Thầy dạy Văn… giang hồ và khu vườn ĐH trên nóc nhà

17:15, Thứ sáu 02/03/2012

( PHUNUTODAY ) - Vào nhà “lão gia” mà chưa bịhellip; đuổi ngay từ đầu thì bạn cứ yên tâm rằng cứ thích làm gì thì làm.

Báo chí viết về thầy giáo dạy môn Văn tên Nguyễn Đức Thạch ở xứ gió cát Ninh Thuận không ít. Đây là ông thầy có một không hai ở Việt Nam, ít nhất là trong sự hiểu biết hạn hẹp của người viết. Dạy Văn nhưng cương cường như cái tên rất “đá” của mình. Cần “cứng”, thầy Thạch cứng chẳng thua ai nhưng anh lại sống rất cảm tính, tử tế hết mức với cảm xúc của mình như chính anh thừa nhận.

“Thạch gia trang” cố sự

Ấn tượng của tôi với anh trong lần gặp mặt là một “thằng cha” gầy nhom, áo đóng thùng chỉn chu nhưng màu áo đã ngả sang màu cháo từ lâu, ngồi vắt chéo chân rít thuốc lào sòng sọc.

 Trước cuộc diện kiến, qua vài người quen nên coi như hai bên cũng biết sơ sơ về nhau đôi chút. Hất hàm, anh “phán” ngay sau câu chào của tôi: “Chú mày có cái mặt câng câng, đầu tóc gọt trọc như trai lơ xứ Bắc.

Nói chung là nhìn cũng… cà chớn đó!” Tiếng đồn quả không sai, thầy Thạch “giang hồ” đúng là “khó chơi”, tôi nghĩ thầm.

“Dạ, anh nói vậy em thấy tội nghiệp… mấy thằng cà chớn quá!”- tôi đáp. Anh cười ha hả, cười rung người sau câu trả lời có phần cũng không hiền lành của tôi: “Thằng này coi vậy mà khá!”

Nhà của thầy Thạch cũng thuộc diện không giống ai như gia chủ của nó. Mặt trước là cót ép chắn ngang bức tường với một cái cửa gỗ thuộc diện… có cũng như không vì chỉ cần đạp nhẹ là bung ra. Trên cửa có một tấm bảng xỉn màu ghi ba chữ “Thạch gia trang” trông rất ngộ nghĩnh.

Anh xưng là Thạch lão gia cơ mà, lão gia phải có “gia trang” chớ! Phòng khách cũng là phòng dạy thêm của “lão gia” là một mớ bàn ghế cũ được xếp lại, mấy gốc cây bằng gỗ rẻ tiền nhặt đâu đó làm ghế ngồi tiếp khách kiêm ghế hút thuốc lào với cái ống điếu cũ xì.

d
Thạch Lão gia


“Lão gia” có khác, nước giải khát duy nhất mà thầy Thạch dùng là nước chè, chè Thái Nguyên loại một hẳn hoi.

Nhưng ngoài mấy thứ đó hầu như thầy Thạch chẳng có gì đáng giá ngoài một cái máy vi tính để bàn cũ kỹ với phương châm còn chạy là còn tốt dù nhiều lúc máy chạy rất… tậm tịt, có lúc khởi động ba bốn lần mới lên. Từ trước đến sau nhà của “lão gia” trống trơn, gió Ninh Thuận  thổi lồng lộng.

Ninh Thuận buổi tối và sáng sớm khá lạnh nhưng Thạch “lão gia” không mặc áo khoác bao giờ. Vóc người nhỏ thó nhưng chắc trời thương nên anh chả bệnh bao giờ. Kiếm áo khoác và thuốc men trong nhà anh thì tóm lại trong một câu ngắn gọn: “Quên đi!”

“Lão gia” giang hồ là vậy nên sự ăn, sự ngủ cũng khác hẳn người thường. Nhà có duy nhất một cái gối, một cái nệm nhỏ thuộc loại cũ kỹ vô cùng tận (bao lâu giặt một lần tôi chẳng rõ). Chăn “lão gia” đắp còn đặc biệt hơn, đó là những tấm rèm cửa xỉn màu chắp vá (thời gian chờ giặt tin chắc chỉ khá hơn cái nệm tí chút).

