(Phunutoday) - Thẩm Thúy Hằng là nghệ danh của cô một “minh tinh màn bạc” của Việt Nam, vào nghề năm 1958 và trở thành một trong những gương mặt nữ hiếm hoi của nước ta đứng vào hàng ngũ minh tinh của Á Châu suốt các thập niên 1960- 1970. Thẩm Thúy Hằng còn là biểu tượng của Sắc đẹp một thời vượt lên trên cả hoa hậu Đông Dương Cô Ba Trà nổi tiếng quảng cáo cho hãng xà bông Cô Ba…
Thẩm Thúy Hằng đã hai lần đoạt giải Diễn viên xuất sắc Á Châu tại Liên hoan phim Đài Bắc (1972), Ảnh hậu Á Châu trong liên hoan phim Á Châu tổ chức tại Hồng Kông (1974). Năm 1982, tại Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết (Liên Xô cũ) Thẩm Thúy Hằng được bầu chọn là Nữ diễn viên khả ái nhất vượt qua các đối thủ là những diễn viên xinh đẹp đến từ Đông Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Mông Cổ…
Ở miền Nam Việt Nam từ năm 1954, các hãng phim tư nhân đua nhau mọc lên như nấm gặp mưa như: Tân Việt điện ảnh (thành lập năm 1957 do ông Bùi Diễm làm giám đốc), Việt Thanh (thành lập năm 1955), Mỹ Vân, Văn Thế (1956), Trường Sơn, Alpha, Đông Phương, Viễn Đông, Liên Hiệp, Hương Bình… các hãng phim thi nhau làm các phim cải lương, truyền thuyết, thần thoại cổ tích, lịch sử cả Ta lẫn Tàu.
Một thế hệ diễn viên thi nhau đua tài, đa sắc như: Lê Thị Nam (NSND Bảy Nam phim Đồng ruộng miền Nam 1958), Kim Lan (phim Người Mẹ hiền), Kim Cương (con NSND Bảy Nam –Lòng nhân đạo, Ngọc Bồ đề), Thu Trang (phim Lục Vân Tiên), Trang Thiên Kim (phim Mục liên thanh đề, Trương Chi), Thiên Kim (phim Huyền Trân công chúa), Túy Phượng (phim Thạch Sanh- Lý Thông), Mai Trâm, Khánh Ngọc, Xuân Dung, Kim Hoàng, Bích Sơn, Kiều Hạnh, Tuyết Anh, Bạch Xuyến, Huỳnh Thanh, Giáng Hương... Đây là thời kỳ trăm hoa đua nở, người người làm phim, nhà nhà làm phim. Mỗi năm, trung bình các hãng sản xuất khoảng 40 phim. Đây là thời kỳ hoàng kim rực rỡ nhất của nền điện ảnh Sài Gòn non trẻ.
Thời kỳ 1955-1957, bộ phim thành công về doanh thu cao nhất nhất là phim: “Quan Âm Thị Kính” của hãng Việt Thanh. Và hãng Việt Thanh cũng là hãng phim đạt số kỷ lục sản xuất nhiều phim nhất lúc bấy giờ.
Vào khoảng cuối năm 1957, hãng Mỹ Vân bất ngờ tung ra bộ phim “Người đẹp Bình Dương” phim tâm lý tình cảm, lịch trình chiếu vào dịp Noel và mừng năm mới 1958 với chiến lược quảng cáo rất rầm rộ, sôi động chưa từng có. Ngay lập tức, bộ phim đã thu hút được sự hưởng ứng của đông đảo khán giả và giới thiệu một gương mặt khả ái nữ “Minh tinh Điện Ảnh” - Thẩm Thúy Hằng.
Khán giả đoán già, đoán non vì tò mò muốn biết :Thẩm Thúy Hằng là ai ? Hãng Mỹ Vân đã thành công ngay từ chiến lược quảng cáo.
Tên thật của Thẩm Thúy Hằng là Nguyễn Kim Phụng, sinh năm 1941, nguyên quán Hải Phòng, gia đình cô vào Nam sinh sống tại An Giang. Thẩm Thúy Hằng lớn lên tại An Giang nhưng sau đó gia đình lên thành phố Sài Gòn lập nghiệp. Bước sang tuổi trăng tròn mười sáu, cô bé Nguyễn Kim Phụng luôn ước mơ và khát khao đến cháy bỏng về một ngày trở thành diễn viên điện ảnh được mọi người biết đến, ngưỡng mộ.
