Tháng cô hồn không nên ăn món gì?
1. Không nên ăn cháo trắng trong tháng cô hồn. Bởi vì cháo trắng được xem là món ăn dành riêng cho các cô hồn dạ quỷ, những vong hồn đói kém lâu năm và là món ăn yêu thích của họ do cháo trắng có thể giúp họ no lâu.
2. Không nên ăn mực trong tháng cô hồn. Vì theo quan niệm của người xưa và niềm tin vào câu tục ngữ “đen như mực”, người ta tin rằng ăn mực vào tháng cô hồn sẽ làm dương khí của người cõi trên bị âm khí áp đảo, khiến khí huyết dễ hư tổn, dễ bị các thế lực tà đạo lấn át.
3. Không nên sử dụng mắm tôm. Vì mắm tôm có một mùi hương “ám ảnh”, mang đến những trải nghiệm về mùi hương không thể nào tệ hơn. Người ta cho rằng mùi hương của mắm tôm mang đến sự hỗn tạp, ô uế và dơ bẩn. Vì vậy, mắm tôm luôn được kiêng kị trước khi đi chùa, trong những buổi lễ trang nghiêm.
4. Không nên ăn trứng vịt lộn. Vì theo quan niệm dân gian, ăn trứng vịt lộn vào tháng cô hồn sẽ đem lại những xui xẻo không đáng có do khi ăn trứng vịt lộn nghĩa là bạn đã ăn một vong linh sắp chào đời. Vì vậy hãy tránh ăn trứng vịt lộn vào tháng cô hồn.
Những điều kiêng kị khi lau dọn bàn thờ
- Không làm đổ vỡ đồ thờ: Đồ thờ cúng được coi là những vật linh thiêng, thể hiện sự trang trọng tôn kính với người thân và tổ tiên đã khuất, nên theo quan niệm dân gian, việc không cẩn thận làm đổ vỡ đồ thờ được cho là điềm gở, gia chủ sẽ gặp chuyện không may.
Đặc biệt là trong tháng cô hồn, ngày Rằm tháng bảy sắp đến thì việc này càng được xem là đại kỵ. Bởi vậy khi lau dọn, gia chủ cần hết sức cẩn thận, nhẹ nhàng để không gây đổ vỡ bất cứ vật gì.
- Hạn chế di chuyển bát hương: Bát hương có ý nghĩa rất quan trọng, được coi là nơi thần linh, tổ tiên và các hương hồn giáng xuống,... là sợi dây vô hình liên kết cõi trần với cõi âm, bởi vậy nên bát hương được đặt ở chính giữa, vị trí trang trọng nhất trên bàn thờ.
Nếu di chuyển bát hương bừa bãi thì có thể khiến sợi dây liên kết này bị đứt, lòng thành của con cháu và người trần sẽ không còn được chứng giám nữa, dễ khiến gia chủ gặp họa, nhất là trong tháng 7 âm lịch này.
- Không lau bài vị của tổ tiên trước bài vị của thần Phật: Người xưa quan niệm như vậy là bất kính, mạo phạm với thần phật, thần phật có ngôi vị cao hơn nên dễ khiến tổ tiên bị chèn ép.
- Không được rút chân hương rồi cầm bát hương đổ hết tro ra ngoài: Theo người xưa như vậy rất dễ gây “tán tài”, nên dùng chiếc thìa nhỏ xúc từng thìa đổ ra ngoài rồi mới rửa sạch bát hương đặt sang một bên.
*Thông tin mang tính tham khảo