1. Bác gái tôi là người gốc Hà Nội, Tết nào bác cũng làm mâm cơm cúng truyền thống bốn bát tám đĩa, cúng giao thừa thì có gà cánh tiên.
Bác là Tết của cả nhà.
Tôi cứ nghĩ những người mẹ đảm đang như bác luôn coi thế là đương nhiên. Giống như tôi và cả nhà vẫn coi là đương nhiên. Cho đến Tết này bác nói nhỏ: vì cúng giao thừa, bác chưa từng cùng cả nhà xem pháo hoa.
Nếp Tết cũ luôn là nét đẹp, người theo nếp cũ là người giữ hồn vía của truyền thống Việt. |
Con bác xót mẹ: Cả nhà mình cúng giao thừa rồi cùng đi xem pháo hoa, mẹ cũng đừng làm cỗ nữa… Lễ, cúng là để bản thân cảm nhận được không khí Tết, để mọi người vui. Chứ cố làm mà để mệt người, không vui, thì làm làm gì!
Bác cười lảng: Cúng không đúng giờ mẹ lo lo thế nào ấy. Không làm đĩa xôi gấc, làm con gà, thì mẹ cứ không thoải mái trong lòng. Mà đôi gà vẫn cứ chạy quanh sân, không làm đâu có được…
2. Mẹ tôi và bác đều là 6X, tức là có con trên dưới 20 tuổi. Chừng ấy tuổi, là chừng ấy năm chúng tôi phải nghe, nhìn và học "nếp nhà": Tết thì phải…
Nghe chuyện nhà bác, tôi quyết để mẹ tôi nghỉ ngơi Tết này. Mọi năm nhà ít người nên việc lớn việc nhỏ ngày Tết mẹ tôi bao đồng hết. Năm nay, mẹ tôi đã “chín chắn” hơn, không tranh việc của người trẻ khoẻ nữa. Từ cây đào, cây quất, dọn nhà, ba và tôi làm ngon rơ không kém "sếp".
Chiều 30, mẹ tôi nằm trên ghế, mỉm cười nhìn hai ba con lúi húi, quyết luôn: "Có làm bao nhiêu cũng không hết việc đâu, đi chơi đi!" Thế là khỏi làm. Con gà trong sân được sống thêm đôi ngày, nhà có thêm bộ ấm chén mua rốn cuối năm. Tối giao thừa cả nhà lăn ra ngủ cho đến khi nghe tiếng pháo giao thừa…
Không gà cánh tiên ngậm hoa hồng vẫn thấy nhẹ tênh. Có lẽ vì mẹ ngủ được một giấc, ba không phải làm gà, con đỡ đồ xôi...
3. Rốt cuộc, giao thừa năm nay nhà bác gái tôi vẫn đầy đủ gà, xôi, cả nhà vẫn xem pháo hoa, trừ bác. Theo nếp làm các mẹ yên lòng hơn. Các mẹ như bác tôi hiển nhiên coi đó là trách nhiệm của mình, và "thừa kế" niềm tin rằng hoàn thành những thủ tục ngày Tết, gia đình mình sẽ may mắn trong năm mới. Con gà, mâm cỗ là việc quan trọng nhất định phải làm trong thời khắc quan trọng của một ngày quan trọng.
Nhưng thực ra với cả nhà, mẹ mới là quan trọng.
Mâm cỗ, con gà hay cành đào, cây quất, bản thân nó không phải là Tết. Chính con người lấy nó làm biểu tượng, để mỗi khi nhìn thấy nó, mới cảm nhận đang có Tết. Nếu thiếu hay khác đi một, hai biểu tượng mà người thân khoẻ hơn, vui hơn, thì Tết vẫn là Tết thôi.
Nếp Tết cũ luôn là nét đẹp, người theo nếp cũ là người giữ hồn vía của truyền thống Việt.
Nhưng nếu ta không theo nếp cũ cũng chưa chắc ta đã không có Tết. Cách này hay cách khác, người ta đang đi tìm cái Tết mới của riêng mình: đừng nghĩ rằnghọ bỏ nếp cũ, chẳng qua họ đang tìm cách thể hiện mới. Vẫn là Tết, nhưng tôn trọng sự khác biệt trong Làm Tết, Ăn Tết và Chơi Tết của mỗi người cũng là trân trọng và Yêu Tết.
Cũng giống như câu mà các cụ thanh niên 6X nhà tôi hay hát bài hát Bài ca Tết cho em của Quốc Dũng "Tết này anh không thèm đốt pháo. Vì tiếng cười em, rộn rã lòng anh rồi…" (*)
Hái lộc đầu năm: Cố lấy lộc to, coi chừng "chổng vó" Nói về tục hái lộc đầu năm, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ cảnh báo: “Có người muốn hơn người nên bẻ cành thật to, ngã cành đa què đấy”. |