Vào nhà “lão gia” mà chưa bị… đuổi ngay từ đầu thì bạn cứ yên tâm rằng cứ thích làm gì thì làm. Sau mười lăm phút tán hươu tán vượn với “lão gia”, thú thật tôi chẳng biết tôi hay Nguyễn Đức Thạch mới là chủ của “gia trang” đặc biệt ấy. Chẳng bao giờ “lão gia” hỏi đi đâu, làm gì, muốn gì cả.

d
        Chân dung “Thạch lão gia”


Muốn đi thì xe máy để sẵn đấy, muốn ăn thì cứ ra quán (nhà “lão gia” không có khái niệm trữ đồ ăn và rất rất ít nấu nướng), muốn nhậu thì kiếm rượu, kiếm mồi về để “lão gia” nhấp môi mấy cái cho có lệ vì tửu lượng của “trang chủ” thuộc vào nhóm bét hạng.

An Bần- Lạc Đạo

Người xưa nói: Tri túc (biết đủ) với hàm nghĩa minh triết sâu xa. Cái đủ của “lão gia” tên Thạch càng làm tôi bội phục. Theo tìm hiểu của tôi, toàn bộ gia sản được “lão gia” trân trọng, gìn giữ, chăm chút nhiều nhất không nằm trong nhà mà… trên nóc nhà- một cái vườn rộng 20m2 với đủ loại cây.

“Lão gia” gọi đó là vườn… Đại học. Những lứa học trò của anh thi đỗ Đại học và thành đạt rất nhiều, mỗi đứa tặng anh một loại cây làm kỷ niệm, nên anh đặt tên cho khu vườn nhỏ của mình như thế.

Cảm nhận về khu vườn đặc biệt của mình, một học trò của anh đã viết:“Hình như mọi thứ trên đời bị cho là quái gở, nếu chịu khó tìm hiểu kỹ càng sẽ thấy nó hợp lý và thú vị vô cùng.

Cái mảnh vườn bơ vơ, lơ lững giữa khu phố giáo viên hiện đại xi măng cốt thép ấy cũng bắt đầu từ sự quái gở hợp lý ấy. Lúc trước nó cũng có một mảnh đất đàng hoàng, nhưng rồi cũng phải nhường cho các công trình kiến trúc rặt xi măng cốt thép.

Cái gió nắng đã gắn liền với tên gọi xứ sở, ở trên sân thượng Vườn Đại học lại càng phải chịu cái khắc nghiệt của thiên nhiên nhiều hơn. Ban trưa, vòng theo cái cầu thang xoáy từ phòng khách Thạch Gia Trang lên tới cánh cửa ra vườn, cái nóng đã tát ngay vào mặt muốn lảo đảo.

 Nền gốm Phù Lãng cũng không chịu nổi đã bao phen rộp lên nứt nẻ. Còn cái gió, thứ gió này gần đây đã được người ta cho là "thiên nhiên ưu đãi" bởi nhiều dự án “Phong điện”, thì tợn hơn. Nó làm vườn cây hơn trăm chậu đôi khi không thấy lá.

Chịu khổ đến thế, nhưng nhờ sự chăm sóc, lo âu chu đáo của chủ mảnh vườn cũng đem lại một sự hãnh diện về tinh thần.

Mỗi cây ở đây đều mang một sự tích, nếu không đủ là sự tích thì ít nhất nó cũng nhắc nhớ về một đứa học trò từng hiện diện ở Thạch Gia Trang. Thầy thì thường gọi những chậu cây ấy là "cây bổn mạng", đứa nào đậu đại học thì đóng góp một cây.

Cũng có đứa thì bị bắt đem cây tới rồi lo mà kiếm cái thẻ sinh viên đại học. Ấy thế nên mỗi lần đứa nào lỡ táy máy làm cây nào xây xát, thì khổ cho đứa đó. Thầy mình chửi thì cũng kinh hoàng lắm lắm".

Một học trò khác của “lão gia” kể lại: “Năm đó Ninh Thuận mưa bão rầm trời, thầy Thạch gọi điện vô Sài Gòn khoe đã cùng mấy đứa học trò ở quê chằng hết khu vườn lại rồi, không lo gió nữa.

Không biết có duy tâm không chứ nghe kể lại hồi xưa có lần một chậu cây tự nhiên héo úa và sắp chết khô đến nơi khiến “Thạch lão gia” lo lắng không yên. Anh đi tìm đứa học trò ấy cho bằng được.

Và nó khóc với thầy Thạch, kể rằng mình túng bấn quá rồi, sắp đi… ăn cướp. Mọi chuyện rồi cũng bình yên nhưng “sóng gió” từ lần linh cảm đầy duy tâm ấy khiến “vườn Đại học” của thầy Thạch càng quan trọng hơn với anh. Nó là kỷ niệm, là tấm lòng, là phần hồn của bao nhiêu năm đi “đưa đò đời”.

