Ảnh minh hoạ. |
Tôi ngồi ở cuối xe, đủ để quan sát toàn cảnh xe bus. Khi xe dừng lại bến, có hai ông bà vội vàng chạy lên cửa sau. Lời chú phụ xe to tiếng, nhắc các ông bà lần sau lên đúng cửa trước để tránh cảnh chen chúc và đúng luật. Ông cũng lên tiếng mắng lại: “Tôi chẳng mắng các anh thì thôi. Bến trên kia mà các anh đỗ ở đây à? Tôi không chạy kịp nên phải đi lên cửa sau”.
Từ đó gây ra sự to tiếng giữa ông cụ và bác tài xế. Bác tài lớn tiếng với ông cụ vì cụ đi lên bằng cửa sau. Ông cụ cũng không chịu, cho rằng mình bước lên cửa sau là vạn bất đắc dĩ, lỗi là do lái xe đã đi quá xa bến nên không chạy kịp. Tranh cãi gay gắt làm bà cụ đi cùng phải lên tiếng: “Thôi, dù sao thì lần sau các anh đỗ đúng bến cho, chúng tôi già rồi, chạy theo hụt hơi, vấp một cái thì…” Bác tài xế quát lên: Ông bà muốn đi đâu thì đi, đứng đâu thì đứng, đỗ đâu, dừng đâu thì lần sau gọi taxi, có 3000 đồng mà cũng đòi hỏi! Rách chuyện!”
Vụ to tiếng lắng xuống, còn đó cả sự bực tức cho cả ông cụ già và cả bác tài xế. Nhưng cái quan trọng hơn là một nỗi buồn cho những người đi xe bus. Nhà nước đang khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giá vé ưu đãi cho tầng lớp hưu trí và sinh viên. Vậy mà tiện lợi thì ít, bực tức hay khó chịu là nhiều. Hiện tượng chờ xe bus dài cổ hàng tiếng đồng hồ rồi bất ngờ cả hàng tá xe cùng số chạy tới hay hiện tượng xe bus tới bến đi chầm chậm rồi phóng ga vụt lên để những hành khách chạy theo hụt hơi đã thành chuyện thường như cơm bữa.
Với tôi, tôi cũng vẫn muốn sử dụng xe bus nhưng cho đến bây giờ thì xe bus là một phương tiện “bất đắc dĩ”. Nếu có đủ điều kiện kinh tế, tôi sẽ sở hữu một phương tiện cá nhân riêng. Bởi quá nhiều vấn đề của xe bus làm tôi nản chí.
- Dương Hương Thảo