Vào những năm 1955, những diễn viên- nghệ sĩ thành danh như Kim Cương đã có nhiều bộ phim cổ tích ra mắt khán giả, làm xao xuyến lòng người như : Thoại Khanh- Châu Tuấn, Lưu Bình- Dương Lễ, Lâm Sanh- Xuân Nương của Hãng phim Việt Thanh. Không riêng Thẩm Thúy Hằng, rất nhiều mỹ nữ, đặc biệt là nữ sinh, sinh viên luôn thần tượng và ước mơ đến cháy bỏng được lên màn ảnh.
Một lần tình cờ, cô bạn thân đưa cho Kim Phụng xem một trang báo có đăng quảng cáo cuộc thi tuyển diễn viên cho phim “Người đẹp bình Dương” của hãng phim Mỹ Vân. Trong thể lệ cuộc thi rất hấp dẫn: người đoạt giải sẽ được sang Hồng Kông đào tạo diễn xuất. Như cơn nắng hạn đợi mưa, trốn cha mẹ, Kim Phụng đã cùng cô bạn thân rủ nhau đi chụp ảnh và lén ghi tên dự tuyển.
Thẩm Thúy Hằng kể lại : Trong lúc Hằng chụp ảnh ở tiệm Hà Di để gửi tham dự tuyển chọn diễn viên của hãng Mỹ Vân, thì đã gặp ông Lý Quốc Mậu là người thường đóng vai "Tiên Ông" trong các bộ phim cổ tích.
Ông Mậu bảo rằng nếu Hằng đến hãng Việt Thanh do ông giới thiệu thì sẽ được nhận ngay khỏi thi cử gì cả. Nhưng Hằng nghe hãng Mỹ Vân quảng cáo, nếu ai trúng tuyển sẽ được ra nước ngoài học nghề diễn viên. Vì thích đi nước ngoài nên Hằng đến hãng Mỹ Vân thi tuyển. Ngày đó nếu Hằng vào hãng Việt Thanh do ông Mậu giới thiệu thì chắc đã có dịp đóng phim chung với chị Kim Cương từ lúc mới vào nghề”.
Đến ngày thi tuyển, Kim Phụng thức dậy từ rất sớm, giả lơ đi học như mọi ngày không để cha mẹ nghi ngờ. Cô len lén dấu chiếc áo dài chuẩn bị sẳn vào trong cặp học sinh, để mặc sau giờ tan học đến nơi thi tuyển.
Tan học, Hằng cùng cô bạn thân chạy như bay đến Hãng phim Mỹ Vân hồi hộp nghe tim đập như vỡ tung lồng ngực chờ gọi tên. Giữa rừng hoa muôn ngàn đóa hoa hương sắc, với những gương mặt sáng ngời nổi bật của những Kim Vui, Khánh Ngọc, Mộng Tuyết, Thu Trang, Trang Thiên Kim, Kiều Chinh…đã làm cho cô nữ sinh Kim Phụng chùn bước, phân vân. Phần lo sợ, phần khớp vì nhan sắc đua nhau hội tụ tranh tài, trong số đó nhiều ca sĩ, người nổi tiếng mà cộ đã biết.
Kim Phụng phân vân rồi quyết định bỏ thi. Nắm tay cô bạn kéo ra ngoài toan bỏ cuộc. Chính vào lúc đó, bà Mỹ Vân - chủ hãng phim Mỹ Vân đã phát hiện thấy Kim Phụng, một gương mặt kiêu sa, nhưng rất khôi nguyên của cô nữ sinh, rất ưng ý cho vai diễn Tam Nương mà bà đang tìm kiếm. Bà Mỹ Vân không để cô biết mình là chủ Hãng phim, đã đến động viên tâm lý, khuyến khích cô mạnh dạn bước vào vòng thi.
Không ai có thể ngờ rằng: Cô nữ sinh Nguyễn Kim Phụng – người toan bỏ cuộc thi đã vượt qua hơn hai ngàn thí sinh, bước lên đài vinh quang bằng giải nhất của cuộc tuyển lựa diễn viên nữ cho phim Người đẹp Bình Dương và cũng là một khởi đầu sự nghiệp vinh quang tột đỉnh của một minh tinh màn bạc.
