Thất nghiệp nhiều, sao phải cứu bất động sản?

( PHUNUTODAY ) - Thạc sĩ toán học đi bán sim điện thoại, tốt nghiệp quản trị kinh doanh làm ôsin, cử nhân sư phạm chạy bàn quán cà phêhellip; Nguồn nhân lực trình độ cao đang bị lãng phí và bán rẻ khắp nơi

Thạc sĩ toán học đi bán sim điện thoại, tốt nghiệp quản trị kinh doanh làm ôsin, cử nhân sư phạm chạy bàn quán cà phê… Nguồn nhân lực trình độ cao đang bị lãng phí và bán rẻ khắp nơi.
[links()]
Theo một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích chính sách thuộc Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), có 26,2% số cử nhân được khảo sát chưa hoặc không tìm được việc làm. Trong số này, có tới 58,2% không biết xin việc ở đâu, 42% còn lại cho hay bị nhà tuyển dụng từ chối do không đáp ứng được yêu cầu.

Còn tại các tỉnh, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tỉnh Thanh Hóa có gần 25.000 học sinh, sinh viên ra trường chưa xin được việc làm, con số này với Nghệ An là hơn 11.000 người, tỉnh Đồng Tháp 2.000 người... Tình trạng này cũng đang phổ biến tại Đà Nẵng, An Giang, Quảng Nam... Nhiều cử nhân ĐH, thậm chí là thạc sĩ, chua chát nói rằng tấm bằng ĐH đã trở nên vô dụng, chẳng nơi nào nhận.

that-nghiep-phunutoday.vn
Ông Trần Phi Hùng (thị xã Châu Đốc - An Giang) buồn bã với tấm bằng ĐH của con gái ông - chị Trần Thị Mỹ Hạnh - cử nhân quản trị kinh doanh đang thất nghiệp. Ảnh: NLĐ.

Theo Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng, tại mỗi phiên giao dịch việc làm, nhu cầu tuyển dụng dành cho lao động phổ thông chiếm gần 70%, còn cử nhân chỉ dao động ở mức 5%-10%.

Theo Tổng cục thống kê, tính đến thời điểm 1/10/2012, cả nước có 53,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động, tuy nhiên có đến hơn 1,1 triệu lao động thất nghiệp trong cả nước.

Số người thất nghiệp lớn, còn doanh nghiệp cũng thi nhau đóng cửa, ngừng hoạt động. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2013 cho biết, chỉ trong 20 ngày đầu năm (tính từ ngày 1-20/1/2013), cả nước có gần 4.300 doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt  động. Con số này tăng 6,9% so với tháng 12/2012 và tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng thời gian đó, chỉ cso hơn 3.800 doanh nghiệp thành lập mới. Như vậy, so con số thành lập mới và số giải thể, ngừng hoạt động, tính ra, chỉ trong 20 ngày đầu năm đã có thêm 441 doanh nghiệp biến mất khỏi thị trường.

Còn trong năm 2012,  số doanh nghiệp giải thể, phá sản lên tới trên 54.200 đơn vị, tăng 0,5% so với năm 2011.

Trả lời trên báo chí, doanh nhân, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hồng Sơn dẫn con số vốn ngân sách nợ các doanh nghiệp khoảng 97.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 50% tổng nợ xấu, ông Sơn đề nghị cần xác định đầy đủ giá trị mà vốn ngân sách nhà nước đang nợ doanh nghiệp trong xây dựng cơ bản và mua sắm công để có giải pháp giải cứu giúp doanh nghiệp.

Trong khi đó, ở một diễn biến khác, Chính phủ đã đồng ý chi hỗ trợ khoảng 30.000 tỷ đồng để “giải cứu” thì trường bất động sản, thông qua hỗ trợ mua nhà lãi suất thấp, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp bất động sản… Số tiền này dự kiến sẽ bắt đầu được chi từ 15/4 tới.

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, tỷ lệ thất nghiệp lớn như hiện nay sẽ dễ dẫn đến mất ổn định xã hội.

“Cả một thế hệ học sinh, sinh viên ra trường không kiếm được việc làm, thậm chí việc quét dọn, rửa chén cũng đã có người làm rồi. Người nông thôn ra thành thị không kiếm được việc làm nhưng cũng không thể quay về vì ở quê không còn đất để canh tác (thu hồi đất cho các dự án khu công nghiệp mà với tình hình kinh tế như hiện nay thì khó mà phát triển). Xã hội sẽ đi tới chỗ bất ổn định, từ chỗ mất an sinh xã hội sẽ dẫn tới mất an ninh xã hội”, ông Thành nhận định.

  • P.V (tổng hợp)
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn