Tháng 7 âm lịch hàng năm còn được gọi là “tháng cô hồn” hoặc “mở cửa mả”. Dân gian quan niệm đây là tháng của ma quỷ, đặc biệt là ngày rằm tháng bảy là ngày “xá tội vong nhân” – ngày Diêm Vương mở cửa Quỷ Môn Quan để ma quỷ được tự do trở về dương thế, đó cũng chính là ngày “âm khí xung thiên”.
Nguồn gốc tháng cô hồn
Ở Trung Quốc, nguồn gốc của tháng cô hồn bắt nguồn từ việc Diêm Vương cho mở cửa Quỷ môn quan vào ngày 2/7 hàng năm để quỷ đói được trở lại trần gian rồi đến rằm lại quay về. Chính vì thế mà theo tục lệ dân gian, người trần gian phải cúng cháo, gạo, muối cho quỷ đói để chúng không quấy nhiễu cuộc sống thường ngày. Có những nơi, người ta gọi quỷ đói là “anh em tốt”, “thần cửa sau” để lấy lòng những linh hồn quỷ đói này. Hàng năm, người dân Trung Quốc tiến hành cúng cô hồn vào ngày 14/7 Âm lịch.
Ở Việt Nam, cúng cô hồn là một tín ngưỡng tâm linh truyền thống của người Việt, được truyền từ đời này sang đời khác. Người Việt cho rằng, con người bao gồm hai phần là hồn và xác. Khi con người mất đi nhưng phần hồn vẫn tồn tại, có người thì được đầu thai khiếp khác hay có người thì bị đầy xuống địa ngục, làm quỷ đói quấy nhiễu dương gian. Hàng năm, người Việt cúng cô hồn kéo dài một tháng, tùy thuộc vào từng gia đình, từng vùng miền khác nhau chứ không ấn định riêng một ngày nào. Người dân cũng quan niệm rằng, tháng cô hồn là tháng ma quỷ, không đêm lại may mắn nên hầu hết các công việc cưới hỏi, khởi công xây dựng, mua sắm, đi xa,… đều tránh tháng 7.
Trong tháng 7 Âm lịch hàng năm thì ngoài lễ cúng Cô hồn còn có lễ Vu lan. Lễ Vu lan hay còn gọi là Lễ báo hiếu, là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo. Lễ Vu lan gắn với tích về Mục Kiền Liên, đệ tử của Đức Phật, là một vị tôn giả tu luyện được nhiều phép thần thông. Theo lời Phật dạy, các phật tử muốn báo hiếu cha mẹ thì cử hành lễ Vu Lan để cầu siêu cho các đấng sinh thành và cầu phá địa ngục cho những vong hồn.
Tháng cô hồn và lễ Vu lan không chỉ phổ biến ở Việt Nam, Trung Quốc mà còn ở rất nhiều các quốc gia khác, đặc biệt là các nước Á Đông. Ở Nhật Bản, ngày lễ này được tổ chức vào ngày 7/7 Âm lịch và cả ngày rằm tháng bảy. Ở Đài Loan thì, ngày lễ này được kéo dài cả tháng nhưng thông thường thường tập trung vào ngày 15 của tháng với ba phần khác nhau: đầu tiên là mời các vong hồn, cúng tế cho họ ăn vào ngày 15 và đưa tiễn họ vào ngày 29.
Tháng cô hồn hay tháng “xá tội vong nhân” là một tín ngưỡng dân gian quan trọng và có liên quan tới ma quỷ, tâm linh nên rất được người Việt coi trọng. Ngoài những lễ tiết cúng bái, dân gian ta còn tương truyền cả những điều con người nên làm và không nên làm trong tháng cô hồn để cho cầu mong được bình an, hạnh phúc.
Truyền thuyết về ngạ quỷ
Trong số những cô hồn, ma quỷ hay phá quấy người dân, dân gian xưa thường xuyên nhắc tới ngạ quỷ (quỷ đói). Trong các thuyết Phật giáo, người ta cho rằng, ngạ quỷ là một dạng tái sinh khi con người chết đi, nếu làm nhiều việc tốt, chúng sẽ được đầu thai kiếp khác làm người. Ngược lại, nếu làm điều xấu, tùy theo các mức độ mà chúng sẽ bị đầy xuống địa ngục, nhẹ hơn thì đầu thai làm súc sinh và nhẹ nhất làm ngạ quỷ.
Tín ngưỡng dân gian cũng lưu truyền một sự tích khác về quỷ đói. Tương truyền có một gia đình nọ giàu có nhờ bán nước mía. Một hôm, có một nhà sư tới xin nước mía về để chữa bệnh. Người chồng đi vắng, dặn vợ ở nhà tiếp đãi nhà sư cẩn thận.
Nhưng bà vợ tham lam, keo kiệt đã lén đi tiểu vào bát của nhà sư, sau đó trộn chung với nước mía. Nhà sư tinh thông biết chuyện, đã đổ bát nước đi và bỏ về. Sau này, người vợ chết đi, do tội lỗi của mình nên bị đầu thai thành thứ quỷ luôn luôn đói khát, sống ở nơi bẩn thỉu, nhớp nhúa, gọi là quỷ đói.