Thẩm Thúy Hằng tại lễ mít tinh ngày 1.5.1975 tại Sài Gòn. |
Từ giã áo trắng học trò từ dạo ấy, Kim Phụng bước vào thế giới nghệ thuật điện ảnh luôn lộng lẫy, lung linh ánh đèn với nghệ danh Thẩm Thúy Hằng. Trong đời Thẩm Thúy Hằng, cô rất kính trọng các bậc thầy như: soạn giả Năm Châu, NSND Phùng Há, NS Kim Cúc… là những tên tuổi đã đào tạo cô trở thành một ngôi sao tỏa sáng và rực rỡ trong làng nghệ thuật.
Riêng với nhạc sĩ Thẩm Oánh, Thẩm Thúy Hằng rất kính trọng như là một người thầy, người cha tinh thần. Chính vì vậy, nghệ danh Thẩm Thúy Hằng khi chọn theo yêu cầu của Hãng phim Mỹ Vân, cô đã lấy họ Thẩm của ông dùng làm nghệ danh cho mình. Thời đó nhạc sĩ Thẩm Oánh là hiệu trưởng Trường Ca Vũ Nhạc Phổ Thông mà Thẩm Thúy Hằng theo học bộ môn kịch do ông Hoàng Trọng Miên làm giám khảo tuyển sinh và giáo sư kịch nghệ.
Cho đến ngày nay, có khá nhiều người vẫn nhầm tưởng “Người đẹp Bình Dương” là câu chuyện về một người đẹp nào đó ở tỉnh Bình Dương (Sông Bé cũ) của nước ta là sai hoàn toàn. “Người đẹp Bình Dương” của nghệ sĩ kiêm soạn giả Nguyễn Thành Châu (Năm Châu) viết dựa theo một câu chuyện xảy ra trong truyện cổ Trung Hoa.
Thẩm Thúy Hằng nổi tiếng nhờ cuốn phim “Người Ðẹp Bình Dương” đóng chung với nam diễn viên Nguyễn Kim Dần, một mối tình lãng mạn của nàng Tam Nương với chàng Hoàng tử hào hoa. Bộ phim bất ngờ đưa khuôn mặt khả ái của Thẩm Thúy Hằng lên ngôi hậu.
Suốt mấy thập kỷ sau năm 1958, nhan sắc Thẩm Thúy Hằng trở thành tiêu chí, chuẩn mực cho mọi người đẹp lúc bấy giờ. “Đẹp như Thẩm Thúy Hằng, môi trái tim Thẩm Thúy Hằng, hớt tóc như Người đẹp Bình Dương, mắt bồ câu như Thẩm Thúy Hằng…”. Thậm chí người ta còn sáng tác thơ ca, hò vè lấy chuẩn Thẩm Thúy Hằng - Người đẹp Bình Dương làm thước đo mọi giá trị về cái đẹp.
Cho đến ngày nay, vẫn chưa hề có một diễn viên điện ảnh nào mà cả tài năng, nhan sắc đạt đến ngưỡng vinh quang cao ngất như Thẩm Thúy Hằng.
Thẩm Thúy Hằng |
Bộ phim gây nhiều ấn tượng nhất, đẫm đầy nước mắt cuộc tình diễm lệ là phim “Ngưu Lang- Chức Nữ” Thẩm Thúy Hằng đóng chung với La Thoại Tân. Cốt chuyện phim dựa theo câu chuyện tình trong cổ tích Trung Hoa giữa một nàng tiên trốn thượng giới xuống trần gian kết duyên với một chàng nông dân rất nghèo, thường được người đời gọi là Ngưu Lang (chồng Trâu). Chàng nghèo quá chỉ có mỗi một con trâu làm bạn cùng một mái nhà tranh đơn sơ. Chức Nữ chăm chỉ nuôi tằm dệt lụa giúp chồng. Tuy nghèo nhưng mà đôi vợ chồng trẻ đã cùng nhau hưởng những ngày hạnh phúc nồng nàn nơi trần thế mà trên thiên đình không thể nào có được.
Nhạc sĩ Song Ngọc có viết bài nhạc “Huyền thoại một chiều mưa” diễn tả cuộc tình của một đôi tình nhân, nàng đến thăm chàng trong một chiều mưa, chàng luôn ca ngợi nàng là một nàng tiên giáng thế. Song Ngọc đã nhắc đến lệnh gọi về trời của Ngọc Hoàng, nhưng nàng tiên quyến luyến cõi trần gian không muốn về trời.
Ngọc Hoàng biết chuyện, nổi cơn lôi đình lệnh cho thiên quân, thiên tướng xuống trần giang bắt Chức Nữ về Trời. Ðôi uyên ương khóc lóc van xin, không thể chia lìa nhau được. Chính tình yêu tha thiết của họ đã khiến Ngọc Hoàng động lòng. Ngài cho phép cứ mỗi năm vào ngày Mùng bảy, Tháng bảy, lúc ấy hạ giới thường có những cơn mưa ngâu (mưa dầm) buồn rả rích, một bầy quạ trời sẽ bắc một nhịp cầu nối liền đôi bờ cho đôi vợ chồng hưởng được một ngày tương phùng.
Từ đó trần gian mới có câu thành ngữ: Tháng Bảy Mưa Ngâu và Cầu Ô Thước.
Cũng cần nói thêm đôi chút về nghệ sĩ La Thoại Tân nổi tiếng với vai Ngưu Lang trong “Ngưu Lang- Chức Nữ” đóng chung với Thẩm Thúy Hằng. La Thoại Tân được đánh giá là một kịch sĩ đa tài và diễn viên rất đa năng. Ông có thể đảm nhiệm thành công và xuất sắc bất cứ một vai diễn nào, từ vai mùi, vai bi, hay hài, thậm chí vai độc. Với khuôn mặt điển trai và nụ cười quyến rũ, ông thường được ưu ái giao đóng những vai nam chính trong hầu hết các vở dù là bi kịch hay hài kịch.
Hình ảnh mà khán giả còn giữ mãi về La Thoại Tân, là khi ông xuất hiện trong vở “Bông Hồng Cài Áo” (Đoàn kịch Kim Cương), với vai chàng thanh niên Hiếu bị bế tắc trong cuộc sống. Chàng chất chứa đầy tham vọng, muốn vươn lên cao hơn mọi người, bằng cách bám víu vào sự giàu sang của bà nội nhưng buộc phải nhẫn tâm, bất nghĩa, bất hiếu chối bỏ người mẹ bình dân nghèo hèn.
Hiếu luôn ray rứt và bị lương tâm giằng xé vì hành động tàn nhẫn của chàng. Khi mẹ chết đi thì Hiếu mới nhận ra một sự thật rất đau lòng nhưng đã quá muộn, rằng trên cõi đời phù du này, không phải bao giờ tiền bạc cũng mua được tất cả. Tình mẫu tử và đạo hiếu mới là những thứ vô giá mà anh ta đang cần. Nhưng tất cả đã quá muộn màng…
La Thoại Tân là một nghệ sĩ đa tài vừa là diễn viên, soạn giả, MC, diễn hài, cải lương, ca nhạc…Ông sang Mỹ định cư và mất vào tháng 3/2008, thọ 72 tuổi.
Từ vai diễn đầu tiên Tam Nương trong bộ phim “Người Đẹp Bình Dương”, đóng cặp với nam diễn viên Nguyễn Đình Dần vai Hoàng tử. Tam Nương- Thẩm Thúy Hằng như hớp hồn người mộ điệu, gây nên một hiện tượng chưa từng có của điện ảnh lúc bấy giờ. Người đẹp Bình Dương -Thẩm Thúy Hằng trở thành câu cửa miệng của mọi người và đưa Thẩm Thúy hằng lên đài vinh quang sánh cùng các ngôi sao màn bạc khả ái nhất Sài Gòn thập niên 1950-1960.
Hợp đồng đóng phim như hoa rơi đua nhau mời gọi, chào hàng, chưa kể các hãng quảng cáo, trong và ngoài nước chạy thi nhau tranh thủ Người đẹp Bình Dương – Thẩm Thúy Hằng tham gia. Chính nhan sắc và tài năng của Thẩm Thúy Hằng đưa tên tuổi của cô trở thành ngôi sao số một, trong một thời gian rất ngắn. Kỷ lục về số đầu phim tham gia hơn 60 phim truyện nhựa là con số chưa từng có diễn viên nào cùng thời đạt được.