Nguyễn Đức Thạch
Nguyễn Đức Thạch


Trong căn phòng của mình, “lão gia” treo hai chữ: An Bần- Lạc Đạo. Liệu đó có phải là sự lạc thú tinh thần đầy thú vị và… nghèo trong cuộc sống ngày càng xô bồ hôm nay chăng?
Mong ước của “đá”

Đi và khám phá là mong ước lớn nhất của “lão gia” bây giờ. Anh đã dìu dắt biết bao nhiêu học trò và cũng có mong ước “gác kiếm” vì thấy… nản. Theo tìm hiểu của người viết, ông thầy nhiều lần đưa học trò dự thi Đường lên đỉnh Olympia này cũng nhiều lần cay đắng với nghề lắm.

Từng dẫn nhiều học trò đi thi đạt thành tích cao thì người khác nhận công, hưởng quà mà đâu ai biết cả thầy lẫn trò đều tự bỏ tiền túi ra Hà Nội đi thi, không một lời động viên, chẳng một chút hỗ trợ.

Nếu không vì cha mẹ (cũng là những giáo viên nổi tiếng Ninh Thuận mấy chục năm nay) thì anh đã bỏ nghề giáo để “đi bụi” cho thỏa chí tang bồng rồi.

 “Lão gia” tâm sự: “Cha mẹ đều là nhà giáo và trụ với nghề, nuôi ba đứa con trong những năm tháng khó khăn nhất nên mình bỏ nghề thì sẽ sốc và thất vọng lắm".

Mỗi năm Tết đến, “lão gia” lại ôm con heo đất của mình kêu gọi đám học trò hảo tâm “nuôi” nó. Cuộc “mổ heo” diễn ra trong sự chứng kiến của nhiều người và toàn bộ số tiền đó được dành để giúp đỡ những đứa học trò nghèo, đó cũng là một câu chuyện hay về Thạch gia trang.

Nhưng tôi biết “lão gia” buồn. Anh tâm sự rằng cách quan tâm đến nhau của những đứa học trò bây giờ cũng khác ngày xưa.

Ngày xưa nghèo, lá rách đùm lá nát; ngày nay khá hơn, nhiều khi người ta chỉ coi tình thầy trò, đồng môn như một quan hệ thông thường… “Lứa trước, lứa sau học trò tao không còn yêu thương được như hồi xưa.

Giờ chỉ còn mấy đứa cố cựu…”- một người lúc nào cũng thản nhiên như “lão gia” mà cũng có lúc ngậm ngùi thừa nhận với tôi như vậy.

Kế hoạch của ông thầy đặc biệt này là dành mùa hè để rong ruổi khắp nơi bằng xe máy, đến khi về già thì chuyển qua đi xe khách thăm lại những chỗ bạn bè tứ xứ khắp ba miền.

“Năm nay ta đi chơi cho xong Tây Bắc, năm tới sẽ là trung du Bắc Bộ và đồng bằng Bắc Bộ. Đi đến 50 tuổi thì sẽ giảm mật độ lại cho vừa sức, lúc đó đi xe khách cho khỏe.”- thầy Thạch hò hởi khoe như con nít.

Sẽ chẳng có gì đáng nói thêm nếu “lão gia” không “năn nỉ” tôi đi cùng chuyến Tây Bắc vì nghe nói tôi biết vùng này. Ừ thì đi, để biết đâu khi về còn có chuyện kể lại cho mọi người nghe về thầy Thạch “giang hồ” đã từng sát xế, chung yên xe với mình nữa chớ.
 

                                        Chân dung “Thạch lão gia”

Họ tên: Nguyễn Đức Thạch

Ngày sinh : 24 - 04 - 1969

Quê quán : Hà Tĩnh

Tốt nghiệp khoa Ngữ văn - ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP HỒ CHÍ MINH năm 1991


- 1991 - 1998 : Dạy học tại trường THPT Nguyễn Trãi - Phan Rang - Ninh Thuận

- 1998 đến nay : dạy học tại trường THPT Chu Văn An - Phan Rang - Ninh Thuận

- Thành lập THẠCH GIA TRANG - 188/23 Thống Nhất - Phan Rang : 16 - 04 - 1995

- Thành lập bút nhóm Vườn nho - trường THPT Nguyễn Trãi : 12 - 1993

Giai phẩm đã xuất bản :

- Quả đầu mùa ( 03 - 1994 )

- Tiếng ve ( 05 -1994 )

- Tái lập bút nhóm Vườn nho - trường THPT Chu Văn An : 09 - 1998

Giai phẩm đã xuất bản

- Mái trường yêu dấu ( 11 - 1998 )

- Thời hoa đỏ ( 03 -1999 )

- Bài thơ áo trắng ( 11 - 1999 )

 

PV
[links()]

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc