Thành tựu điện ảnh Việt: Không chọn phim dự Oscar

13:39, Thứ tư 18/09/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Việc không chọn phim dự Oscar năm nay là không những là điều dễ hiểu mà còn có thể nói là hoạt động rất đáng khen của ngành điện ảnh nước nhà.

Mới đây, theo báo Thanh Niên, Cục Điện ảnh đã gửi công văn tới các hãng phim có phim truyện sản xuất và phát hành trong khoảng thời gian hợp lệ theo quy định của Giải thưởng Oscar vào ngày 14/8. Đến hạn cuối cùng nhận phim (ngày 4/9), chỉ có duy nhất bộ phim Thiên mệnh anh hùng (do Phương Nam Phim, Saiga Film và Thanh Niên Film hợp tác sản xuất) đăng ký tham dự.

Nhưng bộ phim lại không đáp ứng được đúng thời gian phát hành, như quy định của giải thưởng (tức là chiếu buổi đầu tiên tại nước đăng ký tham dự trong thời gian sau ngày 1/10/2012 đến trước ngày 30/9/2013). Thiên mệnh anh hùng đã chiếu buổi đầu tiên vào ngày 16/1/2012 và chiếu phát hành thương mại trong tháng 1 và tháng 2.

Thiên mệnh anh hùng không đủi điều kiện dự Oscar

Việc Việt Nam không có phim dự Oscar đã khiến không ít người bất ngờ bởi từ trước đến nay chúng ta thường rất ưu tiên các hoạt động hội nhập, giao lưu văn hóa. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ vấn đề thì quả thật việc không chọn được phim dự Oscar lại chính lựa chọn sáng suốt, thể hiện khả năng cũng như tầm nhìn của các hãng phim nước ta hiện nay.

Trên thực tế, có lẽ các hãng phim đã có sự tính toán rất kỹ càng khi không sản xuất các phim có sự đầu tư lớn cả về nội dung lẫn nghệ thuật để tham gia các cuộc thi bởi ở việt Nam chỉ cần làm vài phim hài đơn giản, doanh thu phòng vé đã lãi ầm ầm. 

Năm 2012, điện ảnh Việt Nam có tới trên dưới 20 bộ phim ra mắt công chúng. Nhiều tác phẩm được khán giả đón nhận và được kha khá lời khen như Thiên mệnh anh hùng, Scandal (đạo diễn Victor Vũ), Chạm (đạo diễn Nguyễn Đức Minh) hay Dành cho tháng Sáu (đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn). Nhưng thành công nhất về mặt doanh thu lại là một bộ phim hài, bị báo chí đánh giá là nhảm như Hello cô ba.

Hello cô Ba là ví dụ điển hình nhất cho các phim “hài nhảm” – yếu tố gây cười, vui vẻ đặt lên hàng đầu nhưng là kiểu “cù lét” khán giả bằng cách cho nhân vật có những hành động ngu ngốc nhất có thể, sự hốt hoảng, la hét luôn thường trực trên gương mặt từng diễn viên, cộng thêm các màn giả gái của Hoài Linh. Tuy nhiên, một bộ phận khán giả dường như “sốt” lên với bộ phim có sự xuất hiện của Hoài Linh. Theo thống kê sau mùa phim Tết, Hello cô Ba là phim “bội thu” nhất với doanh thu lên tới trên dưới 25 tỷ đồng (theo số liệu nhà sản xuất cung cấp).

Trong khi đó, Thiên mệnh anh hùng – tác phẩm võ hiệp kinh phí lớn – hay Lời nguyền huyết ngải của Bùi Thạc Chuyên dù nhận được một số lời khen nhưng vẫn không “ăn” được phim hài kinh phí thấp của Phước Sang.

Nếu so sánh hai phim Tết ra cùng thời điểm – Thiên mệnh anh hùng và Hello cô Ba – thì hẳn các nhà sản xuất phim cũng phải mệt mỏi suy nghĩ và phân tích. Một phim đầu tư kinh phí lớn với bối cảnh hoành tráng, phục trang phức tạp, các màn đánh võ hấp dẫn, diễn viên đẹp nhưng lỗ; trong khi một phim hời hợt, kinh phí thấp, bối cảnh đơn giản, diễn viên đỡ vất vả và khi ra rạp thì kiếm bộn tiền, lãi suất tăng gấp mấy lần. Nếu vì mục đích thương mại thì hẳn các nhà làm phim biết mình phải đi theo con đường nào.

Hơn nữa, các năm trước chúng ta cũng gửi phim đi thi mà đâu có mang về thành tựu gì như Đừng đốt của đạo diễn Đặng Nhật Minh, Áo lụa Hà Đông của Lưu Huỳnh, Mùa len trâu của Nguyễn Võ Nghiêm Minh, Chuyện của Pao của Ngô Quang Hải... Các năm trước đó, chưa một phim nào lọt vào vòng tuyển chọn, trừ Mùi đu đủ xanh của đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng lọt vào vòng đề cử năm 1994 vì do Les Productions Lazennec của Pháp sản xuất, lấy danh nghĩa Việt Nam để dự giải Oscar.

Việc không chọn được phim dự Oscar cũng phản ánh sự chuyên tâm của Cục Điện ảnh. Suốt một thời gian dài, Cục đã miệt mài chiến đấu chống bạo lực trong phim ảnh  hay bận rộn tìm cách hạn chế những khách không mời chui rào phá hoại văn hóa các chương trình liên hoan phim... bảo vệ hình ảnh trong sạch của điện ảnh trong mắt khán giả nhà. Nếu mọi người định than phiền, chê trách rằng Cục Điện ảnh chưa chú tâm đối ngoại thì hãy khoan, bởi có lẽ Cục cho rằng trước khi phát triển đối ngoại thì cần phải quản nội cho tốt, vì vậy mà mới tập trung sức người, sức của quản lý phim ảnh và lo cho văn hóa nghe nhìn của người dân trong nước.

Từ những phân tích trên có thể kết luận rằng, việc không chọn được phim dự Oscar năm nay là không những là điều dễ hiểu mà còn có thể nói là hoạt động rất đáng khen, nếu không muốn nói là thành tự của điện ảnh Việt Nam 2013.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: