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch), tập tục của nhiều địa phương là sẽ ăn thịt vịt. Với một số gia đình thịt vịt trở thành món không thể thiếu, mang đậm ý nghĩa văn hóa, y học và tâm linh trong dịp Đoan Ngọ.
Tết Đoan Ngọ là Tết gì?
Tết Đoan Ngọ là một trong những ngày lễ truyền thống được tổ chức vào ngày 5/5 âm lịch hằng năm. Đây là ngày lễ cổ truyền ở nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc mặc dù mỗi nơi lại có những phong tục đặc trưng riêng.
Cái tên “Đoan Ngọ” mang hàm ý đặc biệt: “Đoan” nghĩa là bắt đầu, “Ngọ” là thời điểm giữa trưa. Đoan Ngọ là thời khắc chuyển mùa, khi khí hậu bước vào giai đoạn nóng bức gay gắt nhất trong năm. Người xưa cho rằng Đoan Ngọ là lúc dương khí cực thịnh, tà khí dễ sinh sôi, sâu bọ phát triển mạnh, và con người dễ ốm đau do thời tiết khắc nghiệt. Vì vậy, Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết giết sâu bọ, là dịp để thanh lọc cơ thể và trừ tà, cầu mong sức khỏe, may mắn.

Vì sao ăn thịt vịt vào Tết Đoan Ngọ?
Có 3 lý do chính để thịt vịt trở thành món ăn đặc trưng trong dịp Tết Đoan Ngọ:
1. Thịt vịt giúp cân bằng nhiệt trong cơ thể: Theo Đông y, thịt vịt có tính hàn, vị ngọt, có tác dụng thanh nhiệt, bổ âm, dưỡng tạng phủ, rất phù hợp để giải nhiệt trong những ngày hè oi bức. Thời điểm Tết Đoan Ngọ rơi vào giữa hè – khi cơ thể con người dễ bị mất nước, mệt mỏi, dễ phát sốt hoặc viêm họng. Việc ăn thịt vịt không chỉ cung cấp dinh dưỡng mà còn giúp làm mát cơ thể, hỗ trợ phòng và chữa một số bệnh mùa nóng. Đây được xem là một cách “ăn để chữa bệnh” theo quan niệm dân gian.
2. Ý nghĩa tâm linh – trấn áp tà khí: Một lý giải thú vị khác bắt nguồn từ âm Hán. Trong tiếng Hán, từ “vịt” đồng âm với “áp” – nghĩa là trấn áp. Ngày Đoan Ngọ được xem là cao điểm của tà khí nên việc ăn thịt vịt mang ý nghĩa tượng trưng cho hành động trấn áp tà ma, xua đuổi điềm xấu, từ đó mang lại bình an và may mắn cho gia đình. Đây là yếu tố tâm linh quan trọng khiến món vịt trở nên đặc biệt trong dịp này.

3. Thời điểm ăn vịt ngon nhất trong năm, đúng mùa vụ: Theo lịch canh tác nông nghiệp xưa thì Tết Đoan Ngọ cũng trùng với thời điểm nông dân vừa thu hoạch lúa xong, đàn vịt đã được chăn thả đồng suốt mùa vụ và đến lúc béo tròn, thịt thơm ngon, vịt đủ già. Theo kinh nghiệm dân gian, đây là lúc thịt vịt chắc, ngọt và không còn mùi hôi, rất thích hợp để chế biến nhiều món ngon như vịt luộc, vịt quay, bún măng vịt… Bên cạnh đó, lúc này đã thu hoạch xong gia đình sum họp mà đây là lúc "rộ đàn" nên giá vịt thời điểm này thường hạ thấp hơn, tạo điều kiện để nhiều gia đình cùng nhau sum họp, ăn uống mừng mùa màng bội thu.
Có dùng thịt vịt thắp hương thay gà cúng không?
Mặc dù thịt vịt trở thành món ăn đặc trưng trong mâm cỗ ngày Tết Đoan Ngọ nhưng ít khi dùng thịt vịt để cúng. Đó là vì trong văn hóa truyền thống vịt là loài động vật không phổ biến lại không có những đặc điểm uy nghi như gà.
Hơn nữa thịt vịt có mùi hôi hơn thịt gà. Vịt lại là giống loài lạch bạch, kêu quàng quạc nên không phải là lựa chọn để thắp hương.
Trong ngày Tết Đoan Ngọ, các gia đình thường thắp hương bánh trái, hoa quả, cơm rượu nếp nhưng cũng thường không đặt vịt lên mâm cúng.

Ngoài thịt vịt, người Việt còn ăn gì vào Tết Đoan Ngọ?
Không chỉ thịt vịt, Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam còn xuất hiện nhiều món ăn đặc trưng khác mang ý nghĩa “diệt sâu bọ”, trừ tà và thanh lọc cơ thể.
- Cơm rượu nếp: Là món ăn truyền thống không thể thiếu, đặc biệt phổ biến ở miền Nam. Người ta tin rằng ăn cơm rượu vào buổi sáng sớm sẽ giúp “giết” các loại ký sinh trùng có hại trong đường ruột.
- Bánh ú tro (bánh gio): Được làm từ gạo nếp ngâm nước tro, có vị thanh mát, dễ tiêu hóa, cũng mang tính thanh nhiệt rất tốt trong mùa hè.
- Hoa quả chua: Như mận, mơ, vải, xoài... giúp kích thích tiêu hóa, đồng thời tượng trưng cho việc xua đuổi sâu bệnh.
- Chè kê, chè trôi nước: Những món ngọt dân dã mang đậm hương vị quê nhà, thường được dùng làm món tráng miệng trong mâm cỗ Tết Đoan Ngọ.
Các phong tục trừ tà khác trong ngày Tết Đoan Ngọ
Bên cạnh các món ăn truyền thống, Tết Đoan Ngọ còn gắn liền với nhiều tập tục dân gian độc đáo:
- Nhuộm móng tay cho trẻ em: Người xưa tin rằng việc nhuộm móng tay bằng thuốc nhuộm tự nhiên (thường là lá móng) sẽ giúp xua đuổi tà khí, bảo vệ trẻ khỏi ốm đau.
- Khảo cây: Đây là nghi thức “dọa cây” không ra hoa kết quả bằng cách có người trèo lên cây van xin, người dưới cầm gậy dọa chặt. Phong tục này mang ý nghĩa mong cầu mùa màng tươi tốt trong năm tới.
- Kiêng kỵ: Trong ngày này, người dân được khuyên không nên soi gương vào ban đêm, tránh đến nơi âm u hoặc bệnh viện để tránh gặp điều không may.
Tết Đoan Ngọ không chỉ là dịp lễ cổ truyền mang đậm tính văn hóa tâm linh mà còn là dịp để mọi người chăm sóc sức khỏe qua những món ăn đặc biệt. Thịt vịt – với giá trị dinh dưỡng, công dụng thanh nhiệt và ý nghĩa tâm linh – đã trở thành món ăn tiêu biểu trong ngày này. Thưởng thức món vịt ngon giữa tiết trời oi ả của mùa hè cũng là cách để người Việt thêm phần gắn bó với truyền thống cha ông, đồng thời gìn giữ nét đẹp văn hóa dân gian độc đáo.
*Thông tin tham khảo chiêm nghiệm