Những bộ phim mà Thẩm Thúy Hằng tham gia như: Trà Hoa Nữ, Ngưu Lang - Chức Nữ, Tấm Cám, Sự tích Trầu Cau, Bạch Viên Tôn Cát, Đôi mắt huyền (đóng với La Thoại Tân, Kim Cương, Thanh Thanh Hoa), Oan ơi Ông Địa (đóng chung với các nghệ sĩ Cải Lương), Dang Dỡ (đóng chung với Trần Quang), Tơ tình (đóng chung với La Thoại Tân, Mai Ly, Thanh Thúy), Nàng (đóng cùng Trần Quang, Xuân Dung, Phương Hồng Ngọc), Bóng người đi (đóng chung với Thành Được, Út Bạch Lan, Túy Hoa, La Thoại Tân..), Ngậm ngùi, Mười năm giông tố, Sóng tình, Xin đừng bỏ em…
Nghệ sỹ Kim Cương đã từng tâm sự:
“Thời đó đọc báo, nhìn qua ảnh tôi đã giật mình truớc nét đẹp yêu kiều của Hằng. Má tôi, (NSND Bảy Nam) đã nhận định: “Cô này sẽ đem lại cho điện ảnh làn gió mới”. Quả không sai, Hằng được khán giả hâm mộ bởi nét diễn mộc mạc, chân thật. Sự cạnh tranh của các hãng phim thời đó đã tác động đến tâm lý của những ngôi sao đương thời. Giữa chúng tôi như có một sợi dây vô hình buộc chúng tôi lại với nhau”.
Năm 1969, Thẩm Thúy Hằng lập nhóm làm phim Thẩm Thúy Hằng (tiền thân của Vilifilms sau này). Thẩm Thúy Hằng quy tụ nhiều tên tuổi như : Thanh Tú, Trần Quang, La Thoại Tân, Phùng Há, Năm Châu, Hùng Cường, Ngọc Nuôi, Việt Hùng, Kim Cúc….Phim đầu tay của bà bầu sô Thẩm Thúy Hằng là loại phim đen trắng có tên “Chiều kỷ niệm”, dài 1 giờ 45 phút, thuộc thể loại tình cảm xã hội do Lê Mộng Hoàng đạo diễn.
Với dàn diễn viên thượng hạng lúc bấy giờ, bộ phim thành công ngoài sức tưởng tượng và đã tạo nên một kỷ lục doanh thu, gây nên sự ngạc nhiên chấn động trong giới nghệ thuật điện ảnh miền Nam thời bấy giờ.
Tạp chí Màn ảnh Sài Gòn số 304 có viết : “Ngay ngày chiếu cho khán giả xem, đồng bào đã chen chúc tới hai rạp Rex và Văn Hoa để giành vé. Điều này, là một hiện tượng hiếm mà khán giả dành cho phim Việt nam”.
Nhiều ký giả đã viết về Thẩm Thúy Hằng là người phụ nữ được Thượng đế quá sủng ái, ban tặng cho cô quá nhiều hạnh phúc, cho cô tất cả những gì tốt đẹp nhất, chói lọi nhất mà người khác nằm mơ cũng không thể có được.
Thẩm Thúy Hằng trong 1 cảnh phim. |
Thừa thắng xông lên, Thẩm Thúy Hằng thực hiện tiếp phim “Như hạt mưa sa”, thể loại phim đen trắng, chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Ngọc Linh, do cố đạo diễn Bùi Sơn Duân dàn dựng năm 1971. Các diễn viên tham gia trong phin là Thẩm Thúy Hằng, Trần Quang, Bạch Tuyết, Đoàn Châu Mậu, Diễm Kiều… Thẩm Thúy Hằng đảm nhận cùng lúc hai vai diễn là hai chị em song sinh, có hai tính cách hoàn toàn trái ngược nhau. Cô chị thì dịu dàng và nữ tính còn cô em thì trẻ trung, dữ dằn, hiện đại.
