Theo trang Bored Panda đưa tin, thí nghiệm này nằm trong chiến dịch nâng cao ý thức cộng đồng nhân “ngày chống lại sự bắt nạt”, ngày 4/5 tại Trung Đông. Thí nghiệm được tiến hành tại một trường trung học, với sự giúp sức của hàng nghìn học sinh.
IKEA đã chọn trong số các sản phẩm của mình hai cây thiết mộc lan khỏe mạnh đồng đều để tham gia thí nghiệm. Cả hai đều được đặt ở sảnh của trường học, nơi các học sinh dễ dàng đến để thực hiện thí nghiệm. Trong vòng 30 ngày, người ta cho một cây thiết mộc lan nghe những lời khen ngợi, động viên tinh thần từ các học sinh của trường. Trong khi đó, cây còn lại nghe những lời chế giễu, hận thù. Nói cách khác nó sẽ bị các học sinh trong trường “bắt nạt” và miệt thị bằng lời nói.
Cả hai cây được chăm sóc với những điều kiện hoàn toàn giống nhau: Người ta tưới cho cả hai cùng một lượng nước mỗi ngày. Chúng được tiếp xúc với cùng một cường độ ánh sáng mặt trời và lượng phân bón đều nhau. Điều khác biệt duy nhất mà hai cây thiết mộc lan này nhận được là những tương tác của các học sinh: Một luôn được nhận những lời yêu thương, một luôn phải lắng nghe sự hằn học. Sau 30 ngày, dáng vẻ bề ngoài của những cái cây đã giúp IKEA nói lên trọn vẹn những điều họ muốn gửi gắm.
Các học sinh được khuyến khích ghi âm lại lời nói của mình để bày tỏ tình yêu thương với cây đầu tiên và đưa ra những lời chỉ trích với cây thứ hai. Sau 30 ngày, kết quả của thí nghiệm đã tự nói lên rất nhiều điều. Cây được nhận những lời khen tặng, động viên và yêu thương tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Trong khi đó, cây nhận được những lời chỉ trích, miệt thị phát triển khó khăn, mang dáng vẻ u buồn với những chiếc lá chuyển màu ủ rũ.
Điều này cũng giống như tác hại khi chúng ta miệt thị người khác, nhất là với trẻ em. Đây là những câu nói miệt thị nhất định bố mẹ không được nói với con:
Mày không phải con tao, con tao không có ngữ nào ngu dốt như mày.
Đã có rất nhiều bố mẹ chỉ vì con đứng nhì lớp, chỉ sau một bạn mà tất cả những câu chửi cay độc có thế tuôn ra, đòn roi bầm dập trên người, cơm không lành canh không ngọt tận mấy tuần lễ. Người lớn có vẻ càng ngày càng yêu cầu quá cao ở trẻ con. Có những câu nói sẽ làm tổn thương tâm hồn con người cả đời, có trôi qua cả đời cũng sẽ không bao giờ quên được. Ám ảnh và sợ hãi đó là những gì lời nói gây ra, vết thương đòn roi rồi cũng mau chóng hết, nhưng vết thương tâm hồn cứ âm ỉ mãi chẳng bao giờ lành.
Loại như mày thì làm nên trò trống gì?
Bất kể con cái làm việc gì hỏng thì bố mẹ cũng không nên tuôn ra những câu như thế. Người lớn có biết những câu nói như thế sẽ ảnh hưởng thế nào đến sự tự tin của trẻ không? Có biết sau này mỗi lần làm việc gì trẻ cũng không còn tự tin, thoải mái làm như trước không?
Mày đi đâu cho khuất mắt tao thì đi.
Có lẽ vì câu nói này mà tình trạng thiếu niên bỏ nhà đi bụi hiện nay tăng lên nhanh chóng chăng?
Mày không làm thì ai vào đây nữa, tất cả là lỗi của mày, đừng có mà chối.
Rất nhiều bố mẹ mọi việc chưa rõ ràng, đã quy hết mọi tỗi lỗi cho con. Cũng có trường hợp đứa con đó là anh chị trong nhà, và bố mẹ mặc định rằng làm anh chị thì phải nhường em. Hoặc nhà có một đứa con trai nên đứa con gái thường phải lãnh hết phần tội lỗi gây ra trong nhà. Những đứa con như vậy rất đáng thương, không có ai hiểu, không ai thông cảm, không thể tâm sự hay trút nỗi niềm với ai.
Người lớn nói gì cũng không được cãi, có nói sai thì cũng là người đẻ ra mày
Chúng ta luôn tự cho rằng chúng ta có tất cả mọi quyền trên đời này, mà quên rằng trẻ con cũng là người, mà đã là người thì phải có quyền nói lên tiếng nói của mình, có quyền giải bày nỗi oan ức. Nếu người lớn làm như vậy, vậy sau này chúng ta già đi, bọn trẻ lại lớn lên, lúc đó chúng cũng lại không nghe chúng ta nói, không nghe chúng ta giải thích, thì lúc đó chúng ta không nên trách chúng mà hãy nên trách bản thân mình đã không công bằng từ lúc nhỏ với chúng.
Trời ơi, nhìn con người ta kìa, mày đã được bằng một góc của nó chưa, sao tao lại đẻ ra một đứa vô dụng như mày nhỉ?
So sánh không bao giờ là một giải pháp tốt để giáo dục trẻ, một cuộc đời suốt đời ganh đua, đố kỵ sẽ không bao giờ làm người ta hạnh phúc, bởi làm sao có thể giỏi nhất được, người giỏi có người giỏi hơn, núi cao lại có núi cao hơn. Nên đừng bao giờ so sánh trẻ với người khác.