Bộ phim này cũng có doanh thu rất cao, riêng tiền lãi đã giúp cho nhà sản xuất đủ tiền làm tiếp phần 2 là “Như giọt sương khuya” bằng phim màu. Nhưng ở bộ phim “Như giọt sương khuya” nữ nghệ sỹ Bạch Tuyết vào vai chính bên cạnh nam nghệ sỹ Trần Quang.
Sau đó, diễn viên điện ảnh Thẩm Thúy Hằng được mời sang Ấn Ðộ dự Ðại hội Ðiện Ảnh Á Châu tại Calcutta. Danh tiếng và địa vị của cô càng được nâng cao hơn nữa trên khán phòng Châu Á khi cô liên tục xuất hiện tại các quốc gia vùng lãnh thổ như: Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn quốc, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia…để dự tham liên hoan phim, hay làm khách mời, hoặc trong những vai diễn hợp tác.
Thẩm Thúy Hằng bước đi đến đâu cũng được người hâm mộ, tôn vinh sánh với hàng sao điện ảnh, minh tinh màn bạc đương thời như : Creg Moris, Wen Tao, Địch Long, Khương Đại Vệ, Lý Lệ Hoa, Lý Thanh, Chân Trân, Lâm Thanh Hà, Lăng Ba, Trịnh Phối Phối, Đặng Quang Vinh, Trần Quang Thái…
Thẩm Thúy Hằng đã hai lần đoạt giải Diễn viên xuất sắc Á Châu tại Liên hoan phim Đài Bắc (1972), Ảnh hậu Á Châu trong liên hoan phim Á Châu tổ chức tại Hồng Kông (1974). Năm 1982, tại Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết (Liên Xô cũ) Thẩm Thúy Hằng được bầu chọn là Nữ diễn viên khả ái nhất vượt qua các đối thủ là những diễn viên xinh đẹp đến từ Đông Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Mông Cổ…
Tháng 6/1972, Ðại hội Ðiện ảnh Á Châu lần thứ 20 diễn ra tại Ðài Bắc, Thẩm Thúy Hằng được báo chí ca tụng như một “Lý Lệ Hoa Việt Nam.” Ðồng thời người đẹp Bình Dương cũng được chọn trao giải nữ minh tinh được hoan nghênh và ái mộ nhứt ở kỳ đại hội. Giải nam tài tử được trao cho tài tử điện ảnh Hồng Kông Trần Quang Thái. Ðây là hai giải thưởng đặc biệt nhất của đại hội, do Hội Ký giả màn bạc, kịch ảnh và nhiếp ảnh Ðài Bắc bỏ phiếu bầu kín và quyết định.
Trong lịch sử điện ảnh Trung Hoa, người ta khó quên được nữ minh tinh màn bạc Lý Lệ Hoa nổi tiếng lừng danh từ thập niên 1950. Trong 30 năm liền Lý Lệ Hoa có được vinh danh lâu dài như vậy trong giới điện ảnh là nhờ ba yếu tố quyết định, đó là sắc đẹp, thanh âm và diễn xuất tuyệt vời của cô.
Cuối năm 1974, Thẩm Thúy Hằng là giám đốc hãng Vilifilms đã cùng các cộng sự lên kế hoạch thực hiện bộ phim “Hòn Vọng phu” dựa theo kịch bản của soạn giả Hoàng Khâm, khởi quay bộ phim “Chàng Ngốc gặp hên”, cùng thể nghiệm với đạo diễn Lê Hoàng Hoa trong bộ phim kinh dị “Giỡn mặt tử thần”…
Thời bấy giờ, Thẩm Thúy Hằng được ví như tem bảo chứng về doanh thu của bất kỳ bộ phim nào. Tiền cát xê của Thẩm Thúy Hằng giá cao nhất lúc bấy giờ. Chỉ cần cô xuất hiện một số phân đoạn trong một bộ phim chiếu tết, là Thẩm Thúy Hằng đã nhận được hơn 1 triệu đồng thời đó.
Trên thị trường đĩa DVD người ta bày bán bộ phim S.T.A.B của đạo diễn người Thái Lan Chalong Pakdivijit dàn dựng, do hãng Colombia Mỹ phát hành, với sự diễn xuất của các ngôi sao "đa quốc tịch" như : Greg Moris, Anoma Palalak, Krung Srivilai… và "minh tinh quốc tế" Thẩm Thúy Hằng.
Ngay trong phần giới thiệu bộ phim, tên của cô được nêu lên trân trọng, xem như là một sự xuất hiện thật đặc biệt của bộ phim. Tại Thái Lan và Việt Nam phim phát hành có tên là “Vàng” đã mang lại doanh thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh Thái Lan( trước năm 1974). Trong phim Vàng, Thẩm Thúy Hằng có rất nhiều kỷ niệm, nhưng khó quên nhất là những trận mưa giả liên tục hơn 3 ngày, 3 đêm để quay vai diễn của cô.
Trong nước, Thẩm Thúy Hằng đi đến đâu, người ái mộ rồng rắn theo sau như đám rước lồng đèn. Người xin chữ ký, người xin ảnh, đài phát thanh Sài Gòn có cả chương trình Thẩm Thúy Hằng. Hàng tuần khán giả chờ đơi phim mới quảng cáo có tên Thẩm Thúy Hằng là xếp hàng chầu chực mua vé xem cho bằng được. Một số báo chí lá cải ở Sài Gòn lúc này, liên tục câu khách bằng những thông tin xì-căng-đan về Thẩm Thúy Hằng về mối quan hệ với các nghệ sĩ khác, về đời tư, thẩm mỹ…
Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương, Thanh Nga là những “đệ nhất mỹ nhân” của làng nghệ thuật Sài Gòn trước 1975. Họ cũng là những người bạn, chị em rất thân nhau, nhưng điều đó không có nghĩa là báo giới Sài Gòn buông tha cho họ.
NSƯT Kim Cương và NSƯT Thẩm Thúy Hằng là diễn viên điện ảnh và kịch nói nổi tiếng từ những thập niên 1960 - 1970. Hai chị còn có tình bạn thắm thiết trong nghề và trong đời sống từ hơn 40 năm qua. Cho đến nay mối liên hệ giữa Kim Cương - Thẩm Thúy Hằng vẫn nồng nhiệt, vui buồn có nhau.
Nghệ sĩ ưu tú Kim Cương nhớ lại : “Hồi đó, do sự cạnh tranh của các hãng phim nên có những bài báo so sánh tài nghệ giữa tôi với Thẩm Thúy Hằng để gây chia rẽ. Nhưng điều đó vẫn không lay chuyển được tình bạn giữa chúng tôi. Tôi và Thẩm Thúy Hằng cứ phát triển nghề nghiệp theo phương hướng của mình và tình bạn ngày càng thắm thiết. Khi tôi lập hãng phim Kim Cương để thực hiện các bộ phim: Bẽ bàng, Biển động, Một thoáng đam mê thì Thẩm Thúy Hằng cũng tổ chức phim "Việt Nam" và mang đến cho khán giả những bộ phim như: Chiều kỷ niệm, Nàng, Ngậm ngùi ...
Giữa chúng tôi như có sợi dây vô hình kết chặt với nhau, tình bạn thật thắm thiết, bền vững và trong sáng.
Cố đạo diễn NSND Hồng Sến trong chuyến mang bộ phim “Cánh đồng hoang” sang dự liên hoan phim tại Hồng Kông về, từng bày tỏ sự ngạc nhiên khi chứng kiến các ngôi sao điện ảnh nổi tiếng Hồng Kông như Lâm Thanh Hà đã thăm hỏi thăm rất ân cần về Thẩm Thúy Hằng như chị em thân thuộc.
Sau ngày miền Nam giải phóng 30-4-1975, Thẩm Thúy Hằng tiếp tục đóng phim, diễn kịch hoạt động sân khấu Cách mạng với ngọn lửa đam mê nhiệt tình luôn cháy bỏng. Những bộ phim như: Như thế là tội ác, Ngọn lửa Krông Zung, Hồ sơ một đám cưới, Đám cưới chạy tang, Cho cả ngày mai, Nơi gặp gỡ của tình yêu… với những nhân vật hoá thân là cô Diệp, Hơ Doan, thím Ba Xoay…
Không chỉ thành công trên màn bạc với vai trò là diễn viên, nhà tổ chức mà Thẩm Thủy Hằng còn tỏ rõ tài năng và sự thành công của mình trên sân khấu kịch nói và cải lương.
Nam Yên (còn tiếp)